Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Cấu Uế: Tích Đại Đức Loḷudāyi Dốt Pháp

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

Phẩm Cấu Uế: Tích Đại Đức Loḷudāyi Dốt Pháp

“Asajjhāyamalā mantā,
Anuṭṭhānamalā gharā;
Malaṃ vaṇṇassa kosajjaṃ,
Pamādo rakkhato malaṃ”.

“Không tụng làm nhớp kinh,
Không siêng làm bẩn nhà,
Biếng nhác làm nhơ thân,
Phóng dật làm tâm uế”.

Pháp Cú nầy được Đức Thế Tôn thuyết ra khi Ngài ngự tại Tịnh xá Jetavana, đề cập đến Đại Đức Loḷudāyi.

Tương truyền rằng: Trong thành Sāvatthī có đến 50 triệu Thánh Thinh Văn, trước buổi ngọ thì cúng dường trai thực, sau ngọ thì mang lễ vật như là bơ trong, dầu ăn, mật ong, mật mía… đi đến chùa cúng dường và nghe Pháp. Khi nghe Pháp xong, trên đường về, các vị ấy ca tụng ân đức của hai Ngài Sāriputta và Moggallāna.

Bấy giờ Đại Đức Loḷudāyi nghe các thính giả đàm luận cùng nhau, đã xen vào nói rằng:

– Các ông chỉ nghe pháp hai vị ấy thuyết mà đã tán tụng như thế. Nếu được nghe Pháp từ nơi ta thì còn tán thán đến chừng nào nữa.

Mọi người nghe lời của Đại Đức như thế, nghĩ rằng:

– Ngài nầy hẳn là một Pháp Sư, chúng ta cũng nên nghe Pháp từ nơi Ngài vậy.

Một hôm, các thính giả trên yêu cầu Đại Đức:

– Bạch Ngài! Hôm nay sau khi cúng dường trai thực xong, buổi chiều chúng tôi sẽ đến chùa nghe Pháp. Xin Ngài hãy hoan hỷ thuyết pháp đến chúng tôi.

Đại Đức im lặng nhận lời. Đến giờ thính pháp, thính giả cung thỉnh Đại Đức:

– Bạch Ngài! Xin Ngài hoan hỷ thuyết pháp cho chúng tôi nghe đi.

Đại Đức Loḷudāyi lên Pháp tọa ngồi, phe phẩy quạt lông, nhưng không nhớ ra một câu Pháp Cú nào, bèn nói rằng:

– Ta sẽ tụng chú, vị khác hãy lên thuyết pháp đi.

Rồi Đại Đức leo xuống Pháp tọa.

Khi vị Pháp Sư thuyết pháp xong, thiện tín thỉnh Đại Đức lên Pháp tọa tụng chú thuật. Một lần nữa, Đại Đức lại bí lối nên thối thác rằng:

– Ta sẽ tụng vào ban đêm. Bây giờ vị khác hãy tụng trước đi.

Nói rồi Đại Đức bước xuống khỏi Pháp tọa.

Khi vị tụng kinh ban ngày dứt rồi, đến thời ban đêm thính giả thỉnh Đại Đức Loḷudāyi. Té ra vị ấy cũng chẳng nhớ được chi nên nói rằng:

– Ta sẽ tụng vào lúc hừng sáng. Bây giờ vị khác tụng đi.

Rồi lại rời khỏi Pháp tọa.

Và khi trời hừng sáng, thính chúng lại thỉnh Đại Đức. Lúc ấy Đại Đức cũng chẳng nhớ được chút chi cả. Đại chúng phẫn nộ, cầm lấy gậy đá hăm dọa Đại Đức rằng:

– Nầy ông sư dốt, khi chúng tôi tán dương hai Ngài Sāriputta và Moggallāna thì ông nói thế nầy thế nọ. Bây giờ sao ông không giỏi thuyết pháp đi.

Thấy dáng hùng hổ của đại chúng, Đại Đức kinh sợ bỏ chạy, bị đại chúng rượt theo bén gót. Trong lúc hoảng hốt, Đại Đức hụt chân té xuống hầm phẩn. Đại chúng bàn luận rằng:

– Khi nghe chúng ta tán thán ân đức của hai Ngài Sāriputta và Moggallāna, Đại Đức Loḷudāyi ganh tỵ, khoác loác khoe khoang tài thuyết pháp của mình. Đến khi người ta thỉnh cầu, nói rằng: “Chúng tôi muốn nghe pháp”. Đại Đức lên Pháp tọa cả bốn lần mà không tìm được pháp chi để thuyết cả. Giờ đây, Đại Đức lại rơi xuống hầm phẩn như thế. Đức Thế Tôn ngự đến, phán hỏi rằng:

– Này các Tỳ khưu! Các Thầy đang bàn luận việc chi thế?

– Bạch Ngài, chuyện nầy… chuyện nầy…

Nghe xong, Đức Thế Tôn dạy rằng:

– Này chư Tỳ khưu! Chẳng phải chỉ bây giờ, mà xưa kia thầy ấy cũng bị lún chìm trong phẩn rồi vậy.

Rồi Ngài ngâm kệ bổn sanh rằng:

“Catuppado ahaṃ samma tvaṃpi samma catuppado
Ehi sīha nivattassu kinnu bhīto palāyasi
Asuci pūtilomosi duggandho vāyasi sūkara
Sace yujjhitukāmosi jayaṃ samma dadāni teti”.

“Chúa ơi! Chúa có bốn chân
Tôi cũng bốn cẳng, ta gần ngang nhau
Lại đây, Sư tử anh hào
Có chi mà sợ chạy nhiều thế kia
Heo ơi! Mình chú thúi tha
Lông chú dơ dáy thật là quá hôi
Xin nhường chú thắng cho rồi
Nếu như chú muốn cùng tôi tranh tài”.

Sau khi thuyết xong Bổn Sanh, Đức Bổn Sư cho biết rằng Sư tử khi trước nay là Đức Sāriputta, còn con heo chính là Đại Đức Loḷudāyi. Xong rồi Đức Thế Tôn phán dạy rằng:

– Này các Tỳ khưu! Loḷudāyi chỉ học rất ít Pháp mà không bao giờ lo ôn tập. Pháp nào dầu học ít, một khi đã học được nếu không ôn tập ắt trở thành nhớp nhúa vậy.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn như sau:

 “Asajjhāyamalā mantā,
Anuṭṭhānamalā gharā;
Malaṃ vaṇṇassa kosajjaṃ,
Pamādo rakkhato malaṃ”.

“Không tụng làm nhớp kinh,
Không siêng làm bẩn nhà,
Biếng nhác làm nhơ thân,
Phóng dật làm tâm uế”.

CHÚ GIẢI:

Asajjhāyamalā: Bất luận là Kinh pháp hoặc học nghề nghiệp chi nếu không thường ôn tập, thực hành, thì nó sẽ tiêu lần hoặc đứt đoạn không dễ nhớ ra, bởi vậy mới nói: “Không tụng làm nhớp kinh”. Người là cư sĩ hoặc bậc xuất gia mà biếng nhác không lo chăm sóc, gìn giữ thân thể hoặc đồ vật dụng, thì thân sẽ có màu sắc xấu xa, bởi vậy mới nói: “Biếng nhác làm nhơ thân”. Người chăn giữ bò cái mà dễ duôi, cứ lo ngủ hoặc lo chơi thì bầy bò không phát
triển, dễ bị hao hụt vì thú dữ, trộm cướp làm thiệt hại. Hoặc bò vào ăn mất lúa ruộng của người khác, chủ bị bắt bớ, đền bồi. Chính mình là người chăn cũng bị hành phạt hoặc bị mắng nhiếc.

Cũng vậy, bậc xuất gia không lo thu thúc lục căn, dễ duôi để cho phiền não làm sa đọa, rồi phải hoàn tục xa lìa giáo pháp. Bởi vậy mới nói: “Phóng dật làm tâm uế”.

Vì lẽ nó dẫn dắt người ấy đến chỗ hư hỏng, dơ bẩn nên gọi là nhơ uế vậy. Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả Tu Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Nếu dốt thì cam chịu dốt đi
Huênh hoang bịp chúng có hay gì
Bốn lần thỉnh Pháp, chưa thèm thuyết
Một trận ăn đòn, đã chạy thi
Vì thích cầu cao, sa hố phẩn
Bởi ưu tật đố, mất màu y
Gần thầy sao chẳng chuyên cần học
Lại móng hư danh, nghĩ cũng kỳ!…
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC LOḶUDĀYI

70 1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app