Một Kiến Chấp Rất Kinh Khủng
Quan kiến sai lầm này là một trong mười ác hạnh (duccarita) và nó được mô tả như quan kiến dẫn đến các hành ác. Ác hạnh định hướng cho quan kiến này là một trong ba loại, đó là, phi hữu kiến hay hư vô kiến (natthika diṭṭhi, 非有見, 虚無 見), vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi, 無因見), và vô hành kiến, hay phi tác nghiệp kiến (akiriya-diṭṭhi 非作業見). Pūraṇakassapa, một trong sáu ngoại đạo sư nổi bật trong thời Đức Phật đã tuyên bố rằng không có nghiệp nào tạo ra quả thiện hoặc ác cả. Quan kiến này được gọi là phi tác nghiệp kiến (akiriya-diṭṭhi 非作業見), theo đó quan kiến này phủ nhận tác nhân nhân quả của nghiệp. Một ngoại đạo sư khác, Ajita, nói rằng không có quả của hành động thiện hoặc ác vì lẽ cái chết đã huỷ diệt mọi người. Quan kiến bác bỏ quả của nghiệp này được gọi là phi hữu kiến hay hư vô kiến (natthika diṭṭhi, 非有見, 虚無 見). Một ngoại đạo sư khác nữa, đó là Makkhaligosāla, dạy rằng không có nguyên nhân đạo đức khiến cho một người hạnh phúc hay bất hạnh bởi vì hạnh phúc hay bất hạnh của một người đã được tiền định không thể lay chuyển được. Quan niệm được gọi là vô nhân kiến (ahetuka-diṭṭhi, 無因見) này bác bỏ nghiệp, trên cả hai phương diện nhân lẫn quả. Mặc dù hai quan điểm kia trong sự phản bác về nghiệp của chúng có hơi khác, song chủ yếu chúng cũng chỉ là một vì sự phủ nhận nhân cũng hàm ý phủ nhận quả và ngược lại. Vì thế cả ba quan điểm này đều sai ở chỗ chúng bác bỏ nghiệp và quả của nghiệp. Một sự cố chấp vào bất kỳ quan niệm nào trong ba quan niệm ấy sẽ chất chứa những hậu quả nghiêm trọng. Người chủ trương nó kể như đã phủ nhận những tiến bộ tâm linh bởi vì họ không bỏ ra chút nỗ lực nào cho nó. Sau khi chết họ không thể đạt đến cõi trời mà chắc chắn sẽ rơi xuống các cõi thấp. Theo các bản chú giải, bao lâu người ấy còn chấp vào quan kiến này người ấy sẽ không thoát khỏi địa ngục. Nó có thể được xem như ác nhất trong tất cả các điều ác, và nghiêm trọng nhất trong các loại tà kiến. Ngay cả nếu sự từ bỏ tà kiến này có giải thoát họ khỏi địa ngục, họ vẫn có thể phải rơi vào ngạ quỷ giới hoặc súc sanh giới nếu nghiệp của họ không đủ tốt để bảo đảm cho sự tái sanh lại làm người. Vì thế niềm tin sai lạc này quả thực là đáng sợ.
Trong Kinh Đoạn Giảm Đức Phật dạy hàng đệ tử phải loại bỏ tà kiến này như sau:
“Những người khác có thể tin rằng không có nghiệp và quả của nghiệp. Nhưng chúng ta sẽ giữ vững chánh kiến (tin) có nghiệp và quả của nghiệp. Chúng ta sẽ thực hành Pháp Đoạn Giảm để làm giảm các phiền não như vậy.”
Chánh kiến dẫn đến thiện hạnh (những hành động thiện) được gọi là chánh kiến về nghiệp sở hữu (kammassakata sammādiṭṭhi, 業隨身性, 業所有, nghiệp tuỳ thân tánh hay nghiệp sở hữu). Theo quan niệm này, chúng ta chỉ có nghiệp là tài sản của chúng ta. Những thiện nghiệp đem lại lợi ích và những ác nghiệp làm tổn hại đến lợi ích của chúng ta. Quan niệm này rất quan trọng vì nó tạo thành nền tảng cho tất cả mọi thiện nghiệp. Chỉ có chánh kiến này mới làm cho chúng ta biết tránh điều ác, làm điều thiện và đưa đến tài sản cõi trời hay tài sản cõi người nhờ thực hành bố thí, giữ giới, và tu thiền (bhāvanā). Hay nó cũng có thể dẫn đến sự chứng đắc các thánh đạo và thánh quả nhờ thực hành minh sát. Vì vậy giữ vững chánh kiến này là điều rất quan trọng. Tất nhiên, đối với những người được sanh ra trong gia đình có cha mẹ là người Phật tử tín tâm và thừa hưởng được đức tin chân chánh vô giá này ngay từ thời thơ ấu thì không cần phải bỏ nỗ lực ra để có nó. Họ chỉ cần bảo vệ và củng cố nó cho vững chắc bằng thực hành thiền quán đúng đắn mà thôi.