Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Cấu Uế: Tích Đại Đức Tissa Giữ Y

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

Phẩm Cấu Uế: Tích Đại Đức Tissa Giữ Y

“Ayasā’va malaṃ samuṭṭhitaṃ,
Taduṭṭhāya taṃ’eva khādati.
Evaṃ atidhonacārinaṃ,
Sakakammāni nayanti duggatiṃ”.

“Như sét do sắt sanh,
Trở lại ăn thân sắt,
Ác nghiệp mình tự tạo,
Dẫn mình đến cõi ác”.

Kệ Pháp Cú nầy được Đức Bổn Sư thuyết lên khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập đến Đại Đức Tissa. Tương truyền rằng: Một thiện gia tử con nhà lễ giáo, sau khi xuất gia thọ Cụ túc giới, được gọi là Đại Đức Tissa. Thời gian sau, Đại Đức an cư mùa mưa trong một ngôi chùa miền quê và được dâng tấm vải thô dài tám tấc (hattha). Khi mãn mùa an cư, xong lễ Tự Tứ rồi, Đại Đức mang tấm vải ấy gởi người chị. Người chị lại nghĩ rằng: “Tấm vải nầy không xứng với em trai ta”. Nàng dùng dao rọc vải ra từng mảnh, rồi bỏ vào cối giã nhuyễn, sau đó se chỉ lại, gởi thợ dệt dệt thành tấm vải mịn. Phần Đại Đức Tissa đi tìm kim chỉ rủ vài vị Sa di trẻ biết may y đi đến nhà chị, bảo rằng:

– Chị hãy đưa vải cho tôi, tôi sẽ may thành y để mặc.

Người chị rút tấm vải mịn chín hắc tay, trao cho Đại Đức. Đại Đức trải y ra, nói rằng:

– Tấm vải của tôi thô và chỉ có tám hắc. Còn tấm nầy mịn mà lại dài chín hắc, đây không phải là tấm vải của tôi, tôi không dùng đến nó. Hãy đưa tôi tấm vải mà tôi đã trao cho chị.

– Bạch Ngài! Đó chính là tấm vải của Ngài, Ngài hãy lấy đi.

Đại Đức không chịu nhận, khi ấy người chị mới bày tỏ sự thật các việc mình làm và dâng vải đến Đại Đức rằng:

– Bạch Ngài, tấm vải nầy thuộc về Ngài, xin Ngài hãy lấy đi.

Đại Đức mang vải về chùa, khiến Sa di may y. Chị Ngài cúng dường vật thực đến các vị Sư may y. Khi y may xong, nàng còn dâng cúng thêm một bữa ăn thịnh soạn.

Đại Đức nhìn lá y mới sanh tâm ưa thích nó lắm, nghĩ thầm rằng: “Ngày mai ta sẽ mặc tấm y nầy”. Đại Đức xếp y lại, phơi y trên sào phơi y.

Đêm ấy, Đại Đức bị trúng thực, đau bụng mà chết, tái sanh làm con rận trong chiếc y ấy. Người chị hay tin Đại Đức chết, nàng khóc than lăn lộn dưới chân chư Tỳ khưu.

Sau khi hỏa táng xác Đại Đức Tissa xong, chư Tăng quyết định: “Vì Đại Đức không có người nuôi bịnh nên chiếc y nầy thuộc về Tăng chúng. Vậy chúng ta hãy bắt thăm đi”.

Con rận trong lá y chạy lăng xăng qua lại, kêu rằng:

– Mấy ông nầy cướp đoạt tài sản của ta.

Mặc dầu đang an tọa trong hương thất, Đức Thế Tôn với thiên nhĩ, nghe được tiếng kêu thét của con rận, Ngài dạy Đại Đức Ānanda rằng:

– Nầy Ānanda! Hãy bảo chư Tỳ khưu giữ chiếc y của Tissa lại, qua bảy ngày sau hãy chia nhau.

Đại Đức Ānanda làm theo lời Đức Bổn Sư dạy. Đến ngày thứ bảy, con rận chết tái sanh lên cung trời Đâu Suất, qua ngày thứ tám Đức Bổn Sư ra lịnh:

– Các Tỳ khưu hãy chia nhau lá y của Tissa đi.

Chư Tỳ khưu vâng lịnh. Thế rồi trong Giảng đường, chư Tỳ khưu cùng nhau bàn luận rằng: “Tại sao Đức Bổn Sư bảo phải giữ y lại bảy ngày, đến ngày thứ tám mới cho phép sử dụng?”.

Đức Bổn Sư ngự đến hỏi:

– Này các Tỳ khưu! Hôm nay các thầy ngồi đây thảo luận về vấn đề gì?

– Bạch Thế Tôn, về chuyện như vầy… như vầy…

Nghe vậy, Đức Thế Tôn giải rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Thầy Tissa đã tái sanh làm con rận trong chiếc y của mình.

Khi các thầy chia y ấy, con rận chạy lăng xăng, la lên rằng: “Những ông nầy cướp giật y của tôi”. Nếu các thầy lấy chiếc y ấy, nó sẽ phát sanh tâm oán hận rồi phải sa địa ngục. Do đó, ta bảo giữ y lại sau bảy ngày rồi hãy chia. Bây giờ Tissa đã thọ sanh về cõi trời Tusitā rồi, cho nên ta cho phép thầy sử dụng chiếc y ấy.

– Bạch Ngài! Thật là đáng sợ cho tâm tham ái (taṇhā).

– Thật vậy! Này các Tỳ khưu, đối với các chúng sanh, tham ái thật là đáng sợ.

Như sét sanh từ sắt lại ăn mòn ngay cả sắt, làm cho hư hoại, trở thành vật vô dụng như thế nào thì tham ái (taṇhā) sau khi sanh khởi giữa những chúng sanh, làm cho họ phải rơi vào đọa xứ địa ngục, đẩy họ xuống hố diệt vong như thế ấy.

Nói rồi Ngài ngâm lên kệ ngôn:

“Ayasā’va malaṃ samuṭṭhitaṃ,
Taduṭṭhāya taṃ’eva khādati.
Evaṃ atidhonacārinaṃ,
Sakakammāni nayanti duggatiṃ”.

“Như sét do sắt sanh,
Trở lại ăn thân sắt,
Ác nghiệp mình tự tạo,
Dẫn mình đến cõi ác”.

CHÚ GIẢI:

Ayasā: Ayato: Do nơi, từ nơi sắt.

Samuṭṭhāya: Samuṭṭhāhitvā: Sau khi pháp sanh lên.

Taduṭṭhāya: Sau khi sanh lên từ nơi đó.

Atidhonacārinaṃ: Tiếng Dhonā chỉ những người khôn ngoan, sáng suốt, biết dùng trí tuệ quán tưởng rồi mới thọ tứ sự. Atidhonacārinaṃ là những người vi phạm giới quán tưởng. Đại ý bài kệ nầy nói rằng: Ví như sét từ nơi sắt sinh ra, lúc sinh ra như vậy rồi, sét sẽ trở lại ăn mòn sắt. Cũng như thế, những người thọ tứ vật dụng mà không quán tưởng. Trong khi thọ dụng mà không quán tưởng, họ đã tạo ra ác nghiệp từ nơi ấy, do họ phát khởi lên ngã
sở, ngã mạn. Chính nó đưa họ đến khổ cảnh. Cuối thời pháp nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả, nhất là quả Tu Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Chuyển kiếp còn tham giữ lá y
Bảy hôm làm rận quả sân si
Thầy thương đợi đến Trời Đâu Suất
Bạn sợ e sa ngục Đại Tỳ
Kẻ thế vẫn tưởng: Sanh hữu hạn
Người tu chưa biết: Tử vô kỳ
Lâm chung một phút quên tưởng niệm
Khổ cảnh luân hồi, khó thoát ly.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC TISSA GIỮ Y

69 1

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app