Bất Tín (Assaddhi)
Saddhā có nghĩa là đức tin nhưng không phải là đức tin theo nghĩa chấp vào một quan niệm không có căn cứ và bất hợp lý. Saddhā ở đây chỉ muốn nói tới sự chấp nhận của chánh kiến về chân Phật, chân Pháp, chân Tăng và về quy luật nhân quả hay nghiệp báo. Tin vào nghiệp là chánh kiến dựa trên Saddhā hay tín. Bình luận về Tam Quy (saraṇa) các bản chú giải mô tả kiến ấy như chánh trực kiến về nghiệp (diṭṭhijukamma), có gốc ở đức tin (saddhā).
Giống như chánh kiến về nghiệp, chánh kiến nơi chân Phật, chân Pháp, và chân Tăng cũng là một vấn đề của đức tin. Mỗi tôn giáo đều có Đấng Thượng Đế hay bậc đạo sư tối thượng, có giáo lý do đấng sáng lập ấy dạy hoặc mặc khải và có những tín đồ theo giáo lý ấy. Làm thế nào để chúng ta biết được họ có phải là thật hay không phải thật? Đối với đạo Phật, câu trả lời là một vị chân Phật phải có chín ân đức. Một trong những ân đức đó là Arahan (A-la-hán) vốn có nghĩa không còn tham, sân, si và các phiền não khác và như vậy nó đủ để tiết lộ tính chân thật của vị đạo sư. Người ta nói rằng cái gọi là Đấng Thượng Đế hay Đấng Sáng Tạo muốn con người phải kính trọng và tôn thờ ông ta và sẽ trừng phạt những ai bất kính. Điều này đã cho thấy sự khát khao quyền lực và lòng sân hận của ông như thế nào. Nhưng Đức Phật dạy rằng chúng ta sẽ đi theo nghiệp của chúng ta, rằng thiện nghiệp sẽ cho quả tốt và ác nghiệp sẽ cho quả xấu. Ngài không nói rằng những người sùng bái ngài sẽ được cứu độ còn những người không sùng bái ngài sẽ bị trừng phạt. Trong lời dạy của ngài không có những dấu hiệu của tham hay sân. Ngài chỉ khuyên dạy các hàng đệ tử hãy tự giải thoát mình khỏi những phiền não ấy mà thôi.
Còn về giáo lý, cách kiểm chứng của nó là bằng kinh nghiệm. Giáo pháp phải có sáu ân đức và một trong số đó là thiết thực hiện tại (sandiṭṭhika), nghĩa là pháp phải được chứng ngộ, phải được kinh nghiệm ngay trong hiện tại. Vì thế chúng ta có thể biết giáo pháp ấy là chân hay giả dựa trên căn bản của sự kinh nghiệm. Các tôn giáo khác không nói cho chúng ta biết những gì tín đồ của họ có thể kinh nghiệm; tất cả những lời dạy của họ phải được cấp nhận bằng đức tin mù quáng. Còn giáo pháp của Đức Phật thích hợp với sự thẩm xét theo kinh nghiệm. Chẳng hạn, nếu một người thực hành theo sự chỉ dẫn của chúng tôi họ sẽ có được kinh nghiệm tâm linh trong khoảng hai tuần và nếu thực hành thêm năm hay sáu tuần nữa họ sẽ có những minh sát trí lạ thường.
Tăng cũng vậy, là chân tăng nếu có chín ân đức như ‘suppatipanna’, thiện hành hay khéo huấn luyện, khéo tu tập. Tất nhiên mỗi tôn giáo đều nhìn nhận tầm quan trọng của sự khéo tu tập nhưng chúng ta phải biết phân biệt giữa thiện tu và ác tu. Thiện tu có nghĩa là sẽ được giải thoát khỏi tham, sân và những điều ác khác. Một sự tu tập như vậy thường không tìm thấy trong các giáo pháp ngoài Phật Giáo. Những hệ thống tôn giáo ngoài Phật giáo không giúp chúng ta nhổ bật gốc những điều ác trong khi sự tu tập trong Phật Giáo bảo đảm sự dập tắt hoàn toàn của chúng. Tăng là những người đã nguyện tuân theo sự tu tập này.
Đức tin nơi Phật, Pháp, và Tăng đem lại rất nhiều lợi ích. Do thiếu đức tin này mà một số người chẳng những không làm điều thiện mà thậm chí còn làm những điều ác. Có những người bác bỏ nhân quả, không tin nghiệp (kamma) và ý niệm về một kiếp sống tương lai, vì thế họ không màng đến việc tránh ác và làm thiện. Do thiếu đức tin, một số ít ỏi điều thiện họ làm xuất phát từ lòng thương người đều bị những ác nghiệp đè bẹp. Hầu như họ không có gì để dựa vào cho hạnh phúc tương lai của họ sau khi chết. Trái lại người có đức tin biết tránh điều ác và làm mọi điều thiện đến mức có thể. Vì thế họ tạo được những tiến bộ tinh thần và bảo đảm một đời sau tốt đẹp.