Đức Khiêm Tốn Của Tôn Giả Xá-Lợi-Phất

Đức khiêm tốn của Tôn giả Xá-lợi-phất là tấm gương cho chúng ta noi theo. Một lần nọ, được sự cho phép của Đức Phật, Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên lên đường đi thăm viếng một số làng mạc, thị tứ. Thấy Tôn-giả Xá-lợi-phất có nhiều vị sư đi cùng, một vị Tỳ-kheo nọ ghen tức và để cản trở cuộc hành trình của họ vị này đã mách với Đức Phật rằng Tôn-giả Xá-lợi-phất va vào vị ấy nhưng không chịu xin lỗi mà đi luôn. Thực sự, chì vì một sự va quẹt tình cờ với lai y của Tôn-giả Xá-lợi-phất mà vị ấy đưa ra lời buộc tội nhỏ nhen này.

Nghe như vậy Đức Phật cho gọi Tôn-giả Xá-lợi-phất đến và giữa hội chúng Đức Phật đã hỏi Tôn giả về lời cáo buộc của vị sư. Tôn-giả Xá-lợi-phất trả lời như sau:

“Một vị Tỳ-kheo không chánh niệm về thân có thể va phải vị Tỳ-kheo bạn của mình và tiếp tục bỏ đi không một lời xin lỗi. Nhưng con tự xem mình như đất,” v.v… Những gì Tôn-giả Xá-lợi-phất có ý muốn nói là như thế này: Có nhiều thứ, sạch cũng như dơ, người ta ném vào đất, nhưng đất vẫn chấp nhận mọi thứ không phàn nàn hay ghê sợ. Đối với những gì người khác có thể làm hay nói với ngài cũng vậy, ngài luôn thực hành hạnh tự chế. Hơn nữa, ngài tự xem mình như nước, như lửa hay như gió. Người ta có thể ném vào đó những thứ sạch hoặc dơ, nhưng nước,….vẫn không bị tác động bởi những vật ấy, cũng vậy, ngài kham nhẫn tất cả những gì người khác có thể nói hay làm với ngài.

Lại nữa, ngài tự xem mình như một người thanh niên thuộc giai cấp thấp. Chúng ta biết ở Ấn Độ giai cấp rất quan trọng. Theo đó, một người Chiên-đà-la (Caṇḍāla) tức là người thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội, không được phép chạm vào một người Bà-la-môn giai cấp cao. Vì thế, khi một người Chiên-đà-la đi vào làng hay khu vực của người Bà-la-môn, họ phải thông báo việc đi đến của mình bằng cách đập vào cây gậy mang theo như một lời cảnh báo để mọi người không đụng vào anh ta. Ngài Xá-lợi-phất muốn nói rằng ngài có loại khiêm cung như lối sống của người Chiên-đà-la vậy.

Lại nữa, một con bò đã gãy sừng sẽ trở nên hiền lành và không còn làm phiền đến bất kỳ chúng sanh nào nữa cả. Ở đây ngài tự xem mình như con bò đó. Ngài nhờm gớm tấm thân này cũng giống như một người nam hay nữ trẻ tuổi vừa mới tắm rửa và trang điểm xong cảm thấy ghê tởm khi bị choàng vào cổ với xác chó chết hoặc xác rắn chết vậy. Ngài thấy tấm thân này như một gánh nặng mà ngài phải đeo mang, một gánh nặng không khác gì một bình mỡ động vật đang tiết rỉ qua nhiều lỗ vậy.

Sau đó vị sư buộc tội ngài đã day dứt lương tâm và xin lỗi ngài về sự sai lầm của mình. Tôn giả Xá-lợi-phất không những tha lỗi cho vị ấy mà thậm chí còn bảo vị ấy đừng phật ý vì câu trả lời của ngài.

Chúng ta nên noi theo tấm gương của ngài Xá-lợi-phất cho đến mức có thể. Mặc dù chúng ta không thể khắc phục được ngã mạn, chúng ta nên cố gắng khắc phục thói quá mạn. Quá mạn có hai loại, đó là., ngã mạn phát sanh từ việc thực sự có một số phẩm chất như thông minh, kiến thức, giới đức, v.v…, và ngã mạn do ảo tưởng về một đức tính nào đó mà mình không có, như khi một người tự xem mình là thông minh hay thánh thiện. Người bình thường không ai thoát khỏi hai loại ngã mạn này. Nhưng là những hành giả chúng ta nên tìm cách loại trừ loại ngã mạn do ảo tưởng sanh. Ngã mạn bị diệt ở giai đoạn nhập lưu nhưng ngay cả như thế người hành thiền vẫn chưa thoát khỏi sự ngã mạn về một phẩm chất nào đó mà mình thực sự có. Vì chỉ khi đắc đạo quả A-la-hán nó mới bị bứng gốc hoàn toàn.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app