Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm An Lạc: Tích Ông Thiện Nam Được Ăn Cơm Phật

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm An Lạc: Tích Ông Thiện Nam Được Ăn Cơm Phật

“Jighacchāparamā rogā,
Saṅkhāraparamā, dukhā.
Etaṃ ñatvā yathābhūtaṃ,
Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ”.

“Đói ăn, bệnh tối thượng,
Các hành, khổ tối thượng,
Hiểu như thực là vậy,
Niết bàn, lạc tối thượng”.

Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi ngự tại thành Ālāvī, đề cập đến một thiện nam. Lần nọ, Đức Thế Tôn tịnh tọa trong Hương thất ở Jetavana, vào buổi sáng Ngài quán xét thế gian, Ngài thấy được duyên lành của người đàn ông nghèo khó, nên Ngài ngự đến thành Ālavī với 500 Tỳ khưu tùy tùng.
Dân thành Ālavī liền cung thỉnh Đức Thế Tôn. Được tin Đức Thế Tôn ngự đến, người đàn ông nghèo khó ấy cũng có ý định đến nghe Pháp của Ngài, nhưng trong ngày ấy con bò của y sút chuồng chạy mất, người ấy suy nghĩ:
“Ta nên đi kiếm bò hay là đi nghe Pháp?” rồi y quyết định “Ta hãy tìm bò mang về chuồng, rồi hãy đi nghe Pháp”. Từ bình minh, người ấy đã ra đi khỏi nhà tìm con bò, dân thành Ālavī đã cung thỉnh chư Tăng có Đức Phật là vị Thượng thủ thọ thực nơi Trai thí đường, sau khi Ngài thọ thực xong, họ xin thỉnh Bát của Đức Bổn Sư để yêu cầu Ngài phúc chúc phước, Đức Bổn Sư phán dạy:

– Chỉ vì một người mà Như Lai vượt khoảng đường xa 30 do tuần đến đây để tiếp độ y. Hiện y đang vào rừng để kiếm con bò đi lạc, khi nào người ấy đến, Như Lai sẽ thuyết pháp.

Rồi Ngài im lặng. Người đàn ông nghèo kiếm được con bò xong, đưa nó trở về với đàn bò, rồi tự nhủ rằng: “Nếu không có duyên chi khác, ta hãy đi đảnh lễ Đức Bổn Sư”. Mặc dù đang đói bụng, nhưng y không có ý định trở về nhà mà lật đật tìm đến đảnh lễ Đức Bổn Sư, và đứng qua một bên.

Chờ người ấy đứng yên, Đức Bổn Sư hỏi người phụ lo việc trai tăng rằng:

– Vật thực của chư Tăng còn chút chi chăng?

– Bạch Ngài! Còn có đủ ạ.

– Nếu vậy, hãy dọn cơm cho người nầy dùng đi.

Sau khi mời người đàn ông nghèo ngồi nơi Đức Bổn Sư chỉ dạy, người hộ Tăng chăm lo khoản đãi người ấy với cháo, vật thực cúng dường thượng vị loại cứng loại mềm. Sau khi dùng bữa xong, người đàn ông ấy súc miệng (người ta bảo rằng: Ngoài ra chỗ nầy, khắp nơi khác trong Tam Tạng không có ghi chép việc Đức Phật lo lắng về vấn đề cơm nước như thế). Sự khổ thân vừa được yên thì tâm của y cũng được tịnh lặng.

Cuối thời Pháp, người ấy chứng đắc Tu Đà Hườn quả. Sau khi phúc chúc xong, Đức Thế Tôn đứng dậy ra đi, đại chúng theo sau tiễn đưa Đức Bổn Sư một lối đường rồi quay trở lại.

Chư Tăng đang đi với Đức Thế Tôn, tham phiền rằng:

– Nầy chư Hiền! Hãy xem việc làm của Đức Thế Tôn đó, trong những thời khắc thì không có chuyện như vậy, nhưng lần nầy Ngài đã vì một người đàn ông nghèo, mà lo lắng bảo người hộ Tăng dâng hộ cháo cơm.

Đức Bổn Sư quay lại, đứng hỏi rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Các thầy đang bàn chuyện chi thế?

Khi nghe rõ mọi sự, Ngài bảo rằng:

– Phải đó, nầy các Tỳ khưu! Sỡ dĩ ta vượt đường dài cả 30 do tuần mà đến đây, vì ta thấy được duyên lành của ông Thiện nam nầy. Ông ta đang đói bụng quá sức, vì từ sáng sớm đã thức dậy vào rừng để tìm con bò đi lạc. Đang khổ vì đói, dẫu có người thuyết pháp, người ấy cũng không thể lãnh hội được Pháp. Vì nghĩ vậy, nên ta đã làm như thế. Này các Tỳ khưu, không có bịnh nào sánh bằng bịnh đói cả.

Nói rồi, Ngài thuyết lên kệ ngôn rằng:

“Jighacchāparamā rogā,
Saṅkhāraparamā, dukhā.
Etaṃ ñatvā yathābhūtaṃ,
Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ”.

“Đói ăn, bệnh tối thượng,
Các hành, khổ tối thượng,
Hiểu như thực là vậy,
Niết bàn, lạc tối thượng”.

CHÚ GIẢI:
Jighacchāparamā rogā: Mọi bịnh khác chỉ chữa một lần là dứt tuyệt hoặc tạm thời biến mất. Còn chứng đói bụng thì thường xuyên phải chữa trị mãi. Đối với tất cả chứng bịnh khác, bịnh đói nầy là tối thượng.

Saṅkhāra: Pháp hành, ám chỉ ngũ uẩn.

Etaṃ ñatvā: Không có bịnh nào bằng bịnh đói, không có khổ nào bằng khổ ngũ uẩn. Bậc hiền trí biết rõ vấn đề như thật, nên làm cho thấu rõ Níp Bàn.

Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ: Sự an vui của Níp Bàn ưu việt cao thượng hơn tất cả mọi sự an vui.

Cuối thời pháp nhiều Tỳ Khưu chứng Thánh Quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Bệnh đói to hơn các bịnh thường
Phàm nhân vì nó phải tư tương
Chú nghèo đến trễ cam lòng đói
Đức Phật từ bi nghĩ xót thương
Cơm Tăng một bữa tạm no lòng
Sơ quả sanh liền khỏi đợi mong
Tứ chúng nào hay vì lẽ khó
Đường xa, Phật chẳng ngại hoài công.
DỨT TÍCH ÔNG THIỆN NAM ĐƯỢC ĂN CƠM PHẬT

44

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app