Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Ngàn: Tích Đao Phủ Thủ Nanh Đồng

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngàn: Tích Đao Phủ Thủ Nanh Đồng

“Sahassamapi ce vācā,
Anatthapadasañhitā
(1),
Ekaṃ atthapadaṃ seyyo,
Yaṃ sutvā upasammati”.

“Dầu nói ngàn ngàn lời
Nhưng không gì lợi ích
Tốt hơn một câu nghĩa
Nghe xong, được tịnh lạc”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Veḷuvana (Trúc Lâm), đề cập đến đao phủ thủ (Coraghātakaṃ) tên Tambadāṭhika (Nanh Đồng).

Tương truyền rằng: Có bốn trăm chín mươi chín tên cướp, chuyên môn làm việc phi pháp nhất là cướp phá xóm làng mà nuôi mạng sống.

Khi ấy, có một thanh niên tráng kiện không bị việc chi ràng buộc, tên là Tambadāṭhika (Nanh Đồng) đi đến gặp bọn cướp và nói: “Tôi cũng muốn chung sống với mấy anh”. Bọn cướp đưa thanh niên vào thưa với đảng trưởng: “Chú nầy ngỏ ý muốn sống chung với bọn ta”.

Chúa đảng cướp nhìn xem tướng thanh niên, nghĩ thầm: “Thằng nầy tướng ác ôn lắm, nó có thể chặt vú mẹ hoặc là cắt cổ cha mà ăn thịt, uống máu”. Chúa đảng nói: “Chúng ta không cần hắn sống chung với chúng ta làm chi cả”. Mặc dù bị chúa đảng không chấp nhận cho vào đảng, gã thanh niên cũng cứ đến hầu hạ, phục dịch lấy lòng tên phó đảng. Tên nầy lại dắt anh ta vào tiến cử với đảng trưởng: “Xin chúa công chấp nhận cho tên nầy vào làm người giúp việc cho chúng ta!”. Vì có lời yêu cầu của phó đảng, đảng trưởng chấp thuận cho thanh niên vào đảng.

Thế rồi, một ngày nọ, dân chúng trong thành hợp lực với đội binh của Đức vua, bắt hết bọn cướp nầy, đưa ra tòa án để luận tội.

Quan tòa đã kết án tử hình cả bọn, ra lệnh cho đao phủ thủ chặt đầu bọn cướp. Nhưng khi hỏi: “Ai chịu giết những tên phạm nhân nầy?”, thì không một ai chịu lãnh mạng giết chết bọn chúng cả. Sau cùng dân chúng bảo tên đầu đảng: “Nếu nhà người chịu giết chết những tên đồng bọn, thì nhà ngươi sẽ được tha cho toàn mạng sống.

Hãy giết chết bọn chúng cho tử tế đi”.

1 Anatthapadasañhitā (theo bản Pāḷi của CSCD/Dhammagiri. India). Tên đầu đảng không chịu giết đồng đảng để mình được còn sống. Dân thành cứ thế mà hỏi hết cả bốn trăm chín mươi chín tên cướp, sau cùng người ta hỏi đến
Tambadāṭhika, thì hắn ta nhận lời: “Được thôi!”. Sau khi giết cả bọn cướp, Tambadāṭhika được tha bổng và được tôn trọng quyền sống như một người dân lương thiện.

Về sau, dân thành hợp lực cùng quân đội của Đức vua, bắt được năm trăm tên cướp nhiễu loạn ở hướng Nam kinh thành, đưa đến quan xử, bọn cướp bị kết án tử hình như trước, dân thành cũng bắt đầu hỏi tên thủ lãnh, đến tên đồng đảng cuối cùng, cũng không tên nào chịu giết đồng đảng của mình cả.

Dân thành nhắc lại: “Lúc trước có người giết hết bốn trăm chín mươi chín tên cướp, bây giờ người đó ở đâu?”.

Có người đáp: “Anh ta đang ở xứ ấy, ta đến thì sẽ gặp thôi”.

Nghe vậy, quan Chánh án ký trát cho mời Tambadāṭhika đến và mọi người đồng yêu cầu: “Hãy giết chết những tên cướp này thì anh sẽ được ban thưởng”.

Tambadāṭhika nhận lời: “Lành thay!”. Và anh ta giết hết bọn cướp, được dân
thành hoan hô nhiệt liệt. Tiếp theo đó dân thành quyết nghị: “Thanh niên nầy có biệt tài chặt đầu kẻ cướp như vậy, chúng ta hãy đề cử anh ta lên giữ chức đao phủ thường trực”.

Tambadāṭhika được mời đến công sở, được ủy nhiệm chức đao phủ thủ và được dân thành tôn trọng.

Tiếp theo đó, năm trăm tên cướp ở hướng Tây, rồi năm trăm tên cướp ở hướng Bắc bị bắt và bị xử tử, đều giao cho một tay Tambadāṭhika hành quyết cả. Đao phủ thủ đã giết tất cả là gần hai ngàn tên cướp từ bốn hướng giải về như thế.

Từ đó về sau, mỗi ngày Tambadāṭhika lai rai chặt đầu một vài người đã bị kết án tử hình và chàng ta hành nghề đao phủ thủ suốt năm mươi lăm năm. Đến khi già yếu, Tambadāṭhika không thể chém một nhát đứt lìa đầu người như trước, có khi phải chém đến ba nhát khiến tội nhân vô cùng đau đớn.

Dân thành nghĩ rằng: “Chắc ta phải tìm một đao phủ thủ mới, chớ ông nầy già
yếu rồi, làm đau khổ tội nhân thái quá. Chúng ta còn lưu giữ ông ta lại làm gì?”.

Thế là, người ta cách chức Tambadāṭhika.

Lúc trước, khi đang còn nghề đao phủ thủ, ông ta không hề hưởng được bốn điều này: một là mặc y phục mới, hai là ăn cháo nấu với bơ trong mới, ba là trang sức bằng những vòng hoa lài và bốn là thoa xức dầu thơm.

Ngày bị ngưng chức, Tambadāṭhika dặn người nhà: “Hãy nấu cháo sữa cho ta
ăn”, rồi ông bảo đem y phục mới, trang điểm với vòng hoa lài, mang dầu thơm ra sông tắm rửa.

Tắm xong, Tambadāṭhika mặc y phục mới, trang điểm vòng hoa lài, thoa dầu thơm khắp mình rồi về ngồi ở nhà. Lúc bấy giờ người nhà đem đến để trước mặt ông cháo sữa nấu với bơ trong mới cùng với nước rửa tay.

Ngay trong sát na ấy, Trưởng lão Sāriputta vừa xuất khỏi Thiền Diệt (Samāpatti), quán xem hôm nay mình phải đi khất thực ở nơi nào? Thấy món cháo sữa của Tambadāṭhika, Trưởng lão tự hỏi: “Người nầy sẽ hộ độ cho ta hay không?”.

Trưởng lão quán thấy: “Sau khi thấy ta, Tambadāṭhika sẽ cúng dường cháo sữa đến ta và y sẽ được phước báu lớn”. Hiểu rõ như thế rồi, Trưởng lão đắp y mang bát đến đứng ngay trước cửa nhà của Tambadāṭhika để cho gia chủ nhìn thấy.

Tambadāṭhika trông thấy Trưởng lão liền phát sinh tâm tịnh tín, nghĩ thầm: “Ta hành nghề đao phủ thủ đã lâu năm, chém giết rất nhiều người rồi, hôm nay trong nhà ta có sẵn cháo sữa và trước cửa nhà ta có vị Trưởng lão đứng chờ, bây giờ ta phải cúng dường cho Trưởng lão mới được”.

Tambadāṭhika dèn dẹp món cháo sữa qua một bên, ra đảnh lễ thỉnh Trưởng lão vào ngồi trong nhà, sớt cháo sữa vào bát, rưới thêm bơ trong mới, rồi đứng hầu quạt Trưởng lão. Vì đã lâu không dùng món cháo sữa, Tambadāṭhika cảm thấy thèm ăn dữ lắm. Trưởng lão biết tâm trạng của ông ta, bèn bảo: “Nầy gia chủ, ông hãy độ phần cháo của ông đi”.

Tambadāṭhika liền trao quạt qua tay người khác, rồi đi dùng món cháo sữa của mình.

Trưởng lão lại bảo người quạt hầu rằng: “Hãy đi qua hầu gia chủ ấy đi”.

Được quạt hầu, Tambadāṭhika độ cháo đầy bụng rồi lại đứng hầu quạt Trưởng
lão. Chờ Trưởng lão độ xong cháo, thỉnh bát đem đi rửa.

Trưởng lão tụng kinh chúc phúc cho thí chủ, nhưng thí chủ không thể đưa tâm
mình theo dõi lời Pháp của Trưởng lão thuyết, Trưởng lão suy nghĩ rồi hỏi: “Nầy gia chủ, tại sao ông không thể đưa tâm an tịnh để theo dõi Pháp thoại được như vậy?”.

– Bạch Ngài, vì tôi hành nghề thô bạo đã lâu năm, giết chết rất nhiều người, tôi mãi nhớ đến hành vi ấy của mình, nên không thể đưa tâm theo dõi lời Pháp của Trưởng lão thuyết.

Trưởng lão tự nghĩ: “Ta phải gạt ông nầy”. (Vañcessāminanti) rồi hỏi rằng: “Ông có tự ý mình vui thích việc ấy, hay bị người khác sai bảo ông làm?”.

– Bạch Ngài, Đức vua ra lệnh cho tôi làm.

– Vậy thì, nầy Thiện nam, ông có làm chi bất thiện đâu.

Gia chủ Tambadāṭhika vốn tư chất đần độn, nghe Trưởng lão nói như vậy, tự cho là mình chẳng có điều chi bất thiện cả, nên mừng rỡ nói: “Nếu vậy, xin Ngài hãy thuyết pháp”.

Trong khi Trưởng lão tụng kinh chúc phúc thì Tambadāṭhika định được nhất tâm, nghe Pháp đắc Tu Đà Hườn đạo, rồi tiếp theo đó phát sinh tâm nhẫn nại.

Sau khi chúc phúc xong, Trưởng lão ra đi, ông Tambadāṭhika tiễn chân Trưởng lão một khoảng đường, rồi quay lại trở về. Một nữ Dạ xoa nhập vào một con bò cái, chạy đến húc vào ngực Tambadāṭhika khiến ông ngã xuống chết ngay. Sau khi chết, ông được tái sanh vào cõi trời Đâu Suất.

Các Tỳ khưu câu hội cùng nhau tại giảng đường đề khởi câu chuyện nầy: “Ông đao phủ đã hành nghề thô bạo trong năm mươi lăm năm, mới nghỉ việc hôm nay để bát cho Trưởng lão Sāriputta rồi chết ngay, không biết tái sanh về đâu?”.

Đức Bổn Sư ngự đến hỏi: “Nầy các Tỳ khưu! Hôm nay các thầy bàn luận về vấn đề gì?”.

– Bạch Ngài, về việc như vầy…

Nghe vậy, Đức Bổn Sư dạy: “Nầy các Tỳ khưu, ông ta đã sanh lên cõi Đâu Suất Đà Thiên”.

– Bạch Ngài nói sao? Có phải sau khi giết chết bấy nhiêu nhân mạng, trong bấy nhiêu lâu, ông ta được tái sanh lên cung trời Đâu Suất chăng?

– Phải đó, nầy các Tỳ khưu, may nhờ gặp được một bậc Hiền trí vĩ đại, ông ta
nghe Pháp của Đức Sāriputta nên đã hồi tâm, đắc được Pháp nhãn. Sau khi lìa đời được sanh lên Đâu Suất Đà Thiên.

Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

Subhāsitaṃ suṇitvāna,
Nagare coraghātako;
Anulomakhantiṃ laddhāna,
Modati tivivaṅgatoti”.

Sau khi được nghe lời kinh khéo giảng, ông đao phủ thủ trong thành phố, chứng được Pháp nhãn hợp thời, hoan hỷ mà đi về Thiên giới.

– Bạch Ngài, kinh chúc phúc không đủ mãnh lực đối với tổng số lớn lao các
nghiệp bất thiện của ông ta. Tại sao chỉ có bấy nhiêu đó mà ông hồi tâm giác ngộ được Chánh Pháp?

– Nầy các Tỳ khưu, Pháp của Ta thuyết dầu ít hay nhiều, chớ có so bì số lượng.

Quả thật vậy, chẳng thà chỉ nói một lời mà hữu ích, còn hơn là ngàn câu, ngàn lời mà vô ích.

Rồi Đức Bổn Sư thuyết pháp tóm tắt và ngâm kệ rằng:

“Sahassamapi ce vācā,
Anatthapadasañhitā,
Ekaṃ atthapadaṃ seyyo,
Yaṃ sutvā upasammati”.

“Dầu cho nói đến ngàn câu
Toàn lời vô nghĩa thì đâu ích gì?
Thà lời chí lý, thích nghi,
Một câu nghe cũng đoạn ly khổ sầu”.

CHÚ GIẢI:
Sahassamapi: dầu cả ngàn lời nói ra, nếu tính số nhiều từ một ngàn đến hai ngàn lời nói như vậy, mà toàn là lời nói vô ích, chẳng hạn như lời nói giải về vũ trụ, về núi non, về rừng rú… Những câu nói vô ích vì không phải là những câu nói là đuốc soi đường đi Níp Bàn, thì dầu có nói bao nhiêu cũng chỉ dẫn đến nơi tội ác.

Ekaṃ atthapadaṃ: một lời nói hữu ích, như câu: “Người có thân, niệm thân trược thì đắc Tam Minh, là đã làm xong lời dạy của chư Phật”. Khi được nghe một câu hữu ích rồi, thính giả làm cho lắng dịu các pháp bất thiện nhất là tình dục, bằng chứng của sự hữu ích ấy là làm cho các Pháp sáng tỏ các pháp liên hệ với Níp Bàn như Ngũ uẩn (Khandha), Tứ đại (Dhātu), Thập nhị xứ (Āyatana), Ngũ quyền (Indriya), Ngũ lực (Bala), Thất giác chi (Bhojjhanga), Tứ niệm xứ (Saṭipatthāna). Thà chỉ một lời nói như thế, nghe xong cũng được an vui.

Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Làm nghề chém cổ cướp nhiều năm,
Kẻ ác còn dư chút thiện tâm,
Thấy Pháp Chủ vừa ra Đại định,
Cúng dường cháo sữa một phần mâm.
Nhờ duyên bố thí đầy đủ chi,
Sơ quả chứng liền, dứt ngại nghi,
Đâu Suất được về an hưởng phước,
Mặc cho bò húc rã thây thi…
DỨT TÍCH ĐAO PHỦ THỦ NANH ĐỒNG

92

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app