Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iv – Phẩm Chánh Đạo: Tích Đại Đức Tissa Nôn Tu

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV 

Phẩm Chánh Đạo: Tích Đại Đức Tissa Nôn Tu

“Uṭṭhānakālamhi anutthāno
Yuvā balī ālasiyaṃ upeto,
Saṃsannasaṅkappamano kusīto
Paññāya maggaṃ alaso na vindati”.

“Khi cần không nỗ lực
Tuy trẻ mạnh, nhưng lười
Chỉ tiêu trầm nhu nhược
Sao có trí ngộ đạo”.

Kệ Pháp cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Đại Đức Tissa Padhāna kammika (Tinh Cần khổ hạnh).

Tương truyền rằng: Có năm trăm công tử con nhà gia thế, cư ngụ trong thành Sāvatthī, sau khi xuất gia với Đức Bổn Sư, đã thụ huấn đề mục Chỉ quán và đi vào rừng hành đạo. Trong số đó có một số rớt lại phía sau, kỳ dư đều hành Sa môn pháp trong rừng và chứng đắc A La Hán Quả. Các Ngài trở về thành Sāvatthī với ý nghĩ:

– Chúng ta sẽ báo tin mừng đắc quả cho Đức Bổn Sư hay.

Khi về còn cách Sāvatthī độ một do tuần, các Ngài đi trì bình ở một thôn trang, một cận sự nam trong thấy quý Ngài, đã hộ độ cơm, cháo, bánh trái… Sau khi nghe kinh phúc chúc, lại thỉnh chư Tỳ khưu nhận vật thực vào ngày mai.

Trong ngày ấy chư Tỳ khưu về đến thành Sāvatthī, sau khi cất dẹp y bát, vào xế chiều đến yết kiến Đức Thế Tôn, đảnh lễ rồi ngồi xuống một bên. Đức Bổn Sư rất hoan hỷ đối với đoàn khách Tăng, niềm nở tiếp đãi, chuyện trò thân mật với chư Tăng. Khi ấy có vị Tỳ khưu là bạn cũ của chư Tăng nầy, nhưng vì giải đãi mà rớt lại phía sau, tự nghĩ rằng:

– Đức Bổn Sư không đủ lời lẽ để tiếp đãi, chuyện trò thân mật với các vị này.

Còn đối với ta, có lẽ vì ta chưa đắc Đạo quả nên Ngài không nói lời nào cả. Nội ngày mai ta sẽ hành cho đắc quả A La Hán để được Ngài nói chuyện với ta.

Đoàn Tăng khách sau cuộc hàn huyên, cáo từ Đức Thế Tôn lui ra, bạch rằng:

– Bạch Ngài! Trên đường về chùa, chúng con được một thiện nam cung thỉnh nhận vật thực vào ngày mai. Vậy sáng sớm mai, chúng con sẽ đi đến đó.

Khi ấy, một vị Tỳ khưu của chư Tăng vì thức đi kinh hành suốt đêm, đến khuya mòn mỏi, phát sanh hôn trầm, té xuống một tảng đá bằng phẳng ở đầu đường kinh hành và bị gãy xương bắp vế. Vị ấy kêu thét lên một tiếng lớn.

Các Tỳ khưu khách nhận ra tiếng kêu của Đại Đức Tissa, nên đốt đèn lên, tìm thuốc, săn sóc, băng bó vết thương cho Đại Đức Tissa. Khi công việc đã xong thì mặt trời đã lên cao, chư Tăng không còn đủ thời giờ đi đến làng ấy khất thực nữa.

Đức Bổn Sư thấy vậy, hỏi chư Tăng rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Các thầy không đi đến làng nhận vật thực ư?

– Bạch Ngài, không ạ. – Chư tăng thuật chuyện đến Đức Thế Tôn.

– Nầy các Tỳ khưu! Không phải đây chỉ là lần đầu mà vị ấy làm trở ngại việc nhận thực thí của chư Tăng. Mà xưa kia thầy ấy cũng đã từng thế rồi.

Theo lời thỉnh cầu của chư Tăng, Ngài thuyết lên tiền tích rằng:

“Yo pubbe karanīyāni
Paccha so kātumicchāti
Varanakatthaṃ bhañjova
Sa pacchā anutappatīti”.

“Ai việc phải làm trước
Về sau mới muốn làm
Như bẻ củi Varana
Nó về sau bị khổ”.

Rồi Ngài giảng rộng Bổn sanh rằng: Theo truyền thuyết: Thưở xưa, chư Tăng này cũng là năm trăm thanh niên, chàng trai lười biếng nay là Tỳ khưu Tissa, Giáo Sư năm xưa nay là Đấng Như Lai vậy.

Để kết thúc câu chuyện, Đức Bổn Sư dạy rằng:

– Nầy chư Tỳ khưu! Kẻ không thức dậy khi đến thời cần thức dậy, kẻ lười biếng, ý chí nhu nhược, kẻ ấy không bao giờ phát triển được Thiền Định hay giác ngộ Đạo quả Níp Bàn cùng các pháp Thượng nhân khác.

Rồi Ngài ngâm lên kệ ngôn rằng:

“Uṭṭhānakālamhi anutthāno
Yuvā balī ālasiyaṃ upeto,
Saṃsannasaṅkappamano kusīto
Paññāya maggaṃ alaso na vindati”.
“Khi cần không nỗ lực
Tuy trẻ mạnh, nhưng lười
Chỉ tiêu trầm nhu nhược
Sao có trí ngộ đạo”.

CHÚ GIẢI:

Anutthāno: Anutthahanto: là không tinh tấn.

Yuvā balī: Trong thời trai tráng có đầy đủ sức mạnh.

Ālasiyaṃ upeto: Sanh tật lười biếng, ăn no lại nằm.

Saṃsannasaṅkappamano: Cái tâm tốt đẹp trở thành nhu nhược vì ba thứ tư tưởng tà kiến (Tīhimicchāvitakkehi). (Câu này theo bản dịch của ông Phạm Kim Khánh dịch từ Ngài Nārada là: Tinh thần suy nhược, trong ấy các tâm chân chính bị suy đồi).

Kusīto: Không tinh tấn.

Alaso: Uể oải, lười biếng, kẻ đại lẫn (māhā-alaso) ấy không giác ngộ, không đắc vì không thấy Thánh Đạo cần phải thấy bằng trí tuệ. Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả như Tu Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Xưa đã từng quen nết biếng lười
Nay tu chẳng tiến kịp theo người
Nôn nao muốn gấp hầu bên Phật
Hăng hái hành khuya, sợ sáng trời
Mệt mỏi thành ra tâm ý muội
Hôn trầm mới để xác thân rơi
Xương đùi sư gãy, làm Tăng đói
Một phút vô minh, tật suốt đời.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC TISSA NÔN TU

93 1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app