Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Hiền Trí: Tích Mẹ Công Chúa Cà Na

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Hiền Trí: Tích Mẹ Công Chúa Cà Na

“Yathāpi rahado gambhīro,
Vippasanno anāvilo;
Evaṃ dhammāni sutvāna,
Vippasīdanti paṇḍitāti”.

“Như lòng sâu biển hồ,
Yên lặng không nhiễm ô,
Khi đã nghe Chánh pháp,
Tâm trí giả thanh tịnh”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự an tại Jetavana, đề cập đến mẹ nàng Kāṇā. Chuyện nầy trích từ Tạng Luật, trong đó ghi lại rằng:
Mẹ nàng Kāṇā, không muốn con mình tay không trở về nhà chồng, nên đã làm bánh. Nhưng bốn lần làm bánh đều dâng cúng cho bốn vị Tỳ khưu trong giờ thọ thực, do đó Đức Bổn Sư đã ban hành điều học cấm Tỳ khưu thọ lãnh vật thực quá bốn bát. Chồng nàng Kāṇā cưới vợ khác. Sau khi hay tin nầy, nàng Kāṇā gặp mặt các Tỳ khưu thì buông lời mắng nhiếc, chửi rủa rằng: “Mấy ông Sư nầy phá hoại gia can nhà ta”. Chư Tỳ khưu chẳng dám đi trên con đường ấy nữa.

Hay biết việc nầy, Đức Bổn Sư ngự đến nhà mẹ nàng Kāṇā. Bà đảnh lễ Đức Thế Tôn, thỉnh Ngài ngự vào nơi được soạn sẵn, rồi dâng cháo cùng đồ ngọt.
Sau bữa điểm tâm, Đức Bổn Sư phán hỏi:

– Nàng Kāṇā đâu?

– Bạch Ngài, Kāṇā thấy Ngài, nó hổ thẹn đang đứng khóc một mình.

– Tại sao thế?

– Bạch Ngài, vì nó mắng nhiếc chư Tỳ khưu, cho nên thấy Ngài nó xấu hổ, đứng khóc như thế.

Đức Thế Tôn bảo gọi nàng Kāṇā đến và hỏi:

– Nầy Kāṇā, tại sao thấy Như Lai con lại xấu hổ, lánh mặt ta mà khóc như thế?

Nàng Kāṇā bạch lại mọi việc nàng đã mắng nhiếc chư Tỳ khưu, Đức Thế Tôn bèn hỏi rằng:

– Nầy mẹ Kāṇā, thế nào? Các đệ tử Như Lai nhận vật của bà có dâng cúng thì họ phạm lỗi chi hay là vật không có dâng cúng?

– Bạch Ngài, đồ vật có dâng cúng.

– Nếu thế, khi đệ tử Như Lai khất thực, đến đứng trước cửa nhà bà, nhận được vật dâng cúng thì họ phạm lỗi chi?

– Bạch Ngài, chư Đại đức không có lỗi chi cả, chỉ Kāṇā là có lỗi thôi.

Đức Bổn Sư bèn bảo nàng Kāṇā:

– Nầy Kāṇā, chư Thinh Văn đệ tử của Ta khi đi bát khất thực, đến trước cửa nhà nầy, nhận được bánh của mẹ con cúng dường, thì các Thinh Văn đệ tử của Ta có phạm tội lỗi gì?

– Bạch Ngài, chư Đại đức không có lỗi gì cả, chỉ mình con là có lỗi thôi.

Nói đoạn, nàng đảnh lễ Đức Thế Tôn và xin sám hối. Nhân đó, Đức Phật thuyết lên tuần tự pháp cho nàng nghe, và nàng chứng đắc quả vị Tu Đà Hườn.
Đức Bổn Sư từ chỗ ngồi đứng dậy, ngự về tịnh xá, đi ngang qua sân rồng, Đức vua trông thấy Ngài, bèn phán hỏi thị thần:

– Hình như là Đức Bổn Sư, có phải không chư khanh?

– Tâu bệ hạ, phải.

Nghe tâu như vậy, Đức vua phán bảo thị thần ra đón Đức Bổn Sư: “Chư khanh mau ra bạch với Ngài rằng: Trẫm xin đến đảnh lễ Ngài”.

Đức Bổn Sư đứng dừng lại trong sân ngự, quốc vương đến gần Ngài, đảnh lễ xong bạch rằng:

– Bạch Ngài, chẳng hay Ngài đi đâu đây?

– Tâu Đại vương! Như Lai đến nhà của mẹ nàng Kāṇā.

– Bạch Ngài, vì lẽ gì vậy?

– Nghe rằng: nàng Kāṇā mắng nhiếc chư Tỳ khưu nên Như Lai đã đến nhà mẹ nàng.

– Bạch Ngài, có lẽ Ngài đã khiến được nàng Kāṇā thôi mắng nhiếc phải không?

– Tâu Đại vương! Như Lai đã khiến nàng dứt bỏ sự mắng nhiếc chư Tỳ khưu, đồng thời thâu hoạch được Thánh tài (Lokuttarakuṭumba).

– Bạch Ngài, Ngài khiến nàng thu được Thánh tài, phần trẫm, trẫm sẽ khiến nàng được làm chủ thế tài (lokiyakuṭumba).

Nói rồi, Đức vua đảnh lễ cáo từ Đức Bổn Sư. Về triều, Đức vua phái một cỗ loan xa có màn che sáo phủ đi rước nàng Kāṇā vào cung, khiến cung phi trang điểm và đeo đủ thứ trang sức quý giá cho nàng rồi lập nàng lên làm đại công chúa. Sau đó, Đức vua báo tin cho các quan hay rằng: “Ai có thể nuôi dưỡng con gái trẫm thì hãy đến rước công chúa về nhà”.

Khi ấy, có viên Đại thần Tể tướng tâu rằng:

– Hạ thần xin lãnh nuôi công chúa.

Ông rước công chúa đem về nhà mình, giao nàng đủ cả quyền hạn trong tay và bảo:

– Công chúa hãy làm phước theo tùy thích đi.

Từ đó, công chúa Kāṇā sai nhiều người đàn ông đứng gác ở bốn cửa để đón rước chư Tăng, nhưng chỉ hoài công chờ đợi, vì không gặp được Tỳ khưu và Tỳ khưu ni đặng mà để bát. Thành ra tại bốn cửa nhà nàng vật thực cứng mềm đã dự bị để cúng dường đều còn nguyên, ối đọng dồn dập mãi phần nhiều như thác nước.

Trong giảng đường, chư Tăng đề khởi pháp thoại như sau:

– Nầy chư huynh đệ, lúc trước nàng Kāṇā làm cho bốn vị Đại đức Trưởng lão phải ăn năn hối tiếc. Là người gây sự phiền phức như vậy, mà khi Đức Bổn Sư đến viếng, nàng lại có đức tin đầy đủ. Đức Thế Tôn đã khiến được nàng đem của nhà đến gần chư Tỳ khưu. Nhưng bây giờ nàng muốn có chư Tăng hoặc chư Ni để cúng dường thì kiếm cũng không ra. Ôi! Ân đức Phật bảo quả là kỳ diệu thay.

Đức Bổn Sư ngự đến phán hỏi:

– Nầy chư Tỳ khưu, hôm nay các ông hội thảo về vấn đề gì?

– Bạch Ngài, việc như vầy… như vầy…

– Nầy các Tỳ khưu, không phải nàng Kāṇā chỉ làm cho chư Tỳ khưu cao hạ phải hối hận bây giờ mà thôi. Trước kia nàng đã từng làm như thế rồi. Không phải bây giờ là lần đầu tiên, Ta đã khiến được nàng vâng lời, trước kia ta cũng đã từng khiến được nàng như thế rồi.

Chư Tăng muốn nghe Bổn Sanh, bèn thỉnh cầu Đức Thế Tôn, Ngài ngâm kệ mở đầu rằng:

“Yattheko labhatī babbu,
Dutiyo tattha jāyati;
Tatiyo ca catuttho ca,
Idante babbukā bilanti.”

“Khi nào thấy một chú mèo,
Thì một chú nữa hiện theo chẳng từ,
Rồi chú ba và chú tư,
Hang nầy mèo nọ hình như thích tìm”.

Đức Bổn Sư dẫn giải rằng: “Bốn vị Trưởng lão hôm nay là bốn chú mèo thuở trước, nàng Kāṇā đã là con chuột cái, còn Như Lai là người thợ ngọc vậy”.
Giải rằng: Đức Bổn Sư dạy rằng: “Nầy các Tỳ khưu, trong thời quá khứ, nàng Kāṇā cũng đã từng gặp cảnh buồn rầu, khổ tâm như thế rồi, nhưng nhờ nghe lời Như Lai mà nàng được tâm thanh tịnh như hồ nước trong veo”.

Kết luận xong, Đức Bổn Sư lại thuyết pháp và đọc lên bài kệ nầy:

“Yathāpi rahado gambhīro,
Vippasanno anāvilo;
Evaṃ dhammāni sutvāna,
Vippasīdanti paṇḍitāti”.

“Hiền nhân nghe pháp vừa xong,
Tâm liền thanh tịnh, sạch trong nước hồ.
Nước sâu, gương phẳng lặng tờ,
Trong veo sáng suốt, chẳng nhơ bụi hồng”.


CHÚ GIẢI:
Danh từ Rahado trên đây nghĩa là hồ, nhưng là hồ sâu rộng lắm. Dầu cho bốn bộ binh (quân, xa, mã, tượng) xuống hết dưới hồ đó, nước hồ cũng không tràn dâng lên. Như vậy thì chỉ có đại trùng dương (nīlamahāsamuddo), bề sâu tám muôn ngàn do tuần mới xứng với tên Rahado. Quả thật, từ dưới đáy hồ của nó ở chỗ sâu độ tám mươi bốn ngàn do tuần (cattāḷīsayojanasahassa), nước chao động vì cá, khoảng giữa độ sâu bốn ngàn do tuần thì nước đứng yên, còn ngang phía trên mặt nước chao động vì gió. Chỗ yên lặng ấy có thể gọi là hồ sâu thẳm vậy (gambhīrarahado).

Evaṃ dhammāni (nghe pháp) đây chỉ cho những thời pháp thuyết: Theo định nghĩa trên, cũng như hồ sâu không bị xáo trộn, thì nước của nó trong sạch, yên tịnh, lặng trang như thế nào; cũng như thế ấy, sau khi nghe thời pháp của Ta thuyết, do nơi Tu Đà Hườn đạo… bậc trí giả đạt đến tâm thanh tịnh, xa lìa phiền não chứng đắc A La Hán quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Đợi bánh, Cà Na bị mất chồng,
Tức mình, đổ tội bốn Sư ông,
Nhờ nghe Pháp Phật, tâm liền tịnh,
Hưởng lộc trời ban giữa bệ rồng.
Trước lỡ buông lời nhiếc lão Tăng,
Sao lo bù đắp lại cho bằng,
Mỗi ngày công chúa lo làm phước,
Chờ mãi hoài công, nghĩ chán chăng?
DỨT TÍCH MẸ NÀNG KĀṆĀ

77

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app