Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Ác: Tích Ông Cấp Cô Độc Đuổi Thiên Nữ

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ác: Tích Ông Cấp Cô Độc Đuổi Thiên Nữ

119. “Pāpopi passati bhadraṃ, “Người ác thấy là hiền,

Yāva pāpaṃ na paccati;
Yadā ca paccati pāpaṃ,
Atha (pāpo) pāpāni passati”.
120. “Bhadropi passati pāpaṃ,
Yva bhadraṃ na paccati;
Yadā ca paccati bhadraṃ,
Atha (bhadro) bhadrāni passati”.

Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác nghiệp chín muồi,
Người ác mới thấy ác”.
“Người thiện thấy là ác,
Khi thiện chưa chín muồi,
Khi thiện được chín muồi,
Người hiền thấy là thiện”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

Ông Anāthapiṇḍaka đã tung ra năm trăm bốn chục triệu đồng vàng trong Phật giáo, để xây cất ngôi đại tự Kỳ Viên và thỉnh Đức Bổn Sư ngự yên nơi đó. Hằng ngày ông đi lo ba lần phục vụ lớn, trước khi đi ông tự hỏi: “Ta phải mang theo gì khi đi chùa? Các Sadi và Tỳ khưu trẻ sẽ nhìn vào tay ta!”. Vì thế, ông không bao giờ đi tay không. Đi buổi sáng ông cho người nhà mang theo cháo, đi sau buổi điểm tâm thì ông cho mang theo các thứ thuốc nước (Bhesajjāni) như sữa chua (thục tô), sữa lỏng (sanh tô)… Đi vào buổi chiều thì ông cho mang theo tràng hoa, hương, vật thoa, vải v.v…

Mỗi ngày ông vẫn thường xuyên giữ Giới và cúng dường như thế. Một thời gian sau, gia tài của ông bị khánh tận. Những người sống bằng nghề buôn, tự tay vay một trăm tám mươi triệu đồng mà chưa trả nợ cho ông, còn gia sản một trăm tám mươi triệu đồng vàng thô chôn ở bờ sông bị nước phá vỡ đê, cuốn vào lòng biển cả. Thế là từ từ tài sản của ông bị khánh kiệt.

Mặc dầu sa sút, ông vẫn đặt bát Trai Tăng, nhưng không thể cúng dường vật ngon quý như xưa.

Một hôm, Đức Bổn Sư hỏi ông:

– Nầy gia chủ, ông đã cúng dường Tăng chúng chưa?

– Bạch Ngài, con đã cúng dường đến Tăng rồi, nhưng vật thực chỉ có cháo tấm và cải chua(1) mà thôi.

Đức Bổn Sư bèn an ủi ông rằng:

– Nầy gia chủ, ông đừng lo buồn rằng: “Ta cúng dường vật thực thô kệch quá”.

Miễn là tâm ông nghĩ là cúng dường vật thực cao quý đến các bậc Thánh nhân, nhất là Đức Phật thì sự cúng dường của ông không bao giờ thô kệch đâu! Vả lại, này gia chủ, ông đã được cúng dường đến tám bậc Thánh nhân. Chính Ta trong kiếp sanh làm vua Velāma (Quê La Má) Ta đã cho dân chúng trong toàn cõi Diêm Phù Đề nghỉ cả cày bừa(1) trong ngày đại thí của Ta, nhưng Ta không có được chút Tam quy nào cả. Sự cúng dường đến các bậc đáng cúng dường thật khó làm được như thế, cho nên ông đừng buồn rằng: “Ta cúng dường vật thực thô kệch quá”.

Nói rồi, Đức Thế Tôn thuyết kinh Velāma cho ông Anāthapiṇḍaka nghe. Khi ấy, có một Thiên nữ ở trong phòng bên cửa gác, không thể ở lại trong phòng
khi Đức Bổn Sư và chư Thinh Văn vào trong nhà, vì oai lực của các Ngài rất lớn. Thiên nữ ấy nghĩ thầm: “Ta phải làm sao ly gián gia chủ với mấy vị nầy để họ khỏi vào nhà nầy nữa. Lúc gia chủ còn quyền thế, ta không thể nói lời chi được cả. Bây giờ ông ta sa sút, nghèo khó rồi, ông sẽ nghe theo lời ta”.

Thế rồi, ban đêm Thiên nữ vào tư phòng của phú Bá hộ, đứng trên hư không. Bá hộ thấy Thiên nữ bèn hỏi:

– Ai đứng đó?

– Nầy Đại Bá hộ, ta là Thiên nữ ngự ở phòng gác cửa cổng thứ tư, đến để ban huấn từ cho ông!

– Thiên nữ cứ nói đi!

– Nầy Đại Bá hộ, vì ông không thể nhìn xa đến lúc chung cuộc, cho nên ông đã phung phí của cải rất nhiều trong Giáo Pháp của Sa môn Gotama (Cồ Đàm). Bây giờ đã sa sút rồi mà ông còn chưa tỉnh ngộ, dứt bỏ. Nếu ông cứ làm như thế mãi thì chỉ vài ba hôm nữa là ông sẽ không có cơm ăn áo mặc. Hãy từ biệt hẳn Sa môn Gotama để bắt tay vào công việc xây dựng lại sản nghiệp của gia đình.

– Đó là huấn từ của Thiên nữ ban cho ta đó hả?

– Phải đó, này Đại Bá hộ!

– Hãy đi đi, dầu cho một trăm, một ngàn hoặc một trăm ngàn người như cô cũng không lay chuyển lòng ta được. Lời cô nói không thích hợp, sao cô còn cư ngụ trong nhà của ta? Cô hãy đi ra khỏi nhà của ta ngay lập tức.

Nghe lời quyết định của Thánh Thinh Văn Tu Đà Hườn, cô Thiên nữ không thể đứng yên, phải dắt các con đi ra, nhưng đi kiếm chỗ ở khác không được, cô tự nghĩ: “Ta phải đi sám hối với Bá hộ và xin lại chỗ cũ”. Thế rồi cô đến yết kiến vị chư thiên trấn giữ châu thành, cô không thú nhận việc mình đã làm, mà chỉ yêu cầu: “Xin Thiên tử (Devaputtaṃ) đưa giùm tôi đến yết kiến ông Bá hộ, xin Bá hộ miễn thứ và xin cho tôi được ở lại chỗ cũ”.

Vị chư thiên từ chối: “Lời cô phân nghe không thích hợp, ta không mắc gì phải đi đến nhà ông Bá hộ!”.

Cô Thiên nữ lại cầu viện đến bốn vị Đại Thiên Vương, nhưng cũng bị các Ngài từ chối. Sau cùng cô đến đảnh lễ Thiên Vương Đế Thích, thú nhận lỗi lầm của mình đã phạm và thiết yếu van rằng: “Tâu Đại vương, hiện giờ tôi không có nơi cư ngụ, mẹ con dắt nhau đi lang thang như vầy thật khổ quá. Xin Thiên Vương nói giùm cho tôi có được chỗ ngụ.”.

Khi ấy, Thiên Vương Đế Thích đáp rằng: “Ta không thể nói lời gì với ông Bá hộ mà binh vực, bào chữa cho ngươi được. Tuy nhiên ta sẽ dạy cho ngươi một phương kế!”.

– Lành thay! Xin Thiên Vương dạy đi!

– Ngươi hãy đi! Trước hết hãy hóa thân làm người quản gia của ông Bá hộ, cầm những giấy nợ của những người sống bằng nghề buôn, đã vay tiền ông Bá hộ, đòi cho đủ số một trăm tám mươi triệu đồng vàng, dùng Thần thông quét sạch kho bạc trống không, đổ đầy tiền vào đó. Còn một số tài sản một trăm tám mươi triệu tiền vàng đã chìm sâu dưới biển lớn. Ở một chỗ khác nữa, có một của chôn vô chủ một trăm tám mươi triệu đồng. Hãy gom tất cả về đổ đầy cái kho trống. Sau khi đoái công chuộc tội như thế rồi, hãy đến xin sám hối gia chủ mới được!

Cô Thiên nữ đáp: “Lành thay, tâu Thiên Vương”.

Cô làm đúng theo lời Đức Đế Thích chỉ dạy, rồi đến phòng riêng của ông Bá hộ Anāthapiṇḍaka, đứng trên không tỏa hào quang sáng khắp căn phòng. Ồng Bá hộ hỏi:

– Ai đó?

Nghe vậy, Thiên nữ đáp: “Thưa tôi là Thiên nữ cư ngụ tại cửa gác thứ tư, vì mù quáng si mê mà đã nói xúc phạm đến ông, xin ông miễn thứ cho tôi. Tôi đã nghe lời chỉ dạy của Đức Đế Thích, gom góp năm trăm bốn mươi triệu đồng vàng, chất đầy kho bạc trống không để chuộc lỗi. Xin ông hãy xét công mà cho tôi ở lại, không có chỗ trú ngụ tôi khổ lắm, ông ơi!”.

Ông Anāthapiṇḍaka nghĩ thầm: “Cô Thiên nữ nầy nói mình đã lấy công đền tội rồi, tức là cô đã biết tự hối ăn năn. Ta hãy đưa cô đến bái yết Đức Chánh Biến Tri”. Thế rồi, ông Anāthapiṇḍaka đưa cô Thiên nữ đến yết kiến Đức Bổn Sư và thuật lại hết câu chuyện của cô đã làm cho Ngài nghe. Cô Thiên nữ quỳ mọp đầu dưới chân Đức Bổn Sư:

– Bạch Ngài, con vì mù quáng si mê, không biết được ân đức của Ngài, có lỡ lời quấy ác xúc phạm đến Ngài, xin Ngài hãy tha thứ cho con!

Sau khi sám hối với Đức Bổn Sư, cô Thiên nữ lại xin sám hối với ông Đại Bá hộ. Nhân dịp đó, Đức Bổn Sư ban huấn từ dạy cả Bá hộ và cô Thiên nữ về quả báu dị thục của những hành động thiện ác.

– Nầy gia chủ, trong đời này lúc mà quả của nghiệp ác chưa chín muồi, thì kẻ ác thấy là vui đẹp lắm. Nhưng đến khi quả ác đã trổ, lúc bấy giờ kẻ ác mới thấy là ác.

Lúc mà thiện quả chưa chín muồi, kẻ thiện còn thấy là ác, nhưng khi quả thiện đã chín muồi thì chừng ấy kẻ thiện mới thấy là thiện.

Nói rồi Đức Bổn Sư thuyết pháp và kết luận bằng hai bài kệ sau đây:

119. “Pāpopi passati bhadraṃ,

Yāva pāpaṃ na paccati;
Yadā ca paccati pāpaṃ,
Atha (pāpo) pāpāni passati”.
120. “Bhadropi passati pāpaṃ,
Yva bhadraṃ na paccati;
Yadā ca paccati bhadraṃ,
Atha (bhadro) bhadrāni passati”.

“Khi nghiệp ác chưa thành thục,

Kẻ ác cho là vui,
Đến khi nghiệp ác thành thục,
Kẻ ác mới hay là ác”.
“Khi nghiệp lành chưa thành thục,
Người lành cho là khổ,
Đến khi nghiệp lành thành thục,
Người lành mới biết là lành”.

CHÚ GIẢI:

Pāpo: kẻ nào liên can với nghiệp ác, nhất là thân ác hạnh… Kẻ ấy từ trước do các thiện hạnh mà được quả an vui, bắt đầu làm ác thì vẫn còn thấy vui.

Yāva pāpaṃ na paccati: khi mà ác nghiệp chưa trổ quả Dị thục (Vipāka) trong hiện kiếp hoặc trong kiếp vị lai, kẻ ác còn thấy vui. Đến chừng ác nghiệp trổ quả, chừng ấy trong hiện kiếp thì phải chịu nhiều hình phạt khổ sai. Còn trong kiếp vị lai thì thọ khổ trong bốn ác đạo, lúc bấy giờ kẻ ác mới thấy là ác.

Bài kệ thứ hai: kẻ nào liên can với nghiệp thiện, nhất là thân thiện hạnh… Kẻ ấy từ trước do các ác hạnh mà tái sanh thọ khổ, khi bắt đầu làm việc thiện vẫn còn thấy ác. Khi mà thiện nghiệp chưa chín muồi, thì nó chưa trổ quả thiện trong hiện kiếp hoặc trong kiếp vị lai. Đến khi nghiệp lành trổ quả, chừng ấy trong hiện kiếp kẻ làm thiện được sự an vui, nhất là được nhiều lợi lộc và trong kiếp vị lai được hưởng phước báu an vui của cõi trời. Lúc bấy giờ kẻ làm thiện mới thấy là thiện. Cuối thời Pháp, cô Thiên nữ đắc quả Tu Đà Hườn, kỳ dư tứ chúng cũng đều được hưởng sự lợi ích do nghe pháp của Đức Bổn Sư.

Dịch Giả Cẩn Đề
Bá hộ khi nghèo vẫn cúng Tăng,
Khiến cô Thiên nữ đến khuyên răng,
Không nghe, còn đuổi cô đi lẹ,
Bế cả con thơ, hết nói năng!
Đế Thích khuyên cô lập đại công,
Quy hoàn tài sản chủ nhân ông,
Rồi xin sám hối, về ngôi cũ.
Thiên nữ vâng lời, mọi việc xong.
Ông dắt cô đi lễ Phật Đà,
Phật khuyên: Người Trí lánh điều tà,
Ác lai, ác báo, nhiều khi chậm,
Hậu quả bao giờ cũng xấu xa.
Người trí cần nên hiểu chánh chơn,
Việc lành tuy thấy khó làm hơn,
Nhưng mà hậu quả là vui thú,
Dầu hiện thời đây gặp tủi hờn.
DỨT TÍCH ÔNG CẤP CÔ ĐỘC ĐUỔI THIÊN NỮ

109

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app