Nội Dung Chính
- Chánh Định (Sammā sammādhi)
- Chánh định có ba loại, đó là: (1) Sát-na định (Khaṇikā-samādhi 刹那定), Cận định (Upacārasamādhi 近行定), và An chỉ định (Appanā-samādhi, 安止定).
- Chánh định thiện có ba loại: sát na định, cận hành định, và an chỉ định. Kinh Tạng Pāḷi giải thích chánh định dưới dạng tứ thiền. Và các bản kinh Pāḷi chỉ đề cập đến các bậc thiền thuộc thiền sắc giới, các bậc thiền thuộc thiền vô sắc giới, và thánh quả định (maggaphala samādhi) như ba loại định chính. Chúng tôi cho rằng cận định và sát na định minh sát chỉ có tầm quan trọng thứ yếu vì lẽ hai loại định này được kể trong định của sơ thiền. Vì không có sát na định và cận định thì định của bậc thiền hiệp thế và định của thiền siêu thế là bất khả, hơn nữa sát na định và cận định này còn giúp vượt qua tà định.
Chánh Định (Sammā sammādhi)
Chánh định là sự tập trung hay định tâm trên những việc làm thiện như bố thí, hoặc giữ giới. Bố thí đòi hỏi phải có sự tập trung đủ mạnh để thực hiện nó cho có hiệu quả. Cung kính hay phục vụ những người khác cũng vậy. Đối với những bài tập luyện tâm, sự tập trung là rất quan trọng. Chẳng hạn như khi bạn nghe pháp hay thuyết pháp nếu không có sự tập trung bạn sẽ không nhớ được gì cả. Trong việc thực hành niệm hơi thở vô-ra ở đây bạn phải gắn chặt tâm trên một đối tượng duy nhất thì nó lại còn quan trọng hơn nữa. Sự tập trung liên hệ đến những tâm thiện như vậy là chánh định.
Chánh định có ba loại, đó là: (1) Sát-na định (Khaṇikā-samādhi 刹那定), Cận định (Upacārasamādhi 近行定), và An chỉ định (Appanā-samādhi, 安止定).
Định dự phần khi những hình thức bình thường của tâm thiện sanh khởi, như khi bố thí, trì giới được gọi là Sát-na định (khaṇikā-samādhi), vì nó chỉ có tính cách nhất thời. Sự tập trung bình thường này không đáng kể và vì thế kinh điển không đề cập nhiều về nó. Nó chỉ được đề cập trong mối quan hệ với những nền tảng của định và thiền minh sát mà thôi. Vì thế có thể hiểu nó là sự tập trung xuất hiện ở giai đoạn chuẩn bị của sự tu tập tâm (bhāvanā) hay vào lúc ban đầu của sự luyện tập tâm. Khi sự tập trung có đủ sức mạnh để loại trừ các triền cái thì được gọi là cận hành định (upacārasamādhi). Sự tập trung mà người hành thiền có khi chứng thiền được gọi là an chỉ định (appanā-samādhi).
Trong thiền minh sát có sát na định khi người hành thiền tập trung trên bốn yếu tố, năm uẩn, danh và sắc,…Tuy nhiên sự tập trung lúc ban đầu không rõ ràng vì nó chưa được khéo phát triển. Khi nó đã phát triển tâm sẽ gắn chặt hoàn toàn trên đối tượng quán. Trong suốt thời gian đó người hành thiền thoát khỏi những triền cái như tham dục,…Tâm trở thành một dòng trôi chảy không ngừng của những sát na tâm được tiêu biểu bằng sự quan sát. Đây là sát na định của thiền minh sát. Nó cũng được gọi là cận định vì thoát khỏi các triền cái giống như định này. Vì thế trong chú giải kinh Đại Niệm Xứ niệm tứ oai nghi (iriyāptha), tỉnh giác (sampajañā), và tác ý các giới (dhātumanasikāra) được mô tả như là cận định. Thanh Tịnh Đạo (visuddhimagga) cũng đồng nhất đề mục tác ý các giới của thiền minh sát với đề mục phân tích tứ đại và mô tả cả hai đều đưa đến cận định.
Vì thế đối với người hành thiền, từ lúc định được phát triển đủ để ngăn chận các triền cái, tức định sanh khởi ở từng sát na chánh niệm là sát na định minh sát và được xem giống như cận định. Sở dĩ nó được gọi là cận định là vì, về khả năng giải thoát người hành thiền khỏi các triền cái, nó giống với cận định. Người hành thiền lúc đó thanh tịnh tâm nhờ tâm chánh niệm minh sát trong sạch. Khi minh sát trí hoàn thiện, người hành thiền đạt đến thánh đạo và thánh quả vốn đưa người ấy vào tiếp xúc với Niết Bàn. Sự tập trung ở sát na chứng đắc thánh đạo và thánh quả này là định siêu thế.
Chánh định thiện có ba loại: sát na định, cận hành định, và an chỉ định. Kinh Tạng Pāḷi giải thích chánh định dưới dạng tứ thiền. Và các bản kinh Pāḷi chỉ đề cập đến các bậc thiền thuộc thiền sắc giới, các bậc thiền thuộc thiền vô sắc giới, và thánh quả định (maggaphala samādhi) như ba loại định chính. Chúng tôi cho rằng cận định và sát na định minh sát chỉ có tầm quan trọng thứ yếu vì lẽ hai loại định này được kể trong định của sơ thiền. Vì không có sát na định và cận định thì định của bậc thiền hiệp thế và định của thiền siêu thế là bất khả, hơn nữa sát na định và cận định này còn giúp vượt qua tà định.