Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iv – Phẩm Tạp Lục: Tích Hạnh Nghiệp Của Đức Phật

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV 

Phẩm Tạp Lục: Tích Hạnh Nghiệp Của Đức Phật

“Mattāsukhapariccāgā
Passe ce vipulaṃ sukhaṃ
Caje mattā sukhaṃ dhīro
Sampassaṃ vipulaṃ sukhaṃ”.

“Nhờ từ bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn,
Bậc trí bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn”.

Pháp Cú nầy được Đức Thế Tôn thuyết lên khi Ngài ngự tại Veḷuvana, đề cập đến hạnh nghiệp của Ngài.

Tương truyền rằng: Một thời, kinh thành Vesalī là một vương quốc giàu có, đất đai trù phú, dân cư đông đúc. Vương quốc nầy có 7700 vị vua kế vị theo tuần tự.

Nói về sự kiến tạo hoàng cung, châu viên, vườn Thượng Uyển, hồ sen thì đều như nhau cả.

Lần nọ, thành Vesalī phát sanh nạn đói kém, thất mùa, dân cư chết quá nhiều, phi nhơn khuấy phá, bịnh dịch lan khắp. Dân chúng tâu trình với Đức vua:

– Trong thành phát sanh ba điều kinh hoàng, đã bảy đời vua rồi chưa bao giờ có điều nguy hại như vậy. Vì những đời vua trước đã thực hành Thập Pháp Vương nên không có nguy hại.

Đức vua liền xuất của kho bố thí cho toàn dân và Ngài phán:

– Nếu Trẫm không hành đúng pháp Minh Quân thì thần dân hãy xem xét việc gì đã xảy ra.

Dân chúng thấy nhà vua rất quang minh chính đại, không có sai phạm điều gì.

Nhưng tại sao chúng ta phải khổ sở, không an lạc?

Có người bảo rằng: “Phải cúng tế, cầu an mới thoát khỏi”. Nhưng không thể được. Có người lại cho rằng: “Ở đây, có sáu vị Giáo Chủ có đại thần lực, chúng ta nên nhờ quý Ngài giúp mới được an lành”. Và có người ý kiến rằng: “Đức Thế Tôn đã xuất hiện trên thế gian, Ngài có đại thần lực, Pháp Âm của Ngài đưa chúng sanh giác ngộ.

Nếu Ngài ngự đến đây, mọi điều rủi ro tai hại sẽ tan biến”. Họ đồng tán thán ý kiến ấy. Và không biết bây giờ Bậc Đạo Sư ngự tại nơi nào?

Lúc bấy giờ là thời điểm nhập hạ, vì lời hứa đối với vua Bimbisāra nên Ngài phải ngự về Veḷuvana. Thời đó, Đức vua Bimbisāra chứng Quả Dự Lưu và Đức vua Licchavīmahāli cũng chứng quả Dự Lưu và cũng là chư hầu của Đức vua Bimbisāra.

Đức vua Vesalī cùng với các vương tôn, công tử Licchavī và thần dân xứ Vesalī sắm lễ vật đến hiến dâng cho Đức vua Bimbisāra và trình bày sự việc đó, nhờ Ngài thỉnh cầu Bậc Đạo Sư ngự về kinh đô. Dù thần dân có “van xin khẩn cầu” nhưng Đức vua vẫn một mực từ chối. Cuối cùng, dân chúng đi đến yết kiến Đức Thế Tôn và bạch thỉnh:

– Bạch hóa Thế Tôn! Trong thành Vesalī phát sanh ba điều kinh sợ, nếu Ngài ngự đến thì quốc thái dân an, chúng con xin thỉnh cầu Ngài từ bi quang lâm.

Bậc Đạo Sư quán xét thấy duyên lành của Kinh đô Vesalī, dứt thời Kinh năng lực sẽ thấu đến 100.000 Koṭi thế giới, có 84.000 chúng sanh chứng ngộ Pháp và dân an lạc thái hòa nên Ngài đã nhận lời thỉnh cầu.

Đức vua hay tin: “Bậc Đạo Sư quang lâm về thành Vesālī” và truyền tin cho tất cả thần dân đến yết kiến Đức Phật và bạch hỏi:

– Bạch Thế Tôn! Ngài nhận lời về thành Vesalī hay sao?

– Đúng vậy, nầy Đại vương.

– Bạch Thế Tôn! Nếu vậy xin Ngài tạm ngự nơi đây, con cho dọn đường trước.

Rồi truyền lệnh cho thu dọn con đường dài năm do tuần giữa kinh đô Rājagaha và sông Hằng, thu dọn Tịnh xá rồi mới thỉnh Đức Đạo Sư.

Đức Thế Tôn cùng ngự đến với 500 vị Tỳ khưu. Đức vua cho rải hoa ngũ sắc cao ngang gối, treo cờ xí khắp nơi, che lọng hai tầng cho Đức Phật và lọng một tầng cho chư Tỳ khưu, cúng dường hoa, hương liệu… thỉnh Ngài an ngự trong tịnh xá, cúng dường trọng thể. Ngài an ngự dưới thuyền năm ngày, truyền cho thần dân xứ
Vesalī hãy cung nghinh Bậc Đạo Sư long trọng.

Thần dân xứ Vesalī nghinh tiếp Đức Thế Tôn từ sông Hằng đến kinh đô, xa khoảng ba do tuần. Che lọng bốn tầng cho Đức Phật, lọng hai tầng cho chư Tăng, cung nghinh long trọng như vậy.

Dưới hai chiếc thuyền trang hoàng hoa màu rực rỡ, trải bảo tọa lộng lẫy thỉnh Ngài an ngự và Tăng chúng ngồi vây quanh. Đức vua lội xuống nước tới cổ và bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Bao giờ Ngài ngự về, con sẽ ở đây chờ Ngài đến chừng đó.

Rồi Đức vua tiễn biệt Ngài ra đi, Đức Phật ngự trên thuyền khoảng 1 do tuần mới đến lãnh thổ xứ Vesālī. Các vương tôn Licchavī xuống nước kéo thuyền vào, lúc Bậc Đạo Sư vừa đặt chân lên bờ, cơn mưa bắt đầu đổ xuống, làm trôi đi các tử thi ra sông Hằng, không còn ô uế nữa. Các vương tôn Licchavī thỉnh Đức Thế Tôn an ngự một nơi, cúng dường trọng thể suốt ba ngày, mới thỉnh Ngài về kinh thành Vesālī.

Đức Thiên Vương Đế Thích cùng hội chúng chư thiên đến đó thì các phi nhơn đều biến mất.

Nắng vừa tắt, Bậc Đạo Sư ngự đến cổng thành và phán gọi Đại Đức Ānanda:

– Nầy Ānanda! Ngươi hãy tụng kinh Paritta khắp ba vòng thành Vesalī nầy.

Đại Đức lấy bát đá của Ngài múc nước, suy niệm về các công đức của Phật là 10 pháp Pāramī, 10 pháp Upapāramī, 10 pháp Paramatthapāramī, 5 pháp Đại thí, 3 pháp hành: Lokatthacariyā, Nātatthacariyā và Buddhatthacariyā. Tư cách giáng sanh vào lòng mẹ trong kiếp chót, tư cách ra đời, tư cách xuất gia, tư cách tu khổ hạnh, tư cách cảm thắng Ma Vương, tư cách chứng quả Chánh Biến Tri trên Bồ Đoàn, 9 Pháp Thánh.

Đại Đức Ānanda tụng kinh Paritta cả đêm, trọn đủ ba canh tại trong ba vòng thành Vesālī, tụng: “Taṃkiñci…” rải nước bên trên và khắp nơi.

Từ bài kệ “Yānīdha bhūtāni…” rải bên trên, bên dưới, tất cả tật bệnh của nhân loại đều tiêu diệt. Đại Đức vừa tụng bài kinh “Yaṃkiñci…” những giọt nước vừa chạm phải chúng phi nhơn không nơi nương trú đều biến mất. Dân chúng trang trí bảo tọa để Ngài an ngự.

Bậc Đạo Sư an ngự trên bảo tọa, chư Tỳ khưu Tăng cùng các vương tôn Licchavī ngồi vây quanh nơi ấy. Cả Đức Đế Thích và hội chúng chư thiên cũng đến đó. Sau khi tụng kinh Paritta xong, Đại Đức Ānanda cùng dân chúng đến đảnh lễ Ngài, Đức Thế Tôn quán xét thấy duyên lành của hội chúng, Ngài đã thuyết bài Kinh trên.

Dứt thời Pháp, 84.000 chúng sanh giác ngộ.

Đức Thế Tôn tụng kinh Paritta trọn bảy ngày, do oai lực Phật, các thần dân an lạc thái hòa. Sau khi giáo giới các vương tôn Licchavī, Ngài rời thành Vesālī. Các vương tôn cúng dường Đức Phật trọng thể trọn ba ngày tại bờ sông Hằng. Các Long vương thấy nhân loại cúng dường Đức Như Lai long trọng, chúng hóa ra thuyền vàng, bạc, ngọc. Trong thuyền đầy đủ tiện nghi và ngôi Bảo tọa bằng ngọc, rải hoa sen ngũ sắc rồi đến bạch thỉnh:

– Bạch Thế Tôn! Xin Ngài từ bi tế độ cho chúng con.

Nhân loại và Long vương cúng dường long trọng đến Ngài như vậy.

Tất cả chư thiên và phạm thiên khắp nơi bên trên đều hân hoan cúng dường.

Lọng của nhân loại và Long vương che khắp một do tuần. Long vương bên dưới, loài người trên đất, chư thiên cội cây, bọng cây, hang núi… che giữa hư không, tàn lọng từ Long vương thấu đến phạm thiên che khắp thế giới như vậy. Cờ xí, tràng hoa, hương liệu treo rải khắp nơi. Các thiên tử trang sức lộng lẫy thông báo khắp hư không. Được nghe rằng: Có ba Đại hội chư thiên lớn:

1- Lúc Ngài thể hiện Song Thông Lực.

2- Lúc Ngài từ thiên giới ngự về.

3- Lúc Ngài ngự đến sông Hằng.

Đức vua Bimbisāra đứng bên bờ nầy, thấy các vương tôn Licchavī cúng dường long trọng khi Đức Phật ngự về, Ngài cũng cúng dường gấp đôi sự cúng dường ấy.

Bậc Đạo Sư thấy đại thí của hai vị vua ở hai bên bờ sông Hằng, Ngài thấy rõ duyên lành của Long vương… nên hóa ra một vị Phật có 500 vị Tỳ khưu ngồi trong con thuyền dưới tàn lọng Như Ý với tràng hoa màu sắc rực rỡ.

Tất cả chư thiên trong khắp vũ trụ đã vui mừng ca hát. Bậc Đạo Sư ban huấn từ cho Long vương.

Chúng Long vương thỉnh Đức Phật và Tăng chúng ngự về Long cung thuyết Pháp suốt đêm, rạng ngày thứ hai đã cúng dường thực phẩm thượng vị đến Đức Phật và Chư Tỳ khưu Tăng. Sau khi phúc chúc, Ngài rời khỏi Long cung, 500 con thuyền của chư thiên trong vũ trụ cũng đến sông Hằng để cúng dường trọng thể đến Ngài.

Khi Ngài ngự về, Đức vua thỉnh Ngài cúng dường, rồi thỉnh Ngài đến thành Rājagaha cúng dường liên tiếp năm ngày như đã nói ở trên. Ngày hôm sau, chư Tỳ khưu ngồi tại giảng đường bàn luận:

– Thật đáng tán dương oai đức của chư Phật. Thật hy hữu thay! Chư thiên và loài người đều tịnh tín Ngài. Các vị vua cho dọn con đường dài 8 do tuần, cả bên bờ nầy bên bờ kia sông Hằng, rải hoa đủ loại tới gối cúng dường Ngài, do oai lực Long vương sông Hằng đầy hoa ngũ sắc. Tất cả chư thiên che lọng cao đến cõi Sắc Cứu
Cánh, toàn cõi Diêm Phù đều hân hoan tịnh tín.

Bậc Đạo Sư ngự đến phán hỏi rằng:

– Nầy chư Tỳ khưu! Bây giờ các ngươi ngồi hội nhau bàn luận về câu chuyện gì?

Chư Tỳ khưu bạch lại sự kiện đó, Ngài bèn phán rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Chẳng phải sự cúng dường đến Như Lai do Phật lực hay do oai lực chư thiên, phạm thiên. Mà sự cúng dường do phước báu của Như Lai trong quá khứ.

Chư Tỳ khưu thỉnh cầu Đức Thế Tôn thuyết giảng Bổn sanh, Ngài giảng tiền tích quá khứ như sau:

Trong thời quá khứ, tại thành Takkasilā có vị Bà la môn Saṅkha, ông có người con trai là Susima vừa tròn 16 tuổi. Một hôm thanh niên Susima xin phép cha:

– Cho con đến thành Bārāṇasī để học chú thuật.

– Nầy con! Nếu vậy, có vị Bà la môn ấy là bạn cũ của cha, con hãy đến đó mà thụ giáo.

Chàng vâng lời, đi đến thành Bārāṇasī, tìm đến Bà la môn ấy và thưa lại sự gởi gắm của cha. Bà la môn suy nghĩ: “Không biết thanh niên nầy có cố gắng học và có ưu tư về lứa tuổi dậy thì?”.

Thanh niên Susima học nhiều, mau thuộc, khó quên, không bao lâu chàng đã thọ giáo tất cả học vấn của vị thầy truyền dạy, chàng thấy kinh điển của thầy chỉ có bấy nhiêu, chưa tìm ra được cứu cánh, chàng hỏi thầy rằng:

– Thưa thầy! Chẳng lẽ kinh điển của thầy chỉ có bấy nhiêu? Không còn gì nữa sao?

– Thật vậy, thầy cũng chỉ thấy có bấy nhiêu.

– Thưa thầy, nếu vậy có vị nào hiểu được chỗ cứu cánh chăng?

– Nầy thanh niên! Ở trong rừng Īsipatana, có các vị Đạo sĩ đã hiểu.

Vậy con hãy đi đến bạch hỏi đi. Chàng tìm đến chư Phật Độc Giác, bạch hỏi:

– Thưa các Ngài! Được nghe rằng các Ngài biết được chỗ cứu cánh phải chăng?

– Nầy thanh niên đúng vậy.

– Nếu vậy xin các Ngài chỉ giáo cho con.

– Chúng tôi không thể chỉ giáo cho người cư sĩ. Nếu chàng muốn biết tận tường thì hãy xuất gia đi.

Chàng Susima thuận ý xuất gia với các Ngài. Chư Phật Độc Giác đã dạy y thọ trì những học giới: “Nên mặc như vầy, nên đạp như vầy…” do nghiêm trì trong sạch và có duyên lành, không bao lâu, chứng quả Phật Độc Giác, danh thơm tỏa rạng khắp kinh thành Bārāṇasī như vầng nhật nguyệt và các vì sao sáng cả bầu trời, đạt được lợi lộc và địa vị tối thượng. Không bao lâu, Ngài Níp Bàn Vô Dư vì tuổi thọ quá ít. Chư Độc Giác Phật cùng thị dân an táng thi thể Ngài và xây tháp tôn thờ.

Phần Bà la môn Saṅgha suy nghĩ: “Con ta đi lâu quá sao chưa về, không biết hiện giờ ra sao?”. Rồi ông đến thành Bārāṇasī tìm con, thấy dân chúng tụ hội đông đảo mới hỏi rằng:

– Chàng Susima có đến kinh thành nầy chăng? Các người có biết chàng chăng?

– Nầy Bà la môn! Chúng tôi biết, thanh niên Susima thông suốt Tam Phệ Đà đã học với vị Bà la môn đó, rồi xuất gia chứng quả vị Độc Giác, đã viên tịch Níp Bàn rồi.

Đây là tháp của Ngài mà chúng tôi kiến tạo thờ.

Bà la môn vừa nghe đến đó, than khóc, bi ai, rồi đi đến tháp nhỏ cỏ, hốt cát, rải sỏi chung quanh tháp, rưới nước cho sạch, treo cờ, lọng trên tháp, cúng dường hoa rừng.

Sau khi thuyết giảng tiền tích quá khứ, Bậc Đạo Sư phán:

– Nầy các Tỳ khưu! Bà la môn Saṅgha trong lúc đó, chính là Như Lai hiện tại, ta đã nhổ sạch cỏ ở chân tháp của Đức Phật Susima, do quả phước ấy nên hiện tại dân chúng dọn sạch con đường dài tám do tuần cho Như Lai ngự qua, do cúng dường hoa rừng ở tháp nên chúng dân rải đủ các loại hoa suốt đường dài 8 do tuần để cúng
dường. Do rải nước cúng dường sân tháp, nên một do tuần sông Hằng đầy hoa sen ngũ sắc. Do treo cờ, lọng trên bảo tháp nên khắp cả vũ trụ treo cờ lọng thấu đến trời Sắc Cứu Cánh. Hân hoan vui mừng, nên do quả phước nầy mưa đổ xuống thành Vesālī. Nầy các Tỳ khưu! Sự cúng dường phát sanh cho Như Lai không phải do nhờ Phật Lực hay oai lực của chư thiên, phạm thiên, mà phát sanh do phước báu Như Lai đã tạo trong quá khứ.

Rồi Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Mattāsukhapariccāgā
Passe ce vipulaṃ sukhaṃ
Caje mattā sukhaṃ dhīro
Sampassaṃ vipulaṃ sukhaṃ”.

“Nhờ từ bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn,
Bậc trí bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn”.

290. Nếu từ bỏ lạc nhỏ mà có thể thành đạt hạnh phúc lớn, người thiện trí hãy từ bỏ hạnh phúc nhỏ để mưu cầu hạnh phúc lớn.

CHÚ GIẢI:
Mattāsukhapariccāgā: Là từ bỏ hạnh phúc nhỏ mà Đức Thế Tôn gọi là Mattāsukhaṃ, thành đạt hạnh phúc lớn là Níp Bàn, Ngài gọi là hạnh phúc tuyệt đối.
Ngài giảng giải: Hạnh phúc nhỏ như người được một mâm vật thực rồi tiêu mất, còn Níp Bàn hiện hữu với người từ bỏ hạnh phúc nhỏ, như hành Uposatha, bố thí… Vì vậy, người thành đạt hạnh phúc lớn do từ bỏ hạnh phúc nhỏ. Nếu thế, người thiện trí hãy từ bỏ hạnh phúc nhỏ để thành đạt hạnh phúc chân chánh.

Dứt thời Pháp, rất nhiều người chứng đạt Quả Dự Lưu.

Dịch Giả Cẩn Đề
Nhờ kinh Tam bảo tụng ba canh,
Cứu được nhân dân cả một thành.
Bệnh tật, phi nhân và đói kém,
Từ đây khỏi sợ chúng hoành hành.
Giọt nước cam lồ đuổi được ma,
Chính từ bát Phật rải tung ra,
Bệnh nhân nhờ đó liền nghe khỏe,
Kẻ đói thành no, hết xót xa…
Các vua đưa rước đức Như Lai
Lễ lộc tưng bừng ấy, bởi ai?
Phật bảo không vì nhân hiện tại,
Không do Phật lực với thần oai.
Ma do công đức kiếp ban sơ,
Nhổ cỏ, dâng hoa, dựng lọng cờ,
Trải cát trong vòng sân thánh tháp,
Quả to, nhân nhỏ, thật không ngờ!!!
DỨT TÍCH HẠNH NGHIỆP ĐỨC PHẬT

101 1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app