Mười Phần Tà Kiến
Phần thứ nhất trong số đó là quan niệm cho rằng hành động bố thí không có lợi ích gì cả, rằng bố thí chỉ là một sự phung phí tài sản của mình. Tuy nhiên cần phải suy xét cẩn thận đừng để hoài nghi về những lợi ích của bố thí. Khi bố thí, chúng ta thấy người thọ nhận sẽ rất vui với với những gì mà họ nhận được. Hành động bố thí của chúng ta làm cho họ cảm thấy hạnh phúc cả ở thân lẫn ở tâm. Thức ăn chúng ta đem cho một người đang đói có thể kéo dài sự sống của họ. Người bố thí cũng vậy, cảm thấy rất vui khi nhớ đến những kết quả của hành động bố thí mà mình đã làm. Hơn nữa, người bố thí còn làm cho nhiều người mến chuộng mình. Người đóng góp vào quỹ phúc lợi một cách hào phóng được mọi người quý trọng, được các bậc hiền trí tán dương. Người ấy có được sự ngưỡng mộ và danh tiếng. Tại chỗ hội họp nào người ấy tham dự, người ấy được kính trọng. Người ấy dù sống ở đâu cũng có kẻ hầu người hạ. Người ấy có nhiều ảnh hưởng, và đảm nhận công việc gì người ấy cũng được thành công. Đây là những lợi ích mà người ấy có được ngay trong kiếp hiện tại.
Sau khi chết, người bố thí sẽ tái sanh về cõi chư thiên hoặc sanh làm người giàu có. Dĩ nhiên đây là những phần thưởng sau khi chết mà vốn không được những người thích thẩm xét theo lối kinh nghiệm thừa nhận. Đối với những người cố chấp vào những sự kiện thực tế, điều này thực sự khó hiểu. Nhưng chúng ta phải chấp nhận giáo lý về nghiệp (nhân quả), hãy nhớ rằng nó vượt ngoài tầm hiểu biết của kẻ vô văn phàm phu, và rằng sự xác chứng về nó nằm trong lãnh vực trí tuệ của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, các vị A-la-hán và những người hành thiền có thần thông. Nếu quý vị muốn nhận thức rõ sự thực, quý vị phải phát triển các năng lực siêu nhiên để giúp quý vị hoàn thành ước muốn ấy. Với thiên nhãn (dibbacakkhu) quý vị có thể thấy hàng triệu người bố thí đang thọ hưởng hạnh phúc cõi trời cũng như hàng triệu người keo kiết, bủn xỉn có tâm ác đang phải chịu khổ đau trong các cõi khổ do ác nghiệp của họ. Tất nhiên điều này sẽ dấy lên câu hỏi là liệu những gì người hành thiền này thấy là thực hay chỉ là ảo tưởng. Nhưng sẽ thật hợp lý để chấp nhận nó như sự thực do những giải thích độc lập của các thiền sinh khác về những kinh nghiệm tương tự như thế. Vì thế việc phủ nhận những lợi ích do bố thí sanh là một phần của tà kiến.
(2) Phần thứ hai của tà kiến là quan niệm cho rằng “Cúng dường trên quy mô lớn cũng vô ích”, rằng làm như thế chỉ là một sự hoang phí của cải và nhân lực.
(3) Quan niệm sai lầm kế tiếp cho rằng nuôi ăn, tặng quà và các hình thức cúng dường khác cũng vô ích; nói cách khác, đãi ăn khách, tặng những món quà nhân dịp đám cưới, đầu năm mới,…không đem lại lợi ích gì cả. Quan niệm thứ hai và thứ ba này chủ yếu giống như quan niệm thứ nhất. Chúng muốn nói đến những việc làm tốt mà một thời rất thịnh hành ở Ấn Độ cổ và đề cập đến những hành động bố thí đặc biệt vốn bị những người theo ngoại đạo phản đối.
(4) Quan niệm sai lầm thứ tư cho rằng một hành động tốt hay xấu không có bất kỳ quả báo lớn hay nhỏ nào cả. Nói khác hơn, quan niệm này cho rằng cái gọi là thiện nghiệp không tạo ra quả thiện mà chỉ là một sự hoang phí năng lực và cái gọi là bất thiện nghiệp cũng không có quả xấu nào cả, rằng người làm điều bất thiện không có tội lỗi gì hết. Như chúng tôi đã nói ở trên, quả thiện của một hành động tốt thể hiện một cách rõ ràng trong kiếp hiện tại này và quả thiện của nó trong đời sau cũng được thấy bởi những người hành thiền có thiên nhãn thông. Chúng ta cũng có thể nói như vậy đối với những hành động ác. Những người làm điều ác bằng hành động hay bằng lời nói ít nhất cũng sẽ bị những người có trí khiển trách. Nếu như họ phạm vào những tội ác, họ sẽ bị pháp luật trừng phạt hoặc người bị hại trả thù. Về phương diện kinh tế, họ sẽ bị phá sản nếu như điều ác họ làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của họ. Sau khi chết họ sẽ phải đi đến những cõi khổ, đối với những người có thiên nhãn thông đây là điều hiển nhiên, còn chúng ta sẽ phải chấp nhận nó như là sự thực dựa trên thẩm quyền của Đức Phật và các bậc Thánh A-la-hán đã mục kích nó bằng năng lực thần thông của các ngài. Tuy nhiên, đối với những người ham thích các dục lạc chỉ nghĩ đến việc đắm chìm trong những thú vui như vậy sẽ không thích những điều thiện vốn cản trở đường đi của họ. Anh ta cũng không muốn tránh điều ác vì một người có niềm tin vào nhân quả sẽ luôn luôn làm điều thiện dù có phải hy sinh những hạnh phúc vật chất của mình. Anh ta có thể nghĩ rằng trong công việc kinh doanh nếu anh ta cứ tránh điều ác thì anh ta sẽ chẳng đạt được một tiến bộ vật chất nào. Do đó anh ta không suy xét đến quả nghiệp của những hành động mà anh ta đã làm. Anh ta có khuynh hướng bài xích nó và nghĩ ra đủ thứ lý lẽ khác nhau để ủng hộ cho quan niệm của anh ta. Điều này chủ yếu là do sự yêu thích dục lạc thái quá của anh ta mà thôi.
(5) và (6) Quan niệm sai lầm khác cho rằng không có mẹ và cha. Các bậc hiền trí dạy chúng ta phải xem cha mẹ như những bậc ân nhân vĩ đại của chúng ta, phải biết kính trọng họ, chăm sóc và đền đáp những gì họ đã làm vì hạnh phúc của chúng ta. Những người chủ trương tà kiến không chấp nhận lời dạy này. Họ phản bác nó, cho rằng người ta có con chỉ là chuyện tình cờ trong quá trình hưởng dục của họ mà thôi, rằng việc chăm lo cho con cái là trách nhiệm đương nhiên của họ, vì thế không có lý do gì để người con phải biết ơn cha mẹ mình. Hơn nữa, vì lẽ y không phân biệt được giữa cái thiện và cái ác, nên y không tin rằng việc nuôi dưỡng cha mẹ hay việc làm điều sái trái đối với cha mẹ sẽ tạo ra những quả nghiệp tương ứng của nó. Vì thế khi y nói rằng không có mẹ, hay không có cha, là y đang phủ nhận việc chúng ta đáng được sự kính trọng đặc biệt của con cái chúng ta do vì chúng ta là cha mẹ của chúng vậy. Thực là một niềm tin khủng khiếp. Một hậu quả chắc chắn của niềm tin này là người tin nó sẽ không được con cái của họ tôn trọng.
(7) Đây là niềm tin cho rằng không có gì gọi là đời này (phân biệt với đời khác). Nói khác hơn, họ tin rằng sau khi chết ở cõi người này không có chuyện tái sanh sang đời khác. Như vậy người chủ trương quan niệm sai lầm này bác địa ngục, cõi trời và cõi ngạ quỷ vốn không thể thấy được. Và theo quan niệm này thì cõi khác duy nhất chỉ là cõi súc sanh (vì có thể thấy được) và việc một con vật chết có thể chuyển sang cõi người là điều không thể xảy ra vì chết là hết, là sự huỷ diệt của mọi chúng sanh.
(8) Niềm tin này phủ nhận sự hiện hữu của các thế giới khác. Nó phủ nhận việc có thể tái sanh trong địa ngục giới, thiên giới hay ngạ quỷ giới sau khi chết trong cõi người. Niềm tin này khăng khăng cho rằng sự huỷ diệt là số phận chung của mọi người sau khi chết.
(9) Niềm tin này cho rằng không có những chúng sanh xuất hiện trong một hiện hữu mới sau khi chết ở một hiện hữu trước. Theo nghĩa vừa nêu quan niệm này cũng giống như quan niệm số (7) và (8). Kinh Điển Pāḷi nói, “Natthi opapātikā sattā” (“không có những chúng sanh hoá sanh”). Nói cách khác, quan niệm này phủ nhận việc có những chúng sanh xuất hiện với đầy đủ các bộ phận của thân thể, hay hoá sanh với thân tướng đầy đủ. Trong Đạo Phật những chúng sanh này là chư thiên, Phạm thiên, ngạ quỷ, A-tu-la, những cư dân của địa ngục và những chúng sanh có mặt vào buổi đầu của thế gian. Người theo dị giáo phủ nhận sự hiện hữu của những chúng sanh này là vì bản thân họ chưa từng thấy những chúng sanh ấy. Không có những căn cứ cho chủ nghĩa hoài nghi này, vì thỉnh thoảng người ta vẫn thấy những phi nhân thiện cũng như những phi nhân ác xuất hiện ở một vài nơi. Có những vị thọ thần (chư thiên ngụ ở cội cây) gây rắc rối tức thời cho những người huỷ hoại nơi cư ngụ của họ. Những phi nhân canh giữ những kho báu cổ đã được nhiều người nhìn thấy hoặc một số người còn chứng kiến những hiện tượng huyền bí của các thầy phù thuỷ….Một số người hành thiền, bằng năng lực thiền định, thực sự đã thấy những chư thiên, Phạm thiên, ngạ quỷ và những chúng sanh bên trong cơ thể họ. Do những sự kiện này chúng ta có thể nói quan niệm phủ nhận sự hiện hữu của thế giới thiêng liêng là không đứng vững.
(10) Quan niệm này rất quan trọng. Vì thế chúng tôi sẽ đưa ra đây một sự phiên dịch sát nghĩa nhất của đoạn văn Pāḷi và giải thích nó cho quý vị hiểu. “Có những sa-môn và bà-la-môn (tỳ kheo và các bậc thánh) nói rằng họ có tri kiến đặc biệt và thực sự thấy được thế giới này và thế giới khác, những thế giới vô hình. Nhưng trong thế gian này làm gì có những sa môn và bà-la-môn sống đời phạm hạnh và hành xử một cách chân chánh như thế.”
Có thể diễn dịch nó theo một cách khác, quan niệm của những người dị giáo cho rằng trong số những người sáng lập ra các tôn giáo và công bố giáo lý của họ không người nào giảng dạy dựa trên sự hiểu hiết thực nghiệm (tri kiến theo lối kinh nghiệm), đặc biệt và độc lập của họ về thế giới hữu hình của loài người và thế giới vô hình của chư thiên và địa ngục. Nói chung những lời dạy của họ không hợp với sự thực hành của họ. Tất cả những lời dạy của họ chỉ là sự ước đoán, và suy đoán phát sanh do vô minh. Sự hàm ý ở đây, theo họ không có tôn giáo nào thực sự tốt hay đúng cả. Sự buộc tội các tôn giáo như thế này không chỉ có ở thời đại cổ xưa mà ngày nay tôn giáo cũng bị những kẻ thù nghịch tôn giáo làm như thế.
Như vậy những người dị giáo phủ nhận sự hiện hữu của Đức Phật và các bậc Thánh A-la-hán, những bậc biết được sự thực của thế gian như kết quả của sự nỗ lực tinh thần của họ. Nhưng nếu suy nghĩ một cách hợp lý, dựa căn bản trên chính những gì người dị giáo này nói, chúng ta sẽ phải kết luận rằng họ (những người dị giáo) cũng chỉ là một kẻ vô văn phàm phu và rằng những lý luận của họ cũng chỉ là sự suy đoán chứ không có bất kỳ tri kiến đặc biệt nào. Vì thế chấp nhận những lời nói của một kẻ vô văn phàm phu như sự thực của thế gian sẽ không lợi ích gì cả. Nhất thiết chúng ta phải suy nghĩ một cách sâu xa và độc lập.
Có nhiều tôn giáo trên thế gian. Một số trong đó thừa nhận trong thánh thư của họ rằng những lời dạy của tôn giáo họ là dựa vào những suy đoán chứ không phải trên kinh nghiệm thực tiễn. Hơn nữa, những tôn giáo này không hứa hẹn một kinh nghiệm cá nhân nào cho những người thực hành giáo lý của họ. Thay vào đó, họ chỉ nhấn mạnh đến đức tin mù quáng và sự sùng kính. Tất nhiên những tôn giáo như vậy sẽ không có sức lôi cuốn đối với những người có trí. Còn về Phật Pháp (Buddha-Dhamma), đạo Phật tuyên bố rằng lời dạy của Đức Phật được dựa trên tri kiến đặc biệt, thuộc cá nhân. Đúng như lời tuyên bố của Đức Phật, việc thực hành kiên định sẽ bảo đảm có được những kinh nghiệm cá nhân. Lời dạy của Đức Phật đã được khoa học xác nhận trên nhiều phương diện. Nhưng để xác chứng dứt khoát, người ta sẽ phải thực hành một cách hệ thống và thấu đáo. Do vậy người chấp theo tà kiến này cuối cùng nên thực hành giáo pháp một cách đầy đủ để tự mình thấy rõ.
Người tuyên bố mười tà kiến này là Ajita, đạo sư của một giáo phái trong thời Đức Phật. Tuy nhiên, trước khi Đức Phật xuất hiện ông đã dạy giáo lý này rồi. Vì thế, sự công kích của ông có thể mới đầu đã không nhắm vào Đức Phật và các vị đệ tử của ngài, vốn là những bậc Thánh A-la-hán đích thực nhưng vì ông tiếp tục công kích tất cả những bậc Thánh trong thời Đức Phật, nên nó cũng hàm ý công kích cả Đức Phật và các bậc Thánh A-la-hán đích thực luôn vậy.