Ba Giai Đoạn Của Đạo

Có ba giai đoạn của chánh kiến. Thứ nhất chúng ta có chánh kiến căn bản; kế tiếp chúng ta có chánh kiến dựa trên minh sát trí, vốn là trí đi trước của Thánh Đạo (pubbabhāga vipassanā sammādiṭṭhi, chánh kiến minh sát đi trước) và cuối cùng chúng ta có chánh kiến thuộc thánh đạo (ariyamaggasammādiṭṭhi). Đối với các chi đạo khác của Bát Thánh Đạo cũng có thể nói như vậy. Mỗi chi đạo đều có ba giai đoạn, đó là: đạo căn bản, đạo đi trước và thánh đạo.

Ở đây chúng ta có thể xem chánh kiến như một ví dụ. Tin vào nghiệp là điều rất quan trọng vì đó là đạo căn bản. Không có niềm tin nơi nghiệp người ta sẽ không tránh điều ác và sẽ khó để họ làm các điều thiện như bố thí, trì giới. Ngay cả khi một người như vậy phải bố thí do hoàn cảnh bắt buộc, việc bố thí đó cũng sẽ chỉ là một hành động ly trí (divorced from knowledge) và do vậy phước mà y nhận được sẽ là một loại phước hạ liệt. Vì thế rất có thể y sẽ phải đi xuống các cõi thấp và có ít cơ may được tái sanh vào cõi an vui, nói gì đến thánh đạo, hoặc Niết Bàn. Trái lại, người tin vào nghiệp sẽ tránh điều ác, và hiến mình cho việc làm điều thiện, như nghe pháp và hành thiền. Như vậy, ngay cả nếu người ấy không có được những kinh nghiệm tâm linh phi thường, họ cũng sẽ được sống an vui, hạnh phúc trong các kiếp sống tương lai của mình. Còn nếu họ phát triển được đầy đủ chánh kiến cho tới tuỳ thuận trí (随顺智), chánh kiến về thánh đạo (Ariyamagga) sẽ phát sanh và họ sẽ thực sự thấy Niết Bàn.

Vì thế, chúng ta hãy xác nhận niềm tin vào nghiệp của chúng ta hợp với lời dạy của Đức Phật. Những ai vẫn chưa thể thực hành thiền minh sát nên đặc biệt chú ý đến chánh kiến về nghiệp này. Họ cũng nên in sâu nó vào trong tâm con cháu của họ. Vì không có chánh kiến này một đứa trẻ sẽ không phải là một Phật tử chân chính mặc dù nó có thể được gọi là một Phật tử do thọ sanh trong gia đình của họ. Nó sẽ có những ý nghĩ bất thiện và lắm khi còn chế giễu những thiện nghiệp của cha mẹ chúng như kính lễ những kỷ niệm về Đức Phật (tượng Phật, xá-lợi Phật,…), giữ bát quan trai giới, bố thí,… Khi lớn lên nó có thể trở thành một kẻ cải đạo, nghĩa là chuyển sang một tôn giáo khác do kết hôn hay vì một lý do nào đó. Hay nó cũng có thể trở thành một người theo thuyết bất khả tri, một kẻ vô thần… Vì thế nhất thiết quý vị phải làm cho thấm nhuần chánh kiến về nghiệp này trong tâm trí con cái mình và nếu có thể được hãy để cho nó củng cố thêm bằng việc hành thiền.

Như vậy, dù cho những người khác có thể phản bác, chúng ta vẫn sẽ xác nhận chánh kiến về nghiệp của chúng ta; chúng ta sẽ trau dồi những ý nghĩ chân chánh (chánh tư duy) và thực hành đúng pháp để làm giảm nhẹ những phiền não. Chúng ta phải tránh những tà kiến và kiên định chánh kiến để nâng cao giá trị tinh thần của chúng ta.

Những người tin vào nghiệp nên củng cố niềm tin của mình cho vững chắc. Những người chưa có được trí tuệ minh sát nên cố gắng hành thiền. Những người đã hành thiền hay đã có được ít nhiều kinh nghiệm trong đó nên quyết tâm để có những minh sát trí cao hơn. Họ phải cố gắng để có được sanh diệt trí (udayabhayañāṇa) tạo điều kiện cho kinh nghiệm tâm linh phi thường, và một căn bản vững chắc cho đạo trí và quả trí. Họ cũng nên cố tìm cho được Hành xả trí (saṅkhārupekkhāñāṇa), một loại trí rất vi tế, đòi hỏi phải có sự quan sát một cách thư giãn và là một cái gì đó hơi giống như sự hay biết tự động. Nó sẽ làm cho họ xả ly hoàn toàn khi đương đầu với các dục trần khả lạc hay bất khả lạc. Ở khoảnh khắc này họ sẽ có được thuộc tính của bậc A-la-hán gọi là xả đối với sáu trần cảnh (chaḷaṅgupekkhā). Sự kinh nghiệm này được xem như rất hài lòng đối với người hành thiền nhưng có thể gây kinh hoảng đối với những người khác.

Với sự hoàn thiện của trí này chánh kiến về đạo sẽ phát sanh đưa người hành thiền vào tiếp xúc với Niết Bàn. Ở giai đoạn này tất cả mọi tà kiến hoàn toàn bị dập tắt. Vì thế quý vị nên cố gắng để có được ít nhất là chánh kiến ở mức Nhập lưu (sotāpatti) hoặc nếu có thể, chánh kiến ở những mức cao hơn nữa. Nhờ những chánh kiến thuộc thánh đạo cao hơn này chúng ta có thể vượt qua được ngã mạn (asmimāna: asmi我+māna慢, 我慢), kiến mạn (diṭṭhimāna) vốn thống trị chúng ta ở những đạo thấp hơn. Thực ra thì ngã mạn này có gốc ở những phẩm chất mà chúng ta thực sự có và vì thế nó cũng được gọi là ngã mạn đúng (yathāvamāna). Chỉ khi chúng ta trở thành bậc thánh A-la-hán chúng ta mới có thể loại trừ được loại ngã mạn này vĩnh viễn. Vì thế để khắc phục nó chúng ta có thể thay thế những tà kiến bằng chánh kiến và việc chiến thắng được nó bằng A-la-hán thánh đạo hoàn toàn tuỳ thuộc vào chúng ta.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app