Hôn Trầm Tự Nhiên
Giải Thoát Đạo (Vimuttimagga) đề cập ba loại hôn trầm theo các nguyên nhân của chúng, đó là, do các yếu tố tâm lý, thời tiết nóng bức và ăn uống quá no. Bộ luận này nói rằng chỉ hôn trầm tâm lý mới được xem là một triền cái hay phiền não còn các loại hôn trầm khác không thể gọi là triền cái bởi vì ngay cả các vị A-la-hán cũng không thoát khỏi chúng. Quan niệm này không được chấp nhận trong Thanh Tịnh Đạo và chú giải Aṭṭhasālinī. Tuy nhiên hôn trầm tự nhiên do khí hậu và thức ăn cũng được đề cập trong Mi-Tiên Vấn Đáp (“Milindapañha”) và Petakopadesa. Như vậy thuyết hôn trầm tự nhiên được ba tác phẩm cổ ở Ấn Độ đưa ra và bị các bản chú giải Sinhalese, nhất là Thanh Tịnh Đạo bác bỏ. Do đó chúng tôi cho rằng nguồn gốc tự nhiên của hôn trầm đã được các vị Tỳ-kheo Ấn Độ chấp nhận. Và thuyết này là hợp lý bởi vì kinh nói rằng ngay cả Đức Phật cũng ngủ ngày khi thời tiết quá nóng bức.
Vì thế từ hôn trầm thuỵ miên (thīnamiddha) được giới hạn vào trạng thái lười nhác, uể oải hay lịm ngủ quấy nhiễu chúng ta trong khi đang làm những thiện sự hay khi hành thiền. Sẽ được gọi là hôn trầm thuỵ miên nếu đó là tình trạng uể oải, biếng nhác ngăn không cho chúng ta nghe pháp hay ngăn không cho chúng ta hành thiền. Loại hôn trầm thuỵ miên này phải được loại trừ sau khi suy xét đúng. Đặc biệt tình trạng lười nhác, thiếu sinh động hay ngủ gà ngủ gật trong lúc bạn đang quan sát các đối tượng giác quan lúc thiền là hôn trầm thuỵ miên. Tình trạng này phải được quan sát và xua tan.
Theo lời dạy của Đức Phật, người hành thiền nên quyết chí vượt qua hôn trầm thuỵ miên. Vị ấy phải quan sát một cách thận trọng và tập trung tâm trên sự xúc chạm giữa thức và đối tượng quan sát. Theo cách này không bao lâu vị ấy sẽ có được định. Định là nền tảng để phát triển minh sát bởi vì khi tâm có định nó gắn chặt được trên đối tượng của sự shú ý. Lúc đó không có hôn trầm, không có triền cái (chướng ngại). Tâm quan sát hoàn toàn trong sạch và đây gọi là thanh tịnh tâm (cittavisuddhi, tâm tịnh, giai đoạn thanh tịnh thứ hai trong thất tịnh). Giống như khi ban đêm, nhìn vào bóng tối bạn sẽ không thấy gì rõ cả nhưng khi bạn bật chiếc đèn pin lên, tất cả mọi vật nằm trong tiêu điểm của ánh sáng sẽ trở nên hiển hiện rõ ràng. Định cũng tựa như ánh sáng đèn pin. Tất cả mọi hiện tượng mà bạn tập trung tâm mình vào sẽ trở nên rõ ràng như vậy.
Khi bạn quan sát sự phồng và xẹp, bạn trở nên ý thức rõ ràng về sự phồng, xẹp và tính chất cứng của bụng. Cũng có thể nói như vậy đối với sự co, duỗi, nhấc dở,… của chân bạn. Người hành thiền biết tính chất cứng và chuyển động một cách rõ ràng; mỗi sát na quan sát tâm cũng được nhận thức rõ ràng như thể nó đang di chuyển về phía đối tượng của sự chú ý. Và kể từ đây, tuệ phân biệt danh sắc (nāmarūpaparicchedāñāṇa) đã phát sanh, nghiã là, hành giả có sự phân biệt giữa danh và sắc cũng như sự hình thành của các cặp tâm quan sát và sắc được quan sát.
Ở một phần sau chúng tôi sẽ nói thêm về sự liên hệ giữa định (samādhi) và minh sát.