Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngu Nhơn: Tích Đại Đức Đề Xá Ở Rừng

“Aññā hi lābhūpanisā,
Añña nibbānagāminī;
Evametaṃ abhiññāya,
Bhikkhu buddhassa sāvako;
Sakkāraṁ nābhinandeyya,
Vivekam anubrūhayeti”.

“Đường theo lợi thế khác,
Đường đến Níp Bàn khác,
Như vậy hiểu biết rành,
Tỳ khưu, đệ tử Phật,
Chớ vui theo lợi danh,
Hãy chuyên tu giải thoát”.

Kệ Pháp Cú này Đức Thế Tôn đã thuyết ra, khi Ngài an cư tại Jetavana, đề cập đến Đại đức Tissa (Đề Xá) ở rừng (Vanavāsi). Chuyện này phát khởi trong thành Rājagaha.
Tương truyền rằng : Thân phụ của Đại đức Sāriputta là ông Bà la môn Vaṅganta, có người bạn là ông Bà la môn Māhasena (Đại Binh) cư ngụ trong thành Rājagaha.

Một hôm nọ nhân lúc đi trì bình khất thực, Đại đức Sāriputta đến trước cửa nhà của ông để tiếp độ ông ta. Ông Bà la môn này bây giờ gia tài đã khánh tận, thành ra nghèo xác xơ. Ông nghĩ thầm : “Con trai ta đến trước cửa nhà ta khất thực, chắc hẳn là chưa biết ta đang túng quẩn bần hàn, không có vật gì để bát cả”. Thấy không tiện gặp mặt Đại Đức, ông ta bèn lẩn tránh. Ngày khác, Đại đức lại đến đứng trước nhà của ông, ông cũng lánh mặt nữa, vì không tìm được chút chi để bát cả.

Nhưng có một hôm nhờ tụng kinh một cuộc lễ của môn phái mình, ông Bà la môn được chia một phần cơm trắng và một cái choàng tắm lớn. Lúc mang lễ vật về nhà, ông sực nhớ đến Đại đức Sāriputta, ông nói thầm: “Phần cơm này ta nên để dành cúng dường đến Đại đức của ta”.

Ngay sát na ấy, Đại đức nhập thiền vừa xuất ra, quán thấy ông Bà la môn. Đại đức nghĩ rằng: “Ông Bà la môn vừa có được lễ vật, còn đang chờ ta đến để cúng dường. Vậy ta nên đến đó”. Đại đức đắp y Tăng Già Lê (Saṇghāti) ôm bát đi bộ đến ngay trước cửa nhà ông Māhasena, cho ông ngó thấy mình. Trông thấy Đại đức, ông Bà la môn phát tín tâm trong sạch, ra đón chào đảnh lễ Đại Đức, thỉnh Đại đức vào ngồi trong nhà, đoạn đem phần cơm trắng của ông vừa được sớt vào bát của Đại Đức.

Đại đức chỉ nhận nửa phần cơm thì lấy tay đậy miệng bát. Ông Bà la môn xin:

“Bạch Đại đức, Ngài hãy nhận hết, chỉ chừng ấy thì con có được nửa phần thôi. Xin Ngài tế độ con trong những kiếp về sau, chớ đừng tế độ trong đời nầy. Phần cơm còn lại đây, tôi muốn cúng dường hết cho Ngài”. Nói rồi ông sớt luôn vào bát Đại Đức, Đại đức thọ bát luôn tại đó. Khi Đại đức dùng xong bữa, ông Bà la môn đem cái y choàng ra, đảnh lễ Đại đức và nguyện:

– Bạch Ngài, tôi nguyện xin đắc pháp mà Ngài đã đắc.

Đại đức chúc phúc: “Nầy ông Bà la môn, cầu chúc cho ông được như ý”. Sau lời chúc phúc, Đại đức từ chỗ ngồi đứng dậy, ra đi vân du, lần hồi về đến Jetavana. Trong lúc cùng quẩn mà tạo được sự bố thí, ông Bà la môn vui mừng không xiết tả. Sau khi để bát, ông phát tín tâm trong sạch vô cùng hoan hỷ và sanh lòng ái mộ Đại đức vô hạn. Còn đang quyến luyến Đại đức thì ông bỏ xác lìa đời, tâm thức nhập vào bào thai của một tín nữ là người hộ độ Đại Đức, cư ngụ trong thành Sāvatthī.

Liền đó, mẹ tương lai của ông, bảo chồng rằng: “Em đã thọ thai rồi anh ạ”.

Người chồng chăm sóc thuốc thang để bảo dưỡng thai nhi, dựng phụ cũng ráng kiêng cử các thức ăn nóng lạnh hoặc chua cay thái quá, vì sợ ảnh hưởng không tốt đến bào
thai.

Do đó dựng phụ phát sanh sự thèm muốn: “Chà, phải chi mình thỉnh được năm trăm vị Tỳ khưu có Đại đức Sāriputta làm tọa chủ, rước vào ngồi trong nhà, rồi cúng dường toàn cơm nấu ròng sữa tươi. Còn mình thì đắp y vàng ôm bát vàng ngồi nối phía sau Tăng chúng và ăn dùng cơm dư của các Ngài Tỳ khưu ấy sớt bát ra cho lại”.

Tương truyền rằng: Phụ nữ này phát sanh chứng thèm đắp y và ăn cơm bát như vậy là điềm báo trước cho biết là đứa bé trong thai sau nầy sẽ xuất gia đầu Phật. Khi ấy, các thân bằng quyến thuộc, nhất là cha mẹ chồng nhìn nhận rằng: “Sự thèm muốn của dâu ta hợp theo lẽ đạo”.

Một cuộc trai Tăng được tổ chức và Đại đức Sāriputta được thỉnh làm tọa chủ đoàn năm trăm vị Tỳ khưu, đến thọ bữa cơm nấu ròng với sữa tươi.

Dựng phụ bên dưới vận y vàng, trên khoác y vàng khác, lấy bát bằng vàng đến ngồi phía sau rốt chư Tăng và ăn những vật thực mà chư Tăng sớt bát cho nàng.

Hết chứng thèm khát, cho đến thời kỳ sanh nở, gia đình thiếu phụ lại thỉnh thoảng tổ chức đại lễ Trai Tăng.

Sau mười tháng hoài thai, thiếu phụ sanh được cậu con trai, trong nhà nàng lại thỉnh đoàn Tỳ khưu Tăng năm trăm vị có Đại đức Sāriputta làm tọa chủ, để bát cúng dường cơm nấu với mật ong pha ít nước.

Tương truyền rằng: Do nhờ quả phước cúng dường bố thí cơm trắng đã gieo trong kiếp làm ông Bà la môn mà trong ngày ăn mừng đứa bé chào đời, buổi sáng nó được tắm gội sạch sẽ, mặc đồ sang trọng, đặt nằm trên giường chạm trỗ tinh vi, có trải lót gấm trị giá một trăm ngàn đồng vàng.

Nằm trên nhung lụa, đứa bé sơ sanh nhìn Đại đức nhớ lại rằng: “Ông này là thầy của ta trong kiếp trước (pubbācāriya), ta nhờ Ngài mà được phú quý như vầy. Ta phải cúng dường Ngài một món đồ”.

Khi người nhà bồng đứa bé định đem đến xin Đại đức truyền Quy giới cho nó, thì nó lấy ngón tay út xoắn một góc tấm vải lót bằng gấm, rồi nắm chạt tay lại. Nhiều người bảo: “Tay nó dính trong tấm lót gấm kia, gỡ ra”.

Đứa bé khóc lên, các quyến thuộc bảo: “Thôi đừng làm cho nó khóc”. Người nhà phải ôm luôn tấm lót gấm đi với đứa bé. Khi được đặt xuống để nó đảnh lễ Đại đức đặng xin thọ Quy giới, đứa bé buông tay ra thả tấm lót gấm rớt ngay chân của Đại Đức, thấy vậy các quyến thuộc không nói: “Trẻ con ngu dốt làm việc vô ý thức”, nhưng họ lại nói: “Bạch Ngài, xin Ngài thọ nhận lễ vật chúng con cúng dường, do đứa con trai của chúng con bỏ xuống như vậy”.

Tiếp theo đó họ yêu cầu: “Bạch Ngài, xin Ngài hoan hỷ truyền thập giới cho thiện nam đã cúng dường Ngài cái y gấm có giá trị một trăm ngàn đồng vàng”.

Đại đức hỏi: “Đứa bé này tên chi?”.

– Bạch Ngài, xin Ngài tùy ý đặt tên cho nó.

– Vậy thì gọi nó là Tissa nhé.

Nghe nói, Đại đức Sāriputta khi chưa xuất gia, Ngài có tên là Upatissamāṇava.

Tiếng Upa có nghĩa là ở gần, kèm theo. Cha mẹ của cậu Tissa nghĩ rằng: “Không nên để con trai của ta xa lìa Thầy Tế độ của nó”. Sau cuộc lễ trai tăng đặt tên đứa bé, đến lễ đầy tháng, lễ giáp tuổi, rồi lễ xỏ lỗ tai đeo nhĩ hoàn… bất cứ cuộc lễ nào, có Đại đức Sāriputta làm tọa chủ đến dự lễ cúng dường cơm trắng nấu ròng sữa hay mật ong pha chút ít nước như thế cả.

Khi đứa bé lớn lên, vừa tròn bảy tuổi, cậu lại xin mẹ :

– Thưa mẹ, con muốn xuất gia tu học với Đại Đức.

Bà mẹ chấp nhận ngay: “Lành thay! Con à. Từ trước đến giờ mẹ hằng nguyện trong tâm rằng: “Xin cho con của mẹ đừng xa lìa thầy tế độ của nó”. Vậy con hãy xuất gia đi”.

Bà mẹ sai người đi thỉnh Đại đức đến nhà, để bát xong rồi bạch rằng: “Bạch Ngài, kẻ tôi tớ của Ngài đấy, nó đòi xuất gia. Để chiều nay chúng con sẽ dắc nó đến chùa”. Sau khi tiễn chân Đại đức về, buổi chiều hôm ấy, cha mẹ đứa bé sắm lễ vật trọng hậu rồi dắt nó đến gởi cho Đại Đức.

Đại đức khuyến bảo nó rằng: “Này Tissa, việc tu học rất khó nhọc, khi mình cần dùng đồ nóng thì được đồ lạnh, còn khi cần dùng đồ lạnh thì lại được đồ nóng. Hễ là người xuất gia tu hành thì phải sống kham khổ, còn con sống sung sướng đã quen, sợ e chịu không nổi chăng?”.

– Bạch Ngài, những điều Ngài kể ra con có thể chịu được hết.

– Lành thay! – Đại đức khen.

Đoạn Đại đức làm lễ xuất gia Sa di của Tissa bằng cách truyền cho cậu đề mục tham thiền, niệm xuôi và ngược năm thể trược đầu tiên trong thân thể con người là tóc, lông, móng, răng, da. Tất cả có đến ba mươi hai thể trược, nhưng trong một thời gian không thể truyền dạy hết một lược cho nên vị Thầy Tế độ truyền cho đệ tử một phần cần yếu để dứt trừ tham dục. Tất cả chư Phật đều không loại bỏ nó, vì nhờ niệm từng phần như trên, nhất là bằng đầu, bằng tóc, mà các Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, thiện nam tín nữ thường chứng đắc A La Hán quả không ngớt. Những vị Tỳ khưu rành rẽ Tăng sự, khi cho đệ tử xuất gia, không để cho đệ tử xa lìa con đường đạo quả A La Hán. Vì vậy Đại đức Sāriputta cho Tissa xuất gia bằng cách chỉ dạy đề mục tham thiền trước, rồi truyền thọ mười giới của Sadi tiếp theo.

Sau lễ xuất da Sa di của Tissa, cha mẹ ông Sadi này thiết lễ trai Tăng liên tiếp
bảy ngày tại chùa để cúng dường cơm trắng nấu với mật ong pha chút ít nước, hay sữa bò nguyên chất đến Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm tọa chủ.

Nhiều Tỳ khưu than phiền: “Mỗi ngày mỗi dâng cơm nấu với mật ong, chúng ta ăn mãi không xiết”. Nhưng cuộc lễ Trai tăng chấm dứt trong ngày thứ bảy, và thí chủ cũng trở về nhà. Đến ngày thứ tám Sadi Tissa bắt đầu theo các Tỳ khưu vào thành khất thực. Dân chúng trong thành Sāvatthī loan tin cho nhau: “Hôm nay ông Sadi vào thành khất thực, chúng ta hãy dự bị lễ vật cúng dường”. Họ đem theo năm trăm cái y choàng đã xếp gọn và năm trăm phần cơm ra cúng dường, đúng chờ Sa di Tissa và để bát cho ông. Qua ngày sau, dân chúng lại đến khu rừng ở bên cạnh chùa để đón Sadi Tissa để bát và dâng y như bữa trước. Thế là trong hai ngày liền Sadi Tissa nhận được một ngàn lá y cùng với một ngàn phần cơm bát, và ông cúng dường đến chư Tăng Tỳ
khưu.

(Theo truyền ngôn đó là quả phước của ông đã cúng dường y choàng lớn cùng với phần cơm của mình khi còn là Bà la môn). Khi ấy chư Tỳ khưu mệnh danh cho Sa di là Tissa thí thực (Piṇḍapātadāyakatissa).

Qua ngày hôm sau nữa, ông Sa di đi trong vườn chùa, nhằm khi trời lạnh, thấy chư Tỳ khưu chỗ này, chỗ nọ, nhất là trong các phòng sưởi (Aggisālā) đang ngồi xúm xít hơ ấm. Ông hỏi:

– Bạch các Ngài, sao các Ngài ngồi hơ lửa chi vậy?

– Chúng tôi lạnh quá, ông Sa di ơi.

– Bạch các Ngài, hễ trời lạnh thì chúng ta nên trùm y gấm ngự hàn (Kamlaba) là có thể hết lạnh ngay.

– Nầy Sa di, ông có đại phước, có được y gấm ngự hàn, chớ chúng tôi thì lấy đâu mà có?

– Nếu vậy, xin các Ngài cần dùng y gấm hãy cùng đi với tôi.

Các Tỳ khưu rủ nhau theo Sadi Tissa bảy tuổi nầy để kiếm lấy y ngự hàn, tất cả có đến ngàn vị.

Chẳng chút ngần ngại suy tính rằng: “Bấy nhiêu Tỳ khưu ta biết tìm y gấm ở đâu cho đủ”. Sa di Tissa dẫn đầu, hướng cả đoàn Tỳ khưu đi thẳng vào trong thành (quả thật người có tâm hảo thí (sudinna) mới có thái độ hiên ngang, hùng dũng như thế được). Tuần tự đi từng nhà, từ ngoài vào đến cổng thành. Sa di có được năm trăm chiếc y gấm, rồi mới vào thành. Đi đến nơi này, nơi nọ, ông được dân chúng đem đến dâng nữa.

Khi ấy có một người nam (puriso) đi qua đầu chợ, trông thấy người bán hàng đang bày ra năm trăm y gấm chờ khách, thì bảo:

– Bạn ơi! Có một Sa di đi tìm y gấm, đang đi gần đến đây rồi, bạn hãy lo giấu y của mình đi.

– Thế nào bạn, ông là người lấy của chưa cho hay là lấy của đã cho rồi?

– Ông lấy của cho rồi (dinnaka).

Người bán hàng xua đuổi anh chàng nhiều chuyện rằng:

– Nếu vậy tôi có vui lòng cho thì ông ấy mới lấy, không vui lòng cho thì thôi, việc gì phải giấu. Thôi bạn hãy đi đi.

(Thật vậy, những kẻ ngu si, mù quáng bao giờ cũng bỏn xẻn, rít róng. Khi thấy người khác làm phước bố thí thì họ cũng tiếc của, nóng ruột. Đến phút lâm chung, tâm bỏn xẻn của họ nhất định sẽ đưa họ sa xuống địa ngục chẳng sai).

Người bán hàng nghĩ thầm: “Anh chàng này cứ luôn đến bảo ta: Ông hãy giấu hết y gấm của ông đi. Nhưng ta thiết nghĩ: Ông Sa di chỉ lấy của đã cho, còn vật sở hữu của ta, ta có quyền cho hay không là tùy ý ta. Tuy vậy, chớ mình có của bày ra trước mắt mà nói không có đồ cho thì cũng mắc cở miệng lắm. Vả lại, đồ của mình mà mình giấu đi có tội chi đâu! Trong năm trăm lá y này có hai lá y trị giá hàng trăm ngàn đồng vàng, ta phải giấu hai lá y này mới được”.

Nghĩ rồi người bán hàng lấy hai chiếc y gấm quý giá xếp chung lại, giấu vào giữa những lá y thường. Ông Sa di dắt đoàn tùy tùng đến ngay đầu chợ. Ông bán hàng vừa trông hấy Sa di thì sanh lòng thương mến như con ruột của mình, mối tình phụ tử hình như tràn đầy cơ thể ông ta.

Ông nói thầm: “Thấy mặt Sa di này rồi, tim gan mình cũng có thể móc ra cho, nói gì đến y gấm chứ?”.

Thế rồi, ông lấy hai chiếc y gấm quý, đem dâng dưới chân Sa di Tissa, đảnh lễ xong rồi, đứng lên nguyện rằng: “Bạch Ngài, xin cho tôi được pháp mà Ngài đã đắc”. Sa di Tissa đọc kinh chúc phúc và nói: “Xin cho ngươi dược như ý”. Đi vòng trong thành, ông Sa di cũng được năm trăm cái y gấm. Thế là, chỉ trong một ngày Tissa đã tìm được ngàn cái y gấm dâng lên chư Tỳ khưu Tăng. Và ông được chư Tỳ khưu mệnh danh là Tissa thí y (Kambaladāyakatissa).

(Sở dĩ Sa di Tissa được danh thơm tiếng tốt trong ngày nay lúc vừa được bảy tuổi, là do nhân cúng dường y kiếp trước bây giờ trổ quả, khiến cho ông kiếm được ngàn lá y gấm vậy).

Quả thật, ngoại trừ Phật giáo, không có một tôn giáo nào khác, khi bố thí ít mà được kết quả nhiều và bố thí nhiều lại được kết quả nhiều hơn gấp bội. Cho nên Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Này các Tỳ khưu, nơi nào có Tỳ khưu Tăng như thế, dầu ít cũng được nhiều kết quả, nếu nhiều càng được nhiều kết quả hơn nữa”.

(Như chuyện Sa di, trước kia chỉ dâng một lá y mà bây giờ mới lên bảy tuổi đã được dâng cúng ngàn lá y gấm vậy).

Trong khi Tissa ngụ tại Jetavana, những thân quyến trẻ tuổi luôn luôn tìm đến thăm viếng, chuyện trò. Ông nghĩ thầm rằng: “Nếu ta cứ ở đây, những trẻ con thân thuộc của ta cứ đến nói chuyện hoài, ta không thể ngồi lặng thinh được, còn hễ ta góp chuyện với họ thì là một trở ngại cho việc tu hành của ta. Vậy ta hãy đến xin Đức Bổn
Sư ban cho một đề mục để tu tập, học xong, ta sẽ đi trú trong rừng”.

Sa di Tissa bèn đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, ngỏ lời yêu cầu Ngài truyền dạy đề mục niệm cho đắc quả A La Hán. Được đề mục rồi, ông về đảnh lễ từ biệt Thầy Tế độ, mang cả y bát đi ra khỏi chùa, đi luôn một mạch một trăm hai mươi do tuần, vì nghĩ rằng: “Nếu ta ở chung quanh vùng này, các quyến thuộc của ta sẽ theo dõi quấy rầy ta được”.

Đến cuối lộ trình Sa di Tissa đi vào cổng một làng nọ, gặp vị bô lão, Sa di bèn hỏi thăm:

– Thưa ông thiện nam, trong địa phương này có ngôi thiền lâm, tịnh xá nào chăng?

– Bạch sư có.

– Xin ông làm ơn chỉ giùm đường cho tôi.

Ông lão này vừa gặp Sa di đã sanh lòng thương mến, ông ta xem như là con ruột
của mình. Ông lão không chỉ đường mà lại nói: “Sư hãy đi theo tôi, tôi đưa sư đến
đó”. Nói rồi dẫn Sa di đi .

Trong lúc cùng đi với ông lão vào làng, đến năm hoặc sáu địa diểm dọc đường, theo đường có trồng nhiều hoa quả, Sa di hỏi:

– Thưa ông thiện nam, chỗ này tên chi? Chỗ này tên chi?

Và ông lão đều nói tên cho Sa di biết cả. Khi đến ngôi tịnh xá trong rừng, ông lão đưa đường nói:

– Bạch sư, xin cầu chúc cho Sư ở lại đây bình an.

Rồi ông hỏi pháp danh Sa di, Sa di đáp rằng:

– Thưa ông thiện nam, pháp danh tôi là Tissa Cư Lâm (Vanavāsī Tissa).

Nghe vậy ông lão thỉnh:

– Ngày mai, Sư nên vào làng chúng tôi đi bát.

Nói rồi, ông lão về làng thông tin cho dân làng hay rằng: “Có vị Sa di pháp danh là Vanavāsī Tissa mới đến tịnh xá ta nên dự bị đem cơm cháo để bát cho ông”.

Vị Sa di nầy, đầu tiên được Thầy Tế độ đặt tên là Tissa, sau đó được chư Tăng mệnh danh là Tissa Thí Thực, Tissa Thí Y và Tissa Cư Lâm. Như vậy chỉ mới bảy tuổi mà vị ấy có đến bốn pháp danh.

Sáng hôm sau, ông Sa di vào làng trì bình khất thực, nhiều người để bát xong, còn đảnh lễ vị ấy nữa, Sa di chúc rằng: “Xin cho người được an vui, xin cho người được thoát khổ”. Trong số những người để bát rồi, không một ai trở về nhà được cả, tất cả đều đứng nán lại để ngắm nhìn Sa di cho thỏa thích. Sa di Tissa Cư Lâm thọ vật thực vừa đủ một mình thôi. Toàn thể dân làng cúi mọp dưới chân vị Sa di nhỏ mà bạch rằng:

– Bạch Ngài, xin Ngài nhập hạ ba tháng nơi đây và truyền Tam quy và Ngũ giới để chúng tôi thọ trì thường nhật và truyền Bát giới cho chúng tôi vâng giữ hành theo trong những ngày Uposatha. Xin Ngài hoan hỷ nhận lời của chúng tôi.

Xét thấy dân làng có lòng thành khẩn, Tissa Cư Lâm hứa chịu nhập hạ gần đây, rồi hằng ngày đi vào làng khất thực. Mỗi lần thí chủ để bát và đảnh lễ, ông luôn chúc lại bằng hai câu: “Xin cho mọi người được an vui, xin cho người được thoát khổ”, rồi mới đi nơi khác.

Sa di Tissa Cư Lâm an cư nơi đây, trải qua hai tháng, trong tháng thứ ba, vị ấy chứng đắc A La Hán với Tuệ phân tích. Đến khi mãn mùa an cư, làm lễ tự tứ xong, Thầy Tế độ đến đảnh lễ Đức Bổn Sư và xin rằng”

– Bạch Ngài, con sẽ đi thăm Sa di Tissa.

– Ông cứ đi đi, nầy Sāriputta.

Đại đức Sāriputta dắt theo năm trăm Tỳ khưu tùy tùng đến báo tin cho Đại đức Moggallāna hay:

– Này đạo hữu Moggallāna, tôi sẽ đi hăm Sa di Tissa đây.

Đại đức Moggallāna liền đáp:

– Tôi cũng đi nữa đạo hữu ạ.

Nói rồi, Đại đức cũng dắt theo năm trăm Tỳ khưu tùy tùng của mình cùng ra đi. Hay tin nầy, tất cả chư Đại Thinh Văn như Đại đức Mahākassapa, Anurudha, Upāli, Puṇṇa… mỗi vị dắt theo năm trăm Tỳ khưu của mình cùng ra đi. Con số tổng cộng các nhóm Tỳ khưu lên đến tám mươi bốn ngàn vị. Các Ngài đồng bộ hành suốt cả lộ trình một trăm hai mươi do tuần mới đến làng, nơi trú của Sa di.

Khi ấy, vị thiện nam hộ độ thường trực của Sa di Tissa nhà ở gần cổng làng, thấy Đai Đức Tăng trước nhất, bèn ra đảnh lễ chào đón các Ngài, Đại đức Sāriputta hỏi:

– Nầy ông thiện nam, trong địa phương này có ngôi thiền lâm, tịnh xá nào chăng?

– Bạch Ngài, có.

– Có Tỳ khưu nào thường trú chăng?

– Bạch Ngài, có.

– Vị thường trú ấy có pháp danh là chi?

– Bạch Ngài là Tissa Cư Lâm.

– Nếu vậy ông hoan hỷ chỉ đường cho chúng tôi đi.

– Bạch Ngài, chẳng hay Ngài là chi của Đại Đức?

– Chúng tôi là khách đến viếng Sa di.

Vị thiện nam lưu ý, nhìn kĩ từ Đại đức Pháp chủ cho đến chư Đại đức Thinh Văn để nhớ mặt. Tự nhiên ông cảm thấy toàn thân tràn trề một niềm phỉ lạc vô biên. Ông yêu cầu:

– Bạch các Ngài, xin các Ngài đình bộ đôi chút.

Đọan ông hối hả vào làng, cất tiếng kêu gọi:

– Hôm nay có chư Đại đức Tăng quang lâm đến bổn thôn, do ngài Sāriputta lãnh đạo, có tám mươi vị Đại Thinh Văn, mỗi vị dẫn theo năm trăm vị Tỳ khưu tùy tùng, đồng đến để viếng Sa di Tissa. Các ngươi hãy đem vật thực, vật dụng như giường, ghế, ngọa cụ, đèn, dầu… đến tịnh xá cho mau.

Mọi người y theo lời kêu gọi, đem giường, ghế, các thứ vật dụng theo chân các Ngài Đại đức, đồng đi đến tịnh xá. Sa di Tissa nhận biết chư Tỳ khưu Tăng, bèn ra rước bát Ngài Đại Trưởng lão và làm các phận sự đối với khách Tăng và cất hết y bát của các Ngài xong, thì trời nhá nhem tối. Đại đức Sāriputta bảo các thiện nam: “Thôi, các thiện nam hãy về đi, tối rồi”.

– Bạch Ngài, hôm nay là ngày nghe pháp, chúng con không về. Chúng con ở lại chờ nghe pháp. Vả lại, từ trước đến giờ chúng con chưa từng được thính pháp bao giờ.

– Thế thì, nầy Sa di, ông hãy đốt đèn lên rồi tuyên bố giờ thuyết pháp cho thiện tín biết.

Sa di Tissa làm theo lời của Đại Đức. Kế đến, Đại đức bảo rằng:

– Này Tissa, các thiện tín của ông đã ngỏ lời muốn nghe pháp. Vậy ông hãy thuyết pháp cho họ nghe đi.

Các thiện tín đồng loạt đứng dậy, bạch rằng:

– Bạch Đại Đức, Sư của chúng con chỉ thuộc lòng có hai câu kệ chúc phúc: “Xin cho người được an lạc, xin cho người được thoát khổ”, ngoài ra không biết pháp nào khác. Vậy xin Ngài từ bi hoan hỷ thuyết pháp cho chúng con nghe.

Ngài Sa di Tissa tuy chứng đạt A La Hán nhưng không hề thuyết pháp cho thiện tín nghe. Khi ấy, vị Thầy Tế độ của Ngài bảo:

– Nầy Sa di, ông hãy lấy hai mệnh đề: Những người được an vui, những người được thoát khổ làm đề tài mà thuyết giảng rành rẽ nghĩa lý đi.

– Lành thay! Bạch Ngài.

Đáp xong, Sa di cầm lấy cây quạt dẹp, trèo lên pháp tọa ngồi nghiêm trang tề chỉnh, rồi bắt đầu thuyết giảng nghĩa lý kinh điển, từ cạn đến sâu, từ thấp lên cao, phân tích lần lược Ngũ uẩn, Tứ đại, Lục căn, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là con đường đưa đến mức tối cao là A La Hán quả. Thời pháp bao la phổ cập như đám mưa rào dội ướt khắp cả bốn châu thiên hạ.

Để kết luận Sa di Tissa nói:

– Bạch Ngài, người đã đắc A La Hán được an vui là thế, người đắc A La Hán quả được thoát khổ là thế, là người được thoát khỏi tứ khổ sanh, lão, bệnh, tử, cũng là khổ sanh vào ác đạo, nhất là địa ngục mà phàm phu nhân loại thường phải vương mang”.

– Lành thay, nầy ông Sa di. Hai câu chúc phúc ông đã khéo giảng lắm đấy. Bây giờ ông hãy giảng tiếp theo phần Vi Diệu Pháp đi.

Vâng lời thầy, Sa di Tissa giảng thêm phần Vi Diệu Pháp. Đến khi trời rựng sáng, những người hộ độ của Sa di chia làm hai nhóm: Một nhóm bất bình vì nghĩ rằng: “Thật từ trước đến giờ chúng ta chưa từng thấy ai lãnh đạm, bạc bẽo như thế. Ông ta thuyết pháp như thế mà bấy lâu nay đối với những người có công hộ độ, cấp dưỡng ông ta chẳng khác nào cha mẹ nuôi con, ông chẳng hề giảng thuyết một câu nào Pháp Cú nào cho họ nghe”.

Còn nhóm kia thì lại hoan hỷ nghĩ rằng: “Thật hoan hỷ chúng ta có phước báu quá. Những vị sư như thế mà chúng ta chỉ biết hộ độ chứ không biết tài đức của vị ấy, hôm nay chúng ta được may duyên nên được nghe Ngài thuyết pháp”.

Ngày hôm ấy, từ sáng tinh sương, Đức Bổn Sư vẫn theo thông lệ, Ngài quán sát thế gian, thấy được những cận sự nam của Tissa Cư Lâm lọt vào giác võng của Ngài:
“Chuyện chi xảy ra?”, khi quán thêm nữa, Ngài thấy rằng: “Trong số các tín đồ của Tissa Cư Lâm có nhóm bất mãn, có nhóm hoan hỷ”. Những ai bất bình chống đối với con Như Lai ắt sẽ bị sa đọa xuống địa ngục chẳng sai. Thế thì Như Lai phải đi đến đó, nhờ có Như Lai đến, tất cả đều khởi tâm Từ với Sa di Tissa và được thoát ly khỏi khổ não.

Ở chốn thiền lâm, dân chúng thỉnh cầu được chư Tỳ khưu Tăng, bèn trở về làng lo cất trại và nấu sẵn cơm cháo, dọn sẵn tọa vị, rồi ngồi chờ chư Tăng đến.

Chư Tỳ khưu tắm rửa xong, đến giờ đi bát, sắp sửa vào làng bèn hỏi Sa di:

– Nầy Tissa, ông cùng đi một lược với chúng tôi hay là ông đi sau?

– Xin các Ngài đi trước.

Chư Tỳ khưu đắp y mang bát đồng đi vào làng.

Tại Jetavana, Đức Bổn Sư cũng đắp y mang bát chỉ trong một sát na tâm (Cittakhaṇo: Lẹ hơn trong nháy mắt), Ngài đã hiển hiện, đứng trước mặt chư Tỳ khưu.

“Có lẽ Đức Chánh Biến Tri ngự đến”, tin này làm cho khắp cả làng xôn xao, náo động. Mọi người đều vui mừng hỷ dạ, đông thỉnh chư Tăng có Đức Phật làm tọa chủ, an tọa xong rồi cúng dường cháo và đồ ngọt điểm tâm.

Trong khi chư Tăng độ chưa xong bữa, thì Sa si Tissa đi vào làng. Dân chúng tản bớt ra, cung kính để bát cho Sa di. Sa di thọ bát vừa xong, đem dâng lên Đức Bổn Sư, Ngài bảo:

– Đưa Đây Tissa.

Và Ngài đưa tay thọ bát, trao Đại đức Sāriputta và bảo: “Nầy Sāriputta, đây là bát của Sa di Tissa, đệ tử của ông”.

Đại đức nhận bát trên tay của Đức Bổn Sư rồi cho lại Sa di và dạy: “Ông tìm chỗ ngồi phải lẽ rồi thọ thực đi nhé”. Sau khi hộ độ Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm tọa chủ xong, dân làng đồng xin Đức Bổn Sư thuyết kinh chúc phúc.

Đức Bổn Sư thuyết giảng như sau: “Này các thiện nam tử, các ông thật là hữu phúc, nhờ có Sa di mà các ông hộ độ hàng ngày ở đây, các ông mới được dịp hội kiến với Sāriputta và Moggallāna, Mahākassapa luôn cả tám mươi vị Đại Thinh Văn.

Chính Như Lai hôm nay đến đây cũng là vì ông Sa di Tissa mà các ông hộ độ hàng ngày đó. Nhờ có Sa di mà các ông hân hạnh được diện kiến Đức Phật, thật là các ông
hữu phước lắm mới được như vậy”.

Đại chúng đều suy nghĩ rằng: “Ôi chúng ta thật hân hạnh biết mấy, sở dĩ chúng ta có thể thỉnh được Đức Phật và chư Tăng để cúng dường trai Tăng là nhờ các Ngài đến thăm vị Đại đức của chúng ta…”.

Những người bất bình Sa di lúc trước, bây giờ cũng vui mừng, còn những người đã hài lòng thì càng có đức tin trong sạch đối với ông thêm nữa.

Đức Bổn Sư phúc chúc xong, có nhiều vị chứng đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn.
Đức Bổn Sư từ chỗ ngồi đứng lên đi ra, dân chúng kéo nhau theo tiễn biệt, đảnh lễ Ngài và quay trở lại.

Đức Bổn Sư dắt Sa di Tissa cùng đi đến địa điểm mà trước kia khi mới đến ông đã hỏi thăm vị bô lão, khi ấy Đức Bổn Sư cũng hỏi ông:

– Này ông Sa di, xứ này tên chi? Xứ kia tên chi?

Vị Sa di vừa đi vừa đáp lời rằng: “Bạch Ngài đây là xứ…đây là xứ…”.

Đến chỗ ngụ của Sa di, Đức Thế Tôn đi lên tận đỉnh núi, từ chỗ Ngài đứng trông xuống thì thấy mặt biển mênh mông. Đức Bổn Sư phán hỏi Sa di:

– Này Tissa, ông đứng nơi này, nơi nọ trên đỉnh núi nhìn xuống thì thấy cái chi?

– Bạch Ngài, con thấy đại hải.

– Thấy đại hải, ông nghĩ thế nào?

– Bạch Ngài, con nghĩ rằng: “Số lượng nước mắt mà con đã khóc ra trong những khi sầu khổ, có lẽ còn nhiều hơn nước biển trong đại dương.

– Lành thay! Lành thay! Nầy Tissa, thật quả như thế, suối lệ của mỗi chúng sanh tuôn trào trong những khi sầu khổ còn nhiều hơn nước trong bốn đại trùng dương.

Nói rồi Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

“Cātusu samuddesū jalaṃ parittakaṃ,
Tato bahuṃ assujalaṃ anappakaṃ;
Dukkhena phuṭṭhassa narassa socato
Kiṃ kāraṇā samma tvaṃ pamajjasī’ti”.

“Nước trong bốn biển có bao nhiêu,
Nước mắt so ra mới thật nhiều,
Khắp cõi nhân gian đầy khổ lụy,
Sao còn lơ đễnh thả xuôi chiều”.

Đức Bổn Sư lại hỏi Sa di:

– Nầy Tissa, ông ngụ ở đâu?

– Bạch Ngài, tại hang núi này đây.

– Lúc ngụ tại đây ông nghĩ như thế nào?

– Bạch Ngài, con nghĩ rằng: “Đến khi chết thì con bỏ xác luôn nơi đây, khỏi phải lo kiếm chỗ nằm trên mặt đất bằng”.

– Lành thay! Lành thay. Này Tissa quả thật cũng như thế ấy, những chúng sanh này (xác thân chết) nằm trên mặt đất cũng không đến bất tử được.

Nói rồi Đức Thế Tôn ngâm lên kệ ngôn rằng:

“Upasāḷhakanāmānaṃ,
Sahassāni catuddasa;
Asmiṃ padese daḍḍhāni,
Natthi loke anāmataṃ.
Yamhi saccañca dhammo ca,
Ahiṃsā saṃyamo damo;
Etadariyā sevanti,
Etaṃ loke anāmatanti”.

“Một muôn lại với bốn ngàn,
Thổ dân đã rụi xương tàn nơi đây.
Không bao giờ cõi tạm này,
Có nơi bất diệt cho thây phàm trần.
Nơi nào Đạo pháp chánh chân,
Vô não thu thúc, tâm thân tự điều.
Là nơi chư Thánh tiêu diêu,
Nơi ấy bất diệt, nghịch chiều thế gian”.

Dứt hai bài kệ, Đức Bổn Sư thuyết tích Bổn Sanh Upasāḷhaka (Dân xứ). Theo phong tục, họ đặt thi thể nằm trên đất bằng, mong sao người chết theo dấu ông bà về xứ bất tử (amata pubbepadesa). Nhưng sự thật, người thường không ai về xứ ấy cả.

Chỉ những bậc chư Đại đức Ānanda mới được viên tịch, theo dấu tiền nhân lên đến
bất tử mà thôi. Tương truyền rằng: “Lúc được một trăm hai mươi tuổi, Đại đức Ānanda quán xét thấy thọ mạng của mình sắp hết, bèn báo tin cho thiện tín hay: “Bảy ngày nữa, bần Tăng sẽ nhập diệt”.

Hay tin nầy, trong số người ở hai bên bờ sông Rohinī, nhóm ở bên bờ này nói rằng: “Chúng ta hộ độ Đại đức nhiều, chắc là Ngài sẽ viên tịch trên phần đất của ta”.

Nhóm người bên kia sông cũng nói: “Chúng ta hộ độ Ngài nhiều, chắc là Ngài sẽ viên tịch trên phần đất của ta”. Đại đức nghe cả hai bên nói giống nhau như thế thì nghĩ rằng: “Thiện tín ở hai bên bờ sông đều hộ độ cho ta nhiều cả. Nhưng ta không thể chiều ý theo cả hai bên, nếu ta viên tịch ở bên này thì nhóm cư sĩ ở bên kia sẽ tranh cãi. Do nơi ta mà họ sẽ đối chọi lẫn nhau. Ta phải làm sao cho họ sẽ vì ta mà chấm dứt mọi tranh chấp”.

Nghĩ rồi, Đại đức bảo hai nhóm thiện tín rằng: “Quý vị ở bờ sông bên này cũng như quí vị ở bờ sông bên kia, đều là những người có công hộ độ cho ta cả. Ta không thể nào theo ai mà bỏ ai. Thôi thì quý vị ở bên này hãy tập hợp ở bờ bên ấy, và quý vị ở bên kia hãy tập hợp bờ bên kia”.

(Đến ngày thứ bảy, Ngài ngồi kiết già ở giữa sông, lơ lửng trên từng cao độ bảy cây thốt nốt mà thuyết pháp cho đại chúng nghe).

Thuyết pháp xong Ngài nguyện: “Xá lợi của ta hãy phân làm hai, một rơi xuống bờ này, một rơi xuống bờ kia”.

Đoạn Ngài nhập vào hỏa giới, lửa bốc lên có ngọn thiêu nhục thân Ngài. Xá lợi tự nhiên chia đôi, một phần rơi xuống bờ này, một phần rơi xuống bờ kia. Đại chúng kêu gào than khóc nghe như mặt đất vô tình cũng vỡ tan từng mảnh, nấc lên những tiếng ai bi.

Khi Đức Bổn Sư Níp Bàn, quả đất vang rền tiếng than khóc não ruột của đại chúng trong bốn tháng dài, nghe thật ai bi sầu thảm, mọi người đi lang thang kể lể rằng: “Đức Bổn Sư Ngài đã Níp Bàn, chúng ta không còn trông thấy ánh từ quang, không còn được trông thấy kim thân của Ngài đắp y mang bát như thưở tại tiền”.

Dứt tích Bổn Sanh, Đức Bổn Sư phán hỏi Sa di Tissa:

– Nầy Tissa, trong khu rừng nầy có những tiếng cọp, beo gầm thét mà ông không
sợ sao?”.

– Bạch Thế Tôn, chẳng những con không sợ, mà khi nghe tiếng gầm thét của loài dã thú, con càng vui thích với cảnh lâm tuyền.

Nói rồi Sa di ngâm lên bài kệ trường thiên gồm sáu mươi đoạn mô tả tả phong cảnh rừng núi.

Khi ấy Đức Thế Tôn phán hỏi:

– Nầy Tissa.

– Dạ bạch Ngài.

– Như Lai sẽ đi với Tăng chúng, còn ông đi hay là trở lại?

– Bạch Ngài. Nếu Thầy Tế độ của con dắt con đi thì con đi, nếu người trở lại thì con trở lại.

Đức Bổn Sư cùng với Tăng chúng đồng lên đường, ông Sa di đi lui lại tìm thầy tế độ.

Gặp ông, Đại đức hỏi:

– Nầy Tissa, nếu ông muốn trở về chỗ ngụ thì cứ đi.

Ông Sa di Tissa đảnh lễ cáo biệt Đức Bổn Sư và Tỳ khưu Tăng rồi trở lại. Đức Bổn Sư thì đi luôn về Jetavana.

Trong phòng pháp hội giữa các Tỳ khưu, pháp thoại sau đây được đề khởi: “Chà! Tội nghiệp ông Sa di Tissa bây giờ tu khổ hạnh quá. Từ ngày ông tục sanh, song thân ông thiết lập bảy cuộc đại thí cơm trắng nấu với sữa tươi hay mật ông pha đặc để cúng dường đến năm trăm vị Tỳ khưu.

Đến khi ông xuất gia, song thân ông lại thiết lễ Trai Tăng bảy ngày liền trong chùa, cúng dường cơm trắng này với mật pha chút ít nước đến Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm tọa chủ. Xuất gia rồi, từ ngày thứ tám ông vào làng đi bát, trong hai ngày được cúng ngàn bát cơm cùng ngàn bộ y tắm. Qua ngày sau được thêm ngàn lá y gấm ngự hàn. Đến nay, ông vào cư ngụ trong rừng lại có lễ lộc phát sanh dồi dào đến cho ông, mà rồi ông cũng xả bỏ tất cả lợi danh như thế, đi vào rừng sâu ăn cơm trộn lộn trong bát. Thật là ông Sa di tu hành khổ hạnh quá”.

Đức Bổn Sư ngự đến phán hỏi: “Này các Tỳ khưu, hôm nay các ông ngồi thảo luận việc đó?”.

– Bạch Ngài, chuyện như vậy…

Nghe vậy Đức Bổn Sư dạy rằng:

– Phải đó, nầy các Tỳ khưu, có hai đường lối khác nhau. Con đường thiên về thế lợi như trên là khác và con đường hành đạo để chứng đạt Níp Bàn là khác. Thật thế, Tỳ khưu nào cứ mong ước: “Ta sẽ được lễ lộc như thế”, dầu cho có thọ các chi Đầu đà nhất là ngụ trong rừng mà còn lo gìn giữ lợi danh thì nhất định bốn cảnh ác thú đang mở rộng chờ đón ông ta. Còn Tỳ khưu muốn đặt bước lên đường Níp Bàn thì xả bỏ hết lợi danh, lễ lộc, vào cư ngụ trong rừng vắng tinh tấn hành đạo không xao lãng thì sẽ chứng đắc quả A La Hán chẳng sai.

Đức Bổn Sư kết luận xong, còn thuyết pháp giải rộng thêm những nghĩa lý và đọc bài kệ này:

“Aññā hi lābhūpanisā,
Aññā nibbānagāminī;
Evametaṃ abhiññāya,
Bhikkhu buddhassa sāvako;
Sakkāraṃ nābhinandeyya,
Vivekamanubrūhayeti”.

“Một đường hưởng lộc thế gian,
Một đương tu chứng Níp Bàn vô sanh.
Tỳ khưu phật tử phải rành,
Chớ nên tham đắm lợi danh thế quyền.
Đạo mầu rán để tâm chuyên,
Đi đường giải thoát bình yên lâu dài”.

CHÚ GIẢI:
Aññā hi lābhūpanisā, aññā nibbānagāminī: (Đường theo thế lợi khác, đường đến Níp Bàn khác). Quả nhiên, muốn có lợi lộc phát sanh, vị Tỳ khưu phải gây tạo một vài nghiệp bất thiện, tà vạy, nhất là thân tà hạnh (kāyavaṅka), nhờ vậy mới kiếm được lợi lộc. Thật thế, như phần cơm bát chẳng hạn, nếu có giơ tay ra thẳng cánh, không chịu cong quẹo thì bàn tay sẽ ngay ra để xuống chỉ có đụng được mà thôi. Còn như chụm tay lại đưa xuống, đến khi giở lên thì có thể bốc lấy cục cơm mà đem lên được. Chính khi nào làm việc tà vạy, nhất là thân tà hạnh như thế mà lễ lộc phát sanh, thì con đường tu hành này chỉ thiên về danh lợi thế gian, không hợp theo lẽ đạo (adhammika), còn dính mắc trong vòng tái sanh luân hồi.
Lợi lộc phát sanh hợp theo lẽ đạo là khi nào vị Tỳ khưu chỉ hướng theo y bát, nghiêm trì giới luật, cư ngụ trong rừng… Tỳ khưu là hành giả đi trên đường đến Níp Bàn phải dứt bỏ tất cả tà hạnh do thân khẩu là nhiều nhất, không đui phải làm như đui, không câm phải làm như câm, không điếc phải làm như điếc, không nên lường gạt tráo trở, giả dối điêu ngoa.

Evametaṃ abhiññāya bhikkhu buddhassa sāvako: (Như vậy hiểu biết rành, Tỳ khưu đệ tử Phật). Sau khi hiểu biết rành rẽ con đường đưa đến Níp Bàn và con đường theo thế lợi khác nhau như vậy, Tỳ khưu là Thinh Văn đệ tử Phật, đã giác ngộ được đâu là chánh pháp, đâu là phi pháp.

Sakkāraṃ nābhinandeyya, vivekamanubrūhayeti: (Chớ vui theo lợi danh, hãy chuyên tu giải thoát). Đây là huấn từ dạy thêm vị Tỳ khưu, không nên vui theo tứ vật dụng và sự lễ bái phi pháp, nhưng nếu lễ vật ấy hợp pháp thì cũng đừng từ chối. Hãy thực hành tịnh pháp (viveka) nhất là thân thanh tịnh, ở đây có nghĩa là thân sống độc cư (kāyassa ekābhāva). Tâm thanh tịnh (upadhiviveka) tức là Níp Bàn. Người có thân thanh tịnh là người xa lánh chỗ đông đảo, bè phái. Người có tâm thanh tịnh là người xa lánh việc chất chứa phiền não. Người có thủ thanh tịnh là người xa lánh được tất cả các pháp hữu vi. Thân thanh tịnh là duyên sanh tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là duyên sanh thủ thanh tịnh.

Cũng có thể giải rằng: Người có thân thanh tịnh (kāyaviveko) là người thỏa thích trong sự xuất gia hành đạo, một mình ở chỗ hẻo lánh quạnh hiu; người có tâm thanh tịnh (attaviveko) là người đã đạt đến mức thánh thiện tối cao về mặt tinh thần; và người có thủ thanh tịnh (upadhiviveko) là người đã chấm dứt cái vòng luân hồi, không còn bị pháp hữu vi (saṅkhāra) chi phối để phải tái sanh làm người lại nữa.

Tỳ khưu nên rán xúc tiến thực hành tròn đủ ba pháp thanh tịnh trên đây luôn luôn.

Đức Bổn Sư vừa dứt thời pháp, có nhiều Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhất là quả Atu Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Đề Xá Sa di bảy tuổi đầu,
Tu rừng giác ngộ lý cao sâu,
Sườn non thấy tiệp màu xương trắng,
Nước biển xem thua suối lệ sầu.
Lễ lộc hơn người thêm khổ lụy,
Tài danh quán chúng nặng lo âu,
Con đường thế lợi nhiêu khê lắm,
Thà sống an vui với đạo mầu.
DỨT TÍCH TISSA CƯ LÂM
DỨT PHẨM NGU NHƠN

70

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app