Với tuệ kinh úy (Bhayañāṇa), người hành thiền gần như đã cầm chắc được những tiến bộ thêm nữa. Thực hành tiếp tục sẽ giúp vị ấy phát triển được các tuệ minh sát khác. Chỉ thấy sự tan hoại, vị ấy trở nên sợ hãi (bhayañāṇa: kinh úy tuệ, hay tuệ thấy sự sợ hãi). Vị ấy thấy ra những khuyết điểm (ādīnavāñāṇa: quá hoạn tuệ, tuệ thấy những tội lỗi hay khuyết điểm trong ngũ uẩn). Vì thế vị ấy trở nên chán ghét sự hiện hữu. Người bình thường thích hưởng thụ cuộc sống bởi vì họ không thấy những hiểm họa của nó. Nếu biết được sự tan hoại không ngừng của nó chắc chắn người ấy sẽ trở nên chán ghét và mệt mỏi (nibbidāñāṇa, tuệ yểm ly hay nhàm chán). Tuệ này rất quan trọng. Trong nhiều bài kinh, sau khi chỉ ra ba dấu ấn của cuộc sống, Đức Phật thường thường nói, “Do thấy như vậy, bậc thánh đệ tử trở nên nhàm chán đối với sắc thân này” và rồi ngài tiếp tục nói, “Do nhàm chán, vị ấy ly tham và chứng đắc thánh đạo.” Chúng tôi cho rằng Đức Phật đã đồng nhất tuệ nhàm chán với tất cả các tuệ đi trước cũng như những tuệ đi sau nó.
Muccitukamyatāñāṇa và Các Tuệ Minh Sát Khác
Do nhàm chán kiếp sống, người hành thiền không muốn chấp thủ vào thân và tâm hay sự hiện hữu của mình nữa và lúc này ước muốn từ bỏ chúng (Muccitukamyatāñāṇa, tuệ dục thoát, hay mong muốn giải thoát) phát sanh. Để hoàn thành ước muốn của mình, vị ấy phải tiếp tục thực hành để đạt đến tuệ phản khán (paṭisaṅkhāñāṇa). Khi sự tập trung hay định phát triển, vị ấy có thể phớt lờ mọi hiện tượng phát sanh. Lúc này trong vị ấy chỉ còn sự hay biết đơn thuần về chúng (saṅkhārupekkha ñāṇa, tuệ hành xả) mà không cần có bất cứ sự cố gắng nào.
Ở giai đoạn này người hành thiền chỉ vận dụng nỗ lực lúc ban đầu. Sau đó không cần phải có bất cứ nỗ lực đặc biệt nào nữa. Trong vị ấy giờ đây chỉ có sự hay biết đơn thuần, vị ấy thấy rằng tất cả những gì sanh khởi đều nối tiếp theo nhau diệt mất. Vị ấy duy trì được trạng thái này trong hai hoặc ba giờ mà không cảm thấy bị chuột rút, nóng bức hay đau đớn gì cả. Oai nghi (tư thế ngồi,…) của vị ấy không thay đổi. Nếu vị ấy có bất cứ sự đau đớn hay bệnh tật của thân nào, lúc đó nó sẽ không xuất hiện. Một số chứng bệnh thậm chí còn biến mất. Với sự phát triển đầy đủ của tuệ này, tuệ thuận thứ (anupatilomañāṇa) và sau đó người hành thiền thấy Niết-Bàn ở mức thánh đạo và thánh quả.
Vì thế nếu bạn mong muốn thấy Niết-Bàn hay chứng Đạo Quả trong kiếp sống này bạn phải cố gắng để có được các tuệ minh sát bắt đầu với tuệ phân biệt danh sắc (nāmarūpaparicchedañāṇa) cho đến tuệ thuận thứ (anulomañāṇa). Để đạt đến mục đích này bạn phải quan sát tất cả mọi hiện tượng tâm-vật lý phát sanh từ sáu căn và thấy đúng như chúng thực sự là. Đối với những người không thực hành chánh niệm, mỗi đối tượng giác quan mà họ không biết đúng như thực có nghĩa là đã có sự ngủ ngầm của vô minh như một phiền não. Và khi những hoàn cảnh thuận lợi có mặt phiền não ngủ ngầm này sẽ tìm được một lối thoát ra. Những hạt giống của vô minh thường mang theo những hạt giống của tham và sân, và dưới một vài điều kiện, các trần cảnh được nhớ lại, những ngọn lửa tham và sân sẽ bùng lên như một hệ quả tất yếu. Vô minh, tham ái và sân hận làm phát sanh nghiệp xấu hoặc tốt, rồi đến lượt chúng những nghiệp này sẽ dẫn đến tái sanh cùng với già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não theo sau nó. Những ngọn lửa của cuộc sống này sẽ nuốt chửng những người không chánh niệm khi thấy, nghe, suy nghĩ,…. Vì thế Đức Phật nói trong Kinh Aditta: “con mắt đang bốc cháy, cảnh sắc đang bốc cháy,…”
Đối với người hành thiền chánh niệm trên mọi hiện tượng phát sanh từ sáu giác quan khi họ thấy, nghe,…, và có được những tuệ minh sát những ngọn lửa này sẽ bị dập tắt hoàn toàn. Vì thế chúng ta nên cố gắng đoạn trừ vô minh bằng trí tuệ chọc thủng vào bản chất thực của danh và sắc (hợp thể thân tâm).