Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Voi: Tích Bà La Môn Lão Niên

“Dhanapālako nāma kuñjaro
Kaṭukappabhedano dunivārayo
Baddho kabalaṃ na bhuñjati
Sumarati nāgavanassa kuñjaro”.

“Con voi tên Tài Hộ,
Phát dục, khó điều phục,
Trói buộc, không ăn uống.
Voi nhớ đến rừng voi”.

Khi Bậc Đạo Sư lưu trú ở Jetavana, Ngài đề cập đến con trai vị Bà la môn già. Được nghe rằng: Tại thành Sāvatthī có một ông Bà la môn có gia sản trị giá 80 Koṭi, ông có bốn người con. Khi chúng trưởng thành, ông phân chia cho chúng nữa gia sản. Rồi thì theo định luật vô thường, nó như bóng câu qua cửa sổ, vợ ông mệnh chung. Bấy giờ các con ông bàn tính rằng: “Nếu ông ta bước thêm bước nữa thì e rằng gia đình suy sụp, vì phải chia tài sản cho em cùng cha khác mẹ”.

Nhất trí cùng nhau, họ an ủi và phụng dưỡng cho ông. Hằng ngày chúng săn sóc cho ông từ miếng ăn thức uống, cho đến việc tắm rửa cho ông rất chu đáo. Ngày kia, sau khi ông thức dậy, chúng vừa vệ sinh cho ông vừa nói về kiếp sống thế tục đau thương, rồi khẩn khoản.

– Cha hãy an lòng, chúng con sẽ nuôi dưỡng cha suốt đời. Vậy cha hãy giao hết gia sản cho chúng con đi.

Và ông cho thêm mỗi người là 10 Koṭi tiền vàng, chỉ chừa lại những bộ xiêm y. Người con trưởng nuôi ông được vài ba ngày, rồi khi ông vừa đi tắm trở về, nàng dâu hỏi ông rằng:

– Cha có cho anh hai hơn những người kia số tiền là 100 hay 1000 đồng vàng đâu? Sao cha ở lại nơi nầy lâu như thế, mà không ở nhà những người kia.
Ông tức giận nạt rằng:

– Thôi ngươi hãy im đi.

Ông bỏ đi đến nhà người con trai thứ hai, vài ngày sau ông cũng bị nàng dâu thứ hai hỏi như thế. Ông lại lần lượt đến hai nhà của hai người con kia, cũng bị như thế nữa. Sự đau buồn càng lúc càng dồn dập trong tâm ông, ông quyết định xuất gia làm Đạo sĩ. Đi hành khất từ tháng nầy sang năm nọ nên thân thể hao mòn, sức lực ngày càng mòn mỏi vì thiếu chất bổ dưỡng. Ông cảm thấy mình cô đơn hiu quạnh, khi tuổi đã xế chiều mà không có người con nào nuôi dưỡng cả. Càng nghĩ ông càng buồn tủi, chợt ông nhớ đến Đức Phật “Sa môn Gotama vẻ mặt thanh nhã vui tươi, lời nói thanh tao nhã nhặn”. Rồi ông mang hành trang đi đến trú xứ của Đức Thế Tôn, để tìm người an ủi tinh thần.

Thật vậy, ngay cả những vị A Xà Lê đã ghi lại: Lúc đó, Bà la môn ấy thiểu não, xiêm y tả tơi, đi đến yết kiến Đức Phật. Bậc Đạo Sư thấu rõ nổi khổ tâm của ông, Ngài bèn phán hỏi:

– Nầy Bà la môn vì sao ngươi u buồn, y áo rách đến như vậy?

Ông nói với những nỗi nghẹn ngào:

– Thưa Sa môn Gotama! Tôi có bốn người con. Chúng nghe lời vợ sàm tấu nên đuổi tôi đi.

– Nầy Bà la môn! Nếu vậy ông hãy học lấy bài kệ nầy đi, đi đến chỗ đông người, chờ có con ông ông hãy đọc lên: “Tôi có bốn người con, tôi thương chúng vô hạn, mong muốn chúng trưởng thành hạnh phúc, nhưng ngờ đâu chúng hắt hủi tôi như con chó uy hiếp con lợn. Chúng là kẻ phi nghĩa, hạ liệt, tuy hình thức là con tôi nhưng thực chất là loài phi nhơn dã thú, chúng bỏ tôi lang thang buồn khổ khi tuổi xế chiều, nên bây giờ phải đi hành khất từng nhà, giống như ngựa già không còn sức kéo xe, nên bị họ mổ thịt vậy. Tôi còn có cây gậy quý báu, những người còn hồ nghi: Cây gậy đồng nghĩa với con bò dữ hoặc con chó, tuy nhiên nó có hại đối với người không khéo dùng. Khi đi ban đêm bị ngã nó chống đỡ tôi dậy, nó trở thành hữu dụng đúng cách”.

Sau khi thọ trì bài kệ nơi Đức Thế Tôn, nhân ngày hội có đủ mặt mọi người, có cả những nghịch tử của ông, đứng giữa hội chúng, ông kiến nghị:

– Tôi muốn nói với quý vị bài kệ nầy, chẳng hay quý vị có lắng nghe hay chăng?

Mọi người nôn nóng muốn nghe, ông liền nói bài kệ ấy, lúc ấy, những vị có quan chức đã đề nghị:

– Người con nào đã thừa hưởng phụ ấm (mà) không phụng dưỡng cha mẹ. Người con ấy phải xử tử.

Lúc bấy giờ, các con ong quỳ xuống khẩn cầu:

– Cha ơi! Xin cha thương xót tha chết cho chúng con.

Ông xúc động tình phụ tử nên cũng xin cho con rằng:

– Xin quý vị hãy ân xá cho chúng, chúng sẽ nuôi dưỡng tôi.

Khi mọi người quyết định: “Kể từ nay trở đi, các người phải hết lòng phụng dưỡng ông, nếu còn tái phạm chúng tôi sẽ trừng trị đúng cách”. Các con thất kinh, rước ông về tắm rửa sạch sẽ thoa xức hương liệu… Các nữ Bà la môn cũng đến răn dạy: “Từ nay trở đi các ngươi hãy cố tâm chăm sóc cho ông, nếu còn tái phạm sẽ bị trừng trị đích đáng đó”.

Nhờ vật thực bổ dưỡng nên thân thể ông hồng hào mập tròn, hai ba ngày sau thân thể ông khỏe mạnh. Ông lại nhớ đến Đức Phật nên mới được như vậy. Ông mang một cặp vải đến dâng Ngài, đảnh lễ Ngài rồi bạch rằng:

– Thưa Sa môn Gotama, con là Bà la môn được tài sản nhờ Ngài, xin Ngài vui lòng nhận chút quà nhỏ bé nầy, gọi là tấm lòng thành của con, (kể từ nay) con xin làm đệ tử Ngài.

Đức Thế Tôn nhận lãnh cặp vải rồi, Ngài giảng pháp tế độ cho ông. Dứt thời Pháp, ông Bà la môn quy y Tam Bảo, rồi bạch rằng:

– Thưa Sa môn Gotama! Con được bốn bát cơm của con cho con, con xin dâng Ngài hai bát.

– Lành thay! Nầy Bà la môn Ta sẽ đến đó theo ý ông. Ông về nhà bảo các con:

– Các con ơi! Sa môn Gotama là bạn của cha. Ngày mai Ngài đến đây, các con nhớ dâng hai bát cơm nầy cho Ngài.

Sáng ngày Đức Phật ngự đến nhà người con Trưởng nam của ông. Vừa thấy Ngài, y rước bát thỉnh vào nhà an ngự chỗ thích hợp và đã dâng cúng thực phẩm thượng vị. Tuần tự mỗi ngày, Ngài tiếp tục ngự đến nhà những người con kia. Và những người ấy đã dâng cúng Ngài rất kính trọng.

Ngày hôm sau, người Trưởng nam tổ chức lễ cầu an mới thưa với ông Bà la môn:

– Thưa thân phụ! Chúng con sẽ thỉnh vị nào tụng kinh an lành?

– Cha chỉ biết Sa môn Gotama, bạn của cha thôi.

– Nếu vậy, cha hãy thỉnh Ngài và 500 vị Tỳ khưu sáng mai đến đây thọ thực.

Ông đã đến thỉnh Ngài. Sáng ngày Bậc Đạo Sư cùng Tăng chúng an vị nơi sang trọng và thích hợp, cúng dường cơm đề hồ cùng vật thực thượng vị. Bốn người con của ông bạch rằng:

– Thưa Sa môn Gotama! Chúng con đã phụng dưỡng thân phụ của chúng con chu đáo, xin Ngài từ bi tế độ cho ông.

– Các ngươi đã hành thiện sự, sự nuôi dưỡng cha mẹ, các bậc trí tuệ ngày xưa cũng đã từng làm rồi.

Và Ngài thuyêt giảng Bổn Sanh chi tiết rằng: “Con tượng ấy bỏ đi vì những cây non đâm chồi sung mãn…”. Rồi Ngài thuyết bài kệ như sau:

324. Tượng Dhanapālako bất trị, bị giam cầm bỏ ăn, nhịn đói. Tượng (luôn) nhớ tưởng về rừng nhà.

CHÚ GIẢI:

Câu: Dhanapālako nāma: Đó là tên con voi của Đức vua Kāsikarāja, do người nài voi bắt ở rừng Nāga (Mù U) đem về.

Kaṭukappabhedano: Hung tợn. Thật vậy, trong lúc nó thịnh nộ, hai tai nó vểnh lên, ngay cả lúc bình thường nó cũng không sợ vũ khí, nhưng con tượng Dhanapālako rất dung dữ, vì thế Đức Thế Tôn gọi là Kaṭukappabhedano dunnivārayo.

Câu: Baddho kabalaṃ nabhuñjati: Voi Dhanapālako bị giam cầm dù nhà vua ra lịnh cho họ trải lót thảm nhung và cho ăn những thức ăn ngon, nó chẳng màng đến, cho nên câu: Baddho kabalaṃ nabhuñjati (nầy) Đức Thế Tôn chỉ về trạng thái của con tượng bị giam cầm.

Sumarati nāgavanassa: Chẳng phải con voi Dhanapālako chỉ nhớ về khu rừng, trú xứ an lành, mà nó nhớ tưởng mẹ phải xa lìa con, con voi ấy luôn có pháp phụng dưỡng cha mẹ và đắn đo suy nghĩ: “Vật thực nầy đối với ta có ích gì?”. Mà chỉ luôn nghĩ về cha mẹ. Chính con voi ấy có những pháp đó cho nên Đức Phật gọi là “Sumarati nāgavansasa kuñjaro”.

Sau khi Ngài thuyết dẫn Bổn Sanh của con tượng ấy, các con của Bà la môn già động tâm, thân tình phụ tử nổi lên dào dạt và thấm nhập lạc pháp, rồi Ngài thuyết lên Tứ Thánh Đế.

Dứt thời Pháp, Bà la môn cùng các con chứng Quả Dự Lưu.

Dịch Giả Cẩn Đề
Bốn con nghe vợ đuổi cha già,
Ông cụ buồn hiu phải xuất gia,
Sống nếp thanh bần đời Khất sĩ,
Người ông tiều tụy khác xưa xa,
Nghe đồn Đức Phật Đại từ bi,
Tìm đến mong Ngài dạy pháp chi,
Thoát khỏi đường tu đầy khổ hạnh,
Phật cho ông học một bài thi,
Giữa nơi tứ chúng hội đông vầy,
Ông nói: “Cho tôi đọc kệ nầy”
Kệ dứt, con ông xin sám hối,
Nguyện xin chuộc tội, kể từ đây.
Cây gậy nào hơn bốn đứa con trai,
Chẳng qua mượn cớ nhắc chừng ai,
Quạt nồng ấp lạnh, gương con hiếu,
Kìm Cổ Đông Tây tán tụng hoài.

Kệ rằng:
Những con ta đã cầu mong,
Lúc sanh, ta đã thỏa lòng ước ao,
Nghe lời vợ chúng xúi vào,
Ngăn ta như thể chó nhào cắn heo,
Khinh ta là kẻ đói nghèo,
Ngoài môi vẫn gọi “Cha yêu” ngọt ngào,

Chú giải KINH PHÁP CÚ – Quyển 4 Trang 141
Con ta la sát khác nào,
Bỏ ta lúc tuổi tác cao, yếu già,
Ngựa già vô dụng thải ra,
Cỏ tươi, cháo cám đâu mà thí cho,
Làm cha những đứa ngu khờ,
Nhà người dưng phải ăn nhờ bát cơm,
Gậy ta có lẽ quý hơn,
Đám con bất hiếu không còn biết cha,
Gậy xưa bò dữ tránh xa,
Ngăn con chó dữ không ai lại gần,
Ban đêm có gậy mò lần,
Chỗ sâu, chỗ cạn, khỏi cần sợ lo,
Nhờ cây gậy chống đỡ giò,
Sẩy chân đứng dậy, tự do một mình.
DỨT TÍCH BÀ LA MÔN LÃO NIÊN

121 1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app