Chánh Mạng và Tà Mạng của Người Xuất Gia
Không giống như người tại gia cư sĩ với bảy quy tắc cư xử theo chánh mạng vị Tỳ-kheo trong Phật Giáo có một tầm giới luật rộng rãi hơn ràng buộc họ. Vị Tỳ-kheo không được phép hỏi xin thức ăn, y áo, hay cốc liêu trừ phi người mình hỏi xin là thân quyến hay một người trước đó đã có lời thỉnh mời. Vị Tỳ-kheo đó hay bất cứ vị Tỳ-kheo nào khác cũng không được phép dùng những vật được nhận theo cách này (tức vật hỏi xin không đúng luật). Hỏi xin cúng dường thẳng thừng như kiểu ngày nay người ta thường làm rất không hợp với tư cách của một vị Tỳ-kheo. Một vị Tỳ-kheo thậm chí còn không được ra dấu hay thực hiện những lời bình phẩm gián tiếp dẫn đến một người cư sĩ phải cúng dường thức ăn hay y phục cho họ. Nói chung, dùng bất cứ thứ gì mà vị Tỳ-kheo có được do nài xin, ra dấu hay nói ám chỉ một cách khéo léo là tà mạng.
Hơn nữa, bất cứ nỗ lực nào mà vị Tỳ-kheo thực hiện để làm cho mình trở thành thân thiết với người nam hay nữ cư sĩ hay để làm cho mình được mến chuộng đối với họ như cho hoa, cho trái cây, hay thức ăn,…kể như đã phạm vào một tội gọi là ‘làm bại hoại cư sĩ’ (kuladūsana 败坏居士, bại hoại cư sĩ) nghĩa là đã huỷ hoại đức tin của người cư sĩ. Cho hoa, v.v… có thể giúp vị Tỳ-kheo giành được tình cảm của người thọ nhận nhưng nó sẽ không góp phần vào đức tin của họ. Vì lòng kính trọng của họ đối với một vị Tỳ-kheo chỉ có thể trở thành đức tin thực sự nếu nó là do giới đức trong sạch và các phẩm hạnh khác của vị ấy mà thôi. Vì thế bất kỳ cố gắng nào nhằm nuôi dưỡng sự thân thiết bằng cách cho hoa, trái cây,…đều làm tổn hại đến đức tin chân chánh ban đầu mà đời sống giới đức của vị Tỳ-kheo đã tạo ra cho người cư sĩ. Người tại gia cư sĩ lúc ấy rất có thể chỉ kính trọng vị sư đã cho họ hoa. Họ sẽ không quan tâm đến các vị sư giới đức khác. Trong thực tế, cái gọi là lòng kính trọng đối với vị sư hào phóng không gì khác hơn sự yêu mến mà chúng ta thường thấy giữa những người bình thường vì lẽ nó ít liên quan đến đức tin. Vì thế thật là không thích hợp đối với một vị Tỳ-kheo để cho hoa, thức ăn,…đến những người Phật tử, để nịnh nọt họ, để phục vụ họ, để chăm lo cho con cái của họ, để làm thuốc trị bịnh cho họ, để xem tử vi, tướng số cho họ, hay làm bất cứ tà mạng nào khác (gây) bại hoại đức tin người cư sĩ. Và cũng là tà mạng nếu sử dụng những thứ vật dụng mà một vị sư có được bằng những cách vừa nêu.
Vị Tỳ-kheo cũng nên tránh thái độ đạo đức giả đối với những vật dụng, thiền, đạo quả,…và sự hành thiền. Một số vị Tỳ-kheo thường làm ra vẻ ta đây là người có ít sự tham muốn đối với y áo hoặc thực phẩm mà những thí chủ của họ cúng dường. Họ sẽ từ chối không nhận nó, “Bần Tăng không cần những lá y tốt và thức ăn ngon đâu như vầy đâu. Bần Tăng vừa lòng đối với những tấm vải quăng bỏ và thức ăn mà Bần Tăng khất thực được đủ rồi.” Sự từ chối của họ làm cho đức tin của những tín đồ mạnh mẽ hơn và thường xuyên thỉnh cầu họ chấp nhận sự cúng dường hơn. Rồi sau đó họ chấp nhận và không bao giờ từ chối sự cúng dường của những người đệ tử tín tâm mà họ đã khéo tạo ấn tượng về sự chán ghét rõ ràng của họ đối với những thứ đồ tốt của cuộc sống như vậy. Đây là cách nuôi mạng bất chánh bởi những người tự cho mình là người tu khổ hạnh.
Một vị sư có thể nói, “Một vị Tỳ-kheo mặc y như thế này hay một vị tỳ-kheo sống ở một nơi như thế này thường là một Bậc Thánh, một Bậc A-la-hán hay một người đã đắc thiền và có các năng lực thần thông đấy.” Sự mô tả y theo lối sống của người nói và cách họ mặc y. Đây là loại tà mạng bởi một vị sư đạo đức giả.
Một số vị sư không hành thiền nhưng họ cư xử một cách thanh thản, nhẹ nhàng giống như một thiền giả. Họ đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi chân tay giống như một hành giả đang an trú trong thiền hoặc có định. Đây cũng là tà mạng bằng lừa đảo.
Một số làm ra vẻ như có thể đọc được tâm của người khác. Nếu một vị sư đang thuyết pháp mà nói, “Này! Người phụ nữ ở đằng kia đã phóng tâm rồi phải không. Hãy chú ý và thực hành hơi thở đi,” Thực sự có thể có một số người nữ đã phóng tâm trong hội chúng này. Và những người phụ nữ ấy thế nào cũng sẽ rất ấn tượng và đánh giá cao về nhà sư ấy. Hay nếu một vị sư nói rằng ông đã từng làm vua và người phụ nữ như vầy như vầy là hoàng hậu của ông trong tiền kiếp, vị sư ấy sẽ được những tín đồ của mình tin rằng có thần thông. Đây là tà mạng bằng lừa dối.
Một vị Tỳ-kheo không nên dùng bất kỳ thứ gì vốn được cúng dường bởi một người tại gia cư sĩ đã bị đánh lừa như vậy. Vị ấy chỉ nên sống nhờ vào những vật mình có được bằng chánh mạng. Nếu không có người cúng dường vật thực cho vị ấy, vị ấy nên đi khất thực mà ăn. Nếu không có những tấm y thích hợp, vị ấy nên tìm những tấm vải quăng bỏ. Hay vị ấy nên đứng trước cửa nhà của một người cư sĩ nào đó và khi được hỏi vị ấy cần thứ gì, vị ấy nên bày tỏ ước muốn có một bộ y của mình. Việc nói những điều mình muốn đáp lại một lời hỏi thăm (sư cần gì) như vậy không phải là không thích hợp. Tìm kiếm những nhu cầu của cuộc sống qua sự diễn đạt của thân (thân biểu tri, kāyaviññatti) là chánh mạng. Nói chung, thức ăn, y phục,…mà một người cư sĩ cúng dường vì lòng kính trọng đối với đời sống tu học và những bài giảng pháp của một vị sư là trong sạch vì lẽ ấy vị sư nhận nó một cách hợp pháp. Vì thế Đức Phật thúc giục các hàng đệ tử của ngài hãy kiếm sống một cách chân chánh.