Nguyên Nhân Của Sự Lẫn Lộn Này
Thực sự, một số người người không nắm bắt được bí quyết của thiền vì họ không chiếu cố đến bài Kinh Đại Niệm Xứ một cách nghiêm túc. Có thể nói lời dạy của Đức Phật khá đơn giản và chỉ thẳng nhưng họ lại nhập nhằng lời dạy ấy với giáo lý Abhidhamma (Vi-diệu-pháp) và các bản chú giải, và đây chính là sự lẫn lộn của họ. Trong Kinh Đại Niệm Xứ Đức Phật nói, Kāye kāyanupassi vihārati… “Hãy (sống) quán thân trên thân…” có nghĩa là người hành thiền phải tập trung tâm mình trên những thành phần của thân và các oai nghi của nó. Thiền trên các thành phần của thân được mô tả đầy đủ trong pháp môn thiền trên ba mươi hai thể trược như tóc, lông, móng,… Quan sát tóc, lông,…như những vật bất tịnh chắc chắn nằm trong pháp hành niệm thân. Lại nữa thiền trên các tư thế hay oai nghi của thân được Đức Phật mô tả trong Gacchanto vā ‘ gacchāmī ’ ti pajānāti… “Khi đi người hành thiền biết rằng mình đang đi,” …
Kinh nói một cách giản dị rằng khi đi chúng ta phải có chánh niệm về sự đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, …cũng vậy, chúng ta phải có chánh niệm về chúng. Nếu chúng ta không quan sát sự hoạt động của thân vào lúc nó xảy ra, chúng ta có khuynh hướng xem nó là thường, lạc và hữu ngã. Nhưng nhờ quan sát mọi hình thức của hoạt động ấy chúng ta sẽ biết được tính chất vô thường, khổ, vô ngã của chúng và sự hay biết này giúp chúng ta thoát khỏi mọi chấp trước. Vì vậy, Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết của chánh niệm trong mọi lúc mọi nơi. Ở đây hoạt động của thân vốn là đối tượng của sự chú tâm bao gồm sự phồng và xẹp của bụng. Tình trạng căng cứng và sự chuyển động ở khoảnh khắc phồng và xẹp tạo thành thân phong đại (vāyokāya), sự quan sát và hay biết (hiện tượng ấy) có nghĩa là tuỳ quán (anupassanā), cũng vậy quan sát và hay biết sự phồng và xẹp là tuỳ quán thân hay quán thân (kāyānupassanā).