Jhāna Trong Thiền Minh Sát (Vipassanā)
Thiền minh sát (vipassanā) và Jhāna có chung một số đặc điểm. Khi việc thực hành chánh niệm được khéo thiết lập ở giai đoạn khám phá (sammasanañāṇa, 思惟智 Tư Duy Trí hay Trí Thẩm Sát Tam Tướng) có tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha) và định (samādhi). Như vậy, khi người hành thiền quán bất kỳ hiện tượng nào, thiền minh sát của vị ấy hơi giống như sơ thiền với năm đặc tính hay năm thiền chi của nó.
Khi người hành thiền có được minh sát trí về sự sanh và diệt của mọi hiện tượng, vị ấy chỉ hay biết đơn thuần về một đối tượng đang sanh không có sự nghĩ tưởng hay tác ý nào khác. Lúc đó, hỷ, lạc và sự tĩnh lặng của vị ấy rất mạnh. Như vậy thiền của vị ấy hơi giống như nhị thiền với những thuộc tính hỷ, lạc và định của nó.
Sự biến mất của ánh sáng, v.v… (các tuỳ phiền não của minh sát, upakkilesa) đánh dấu một sự tiến bộ trong minh sát trí về sự sanh và diệt của các hiện tượng. Lúc đó không có hỷ nhưng lạc rất mãnh liệt. Tâm tĩnh lặng và thoát khỏi những sự phân tán. Người hành thiền có được lạc và định là những đặc tính của tam thiền.
Những cấp độ minh sát trí cao hơn như “Hoại Diệt Trí” (bhaṅgañāṇa) ở đây người hành thiền chỉ thấy sự diệt thường không liên quan gì đến hỷ. Chúng được biểu thị đặc tính bằng xả và nhất tâm. Xả đặc biêt được cảm nhận mạnh mẽ trong Hành xả trí (saṅkhārupekkhāñāṇa). Ở giai đoạn này thiền minh sát hơi giống tứ thiền với hai thuộc tính xả và nhất tâm của nó.
Lại nữa, thỉnh thoảng toàn thân người hành thiền có vẻ như biến mất, tạo cho vị ấy cái ấn tượng đang sống trong hư không. Vào lúc đó vị ấy giống như một người đã an trú trong thiền không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana jhāna). Những lúc khác, sự tác ý đặc biệt gắn chặt trên tâm và lúc đó trạng thái tâm của người hành thiền giống như thức vô biên xứ thiền (viññāṇañcāyatana jhāna). Thỉnh thoảng, dường như thể người hành thiền đang quán hư vô, một trạng thái hơi giống như vô sở hữu xứ thiền (ākiñcaññāyatana jhāna). Và đôi khi tâm ở trạng thái mơ hồ đến nỗi nó trở nên như không-hiện hữu, một trạng thái gần giống như phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền (nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna) vậy.
Những đặc tính mà thiền minh sát có chung với thiền định này luôn dẫn đến sự tự mãn vốn là một chướng ngại cho sự tiến bộ tâm linh. Vì thế, trong thiền điều cần thiết là phải ghi nhận những kinh nghiệp bất thường hay phi thường này và loại bỏ nó.
Trong Kinh Đoạn Giảm, sau khi đã chỉ ra những đặc điểm sai lầm của jhāna (thiền định), Đức Phật tiếp tục giải thích rõ việc thực hành đoạn giảm, một pháp môn đã được ngài trù liệu để đoạn trừ phiền não.