Chánh Niệm (Sammāsati)
Đối lại với Tà Niệm là Chánh Niệm hay sự hồi nhớ lại những thiện pháp đã làm như bố thí, trì giới, và tu thiền. Người ta thường nhớ đến việc mình đã làm, những điều thiện như vậy, như vậy vào những lúc như vậy, như vậy trong những ngày qua như thế nào; những điều thiện nổi bật như dâng y Kathina, giữ bát quan trai giới,…Sự hồi nhớ về những thiện pháp này là chánh niệm. Nó là niệm tâm sở đi kèm với những tâm thiện. Niệm này có mặt trong mọi sự sanh khởi của tâm thiện như bố thí, trì giới, cung kính trước tượng Phật, phục vụ các bậc niên cao, trưởng thượng, giữ giới, hành thiền,…
Không có tâm thiện nào sanh mà không có chánh niệm. Tuy nhiên niệm có thể không rõ ràng trong những tâm thiện bình thường và rất rõ trong khi hành thiền định (bhāvanā) và đặc biệt là thiền minh sát. Vì vậy trong Kinh Tạng chánh niệm được nhắc tới nhiều lần, nhất là ở bài kinh Tứ Niệm Xứ. Chính chánh niệm làm việc chú ý đến các hành vi hay oai nghi của thân, các cảm thọ lạc và khổ, các trạng thái tâm và các đối tượng của tâm hay Pháp (dhamma).
Người thực hành thiền minh sát là đang trau dồi chánh niệm ở mức minh sát. Họ quan sát các hiện tượng tâm-vật lý sanh khởi từ sáu căn; thường thường họ tập trung sự chú ý của họ vào sự phồng và xẹp của bụng, vào sự ngồi, hoặc co, duỗi (chân tay), sự đi, đứng, … Đây là sự trau dồi chánh niệm trên thân. Đôi khi người hành thiền quan sát các cảm thọ, “đau”, “vui”, “buồn”,…Đây là sự trau dồi chánh niệm trên các cảm thọ. Thỉnh thoảng sự chú ý được tập trung trên “suy nghĩ”, “ý định”,…Đây là sự trau dồi chánh niệm trên tâm. Rồi có khi người hành thiền quan sát sự “thấy”, “nghe”, “ước muốn”, “cơn giận”, “uể oải”, “phóng tâm”,…Đây là sự phát triển chánh niệm trên các pháp. Mỗi sát na quan sát có nghĩa là sự trau dồi chánh niệm minh sát và rất là thú vị. Khi chánh niệm minh sát này phát triển và trở nên hoàn thiện, chánh niệm trên Thánh Đạo sẽ phát sanh giúp hành giả biết được Niết Bàn. Vì thế quý vị nên thực hành cho đến khi đạt đến giai đoạn chánh niệm cuối cùng này.