Định Hướng Con Đường Tà Kiến Và Chánh Kiến
Chúng tôi đã nói cho quý vị biết cách làm thế nào để loại trừ tà kiến tạo ra ác hạnh và cách làm thế nào để trau dồi chánh kiến tạo ra thiện hạnh. Bây giờ chúng tôi sẽ nói rõ cách loại trừ tà kiến liên quan đến con đường tu tập hay thường được gọi trong kinh điển Pāḷi là Aniyyānikadiṭṭhi (不出離の, bất xuất ly kiến), tức tà kiến được xem như một triền cái đối với sự giải thoát khổ. Có bốn tà kiến, đó là, ngã kiến (attadiṭṭhi), thân kiến (sakkāyadiṭṭhi), thường kiến (sassatadiṭṭhi) và đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) đi ngược lại với minh sát trí (vipassanā ñāṇa) và đạo trí (magga ñāṇa).
Hai tà kiến, attadiṭṭhi và sakkāyadiṭṭhi là niềm tin sai lầm vào sự hiện hữu của một thực thể sống, bản ngã, hay linh hồn. Thực thể sống được gọi là atta (tự ngã) trong kinh điển Pāḷi muốn nói đến cả chúng sanh lẫn tự ngã (atta). Người bình thường tự cho mình cũng như những người khác là những chúng sanh. Trong thực tế chỉ có năm uẩn hay chỉ có danh và sắc. Không có cái ta, ngã, hay một thực thể sống nào cả. Người tin vào sự hiện hữu của cái ta hay cái bản ngã phi hiện hữu này là tà kiến, và tà kiến này được gọi là ngã kiến (attadiṭṭhi) hay thân kiến (sakkāyadiṭṭhi). Sakkāya có nghĩa là hợp thể thân-tâm và diṭṭhi là (tà) kiến, như vậy sakkāyadiṭṭhi là tà kiến tin rằng hợp thể thân-tâm này là chúng sanh hay tự ngã.
Chẳng hạn, cái thấy liên quan đến nhãn căn, cảnh sắc, và nhãn thức. Nhưng đối với những người không hành thiền quán hay không hiểu biết với minh sát trí sẽ xem nhãn căn, cảnh sắc, và nhãn thức này như một chúng sanh. Họ tin rằng “Mắt của tôi sáng tỏ và còn tốt; tôi thấy tay của tôi; tôi thấy thân hình của anh ta; chính tôi là người thấy”, v.v…Đây là Thân Kiến vốn đồng nhất hợp thể thân tâm rõ ràng này với tự ngã. Loại tà kiến này cũng có trong những hành động nghe, ngửi, ăn, xúc chạm, và suy nghĩ. Có thể nêu ra đây một ví dụ khác, khi quý vị co duỗi chân tay, ước muốn co hay duỗi ấy là tâm trong khi hành vi co và duỗi bao gồm sắc. Chúng ta chỉ có hợp thể thân và tâm hay danh và sắc này. Nhưng đối với những người không thể quán hay hiểu được nó với minh sát trí sẽ có ảo tưởng cho rằng “Chính tôi là người co hay duỗi bởi vì chính tôi muốn làm như vậy”, v.v… Đây là Thân Kiến (sakkāyadiṭṭhi) vốn xem hợp thể thân tâm rõ ràng này như tự ngã (atta) và tà kiến này cũng khởi lên đối với các các loại thân hành khác.
Người bình thường thoát khỏi hoàn toàn ngã kiến (attadiṭṭhi) này là điều rất khó. Tất nhiên cũng có những mức độ khác nhau, có số chấp chặt vào nó trong khi số khác không đến nỗi chấp chặt như vậy. Tà kiến thường ăn rễ sâu trong những người không biết chút gì về các Uẩn (khandhas). Khi tôi còn trẻ và vô minh tôi cũng chấp theo tà kiến này. Lúc đó tôi tin rằng phải có một thực thể sống trong thân vật lý này của con người, rằng vào lúc chết thực thể ấy sẽ rời khỏi thân thông qua lỗ mũi hay miệng. Tôi nghĩ rằng sự sống đi vào bào thai người mẹ trong suốt thời kỳ mang thai. Niềm tin này của tôi được hỗ trợ bởi các bác sĩ thừa nhận rằng chỉ khi họ nghe thấy nhịp tim đập của thai nhi thì lúc đó sự sống mới thực sự đi vào bào thai. Vì thế những người không có kiến thức đầy đủ về tâm và thân sẽ chấp theo tà kiến này. Tuy nhiên đối với những người Phật tử đã quen với tính phi ngã của sự sống sẽ không có một sự cố chấp như thế. Mặc dù vẫn còn tà kiến về tự ngã, nhưng tà kiến ấy không đủ mạnh để cản trở nỗ lực tinh thần của những người Phật tử để họ thực hành và đạt đến thánh đạo và thánh quả.
Tà kiến sẽ yếu đi nơi những người có một sự hiểu biết rõ ràng về bản chất của thân và tâm, chứ không phải hoàn toàn thoát khỏi nó. Vì trong khi đang nói về bản chất của thân và tâm, họ vẫn có thể có ảo tưởng rằng “Chính tôi đang nói,” một sự kiện hiển nhiên được thấy trong các cuộc tranh luận sôi nổi và say mê ở những buổi Pháp đàm. Chỉ có thiền minh sát và Thánh đạo mới có thể bảo đảm sự diệt hoàn toàn của tà kiến. Trong hai loại này, thiền tạo ra sự diệt của tà kiến ở mức nhất thời đoạn trừ (tadaṅgapahāna) hay nói cách khác, cái ảo tưởng liên quan đến đối tượng quán bị loại trừ bằng pháp đối nghịch. Chánh niệm không ngừng hàm ý sự
diệt của ảo tưởng ở mức trấn áp (vikkhambhana, 鎮伏捨断, trấn phục xả đoạn), nghĩa là, đoạn trừ bằng sự đè nén. Tuy nhiên tà kiến vẫn có thể khởi lên khi người hành thiền ngưng hành và mất cảnh giác. Nói tóm lại, tà kiến chỉ được bứng gốc hoàn toàn khi hành giả đạt đến thánh đạo thứ nhất, tức Nhập Lưu Thánh Đạo. Vì thế nếu muốn diệt tà kiến về thân này quý vị phải nỗ lực để đạt đến thánh đạo thứ nhất, và vấn đề tuỳ thuộc vào quý vị.