Bỏn Xẻn Về Sự Xưng Tán (Vaṇṇa Macchariya, 称讃慳)
Vaṇṇa có nghĩa là bất cứ phẩm chất đáng tán dương nào và được xem là bỏn xẻn về xưng tán khi chúng ta cảm thấy khó chịu với người có một phẩm chất đáng tán dương nào đó như sắc đẹp, giọng hay, ăn nói lưu loát, khoẻ mạnh, thông minh, học rộng hay có giới đức. Người ta thường muốn có những phẩm chất ấy nhưng lại không muốn thấy người khác có chúng. Trong học tập một số người muốn được nổi bật nhưng không muốn những người khác được nổi bật như vậy. Một số muốn là bậc giới đức nhưng họ không muốn nghe về những đức hạnh tốt của người khác. Đây là những ví dụ về Vaṇṇa Macchariya hay bỏn xẻn về sự xưng tán vốn thường xuất hiện nơi những người có những người đồng đẳng với mình hoặc những người mà mình không thích.
Bỏn Xẻn Về Pháp (Dhamma Macchariya)
Dhamma Macchariya là sự bỏn xẻn liên quan đến kiến thức hay sự hiểu biết về Pháp. Một số người không muốn thấy người khác thông thạo kinh tạng Pāḷi. Vì thế họ không dạy hết những gì mình biết cho học trò mà luôn giữ lại cho mình một số nào đó. Họ do dự khi cho người khác mượn những cuốn sách quan trọng. Đây là những dấu hiệu của sự bỏn xẻn pháp nhưng loại bỏn xẻn này lại thịnh hành ở thời xưa khi mà không có nhiều tác phẩm viết và các vị sư phải dựa vào trí nhớ của mình để có kiến thức. Ngày nay nó không còn ưu thế đó nữa vì sách vở rất dồi dào. Nhưng có thể nó vẫn có ảnh hưởng đối với những cuốn sách hiếm. Nếu bạn do dự khi cho mượn những cuốn sách vì bạn quý trọng chúng thì đó không phải là bỏn xẻn. Tuy nhiên sẽ là bỏn xẻn về lợi đắc (lābha macchariya) nếu bạn có ý muốn từ chối không cho người khác sử dụng những cuốn sách của mình và là bỏn xẻn pháp khi bạn ngăn chặn kiến thức hay sự hiểu biết của họ.
Bỏn xẻn pháp không liên quan đến tri kiến siêu nhiên. Đối với người hành thiền đã đạt đến Thánh đạo và Thánh quả không bao giờ có tính bỏn xẻn như vậy. Trái lại họ luôn luôn muốn chia xẻ kiến thức của mình với người khác. Vì thế nếu một người tự xem mình là thánh mà vẫn còn ghen tị với những người khác có địa vị tinh thần ngang mình hay cao hơn mình thì họ phải đối diện với sự thực rằng họ vẫn chưa thực sự giác ngộ. Những hành giả hành thiền tại trung tâm thiền này ít nhiều đã truyền đạt một bức thông điệp về Pháp đến những bạn bè của họ. Một số dù chỉ mới đạt đến trí minh sát thấp như sanh diệt trí (udayabbayañāṇa), tuy thế họ vẫn hối thúc bạn bè của họ hãy đi tìm một sự soi sáng như vậy.
Đây là điềm báo tốt cho tương lai của Phật pháp. Ngày nay, hàng tại gia cư sĩ đã cố gắng thiết lập những trung tâm thiền, xây dựng những nơi tu tập cho thiền sinh, hỗ trợ các vị thiền sư, tham dự các buổi nói chuyện về thiền và hối thúc người khác tham gia thực hành. Điều này cho thấy rằng họ đã thoát khỏi sự bỏn xẻn pháp và muốn chia sẻ kinh nghiệm của họ với những người khác. Tuy nhiên người hành thiền đã có được những kinh nghiệm phi thường như vậy sẽ không bao giờ tiết lộ nó vì họ không muốn tự kiêu về những sở chứng của mình. Đây gọi là thiểu dục về chứng đắc (adhigamaapicchā, 証得少欲), nghĩa là không muốn nói đến những kinh nghiệm tâm linh của mình.
Vì thế chúng ta nên cố gắng khắc phục tính bỏn xẻn bằng cách xem nó như một trạng thái tâm bất thiện, thấp hèn và không xứng đáng. Vì nó dẫn đến điều ác và thói bỏn xẻn này thường chỉ thịnh hành nơi các chúng sanh thấp kém. Đặc biệt, ở một mức độ cao, tính bỏn xẻn này được thấy nơi những con chó, con vật mà về một số phương diện nào đó rất hèn hạ. Những con vật khác thường thể hiện sự quan tâm và giúp đỡ lẫn nhau nhưng chó thì không, nó sẽ đuổi theo và cắn xé bất cứ con chó nào từ nơi khác đến; hoặc nếu không có cản đảm, nó sẽ sủa ầm ĩ để đuổi con kia đi. Ném một cục xương cho hai con chó đang chơi với nhau bạn sẽ thấy con mạnh hơn liền gầm gừ và ngoạm lấy khúc xương. Vì thế tính bỏn xẻn vốn ngủ ngầm trong những con vật hạ đẳng này không nên để cho làm ô nhiễm một người có nhân cách cao quý. Hãy ghi nhớ điều này trong tâm, và cố gắng vượt qua nó bằng chánh niệm hay tìm cách nhổ bật gốc nó bằng sự giác ngộ của một bậc Thánh.