Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Tâm: Tích Đại Đức Hộ Tăng Điệt

“Dūraṅgamaṃ ekacaraṃ,
Asarīraṃ guhāsayaṃ;
Ye cittaṃ saññamessanti,
Mokkhanti mārabandhanā”.

“Tâm đi xa một mình,
Ẩn hang sâu vô hình.
Ai bình tâm khéo giữ,
Thoát vòng Ma kiết sử”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), đề cập đến vị Tỳ khưu pháp danh là Bhāgineyyasaṅgharakkhita (Hộ Tăng Điệt). Tương truyền rằng: Trong thành Sāvatthī (Xá Vệ), có cậu công tử sau khi nghe pháp của Đức Bổn Sư, bèn lìa bỏ gia đình xuất gia thọ Cụ túc giới, có pháp danh là Saṅgharakkhita (Hộ Tăng), Ngài đã chứng đắc quả A La Hán sau vài ngày hành Sa môn pháp.

Người em út của Đại đức, khi có con trai bèn lấy pháp danh của Ngài mà đặt cho con mình, kèm thêm chữ Bhāgineyya (Điệt là cháu) thành ra đứa bé có tên là Bhāgineyyasaṅgharakkhita.

Đến tuổi trưởng thành, Bhāgineyyasaṅgharakkhita xuất gia Sadi với Sư bá, nhưng sau khi thọ Cụ túc, Tỳ khưu ấy lại đi nhập hạ ở một ngôi chùa ở một làng quê. Khi an cư mùa mưa, Đại đức Bhāgineyyasaṅgharakkhita chia được hai lá y tắm mưa, một lá dài bảy hắc và một lá dài tám hắc tay (hattha: Độ năm tấc tây). Đại đức Saṅgharakkhita cháu nguyện rằng: “Lá y tám hắc tay ta sẽ dâng thầy tế độ, còn lá y
bảy hắc tay ta sẽ giữ lại phần ta”.

Đến khi mãn mùa an cư, Tỳ khưu Saṅgharakkhita cháu định về thăm Sư bá, nên vừa đi khất thực tự túc, đi bộ lần hồi về đến Tịnh xá của Sư bá, nhằm lúc Đại Đức đi vắng. Bhāgineyyasaṅgharakkhita bèn vào Tịnh xá, quét dọn trai phòng của Đại đức, múc sẵn nước rửa chân, trải sẵn tọa cụ rồi ngồi nghỉ chờ Đại đức về. Khi thấy Sư bá mình gần về đến nơi, Hộ Tăng Điệt đi ra rước bát, thỉnh Đại đức vào an tọa, lấy quạt
hầu Đại đức, dâng nước uống và rửa chân Đại đức, xong rồi mới lấy y tắm mưa đem đến đặt dưới chân Đại đức:

– Bạch Ngài! Xin Ngài hãy thọ lãnh y nầy.

Nói rồi Bhāgineyyasaṅgharakkhita đứng dậy quạt hầu Đại đức. Khi ấy Đại đức nói:

– Nầy Bhāgineyyasaṅgharakkhita! Y của Sư bá có đầy đủ rồi, con hãy giữ y nầy lại mà dùng đi.

– Bạch Ngài! Từ khi phát sanh con đã nguyện để dành cúng dường Ngài, xin Ngài hãy thọ dụng.

– Nầy Bhāgineyyasaṅgharakkhita, con hãy giữ lại mà dùng, Sư bá có đủ y rồi.

– Bạch Ngài, xin Ngài đừng từ chối. Xin Ngài từ bi thọ dụng cho con được nhiều phước lớn.

Mặc dù Tỳ khưu Saṅgharakkhita cháu khẩn khoản yêu cầu nhiều lượt, Đại đức Sư bá chẳng nhận lãnh y.

Thấy vậy, Tỳ khưu cháu không phải nài nỉ y nữa. Tuy đứng làm thinh quạt hầu vị Đại đức nhưng trong thâm tâm vị Tỳ khưu nầy nghĩ rằng: “Khi còn tại gia mình là cháu Đại đức Sư bá. Khi xuất gia rồi mình là đệ tử của Ngài. Thế mà Ngài không thọ lãnh vật mình dâng cúng. Ngài đã không tưởng tình bác cháu, thầy trò thì mình còn ở đây tu với Ngài làm chi nữa, thà là mình hoàn tục cho rồi”. Nghĩ đến đây, Tỳ khưu
Bhāgineyyasaṅgharakkhita cháu tính thầm: “Đời sống tại gia cũng khó sắp đặt lắm.

Hoàn tục rồi, ta sẽ làm gì để sinh nhai đây?”.

Nhớ đến hai lá y, Tỳ khưu Bhāgineyyasaṅgharakkhita cháu phác họa một chương trình: “Mình sẽ đem lá y tám hắc bán lấy tiền mua một con dê cái, dê cái thì mau sanh con lắm, hễ nó đẻ ra bao nhiêu thì ta bán hết bấy nhiêu, góp nhóp tiền bạc cho khá nhiều, rồi mình sẽ cưới vợ, vợ mình sẽ sanh cho mình một đứa con. Khi ấy, mình sẽ lấy tên bác mình đặt tên cho con, để nó ngồi trong cỗ xe nhỏ, rồi mình đưa cả
vợ con đến chào bác mình. Đang đi giữa đường, mình bảo vợ mình rằng: “Em trao con qua cho anh bế”, vợ mình bảo: “Anh ẵm con mà chi, anh hãy đẩy cỗ xe đi”, rồi vợ mình bế xốc con lên và nói: “Để em ẵm nó”, nhưng vợ mình bồng con không quen, buông nó té xuống dưới đường, bánh xe lăn qua cán ngang mình đứa bé. Mình mắng vợ: “Con tao mà mày không bao giờ chịu trao cho tao, để mầy ẵm một mình không nổi vậy đó, đồ đàn bà hư nói không biết nghe. Mắng rồi, mình xách gậy đập lên lưng vợ mình”. Nghĩ miên man đến đó, Tỳ khưu Bhāgineyyasaṅgharakkhita quên hẳn là mình đang đứng quạt hầu Sư bá, nên cầm cây quạt đánh lên đầu Đại đức Saṅgharakkhita. Đại đức dùng Tha tâm thông quán xem tại sao Đại đức bị cháu đánh lên đầu như thế. Khi biết rõ nguyên nhân, Đại đức nói:

– Nầy Hộ Tăng điệt, ông đánh phụ nữ không được thì thôi. Chớ Đại đức Trưởng lão nầy đâu có mắc mớ gì?

Tỳ khưu Saṅgharakkhita cháu hoảng hốt: “Chết ta rồi! Đại đức Sư bá Ngài có Tha tâm thông, biết rõ dự định của ta hết. Vậy ta còn mặc y Sa môn làm chi nữa”.

Nghĩ vậy, Saṅgharakkhita cháu quăng cây quạt xuống đất và phát bỏ chạy đi.

Khi ấy Hộ Tăng Điệt bị các Tỳ khưu và Sa di trẻ đuổi theo bắt lại, dắt đến trước mặt Đức Bổn Sư.

Thấy chư Tăng ấy, Ngài phán hỏi: “Nầy các Tỳ khưu, các ông đến đây có việc chi cần yếu? Các ông ví được một Tỳ khưu phải không?”.

– Vâng, bạch Ngài, ông Sư nầy bất mãn bỏ chạy đi. Chúng con bắt lại, dắt đến cho Ngài liệu định.

– Nầy Tỳ khưu! Chư Tăng nói vậy có đúng không?

– Bạch Ngài, đúng vậy.

– Nầy Tỳ khưu! Ông làm như thế nầy có lợi ích chi, chỉ gây tội lỗi nặng nề thì có. Ông há chẳng phải là đứa con trai của một vị Phật tinh cần hay sao? Xuất gia trong giáo pháp của một vị Phật như ta, ông đã không khiến được mọi người nhắc nhở đến ông với một Thánh quả nào? Một bậc Tu Đà Hườn hoặc bậc Tư Đà Hàm, A Na Hàm hay A La Hán ư. Tại sao ông lại tạo nghiệp nặng nề như thế?

– Bạch Ngài, vì con bất mãn.

– Tại sao ông lại bất mãn?

Tỳ khưu Bhāgineyyasaṅgharakkhita đem hết mọi sự trình bày với Đức Bổn Sư, từ lúc mình an cư được hai lá y tắm mưa cho đến lúc đánh quạt lên đầu Sư bá. Thuật hết rồi, Bhāgineyyasaṅgharakkhita bạch rằng: “Bạch Ngài, vì lẽ đó mà con bỏ chạy”.

Đức Bổn Sư bảo rằng:

– Lại đây, Tỳ khưu đừng lo vớ vẩn. Tâm phàm thì nó hay chạy theo cảnh nào mà nó vừa lòng, dầu cho xa vời mấy cũng vậy. Phải ráng tinh tấn thoát khỏi ràng buộc của tham, sân, si.

Rồi Đức Bổn Sư ngâm tiếp kệ ngôn rằng:

“Dūraṅgamaṃ ekacaraṃ,
Asarīraṃ guhāsayaṃ;
Ye cittaṃ saññamessanti,
Mokkhanti mārabandhanā”.

“Tâm phàm lén lút âm thầm,
Ra đi biệt tích vắng tăm một mình.
Hang sâu như ẩn dạng hình,
Người nào điều phục tâm bình mới hay.
Vòng Ma đã thoát ra ngoài,
Không còn trăn trối miệt mài trần lao”.

CHÚ GIẢI:
Dūraṅgamaṃ: Đi xa. Thật vậy, dù không có những chỉ tơ mảnh mai như tơ nhện, phát đi tứ hướng đông, tây, nam, bắc để liên lạc với cảnh, nhưng hễ có cảnh vừa lòng, dẫu xa cách mấy, tâm cũng nhận bắt được cho nên gọi là tâm đi xa.

Ekacaraṃ (đi một mình): Không bao giờ có bảy hay tám tâm nhập chung lại  ột bó, đồng phát sanh trong một sát na. Lúc sanh thì tâm sanh từng cái một, lúc diệt thì tâm cũng diệt từng cái một, cho nên gọi là tâm đi một mình.

Asarīraṃ (vô hình): Tâm thì không có hình ảnh màu sắc chi cả.

Guhā (hang động): Là tứ đại đất, nước, lửa, gió. Nơi đây chỉ cho sắc trái tim (hadayarūpa), là chỗ tâm nương gá và phát sanh.

Ye cittaṃ (người nào): Chỉ những người nam nữ, tại gia hay xuất gia mà giữ không cho Tùy phiền não phát sanh lên được, dứt trừ được phiền não đã phát sanh, vì sự mất trí hay đã lãng quên.

Saññamessanti: Có ý thức giữ được tâm bình thản, không điên đảo rộn ràng.

Mokkhanti mārabandhanā: Được giải thoát khỏi vòng luân hồi trong tam giới, khỏi cái gọi là Ma phược (Mārabandhanā), là tất cả những dây trói buộc của phiền não Ma vương.

Bài kệ vừa dứt, Tỳ khưu Hộ Tăng Điệt chứng đắc Tu Đà Hườn quả. Nhiều vị khác cũng chứng đắc Thánh quả, nhất là Sơ quả, kỳ dư thính chúng đều hưởng được sự lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Một lá y choàng chửa bán ra,
Mà Sư Điệt đã tính non già!
Mua dê, để giống gom tiền bạc,
Cưới vợ sanh con viếng Bác nhà.
Quạt đó, nhưng quên Thầy tế độ,
Gậy đâu, lại nhớ bạn quần thoa?
Tỉnh rồi mới biết tâm đi lạc,
Đắc quả nhờ nghe pháp Phật Đà.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC HỘ TĂNG ĐIỆT

37

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app