Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Thế Gian: Tích Đức Vua Suddhodana

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Thế Gian: Tích Đức Vua Suddhodana

168. Uttiṭṭhe nappamajjeyya, “Nỗ lực, chớ phóng dật!

Dhammaṃ sucaritaṃ care;
Dhammacārī sukhaṃ seti,
Asmiṃ loke paramhi ca”.
169. Dhammaṃ care sucaritaṃ,
Na taṃ duccaritaṃ care;
Dhammacārī sukhaṃ seti,
Asmiṃ loke paramhi ca”.

Hãy sống theo chánh hạnh;
Người chánh hạnh hưởng lạc,
Cả đời này, đời sau”.
“Hãy khéo sống chánh hạnh,
Chớ sống theo tà hạnh!
Người chánh hạnh hưởng lạc,
Cả đời này, đời sau”.

Kệ Pháp Cú này Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự về thành Kapilavatthu, trú trong Tịnh xá Nigrodha, đề cập về Đức vua Suddhodana.

Tương truyền rằng: Sau khi thành đạo, chứng đạt quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Giác. Bậc Đạo Sư ngự về kinh thành Kapilavatthu lần đầu để tế độ quyến thuộc, gia quyến đã tiếp đãi Ngài trọng hậu, cúng dường đến Đức Phật và chư Thánh Tăng Tịnh xá Nigrodha.

Trong buổi tiếp đón ấy, Ngài thị hiện thần thông, đi kinh hành trên hư không và thuyết pháp thoại để diệt lòng ngã mạn thái quá của dòng Sakya. Các thân quyến của Ngài ngay cả Đức vua Suddhodana cũng đảnh lễ Ngài. Một trận mưa màu đỏ rơi xuống trong buổi trùng phùng ấy, người nào muốn ướt thì ướt, ai không muốn thì sẽ không có giọt mưa nào chạm vào mình.

Thế rồi, gia tộc Sakya bàn luận về điều kỳ diệu của trận mưa ấy, Bậc Đạo Sư phán dạy rằng:

– Chẳng phải chỉ trong kiếp này đây, này các Tỳ khưu! Trong quá khứ mưa cũng rơi xuống khi gia tộc Như Lai được đoàn viên rồi.

Đại Đức Sāriputta và Đại Đức Moggallāna thỉnh cầu Đức Thế Tôn thuyết giảng Bổn sự, Ngài thuyết giảng Bổn sanh Vessantara. Thân quyến của Ngài, sau khi nghe xong Pháp thoại, hoan hỷ ra về không một ai nghĩ đến việc thỉnh Ngài cùng chư Tăng vào ngày mai. Ngay cả Đức vua Suddhodana cũng không nghĩ đến, vì Đức vua nghĩ rằng:

– Con của ta còn phải đến đâu ngoài Hoàng Cung nữa chứ. Thân tộc của Ngài cũng cùng chung một ý nghĩ ấy, nên ra về. Đức vua về đến Hoàng Cung, cho người sắp đặt vật thực thượng vị như cháo cơm… để dâng đến Đức Thế Tôn cùng hai muôn Tăng chúng, sửa soạn nơi ngồi cho Tăng chúng nơi Hoàng Cung.

Vào buổi sáng hôm ấy, Đức Thế Tôn vận mặc y phục, tay cầm y bát, đi vào thành Kapilavatthu khất thực, theo sau Ngài là hai muôn Tăng chúng. Đức Thế Tôn dùng Phật Tuệ quán xét rằng: Chư Phật quá khứ khi về đến thân tộc, có đi khất thực ngay nhà thân tộc hay chăng? Hay là đi khất thực theo tuần tự? Ngài thấy rằng: Chư Phật quá khứ khất thực theo tuần tự thứ lớp.

Thế là, Đức Thế Tôn ngự đến căn nhà đầu tiên. Dân thành náo động hẳn lên với tin rằng: Thái Tử Siddhattha đi ăn xin. Các cung nữ được tin này liền trình lên Hoàng Hậu Yasodharā là mẹ của Thái Tử Rāhula, nàng Yasodharā nghe tin sét đánh ấy vội báo lại cho vua Suddhodana biết. Đức vua hối hả chạy ra cổng Hoàng Cung, đến đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng:

– Con ơi! Vì sao con lại làm cho cha mất mặt như thế. Con đi khất thực như vậy đã làm tổn hại đến cha vô cùng, con không nên làm như thế. Con hãy ngự trên kiệu vàng đi tuần du Hoàng thành mới thích hơn. Này Thái Tử con! Vì sao con làm cha mất mặt như thế?

– Này Đại Vương! Như Lai không có làm Ngài mất mặt đâu, Như Lai đang hành theo phận sự của dòng dõi mình.

– Này con, sự đi khất thực sống là dòng dõi của Sát Đế Lỵ sao?

– Này Đại Vương! Việc làm ấy không thuộc về dòng Vua như Ngài nhưng lại thuộc về dòng dõi của Như Lai, dòng dõi Như Lai là dòng Phật. Chư Phật quá khứ hằng nuôi mạng bằng cách đi khất thực.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

168. Uttiṭṭhe nappamajjeyya,

Dhammaṃ sucaritaṃ care;
Dhammacārī sukhaṃ seti,
Asmiṃ loke paramhi ca”.
169. Dhammaṃ care sucaritaṃ,
Na taṃ duccaritaṃ care;
Dhammacārī sukhaṃ seti,
Asmiṃ loke paramhi ca”.

“Nỗ lực, chớ phóng dật!

Hãy sống theo chánh hạnh;
Người chánh hạnh hưởng lạc,
Cả đời này, đời sau”.

“Hãy khéo sống chánh hạnh,
Chớ sống theo tà hạnh!
Người chánh hạnh hưởng lạc,
Cả đời này, đời sau”.

168. Không nên dễ duôi phóng dật khi đừng (trì bình trước cửa người ta). Hãy trang nghiêm hành chánh hạnh (ấy). Người hành chánh hạnh ấy trang nghiêm sẽ được an vui ở thế gian này và trong thế gian sắp tới.

169. Hãy trang nghiêm hành chánh hạnh ấy. Không dễ duôi phóng dật. Người hành chánh hạnh ấy trang nghiêm sẽ sống an vui, ở thế gian này và trong thế gian sắp đến.

CHÚ GIẢI:
Uttiṭṭhe: Nghĩa là với miếng cơm mà mình đứng nhận trước cửa nhà người khác.

Nappamajjeyya: Nghĩa là khi vị Tỳ khưu bỏ phong tục của hạnh khất thực, lại đi tầm cầu vật thực thượng vị, gọi là người có sự dễ duôi trong vật thực mà mình đứng nhận. Nhưng nếu đi khất thực theo tuần tự thứ lớp thì gọi là không có sự dễ duôi. Hành như thế được gọi là không dễ duôi với vật thực mà mình đón nhận.

Dhammaṃ: Nghĩa là khi bỏ sự tìm kiếm bất chánh rồi, đi khất thực tuần tự, gọi là thực hành Pháp, tức là sự khất thực nuôi mạng là chánh hạnh.

Sukhaṃ seti: Chỉ sự thuyết giảng rằng khi thực hành khất thực Pháp, được gọi là thường thực hành Pháp trong bốn oai nghi, sẽ được an lạc trong đời này lẫn đời sau.

Na naṃ duccaritaṃ: Nghĩa là khi đi đến nơi phi chánh đạo như lầu xanh… gọi là hành pháp (khất thực) tà hạnh. Chớ nên hành như thế, hãy thực hành chánh hạnh, không hành tà pháp.

Dứt kệ ngôn, Đức vua Suddhodana chứng Quả Dự Lưu.

Dịch Giả Cẩn Đề
Đức Phật trì bình phía ngoại thành,
Theo gương chư Phật vẫn thường hành,
Phụ vương Ngài thấy không hoan hỷ,
Bởi chấp: Ta dòng Vua chúa sanh.
Phá chấp theo tà kiến thế gian,
Độ vua đắc quả Tu đà hoàn,
Phật bèn đứng thuyết hai bài kệ
Khen pháp trì bình, chánh hạnh toàn.
DỨT TÍCH ĐỨC VUA SUDDHODANA

21

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app