Lòng Biết Ơn Của Xá-Lợi-Phất
Thời Đức Phật có một người bà-la-môn già không nơi nương tựa sống trong một ngôi chùa, chăm lo những nhu cầu của các vị Tỳ-kheo. Các vị sư rất tử tế với ông nhưng vì ông quá già nên không vị nào muốn làm thầy tế độ (upajjhāya) để xuất gia cho ông. Ông cảm thấy chán nản và cùng đường vì bị từ chối nhận vào Tăng Đoàn như vậy. Tuy nhiên Đức Phật biết tiềm năng có thể đắc A-la-hán thánh quả của ông nên ngài đã triệu tập các vị Tỳ-kheo lại và hỏi xem có ai đã từng nhớ ơn người bà-la-môn này. Lúc đó Trưởng-lão Xá-lợi-phất nói với Đức Phật rằng ngài nhớ ơn người bà-la-môn này vì có lần ông đã cúng dường cho ngài một muỗng cơm khi ngài đi khất thực trong kinh thành Rājagaha. Đức Phật liền nói, “Này Xá-lợi-phất! giúp một ân nhân như vậy đạt đến giải thoát chẳng phải là điều thích hợp cho ông sao?”
Trưởng-lão Xá-lợi-phất hứa sẽ xuất gia cho ông bà-la-môn và không lâu sau đó ông bà-la-môn này trở thành một vị Tỳ-kheo. Theo lời khuyên của Trưởng-lão Xá-lợi-phất, vị Tỳ-kheo đã thực hành pháp và chỉ trong vài ngày ông đắc A-la-hán thánh quả. Sau đó, Đức Phật đã hỏi vị đại đệ tử này xem Rādha (tên của người bà-la-môn) có dễ dạy hay không. “Bạch Đức Thế Tôn, ông rất dễ dạy.” “Vậy ông có thể chấp nhận được bao nhiêu người đệ tử dễ dạy như vậy?” “Những người đệ tử như vậy con sẽ chấp nhận nhiều bao nhiêu cũng được, bạch Đức Thế Tôn,” Trưởng-lão Xá-lợi-phất trả lời.
Ở đây chúng ta thấy ý thức biết ơn của Trưởng-lão Xá-lợi-phất, ngay cả đối với một muỗng cơm, quả thật là một tấm gương đáng cho chúng ta noi theo và tính dễ dạy của vị sư già Rādha cũng vậy. Chúng ta nên xua tan thói vô ơn và luôn luôn tri ân những người đã từng thi ân đến chúng ta.