Giống Như Người Chăn Bò
Đức Phật tán dương vị Tỳ-kheo ở rừng chứ không tán dương vị pháp sư. Điều này tất nhiên không làm hài lòng những đệ tử của vị pháp sư. Ngay sau đó Đức Phật tuyên bố, “Dù một người có thể thuyết pháp, hay giảng giải về sự an lạc và hạnh phúc của con người, nhưng nếu người ấy không thực hành, người ấy cũng không thoát khỏi những phiền não; người ấy không thể đạt đến một thánh đạo nào. Và như vậy người ấy chẳng khác gì một người chăn bò kiếm sống bằng cách đếm bò và giữ bò cho người khác.”
Chúng ta biết người chăn bò phải chăm sóc đàn bò và cuối ngày giao nó lại cho chủ. Anh ta làm công việc chỉ để lấy tiền, không được chút sữa nào từ bày bò anh chăm sóc mà phần ấy thuộc về người chủ. Cũng vậy, vị Tỳ-kheo dạy pháp được hàng đệ tử chăm sóc và cúng dường thức ăn như một hình thức trả ơn cho dịch vụ của vị ấy. Nhưng không thực hành, vị ấy không thể hưởng được những quả lợi ích của pháp như thiền định, thiền minh sát, đạo và quả. Thực sự những quả lợi ích của pháp chỉ có ý nghĩa đối với những người sau khi đã được nghe nó từ một vị sư đa văn và rồi thực hành nó cũng giống như sữa chỉ có người chủ bò được dùng nó mà thôi vậy.
Nếu một người thuyết về ngũ giới, nhưng bản thân không thực hành chúng, họ có thể được kính trọng như một người thầy nhưng sẽ không được lợi ích gì từ giới. Chỉ những người áp dụng giới trong cuộc sống hàng ngày mới hưởng được những quả lợi ích của giới trong đời này và đời sau. Cũng vậy, những quả lợi ích của các pháp cao hơn chỉ dành cho những người thực hành thiền định và thiền minh sát thọ hưởng. Tất nhiên là việc thực hành phải đúng. Người hành thiền thọ trì pháp thiền một cách nghiêm túc có thể không nói được nhiều về pháp nhưng người ấy được bảo đảm về những quả của thánh đạo và sự diệt tận của phiền não và khổ đau.
Chính vì vậy Đức Phật luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết của thực hành. “Một người dù chỉ có thể nói được một ít về pháp nhưng nếu người ấy thực hành giới, định, và tuệ hợp theo pháp, người ấy sẽ thấy rõ sự thực, khắc phục được tham, sân, si, và không chấp thủ đời này hay đời sau, tâm người ấy được giải thoát hoàn toàn và vị ấy là người đã đoạn trừ hết mọi phiền não.”
Đây là đoạn dịch từ kinh Pāḷi hỗ trợ cho lời tuyên bố trong chú giải nói rằng dù chỉ nghe một bài kệ nhưng ghi nhớ và hành theo sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta và nó cũng có thể có nghĩa là hoàn thành tri kiến. Lại nữa trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt Đức Phật nói rằng một tinh thần tìm hiểu (biết hỏi những điều cần hỏi) góp phần vào sự củng cố tri kiến và các thiện nghiệp của thân, khẩu, ý trong đời này và rằng một người có tâm tìm hiểu như vậy có thể sẽ đạt đến cảnh giới chư thiên sau khi chết và nếu tái sanh làm người sẽ là người rất mực thông minh.
Vì thế chúng ta nên tầm cầu kiến thức qua sự thẩm tra, xét hỏi. Như ngạn ngữ Miến thường nói Việc hỏi là tuỳ bạn, nếu bạn không biết những phương pháp hành thiền hay nếu bạn không nắm rõ một điều gì về Pháp hay nếu việc nghiên cứu kinh điển vẫn còn làm cho bạn bối rối và không sáng tỏ, thì hãy hỏi. Thậm chí có những điều thiền sinh không hỏi các vị thiền sư vẫn giúp họ. Lúc mới đầu, người hành thiền có thể không biết gì cả nhưng họ có thể có được nhiều kiến thức dưới sự hướng dẫn của một vị thiền sư. Bạn không nên nghĩ rằng việc hành thiền minh sát là bất khả nếu không có một kiến thức nhất định về uẩn, xứ, giới, v.v… Vì mỗi ngày vị thiền sư sẽ nói cho người hành thiền biết tất cả những gì họ cần phải biết khi xem xét sự tiến bộ của họ. Hơn nữa, trong lúc hành thiền, hành giả sẽ có những tuệ minh sát lạ thường. Như vậy người hành thiền ở trung tâm này vừa có được kiến thức do vị thầy truyền đạt và vừa có được kiến thức dựa trên kinh nghiệm.