Bỏn Xẻn Về Gia Quyến (Kulamacchariya, 家慳)
Mỗi vị sư thường có những người đệ tử tại gia trong số những nam nữ cư sĩ Phật tử. Một số vị không muốn đệ tử của mình có quan hệ với những vị sư khác. Thậm chí họ còn cấm người đệ tử không được đi đến chỗ một vị sư nào đó. Họ biện minh cho việc làm của mình là nếu vị sư đó là người ác giới, không đáng kính thì sao. Nhưng ngăn cấm một người đệ tử đến thăm một vị sư vẫn là bỏn xẻn. Ở một số nơi sự phân biệt còn được vạch ra giữa hai nhóm đệ tử tại gia, nhóm thuộc chùa này và nhóm thuộc chùa kia. Chúng tôi được biết có những vị sư thậm chí còn điều tra để thấy xem những đệ tử của mình có đi chùa nào khác hay không?
Mục đích chính của mỗi vị sư là tự giải thoát mình khỏi những khổ đau của luân hồi (saṁsāra). Thế nhưng một số vị sư lại bỏn xẻn về những đệ tử tại gia của mình, và thái độ hèn hạ như vậy thật là không thích hợp. Có thể nói tình trạng bỏn xẻn này còn gay gắt hơn ở những ngôi làng có một hoặc hai ngôi chùa và các vị sư thì chỉ vài người nhưng rất có ảnh hưởng. Có lần tôi nhận được một lá thơ của một vị sư ở một ngôi làng trong huyện Bamo. Theo thư của vị sư này thì trong làng của vị ấy có hai ngôi chùa và vị ấy cư trú ở một trong hai ngôi chùa đó. Vị ấy và một vị sư khác đã thoả thuận với nhau là sẽ không tiếp xúc với những nam nữ Phật tử thuộc chùa khác. Hiện nay một số Phật tử của vị ấy đang đi đến chùa khác và cúng dường cho vị sư khác. Vì thế vị ấy thỉnh cầu tôi xử xem vị sư kia có phạm Luật (Vinaya), nhất là trộm cắp hay không, vì y đã nhận của cúng dường từ các Phật tử của vị ấy.
Vị sư viết lá thư này quả thực đã bị day dứt bởi sự bỏn xẻn. Ông bị ảo tưởng cho rằng những Phật tử của ông cũng như con cháu của họ đều phải thuộc về ông do sự thoả thuận giữa họ. Bất kể sự thoả thuận của họ như thế nào, hai vị sư cũng không có quyền sở hữu những Phật tử hay con cháu của họ được. Người Phật tử tại gia có quyển bày tỏ đức tin của họ với bất cứ vị sư nào, có quyền đi viếng bất cứ ngôi chùa nào hoặc cúng dường cho bất cứ vị nào họ thích.
Thời Đức Phật một số đệ tử của Nigaṇṭha Nāṭaputta trở thành đệ tử của Đức Phật do rất ấn tượng với ngài. Những Phật tử trong trường hợp của vị sư vừa nêu có thể đã tìm đến một ngôi chùa khác do những khuyết điểm của thầy mình. Một người thầy phải biết ngăn đệ tử làm những điều có hại và hướng dẫn họ làm những điều thực sự đem lại lợi ích cho họ. Ngoài ra vị ấy còn phải thuyết giảng những pháp mới cho họ và lập đi lập lại những pháp họ chưa hiểu để họ được hiểu rõ thêm. Vị ấy phải chỉ cho họ biết rõ những thiện nghiệp nào đưa đến tái sanh thiên giới…; biết rải tâm từ ái đến mọi người vì sự an vui, hạnh phúc của họ; biết nói hay làm những điều không trái với Luật (Vinaya) để đem lại lợi ích cho họ. Có thể vị sư nói trên bị Phật tử bỏ vì ông đã không làm đúng những bổn phận của người thầy đối với đệ tử.
Kế đến, có bốn nhiếp pháp (saṅgaha-dhammas), hay bốn cách để giúp đỡ người khác. Chúng ta phải biết bố thí hay cho đến người khác những gì họ cần. Tuy nhiên đối với một vị Tỳ-kheo, cho bất cứ thứ gì đến người cư sĩ là điều không thích hợp. Nhiếp pháp thứ hai là chúng ta phải ăn nói nhã nhặn. Điều này rất quan trọng vì có một số vị sư thường hay nói năng một cách ngạo mạn và cáu gắt. Nhiếp pháp thứ ba đòi hỏi chúng ta phải biết thúc đẩy sự an vui và hạnh phúc của người khác. Các vị sư nên hướng dẫn cách sống đạo đức cho các thanh thiếu niên Phật tử. Lâu nay chúng ta dường như đã xao lãng trách nhiệm và bổn phận này. Đã thế các vị sư cũng như những cư sĩ lớn tuổi thường có khuynh hướng vạch lỗi những người trẻ đến với họ nhiều hơn là dạy dỗ. Đây là một lỗi lầm lớn của chúng ta.
Nhiếp pháp cuối cùng là chúng ta phải biết cộng tác với mọi người, xem họ ngang hàng với mình không ra vẻ kẻ cả với họ, tuy nhiên điều này chỉ áp dụng cho mối quan hệ giữa những người tại gia cư sĩ. Vị sư viết thư cho tôi nói trên bị Phật tử bỏ rơi có lẽ cũng là vì ông ta không sống đúng theo hai nhiếp pháp: ăn nói nhã nhặn và làm việc vì hạnh phúc của những đệ tử mình. Vì thế tôi đã viết thư trả lời cho vị ấy để nói rõ quan niệm của tôi và khuyên vị ấy nên làm hết bổn phận của mình với hàng đệ tử.
Bổn phận của người đứng đầu một ngôi chùa (sư trưởng) là thuyết giảng. Chỉ sau khi sống trong Tăng Chúng (Saṅgha) mười năm, một vị sư mới được xem như có đủ tư cách để làm người đứng đầu một ngôi chùa. Nhưng ngày nay vị sư trưởng có khi chỉ là một vị Sayādaw tự xưng và thậm chí chưa từng sống trong Tăng như một vị Tỳ-kheo. Vị sư trưởng một ngôi chùa hay tu viện phải tinh thông hai bộ Phân Tích (Vibhaṇga), đó là Bhikkhu Vibhaṇga (Phân tích giới Tỳ-kheo) và Bhikkhuni-vibhaṇga (Phân tích giới Tỳ-kheo ni). Ít nhất vị ấy cũng phải thuộc lòng Giới Bổn (Pātimmokkha). Tuy nhiên, ngày nay có những vị sư và Sayādaw chưa bao giờ nghiên cứu qua về bốn giới Bất Cộng Trụ (Pārājika) nữa.
Vị sư trưởng của một ngôi chùa cũng còn phải biết rõ những nguyên tắc hành xử được đề ra trong Đại Phẩm (Mahāvagga) và Tiểu Phẩm (Cūlavagga) của Khandaka (Hợp Phần, một bộ sách trong Tạng Luật, Vinaya-Piṭaka) và những thủ tục nhằm thực hiện một số Tăng Sự (Sangha-kamma). Một vị sư trưởng ngu dốt thậm chí có thể tiến hành những nghi lễ xuất gia Sa-di hay Tỳ-kheo không hợp lệ, và do đó làm tổn hại đến Đạo Phật. Tiêu chuẩn quan trọng cuối cùng của một vị sư trưởng là khả năng giải thích thông suốt bản chất của danh (nāma) và sắc (rūpa). Điều này rất quan trọng. Sở dĩ người Phật tử tại gia nương tựa vào các vị sư là để được chỉ dẫn về con đường đi đến thiên giới và Niết Bàn. Họ không có thời giờ để nghiên cứu kinh điển bởi vì họ phải làm việc cả ngày để kiếm sống. Vì thế việc dạy pháp đúng theo chánh tạng (piṭaka) của vị sư trưởng trong một ngôi chùa rất quan trọng.
Tóm lại, vị sư trưởng phải dạy cho người Phật tử biết cách quy y Tam Bảo và cách thọ trì ngũ giới hoặc bát quan trai giới. Vị ấy phải thuyết giảng về pháp bố thí (dāna), và về pháp hành thiền đúng theo kinh tạng cho những người hỏi về nó. Tất nhiên việc hoàn thành những phận sự này tuỳ thuộc vào năng lực của vị sư trưởng. Nếu vị ấy không làm được như vậy, những người muốn nghe pháp có quyền đi đến các vị sư khác có khả năng hơn. Họ phải đi tìm sự lợi ích cho họ và đây không phải là lý do khiến cho thầy của họ phải ngậm ngùi, oán giận.
Đáng tiếc rằng ở một số ngôi làng nhiều vị sư trưởng đã cấm các đệ tử của họ không cho đi dự các buổi giảng về thiền. Tôi nghĩ nếu các bài giảng về thiền Minh Sát này trái ngược với tinh thần Kinh Tạng, việc cấm của họ có thể được biện minh. Bằng không thì đó sẽ là một hành động cực kỳ tai hại. Vì thế một vị Tỳ-kheo phải thận trọng ngăn ngừa loại bỏn xẻn này. Đối với người tại gia cư sĩ cũng vậy, tìm cách thân thiết độc nhất với một vị sư nào đó cũng được xem là
bỏn xẻn về gia quyến (Kulamacchariya, 家慳, gia san). Tuy nhiên, không tán thành sự thân thiết của bạn mình với một người tư cách đáng chê trách thì không phải là bỏn xẻn mà là thiện chí.
Có nhiều người có những mục đích khác nhau và truyền bá những quan điểm khác nhau. Một số thuyết giảng những giáo lý đối nghịch hoàn toàn với lời dạy của Đức Phật. Trong khi Đức Phật thúc giục hàng đệ tử tránh ác, làm lành và tu tập thiền chỉ, thiền quán thì một số vị thầy lại nói ngược lại. Họ muốn chúng ta tin rằng nếu chúng ta hiểu rõ chân lý mà họ công bố, chúng ta đã được bảo đảm về sự giải thoát và không cần thiết phải tránh ác, làm lành và tu tập tâm làm gì. Một số còn tự gọi mình là bậc A-la-hán. Một số tự nhận mình đã đắc thành Phật quả, họ nói rằng tri kiến về Tứ Thánh Đế nghĩa là sự giác ngộ của Đức Phật vậy.
Tuy thế họ vẫn chưa thoát khỏi tham dục. Đáng tiếc rằng một số Phật tử lại cổ vũ cho những vị thầy như vậy. Họ vô minh đến nỗi hành theo tà giáo mà cứ cho rằng đó là chánh Pháp. Họ bị dẫn đi sai đường lạc lối bất chấp ước muốn hiểu biết chánh pháp của họ. Tôi nghĩ những người này thà cứ mãi là người Phật tử bình thường như khi sanh ra đừng quan tâm gì đến tôn giáo có khi lại tốt hơn thay vì chấp nhận tà kiến.
Chúng tôi đã hướng dẫn thiền minh sát dựa trên bài kinh Đại Niệm Xứ và hoàn toàn hợp với Kinh Tạng và chú giải trong hơn 32 năm nay. Con số những người hành thiền thực hành theo hướng dẫn của chúng tôi trong suốt 32 năm này ước tính có đến sáu mươi ngàn người. Trong số đó có hàng trăm người là những vị sư tinh thông Kinh Điển và cư sĩ học nhiều hiểu rộng. Những hành giả có học này có thể đánh giá sự giảng dạy của chúng tôi một cách chính xác. Và cũng có hàng ngàn người đã hành thiền một cách nghiêm túc dù họ không có kiến thức hay có rất ít sự hiểu biết về kinh điển. Với trí tuệ minh sát có được một cách độc lập của họ, họ có thể phân biệt được đâu là chân lý và đâu là tà đạo.
Phần lớn những người hành thiền tại trung tâm thiền của chúng tôi mới đầu đều muốn chứng đắc tri kiến siêu nhiên. Nếu như tôi không giảng cho họ phương pháp thiền Tứ Niệm Xứ, một số có thể sẽ bị những tà giáo này làm cho lầm đường lạc lối. Những người hành thiền nghiêm túc dưới sự hướng dẫn của tôi vẫn có thể nghe pháp của các vị thầy khác. Chúng tôi không ngăn cản họ làm điều này, bởi vì chúng tôi nghĩ họ có quyền tự do suy nghĩ và xét đoán cho bản thân mình.
Công việc hướng dẫn thiền sinh của chúng tôi là làm sao để họ có thể hiểu biết được Chánh Pháp và có những trải nghiệm tâm linh đúng đắn. Cũng vậy, những người đã hiểu biết thông suốt về phương pháp thiền của chúng tôi tự họ sẽ đem truyền bá nó ở khắp mọi nơi. Đôi khi chúng tôi cũng phải chỉ ra những sai lầm của các vị thầy khác. Ở đây mục đích của chúng tôi là giúp người hành thiền tránh được những tà đạo. Đây là bổn phận của người thầy và không liên quan gì đến sự bỏn xẻn (macchariya). Bỏn xẻn về thân quyến thì hoàn toàn ích kỷ bất chấp lợi ích của người khác, động cơ duy nhất của nó là mong muốn có được ảnh hưởng độc quyền đối với họ. Nhưng chỉ ra những lầm lỗi của người khác vì sự giác ngộ của đệ tử mình không phải là bỏn xẻn mà là bổn phận của người thầy.