Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Ngàn: Tích Nàng Sa Đoạ Đắc A La Hán

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II 

Phẩm Ngàn: Tích Nàng Sa Đoạ Đắc A La Hán

“Yo ca vassasataṃ jīve,
Apassaṃ udayabhayaṃ;
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo,
Passato udayabhayaṃ”.

“Ai sống một trăm năm,
Không thấy Pháp Sinh Diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được Pháp Sinh Diệt”.

Kệ Pháp Cú này, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Tỳ khưu Ni Paṭācārā (Sa Đọa).

Tương truyền: Tiểu thơ Paṭācārā là con gái của một ông Bá hộ giàu có đến bốn trăm triệu đồng vàng, nhan sắc của nàng tuyệt đẹp.

Khi nàng đến tuổi cập kê (mười sáu tuổi), cha mẹ nàng cho nàng ở trên tầng lầu thượng của tòa nhà bảy từng để tiện bề gìn giữ nàng.

Nào ngờ nàng ở một mình lại tư thông với người tớ trai của nàng.

Ông bà Bá hộ kén được một chàng rể môn đăng hộ đối và đã hứa lời định ngày làm lễ hỏi với đàng trai. Gần đến ngày đám hỏi, tiểu thư nói với tình nhân rằng:

– Em nghe nói cha mẹ sẽ gả em cho công tử con nhà đó. Họ đàng trai cũng sắp đến để lấy danh thiếp của em về coi tuổi. Anh sẽ không được lưu trú ở đây nữa. Nếu anh có lòng yêu em thì anh hãy dắt em đi trốn khỏi nhà này.

Người tớ trai đáp: “Lành thay, em yêu quý! Vậy thì sáng mai anh sẽ đứng đón em tại một địa điểm ấy, ở cổng thành, còn em thì hãy dùng một phương tiện nào đó mà ra khỏi thành rồi đi đến đó”.

Ngày sau, chàng trai đi trước, đến đứng chờ tại chỗ đã hẹn, còn tiểu thơ từ sáng sớm đã mặc quần áo dơ dáy, bỏ xỏa tóc ra, lấy cám thoa khắp mình mẩy đầu cổ, tay ôm cái bình, trà trộn với đám nữ tỳ mà thoát ra khỏi nhà, rồi đi đến ngay chỗ hẹn.

Chàng trai dắt nàng đi thật xa, đến định cư tại một làng nọ, vào rừng phát rẫy cày ruộng rồi đem cây, củi, lá v.v… về nhà. Còn tiểu thơ thì ở nhà phải ôm bình đi xách nước, chẻ củi nấu cơm, cam lòng chịu đựng hậu quả việc làm quấy ác của mình. Thế rồi tiểu thơ có thai.

Đến khi thai đã đủ tháng, tiểu thư yêu cầu chồng rằng:

– Em ở đây đơn chiếc, không có ai ở đây phụ đỡ tay chân. Cha mẹ nào đối với các con cũng có lòng từ mẫn, vậy anh hãy đưa em về với cha mẹ em, để em sanh con ở đó.

Người chồng từ chối, viện cớ rằng:

– Hiền thê ơi! Sao em nói vậy? Gặp mặt anh ắt là cha mẹ em sẽ hành phạt anh đủ thứ. Anh không thể nào đi về ở đó đâu!

Tiểu thơ nài nỉ, van xin năm lần bảy lượt cũng không được, thừa dịp chồng đi vào rừng, mới tìm người láng giềng dặn rằng: “Nếu chồng tôi về không thấy tôi, ắt sẽ hỏi tôi đi đâu, nhờ bà con nói giùm với anh ấy là tôi đã đi về quê ngoại”.

Khi người chồng về nhà không thấy vợ, hỏi thăm làng xóm thì được nghe lặp lại mấy lời của tiếu thơ đã nhắn. Anh ta hối hả đuổi theo để bắt vợ trở lại, nhưng khi bắt kịp nàng, anh ta năn nỉ cách gì, nàng chẳng chịu quay đầu.

Hai người cùng đi, đến một chỗ nọ, tiểu thư chuyển bụng. Nàng rẽ vào một bên đường, nói với chồng: “Anh ơi! Em chuyển bụng”. Nói rồi, nàng nằm ngay xuống đất, lăn lộn, trăn trở khó nhọc lắm mới sanh ra đứa con trai. Con đã sanh rồi, thì mục đích trở về quê cũng không còn, tiểu thơ bồng con lủi thủi theo chồng trở về nhà cũ, sống chung như trước.

Một thời gian sau, nàng lại có mang. Khi thai đủ tháng, nàng cũng van xin chồng như trước mà không được, rồi cũng lén chồng ẵm con ra đi. Chồng nàng đuổi theo gặp nàng, nhưng nàng không chịu trở lại.

Hai người đang đi, bỗng nhiên trời đổ trận mưa to, chớp giăng tứ phía sáng rực như lửa cháy. Sấm sét nổ vang như trời long đất lở, mưa tuôn xối xả không ngớt hột.

Ngay lúc ấy, tiểu thư lại bắt đầu chuyển bụng. Nàng kêu chồng nói rằng: “Anh ơi! Em chuyển bụng! Em không chịu đựng nổi qua cơn mưa này. Anh ráng làm sao tìm chỗ cho em tránh mưa”.

Người chồng xách dao bên mình đã mang theo, đi đây đi đó, kiếm đồ che mưa thì thấy một bụi rậm trên một cái nổng cao, định leo lên để chặt. Bất ngờ, một con rắn độc từ trong gò nổng chui ra cắn anh ta. Tức khắc, trong mình anh nghe như có ngọn lửa nổi lên thiêu đốt. Mặt mày anh tái xanh, anh ngã ngay xuống đó.

Tiểu thơ nằm chờ chồng trở lại, ráng sức chịu đựng đau khổ lớn lao, nhưng càng trông càng bặt tích vắng tăm, rốt cuộc nàng sanh ra đứa con trai thứ hai trong cô quạnh. Một mình với hai đứa con thơ giữa cảnh mưa gió phũ phàng, tiểu thơ không dằn được nỗi lòng, lớn tiếng khóc la thảm thiết… Nhưng nàng gắng gượng đặt hai con thơ vào giữa bụng, tự mình chống hai đầu gối và hai tay xuống đất mà chịu suốt cả một đêm. Toàn thân nàng trổ màu vàng như chiếc lá úa, coi như là không có máu vậy.

Khi mặt trời mọc, màu đỏ như cục thịt, tiểu thơ tay bồng, tay dắt hai đứa con côi, lần mò đi tìm chồng. Theo dấu chân, nàng đi đến gò mối, thấy chồng đã chết, xác ngã nằm đơ ra đó đã có màu xanh.

Tiểu thơ rống lên khóc than rên xiết: “Chồng ta là chỗ ta nương tựa, đã chết ở giữa đường rồi”.

Trời mưa suốt đêm qua, bây giờ đã tạnh, nhưng nước sông Aciravatī dâng lên cao, có chỗ sâu tới đầu gối, có chỗ sâu tới ngực.

Tiểu thơ thấy mình còn yếu đuối, lại đèo bồng hai đứa con thơ, không dám mạo hiểm băng ngang sông, bèn để đứa lớn ở lại bờ bên này, còn đứa nhỏ thì ẵm qua bên kia sông. Tiểu thơ bẻ cành cây trải ra, đặt đứa nhỏ nằm lên đó, để trở lại rước luôn đứa lớn.

Nhưng vì dỗ đứa nhỏ không được, tiểu thư cứ phải quay đi quay lại nhiều lần, vừa đi mà vừa ngó chừng nó.

Trong lúc tiểu thư đi đến giữa sông, một con diều hâu nhìn thấy đứa bé đỏ hỏn, tưởng là cục thịt, từ trên không đáp xuống, thấy con diều hâu đáp xuống định sớt con mình, tiểu thơ giơ hai tay lên cao, thét lên ba tiếng lớn: hù, hù, hù, để xua đuổi nó.

Nhưng vì tiểu thơ đứng cách xa, con diều hâu không nghe tiếng la, nên cứ sớt đứa con nhỏ mang đi.

Đứa con lớn còn đứng ở bên bờ này, thấy mẹ ở giữa sông giơ hai tay lên la lớn tiếng, thì tưởng rằng mẹ nó gọi nó, nên chạy ào xuống nước. Thế là đứa con nhỏ của tiểu thư đã bị diều hâu sớt mất, đứa con lớn thì lại bị nước cuốn trôi.

Tiểu thơ khóc nức nở than rằng: “Hai con tôi, một đứa bị diều hâu sớt, một đứa bị nước cuốn trôi, chồng tôi chết ở giữa đường”, vừa đi vừa kể lể như thế. Nàng gặp một người đàn ông từ thành Sāvatthī (Xá Vệ) đi lại bèn hỏi:

“Cậu đây là người cư ngụ ở đâu?”.

– Là người ở Sāvatthī cô à.

– Trong thành Sāvatthī, dọc đường đó có một gia đình Bá hộ tên đó, cậu có biết chăng?

– Tôi biết lắm, nhưng cô đừng hỏi về gia đình nầy. Hãy hỏi về gia đình khác đi cô ạ.

– Gia đình khác không dính dáng gì đến tôi, tôi chỉ hỏi về gia đình này mà thôi cậu à.

– Cô à! Chuyện này đáng lẽ thì không nên nói ra cho cô biết làm chi.

– Xin cậu cứ nói cho tôi biết đi cậu.

– Hôm nay cô có thấy trời mưa suốt cả đêm không?

– Có, tôi có thấy trời mưa suốt cả đêm nay. Nhưng thôi cậu đừng đem chuyện trời mưa mà nói với tôi nữa làm chi. Bây giờ xin cậu hãy nói cho tôi biết tin tức về gia đình ông Bá hộ.

– Này cô, hồi hôm này cả nhà ông Bá hộ có ba người là: Ông, bà và cậu công tử đều bị nhà sập đè chết cả. Bây giờ, có nhiều người xúm lại thiêu xác, khói lên ở đây cũng thấy đó cô à!

Nghe vậy, nàng Patācārā phát điên, không còn biết đến quần áo gì nữa, cứ đứng trần truồng mà than khóc kể lể.

“Ubho puttā kālakatā,
Panthe mayhaṃ pati mato;
Mātā pitā ca bhātā cā,
Ekacitakamhi ḍayhareti”.

“Chết rồi hai đứa con thơ,
Giữa đường chồng chết, bơ vơ một mình.
Mẹ, cha, em ở gia đình,
Lửa thiêu mất xác bóng hình còn đâu”.

Nàng Patācārā cứ đi loanh quanh, miệng nói lảm nhảm, dân chúng thấy nàng cứ gọi: “Con điên, con điên”, rồi kẻ lấy rác, người hốt bụi râc lên đầu nàng, hoặc lấy đất cục mà chọi nàng.

Đức Bổn Sư đang ngự tọa trong Kỳ Viên đại tự, đang thuyết pháp giữa tứ chúng.

Trông thấy nàng đi đến, biết là người có tròn đủ nguyện vọng thực hành pháp Thập Độ Ba La Mật (Pāramī) trong một trăm ngàn đại kiếp vừa qua.

Tương truyền vào thời Đức Phật Padumuttara (Thượng Liên Hoa), nàng Patācārā này đã nắm lấy cánh tay của Trưởng lão Ni tinh thông Tạng Luật, đệ tử của đức Giáo chủ Thượng Liên Hoa và hoan hỷ như gặp một vật quý cất giữ trong rừng Khoái Lạc, nàng đã ước mong phát nguyện rằng: “Con nguyện về sau sẽ đạt được quả vị tối cao trong số các Trưởng lão Ni Giới đức, là vị Trì Luật ở Đức Phật vị lai giống như Ngài vậy”.

Đức Phật Padumuttara quán xét về vị lai, biết rằng lời nguyện này sẽ thành tựu, bèn thọ ký cho cô Tín nữ rằng: “Trong ngày vị lai vào thời Đức Phật Gotama (Cồ Đàm), nàng có tên là Patācārā nầy sẽ là vị Tỳ khưu Ni giỏi nhất về Tạng Luật”.

Do nàng đã tròn đủ hạnh nguyện Ba la mật như thế, cho nên vừa thấy nàng từ xa đi đến, Đức Bổn Sư đã nghĩ thầm: “Ngoài Ta ra, không ai có thể là người tế độ cho nàng Patācārā cả”. Rồi Ngài dùng Thần thông khiến cho nàng đi ngay đến trước cổng chùa. Các thiện tín thấy nàng Patācārā, vội bảo nhau: “Cô này điên, ta đừng để cô ấy vào đây”.

Đức Bổn Sư lên tiếng: “Các thiện tín hãy lánh mặt, đừng ai cản đường cô ấy cả”.

Rồi Ngài ra lịnh: “Khi vào đến gần đây, nàng hãy tỉnh trí trở lại!”.

Nhờ oai lực của đức Phật, nàng Patācārā lập tức phục hồi được Chánh niệm. Ngay lúc ấy nàng nhận thấy trạng thái lõa lồ của mình, tự nhiên phát tâm Tàm quý, liền ngồi xổm xuống, một thanh niên ném cho nàng một chiếc y choàng, nàng quấn lá y, đến trước hai bàn chân màu vàng ròng của Ngài, gieo năm vóc xuống đảnh lễ Ngài, mở lời cầu khẩn:

– Bạch Ngài, xin Ngài hãy là người tế độ con, xin Ngài hãy là người giúp đỡ con.

Một đứa con của con đã bị diều hâu sớt mất, một đứa nữa bị nước cuốn trôi, chồng con đã chết giữa đường, cha mẹ và em trai của con đều bị sập nhà đè chết, xác đã thiêu trên giàn hỏa…

Nghe mấy lời thiết yếu của thiếu phụ, Đức Bổn Sư khuyên giải rằng:

– Nầy Patācārā, con chớ bận tâm lo nghĩ, khi con nương nhờ ỷ lại vào các thân nhân thì họ chỉ có thể tế độ cứu giúp con đến ngần ấy thôi. Con hãy ráng nhớ lại coi, cũng như bây giờ con mất hai đứa con, một đứa bị diều hâu sớt, một đứa bị nước cuốn trôi, chồng con bị chết ở giữa đường, cha mẹ và em trai con đã bị nhà sập đè chết.

Thì cũng thế, trong vòng luân hồi nầy, con đã từng chịu tang tóc khóc chồng, khóc con, khóc cha mẹ anh em như vậy đã vô số lần rồi, cho đến nỗi nước mắt con đổ ra, nếu chứa lại để dành thì nhiều hơn nước trong bốn đại trùng dương. Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:
“Catūsu samuddesu jalaṃ parittakaṃ,
Tato bahuṃ assujalaṃ anappakaṃ;
Dukkhena phuṭṭhassa nārassa socato,
Kiṃkāranā amma tuvaṃ pamajjasīti”.


“Nước trong bốn biển có bao nhiêu?
Nước mắt so ra mới thật nhiều!
Trong cõi nhân gian đây khổ lụy,
Sao con lơ đễnh thả xuôi chiều???”

Trong khi Đức Bổn Sư thuyết giảng về cái vòng sanh tử triền miên mà không ai biết được khởi thủy như thế, thân tâm nàng Patācārā vơi lần những sầu muộn. Biết rằng nàng đã bớt thảm giảm sầu. Đức Bổn Sư lại tiếp gọi nàng và dạy:

– Nầy Patācārā, đến giờ qua thế giới khác, thì dầu cho thân thích như chồng con, cũng không thể làm chỗ cứu giúp, chỗ nương nhờ hoặc chỗ ẩn náu cho nàng được.

Bởi thế cho nên, trong giờ phút hiện tại đây, nàng hãy noi giương bậc Hiền trí, Trì giới trong sạch, tự mình quét dọn con đường đi đến Níp Bàn.

Nói rồi Đức Bổn Sư lại thuyết pháp và ngâm lên hai kệ ngôn:

“Na santi puttā tāṇāya,
Na pitā nāpi bandhavā;
Antakenādhipannassa,
Natthi ñātīsu tāṇatā.
Etamatthavasaṃ natvā,
Paṇḍito sīlasaṃvuto;
Nibbānagamanaṃ maggaṃ,
Khippameva visodhayeti”.

Đến giờ phút lâm chung, không có sự bảo vệ từ nơi con cái, hoặc từ nơi cha mẹ, vợ chồng, cũng không có sự bảo vệ từ nơi thân quyến.

Hiểu biết chân lý nầy rồi, bậc Hiền trí hãy thu thúc trong Giới luật, sớm lo quét sạch con đường Đạo quả Níp Bàn. Cuối thời Pháp, bao nhiêu phiền não của nàng Patācārā nhiều như số bụi phủ đầy mặt địa cầu đều bị thiêu rụi và nàng đắc quả Nhập lưu. Nhiều người khác cũng đắc Thánh quả nhất là Tu Đà Hườn.

Sau khi đắc quả Nhập lưu, nàng Patācārā xin xuất gia với Đức Bổn Sư. Đức Thế Tôn gởi nàng qua xuất gia bên Tỳ khưu Ni. Sau khi thọ cụ túc giới, người ta vẫn gọi nàng là Tỳ khưu Ni Patācārā, nghĩa là “Sa đọa”, do quãng đời bi đát của nàng đã trải qua.

Một hôm nọ, Tỳ khưu Ni Patācārā cầm bình đi múc nước, xối nước rửa chân, nước xối chảy đi một chút rồi đứng lại, lần thứ hai nước chảy xa hơn, lần thứ ba nước xối càng đi xa hơn nữa.

Patācārā lấy việc xối nước làm đối tượng để quán xét ngay lúc ấy: “Những chúng sanh nầy chết khi tuổi thọ đầu tiên, giống như dòng nước ta xối rửa chân lần đầu vậy. Họ chết khi tuổi thọ bậc trung, giống như nước ta xối lân thứ nhì đi xa hơn một chút nữa và họ chết khi hết tuổi thọ lần cuối cùng cũng giống như ta xối nước lần thứ ba càng đi xa một chút vậy thôi(1)”.

Đút Bổn Sư ngự tọa trong huơng thất, phóng tỏa hào quang thị hiện như đứng truớc mặt Tỳ khưu Ni nầy thuyết rằng:

– Nầy Patācārā, những chúng sanh dầu có sống một trăm năm mà không nhận thấy sự sanh diệt trong ngũ uẩn như thế đó, thì không bằng người chỉ sống trong một ngày hoặc một sát na mà nhận thấy sự sanh diệt của chúng.

Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và kết luận bâng câu kệ rằng:

“Yo ca vassasataṃ jīve,
Apassaṃ udayabbayaṃ;
Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo,
Passato udayabbayaṃ”.

“Dấu cho sống cả trăm năm,
Không thấy sanh diệt thân tâm Vô thường.
Không bằng sống một ngày trường,
Mà được thấy Pháp Vô thường diệt sanh”.

CHÚ GIẢI:
Apassaṃ udayabbayaṃ: không thấy hai mươi lăm tướng sanh và hai mươi lăm tướng diệt cùa Ngũ uẩn, gọi là không thấy Pháp Sanh Diệt của Ngũ uẩn.

Passato udayabbayaṃ: người thấy được Pháp Sanh Diệt thì đầu có sống một ngày cũng còn quý hơn người trước.

Cuối thời Pháp Tỳ khưu Ni Sa Đọa đắc quả A La Hán với Tuệ Phân Tích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Rửa chân, dội nước đủ ba lần,
Sa Đọa tự mình đạt lý chân:
Tuổi thọ quần sanh như thế cả,
Ngắn dài, tùy thuộc ở nguyên nhân!
Phật dạy: Một ngày thấy Pháp Hành,
Vô thường biến đổi, thật mong manh,
Còn hơn sống thọ trên trăm tuổi,
Mà chẳng suốt thông lẽ diệt sanh.
DỨT TÍCH NÀNG SA ĐỌA ĐẮC A LA HÁN

103

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app