Năm Uẩn Hoạt Động
Năm uẩn trở nên hoạt hoá khi có sự tiếp xúc giữa các căn và trần cảnh tương ứng của chúng. Khi bất kỳ một đối tượng nào được thấy, con mắt cùng với toàn thân cộng với cảnh sắc tạo thành sắc (rūpa), cảm giác dễ chịu hay khó chịu vào lúc thấy là thọ (vedanā), nhận ra đối tượng là tưởng (saññā), chú ý đến đối tượng hay vận dụng nỗ lực để thấy tiêu biểu cho các hành (saṅkhāras) và sự hay biết đối tượng là thức (viññāṇa). Bất cứ khi nào chúng ta thấy, chỉ có năm uẩn này xảy ra, không có tự ngã nào ngoài nó. Tuy nhiên, người ta thường đồng nhất mỗi trong năm uẩn liên quan đến sự kiện thấy này với tự ngã (atta) của họ. Khi một người thấy chính mình họ xem cảnh sắc ấy như tự ngã của họ và khi họ thấy một hữu tình nào đó, họ xem nó như tự ngã của người ấy. Như vậy chính ngã kiến ăn rễ sâu xa trong khuynh hướng của con người này khiến cho họ đồng nhất năm uẩn với tự ngã vào sát-na thấy.
Cũng vậy, năm uẩn hoạt động khi chúng ta nghe hay khi chúng ta ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ. Lại nữa, ảo tưởng về tự ngã của chúng ta còn xuất phát từ khuynh hướng xem các uẩn như một ngã thể. Hầu hết những người bì nh thường đều nằm dưới ảnh hưởng của ngã kiến mà nguồn gốc của nó là ở tâm vì họ thường đồng nhất tự ngã của họ với những hoạt động tâm lý và những cảm xúc của họ, chẳng hạn hạnh phúc, khổ đau, cảm nhận, ký ức, nhận thức, ý định, nỗ lực, v.v…