Chiến Thắng Hoài Nghi Bằng Minh Sát Trí và Thánh Đạo Trí
Sự giải thoát khỏi các triền cái tự nó sẽ không thể giúp chúng ta dứt bỏ được hoài nghi. Chúng ta phải cố gắng để chế ngự nó cho đến khi hoài nghi này bị bứng gốc ở mức nhập lưu thánh đạo. Vì thế, ngay cả sau khi đã đạt đến sự thanh tịnh tâm cùng với sự diệt của các triền cái chúng ta vẫn phải tiếp tục quan sát sự phồng – xẹp và các hiện tượng tâm-vật lý khác. Người hành thiền lúc đó phân biệt được giữa đối tượng được quan sát và tâm quan sát. Trong khi quan sát vị ấy sẽ ghi nhận các trạng thái căng cứng, chuyển động và sắc đang sanh là một việc và tâm quan sát là việc khác. Ở khoảnh khắc ngồi, co, duỗi (chân tay) … vị ấy cũng sẽ thực hiện sự phân biệt như vậy. Tóm lại, sự phân biệt giữa sắc và tâm sẽ trở nên rõ ràng ở từng sát-na chánh niệm. Trí minh sát trên sự phân biệt (danh-sắc) này gọi là Danh Sắc Phân Tích Trí (nāmarūpaparicchedañāṇa).
Trí minh sát này là căn bản cho việc thực hành minh sát và vì thế có được nó theo đúng trình tự rất quan trọng. Chỉ sau khi phát triển được trí minh sát phân biệt danh sắc này một cách đúng đắn và độc lập trong tiến trình thực hành chánh niệm người hành thiền mới tạo được những tiến bộ và trải nghiệm các giai đoạn minh sát trí cao hơn. Và chỉ lúc đó sự phân biệt giữa danh và sắc mà người hành thiền đạt được mới là thực. Lúc ban đầu người hành thiền khó có thể phân biệt được danh và sắc. Chúng dường như dính chặt vào nhau và không ủng hộ sự phân tích của trí tuệ.
Chẳng hạn, khi bạn chuyển động cánh tay, bạn không thể phân biệt được sự chuyển động của tay với ước muốn chuyển động nó. Khi bạn quan sát và khi sự khác biệt trở nên rõ ràng, nó không thể nào còn lẫn lộn với nhau nữa. Sắc được quan sát và tâm quan sát thể hiện sự khác biệt rõ nét. Sự khác biệt này được người hành thiền ghi nhớ ở từng sát na quan sát và sự không hiện hữu của một thực thể sống hay linh hồn ngoài danh và sắc cũng được ghi nhớ như vậy. Đây gọi là kiến thanh tịnh.
Khi bạn tiếp tục quan sát, bạn sẽ nhận ra mối quan hệ nhân quả của mọi hoạt động, chẳng hạn, tay bạn co bởi vì có ước muốn co của bạn, rằng bạn có tâm bởi vì có một đối tượng cho tâm (biết) và v.v…. Bạn tiếp tục suy xét đến mối quan hệ nhân quả giữa những phiền não trong kiếp trước của bạn và sự thể hiện của danh-sắc (nāmarūpa) như tâm tái sanh trong kiếp sống hiện tại; mối quan hệ nhân quả giữa thiện và ác mà bạn trải nghiệm; sự tinh tấn và hy vọng của bạn cho một cuộc sống tốt đẹp và sự tương tục của danh-sắc trong kiếp sống tương lai. Trí minh sát vào bản chất hữu vi (do điều kiện tạo thành) của danh sắc này được gọi là Nhân Duyên Phân Biệt Trí (paccayapariggahañāṇa).
Vì thế đối với người hành thiền rõ ràng danh sắc chỉ là duyên sanh hay chỉ đơn thuần là nhân và quả và rằng không có một linh hồn thường hằng hay ngã thể nào chuyển tiếp từ kiếp này sang kiếp khác. Đây là Đoạn Nghi Thanh Tịnh (kaṅkhāvitaraṇa-visuddhi) hay sự thanh tịnh do thoát khỏi mọi hoài nghi. Với sự thanh tịnh này, người hành thiền thoát khỏi những hoài nghi như “Ta đã có mặt trong kiếp quá khứ?” “Ta chỉ hiện hữu trong kiếp này thôi?” “Phải chăng đấng Phạm Thiên hay Thượng Đế đã sáng tạo ra ta?” “Sau khi chết ta sẽ còn tiếp tục hiện hữu?”,…Vì vị ấy đã tin chắc về mối quan hệ nhân quả giữa kiếp sống này với kiếp sống khác và sự phi hữu của một linh hồn.
Người hành thiền vượt qua hoài nghi nhờ sự thanh tịnh này. Tiếp tục quan sát vị ấy sẽ thấy các hiện tượng (được) quan sát sanh và diệt không ngừng. Lúc đó vị ấy sẽ nhận ra quy luật vô thường và khổ của kiếp sống vốn bất toại nguyện và không đáng tin cậy này. Vị ấy cũng hay biết rõ sự khởi sanh do duyên của các pháp. Sự hay biết của vị ấy không chỉ giới hạn vào danh và sắc mà nó bao gồm mọi hiện tượng xuất hiện ở sáu căn. Loại hay biết này phù hợp với những gì Đức Phật nói,… Sabbaṁ pariññeyyaṁ…” “Các pháp phải được phân tích và tuệ tri (hay biết) dưới dạng vô thường, khổ, và vô ngã.”
Khi trí minh sát phân tích như vậy hoàn tất, người hành thiền, trong lúc quan sát sự sanh và diệt không ngừng của các hành danh-sắc, sẽ thấy chỉ sự diệt của các hành danh sắc, đó là Niết Bàn ở giai đoạn nhập lưu. Sau khi đắc nhập lưu thánh đạo này vị ấy không thể còn bất cứ hoài nghi nào về Đức Phật, Giáo Pháp, và chư Tăng nữa. Vị ấy cũng sẽ không còn hoài nghi vế pháp hành của mình, về quá khứ, hiện tại và vị lai hay về tính duyên sanh của mọi hiện tượng. Người hành hiền lúc đó kể như đã vượt thoát khỏi mọi hoài nghi. Có thể nói một người hành thiền hoàn toàn thoát khỏi mọi hoài nghi là một bậc Thánh Nhập Lưu (sotāpanna). Vì thế chúng ta nên vượt qua hoài nghi ít nhất là ở mức nhập lưu này.