Chánh Niệm Trong Khi Nghe Pháp
Tôn giả Kiều-trần-như (Kodañña) trở thanh một bậc Nhập Lưu trong khi đang nghe bài pháp đầu tiên (Kinh Chuyển Pháp Luân). Sau đó cả năm vị đều trở thành bậc A-la-hán khi nghe Kinh Vô Ngã Tướng (AnattalakkhanaSutta). Chỉ một bài kệ duy nhất đã biến tể tướng Santati thành một bậc A-la-hán, và cũng chỉ một bài kệ đã chuyển hoá Tỳ-kheo ni Patācārā thành một bậc thánh nhập lưu. Theo chú giải kinh Đại Niệm Xứ, những người đắc được thánh đạo và thánh quả như vậy là nhờ sau khi đã áp dụng một trong bốn pháp môn của bài kinh. Chú giải nói:-
“Có những vị đắc thánh đạo và thánh quả chỉ do nghe một vần kệ. Nhưng một sự chứng đắc như vậy là điều không thể xảy ra nếu không quán hay chánh niệm về thân, hay về cảm thọ, hay về tâm, hay về pháp. Vì thế, có thể nói, những người đắc thánh đạo và thánh quả và vượt qua được sầu, khổ như vậy chỉ nhờ (thực hành) con đường thiền (quán) Tứ Niệm Xứ mà thôi.
Tóm lại, đúng sự thực là tể tướng Santati đã trở thành thánh A-la-hán, còn Patācārā trở thành bậc nhập lưu và vượt qua được những thống khổ của họ sau khi nghe một vần kệ. Nhưng phải nói rằng chỉ nhờ thực hành chánh niệm hợp với bài kinh Đại Niệm Xứ mà các vị mới đắc các thánh đạo đó.” Như vậy rõ ràng chú giải không để lại chút hoài nghi nào về tầm quan trọng bậc nhất của thiền Tứ Niệm Xứ. Rõ ràng không có thẩm quyền kinh điển nào cho quan niệm : chỉ cần có kiến thức và sự hiểu biết về pháp là đủ để đưa một người hành thiền đến thánh đạo, không cần thiết phải tinh tấn. Thực sự, quan niệm này trái ngược với lời dạy của Đức Phật.
Trong nhiều bản kinh Đức Phật đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc phát triển thiền định và thiền minh sát (samatha-vipassanā bhāvanā). Chẳng hạn, trong Kinh Chuyển Pháp Luân người đệ tử được thúc giục để chứng ngộ đạo đế. Trong Kinh Vô Ngã Tướng và các kinh khác người đệ tử được khuyên nên thực chứng bản chất vô thường, khổ và vô ngã của năm uẩn. Kinh Sa Môn Quả (Samaññaphala) của Trường Bộ Kinh và một số bản kinh khác cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tu tập thiền chỉ, đắc các bậc thiền, và minh sát trí. Trong Sagāthavagga (Phẩm Có Kệ) của Tương Ưng Bộ Kinh Đức Phật nói rằng sự tu tập định và tuệ minh sát sẽ giải thoát một người khỏi sự trói buộc của tham ái (taṇhā). Tương Ưng Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna saṁyutta) thì thúc giục người đệ tử phải thực hành bốn niệm xứ. Còn trong Tương Ưng Sự Thật (Sacca-saṁyutta) người đệ tử được khích lệ để chứng ngộ tứ thánh đế.
Sử dụng nghị lực mãnh liệt như một yếu tố của tinh tấn được Đức Phật nhấn mạnh. “Dù chỉ còn da và xương. Dù máu và thịt có khô héo. Ta cũng sẽ kiên trì tinh tấn không ngừng cho đến khi nào đạt được đạo quả mới thôi.” Với sự khẳng định của ý chí này, người hành thiền sẽ sử dụng hết sức tinh tấn của mình (Saṁyutta nikāya, Nidānavagga, Dasabala sutta và Aṅguttaranikāya, Dukanipāta Upaññata sutta). Trong Đại Kinh Rừng Sừng Bò (Mahāgosinga sutta của Trung Bộ Kinh) Đức Phật khuyên các vị đệ tử hành thiền sau khi khẳng định ý chí không thay đổi thế ngồi kiết già cho đến khi được giải thoát khỏi các phiền não.
Đêm rằm tháng Tư, trước ngày chứng đắc Giác Ngộ, Đức Phật đã ngồi dưới cội cây Bồ Đề, được củng cố bởi quyết tâm “Dù chỉ còn da và xương. Dù máu và thịt có khô héo. Ta cũng sẽ kiên trì tinh tấn không ngừng cho đến khi nào đạt được đạo quả mới thôi.” này và phấn đấu suốt cả đêm; rồi canh đầu đêm ngài đắc túc mệnh minh (pubbenivāsāñāṇa), canh giữa ngài chứng đắc thiên nhãn minh (dibbacakkhu), và canh cuối, lúc trời vừa hừng đông ngài suy quán về pháp duyên sanh cũng như sự sanh và diệt của các uẩn (khandhas) và đã phát triển được minh sát trí. Ngài đã hoàn thiện tuệ giác bằng các loại chánh niệm khác nhau, đó là., bảy cách quan sắc (rūpasattaka), bảy cách quán danh (nāmasattaka) như đã đề cập trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Và sau khi trải qua bốn giai đoạn của thánh đạo và thánh quả ngài trở thành một vị Phật. Có thể nói chính trên căn bản của kinh nghiệm tự thân này mà Đức Phật đã thúc giục các hàng đệ tử của ngài ra sức phấn đấu để đắc A-la-hán thánh quả trong một thời ngồi.
Như vậy, sự nhấn mạnh của Đức Phật vào yếu tố tinh tấn tích cực trong nhiều bản kinh đã đập tan quan niệm cho rằng một mình kiến thức là đủ để bảo đảm có được tuệ giác siêu nhiên, rằng tinh tấn là không cần thiết. Vì thế chớ để cho sự phán quyết và bảo đảm của người thầy làm cho bạn thoả mãn. Bạn nên tự xét lại mình để thấy xem kinh nghiệm của bạn có đưa đến sự diệt của các phiền não hay không.
Tôi đã từng làm công việc hướng dẫn thiền trong ba mươi hai năm. Theo sự hiểu kiết của tôi những người có thể kể lại đầy đủ kinh nghiệm tâm linh của họ trong vòng một tuần lễ là rất khó kiếm. Phần lớn chỉ có thể làm được điều đó sau hai mươi hoặc ba mươi ngày, thậm chí sau ba hoặc bốn tháng. Tuy nhiên những người hành theo sự chỉ dẫn của tôi và thực hành một cách kiên định thường trình bày những kinh nghiệm của họ sau một tháng. Hiện nay tôi nhấn mạnh với các thiền sinh là phải xem tiêu chuẩn thời gian đòi hỏi phải có để hành thiền thành công là một tháng hay hơn một tháng. Đừng nghĩ rằng một tháng là quá ngắn cho người hành thiền thực hành thành công như một số người thường nghĩ. Vì Đức Phật đã hứa khả đạo quả A-na-hàm hay thậm chí A-la-hán cho những ai theo lời khuyên của ngài và vì thế người nào nói rằng không thể có chuyện đắc tuệ giác sau một tháng là đã phản đối lời dạy của Đức Phật và làm thối chí người hành thiền.
Điều quan trọng là người hành thiền phải theo đúng phương pháp đã được đưa ra trong Kinh Đại Niệm Xứ và các bản kinh khác. Họ phải không có sự giả dối (đạo đức giả) hay tự dối mình. Họ phải có thái độ thành thực, ngay thẳng và trung thành với những chỉ dẫn hợp theo lời dạy của Đức Phật. Người hành thiền thực hành chánh niệm liên tục như đã được hướng dẫn và trình báo kinh nghiệm của mình cho vị thầy. Vị thầy sẽ ghi nhớ sự tiến bộ của thiền sinh cũng như cách mô tả của vị ấy về sự tiếp xúc với Niết Bàn ở mức thánh đạo. Trong mọi trường hợp, người thầy sẽ thúc giục thiền sinh tiếp tục việc thực hành của mình cho đến khi họ xét thấy rằng tiến bộ của thiền sinh là thoả đáng. Lúc đó họ sẽ nói cho người ấy biết về các giai đoạn phát triển trí tuệ minh sát, về thánh đạo và thánh quả. Người hành thiền lúc đó sẽ đánh giá tiến bộ của mình dựa trên những gì vị ấy biết được từ người thầy và tự quyết định giai đoạn mà họ đã đạt đến. Chúng tôi không phán quyết sự chứng đắc của họ mà để cho họ tự phán quyết lấy.
Tuy thế một số người vẫn chỉ trích chúng tôi, họ nghĩ rằng chúng tôi đã đưa ra những phán quyết (về sự tiến bộ của người hành thiền) nhưng đây chỉ là một sự hiểu lầm. Trong khi đó một số nhìn vào sự vô trách nhiệm của chúng tôi một cách ngờ vực, họ tự hỏi tại sao người thầy lại không thể chỉ rõ những giai đoạn tiến bộ của một thiền sinh? Nhưng thái độ nước đôi của chúng tôi là hoàn toàn phù hợp với truyền thống của Đạo Phật. Theo truyền thống đó thì, ngoại trừ Đức Phật, ngay cả Tôn giả Xá-lợi-phất cũng không bao giờ tuyên bố bất cứ hành giả nào là một vị thánh nhập lưu, hay một vị Bất lai, hoặc A-la-hán cả.
Hơn nữa cách làm việc của một vị thiền sư cũng giống như một vị lương y vậy. Ngày xưa những vị lương y không có bất kỳ một dụng cụ nào để kiểm tra tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân. Họ phải chẩn đoán bệnh bằng cách xem xét điều kiện của bệnh nhân, bắt mạch và lắng nghe những gì người bệnh nói. Nếu bệnh nhân không nói sự thực, vị lương y cũng vẫn lầm lẫn như thường. Cũng vậy, nếu người hành thiền không báo cáo một cách chính xác kinh nghiệm tu tập của mình, thiền sư có thể mắc sai lầm trong sự phán quyết của mình. Vì thế khi trình pháp người hành thiền cần phải thẳng thắn, không có tính tự phụ, và giả dối. Và tốt hơn hết người thầy nên ghi nhớ tất cả những gì người hành thiền trình báo, nói cho vị ấy biết về những giai đoạn tuệ minh sát và để vị ấy tự phán quyết cho mình.