Câu Chuyện Của Ghatikāra

Thời Đức Phật Kassapa có một người thợ gốm tên Ghatikāra . Anh ta là một đệ tử tại gia của Đức Phật và đã đạt đến giai đoạn Bất Lai (Anāgāmi). Một hôm anh ba lần thúc giục người bạn của mình là Jotipāla đi đến gặp Đức Phật. Jotipāla chẳng những lưỡng lự không chịu đi mà còn nói lời khinh miệt Đức Phật. Chúng ta biết Jotipāla không phải là người bình thường. Ngài là một vị Bồ Tát. Nhưng kiếp đó Ngài sinh ra trong một gia đình Bà-la-môn, và với niềm tin tôn giáo đã ăn sâu trong ngài, Ngài đánh giá thấp về Đức Phật và từ chối lời khuyên của thợ gốm Ghatikāra một cách khinh miệt cũng là điều tự nhiên. Những đức tin theo truyền thống quả thực là ghê gớm và vì thế Ghatikāra chỉ lặng lẽ đưa Jotipāla đến bến sông để tắm, sau khi tắm xong, chờ cho Jotipāla quấn lại chiếc khố của mình và khi đang đứng hong tóc cho khô thì người thợ gốm mới khuyên anh đến gặp Đức Phật ở tại nơi cư trú của Ngài gần đó. Ghatikāra đề nghị ba lần và lời đề nghị của anh cả ba lần đều bị từ chối như trước. Lúc đó người thợ gốm bèn nắm lấy cái khố của bạn anh và giục anh ta đi đến gặp Đức Phật, nhưng cũng vô vọng. Cuối cùng người thợ gốm nắm lấy tóc của anh ta và lập lại lời đề nghị của mình. Khi ấy Jotipāla vô cùng sửng sốt. Anh không hiểu tại sao người thợ gốm thuộc giai cấp thấp như vậy lại dám nắm tóc của anh. Anh nghĩ người thợ gốm này đã có can đảm để làm điều đó có lẽ là vì niềm tin của anh ta nơi Đức Phật. Vì thế anh hỏi người thợ gốm, “Việc này quan trọng đến nỗi anh phải nắm tóc tôi như thế sao?” “Vâng, đúng vậy,” người thợ gốm nói. Lúc đó Jotipāla suy xét lời yêu cầu của Ghatikāra một cách nghiêm túc và đi đến kết luận rằng đó có thể là một vấn đề có tầm quan trọng không nhỏ, anh đồng ý đi gặp Đức Phật với bạn mình. Sau khi gặp Đức Phật và được nghe Pháp, Jotipāla xin cải đạo và gia nhập Tăng Đoàn.

Như vậy, vì thấy lời đề nghị của mình chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho bạn, người thợ gốm dù thuộc giai cấp tiện dân đã thuyết phục người Bà-la-môn giai cấp cao, trước tiên bằng lời nói, sau đó bằng cách nắm khố, và cuối cùng bằng cách nắm tóc. Sự kiên trì của anh ta đã góp phần vào lợi ích tinh thần của bạn mình và người bạn, sau đó đã tỏ ra rất biết ơn anh. Cũng vậy, ngày nay mặc dù một số người mới đầu không quan tâm đến pháp (Dhamma), song họ đã đến trung tâm thiền này để hành thiền theo sự yêu cầu kiên trì của bạn bè. Nhờ sự nỗ lực và thiện nghiệp quá khứ của họ, họ có được những kinh nghiệm tâm linh cao quý, và từ đó họ tỏ ra biết ơn những bạn đạo của họ rất nhiều. Chính nhờ có những hành giả như vậy và sự kinh nghiệm của họ như vậy mà chúng ta thấy được sự thuyết phục kiên trì luôn luôn có lợi ích như thế nào. Đó là lý do tại sao Pháp (Dhamma) có ân đức ehipassiko (đến để thấy). Pháp mời gọi mọi người đến để thử nó (trước khi tin). Ví như một người được thưởng thức món ăn ngon biết ơn người đã mời anh ta đến bữa tiệc như thế nào người hành thiền cũng vậy, sau khi đến và có được những kinh nghiệm tâm linh nào đó sẽ tỏ ra biết ơn người đã thuyết phục mình đến thực hành pháp. Do đó chúng ta nên kiên trì trong việc thuyết phục những bạn bè thân thiết của chúng ta thực hành thiền Tứ Niệm Xứ.

Về những lời nói thiện đáng được tán dương có thể kể ra như sau: những lời nói về phúc lợi (attha), những lời nói về pháp hay luật (vinaya). Nói cách khác, chúng ta chỉ nên tham gia những cuộc nói chuyện nào đem lại lợi ích hay mở mang trí óc trong những công việc hàng ngày của chúng ta. Tuy nhiên, đối với các vị Tỳ-kheo, cần phải tránh bất kỳ loại nói chuyện nào đã được mô tả trong Tạng Luật (Vinaya Piṭaka). Ngay cả đối với người cư sĩ đang hành thiền cũng nên tránh loại nói chuyện gọi là ‘tiracchānakathā’ (nghĩa đen là những cuộc nói chuyện về súc vật), mà ở đây có nghĩa là bất kỳ cuộc nói chuyện nào không phù hợp với tiến bộ tâm linh. Những cuộc nói chuyện đại loại như nói về vua chúa, phường trộm đạo, những cuộc bạo loạn, quan quân, thức ăn, thức uống, y phục, quyến thuộc, xe cộ, làng mạc, tỉnh thành, đàn ông, đàn bà, v.v… được xếp vào loại ‘tiracchānakathā’. Nếu những cuộc nói chuyện này không làm tổn thương đến mặt cảm xúc (tâm linh), nhàm chán, đức tin và trí tuệ, chúng chỉ được gọi là samphappalāpa (nói lời phù phiếm) và như vậy chúng cũng phải được tránh.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app