Bạn Ác (Pāpamitta, 惡友, ác hữu)
Pāpamitta có nghĩa là bạn xấu hay bạn ác. Chữ bạn ở đây phải được hiểu theo nghĩa của một người mà mình xem như thầy của mình. Vì thế bạn ác có nghĩa là tin cậy vào một người thầy ác. Kalyāṇamitta (thiện tri thức) có nghĩa là một người bạn lành, một người nào đó đáng tin cậy trong vai trò của một người thầy và vì thế có một người bạn lành là có được một người thầy tốt. Pháp Tụ (Dhammasaṅgaṇi), một cuốn sách trong Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma piṭaka) phân biệt một người bạn lành hay một người thầy tốt với một người bạn ác, thầy ác như sau:
Bạn ác hay thầy ác là người không có đức tin nơi Phật, Pháp và Tăng; người ấy không tin vào nghiệp; không có sự toàn vẹn về giới; thay vì đưa ra những bài học sâu xa về sự tu tập tâm, người ấy hay nói về các dục lạc. Người ấy có ít sự hiểu biết về lời dạy của Đức Phật; cũng chẳng có chút kinh nghiệm nào về thiền định và thiền minh sát đích thực. Chúng ta phải coi chừng những người hay kêu gọi chúng ta đừng theo tà sư ngoại đạo trong khi bản thân họ thực sự chỉ có một ít sự hiểu biết. Hơn nữa, bạn ác hay thầy ác rất hay ghen tị. Họ sợ những đệ tử của mình có đức tin nơi những vị thầy khác. Người ấy không có tri kiến giải thoát như trí thấy rõ sự sanh và diệt của mọi hiện tượng.
Nói tóm lại, người không có đức tin, không có tư cách đạo đức, kiến thức và trí tuệ nhưng lại hay ghen tị là một người bạn ác, thầy ác. Tất nhiên trong công việc làm ăn hay trong những vấn đề thế sự chúng ta có thể kiếm một người bạn như vậy nhưng nếu chọn một vị thầy hướng dẫn tu tập cho chúng ta thì nên tránh xa những người đó. Vì một lẽ họ không tin nơi Phật, Pháp, Tăng, nên những lời nói và cách cư xử của họ có khuynh hướng làm suy yếu dần mòn đức tin của chúng ta đi. Họ không chấp nhận quy luật Nghiệp Báo và chủ nghĩa hoài nghi của họ rất nguy hiểm. Luôn thuyết giảng về sự vô ích của một đời sống đạo đức, họ không cần phải tránh ác và làm thiện. Những người đệ tử bắt chước theo và kết quả là sự suy thoái đạo đức của họ.
Như vậy nếu một người nương tựa vào một vị thầy vô đạo đức thì về phương diện đạo đức sẽ bị lầm lạc. Một người nương tựa vào một vị thầy nghiện rượu sẽ có khuynh hướng trở thành một kẻ nghiện rượu. Một người thầy ngu dốt không có lòng tôn trọng tri thức. Do ngu dốt họ không có lòng kính trọng đối với những người đa văn, thông thái. Khi bị chỉ trích vì lời nói không khế hợp kinh điển, họ không thể tranh cãi một cách thuyết phục và lúc đó có khả năng họ sẽ xem thường kinh sách. Họ sẽ làm cho chúng ta tin rằng hoặc kinh sách hoặc những bậc đa văn kia là sai. Những đệ tử của họ chấp nhận quan niệm của họ và có khuynh hướng phỉ báng các nhà bậc đa văn, thông thái và những tác phẩm cổ xưa. Hành động của họ quả thực là một ác nghiệp ghê gớm.
Vị thầy ghen tị thường ngăn không cho người đệ tử bố thí. Họ cũng không cho đệ tử nghe và thực hành chánh pháp. Một vị thầy không có trí minh sát thực thụ không thể giúp những đệ tử của mình tu tập minh sát trí đó được. Rất có thể họ còn trình bày sai chân lý và gây ra sự hiểu lầm tai hại. Người có đức tin nơi một vị thầy như vậy sẽ không bao giờ đạt đến chánh đạo. Họ có khuynh hướng nói xấu những ai chỉ rõ con đường chân chánh.
Những vị thầy ác trong thời Đức Phật là Pūraṇakassapa và các vị khác trong sáu giáo phái ngoại đạo. Người hành theo giáo lý của họ đã không có cơ hội được gặp Đức Phật. Một số còn chê bôi Tam Bảo (Phật-Pháp-Tăng) và do đó đã phạm vào những nghiệp bất thiện. Một người như Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) cũng được mô tả như một vị thầy ác trong chú giải. Những người đi theo Đề-bà-đạt-đa đã phải chịu đựng rất nhiều khổ đau.