Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Phật Đà: Tích Quốc Sư Aggidatta

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

Phẩm Phật Đà: Tích Quốc Sư Aggidatta

188. “Bahuṃ ve saraṇaṃ yanti,

Pabbatāni vanāni ca;
Ārāmarukkhacetyāni,
Manussā bhayatajjitā”.

189. “Netaṃ kho saraṇaṃ khemaṃ,
Netaṃ saraṇamuttamaṃ;
Netaṃ saraṇamāgamma,
Sabbadukkhā pamuccati”.

“Loài người sợ hoảng hốt,

Tìm nhiều chỗ quy y,
Hoặc rừng rậm, núi non,
Hoặc vườn cây, đền tháp”.

“Quy y ấy không ổn,
Không quy y tối thượng.
Quy y các chỗ ấy,
Không thoát mọi khổ đau”.

190. “Yo ca buddhañca dhammañca,

Saṅghañca saraṇaṃ gato;
Cattāri ariyasaccāni,
Sammappaññāya passati”.

191. “Dukkhaṃ dukkhasamuppādaṃ,
Dukkhassa ca atikkamaṃ;
Ariyaṃ caṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ,
Dukkhūpasamagāminaṃ”.

“Ai quy y Đức Phật,

Chánh Pháp và chư Tăng,
Ai dùng chánh tri kiến,
Thấy được bốn Thánh đế”.
“Thấy khổ và khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành,
Đưa đến khổ não tận”.

192. “Etaṃ kho saraṇaṃ khemaṃ,
Etaṃ saraṇamuttamaṃ;
Etaṃ saraṇamāgamma,
Sabbadukkhā pamuccati”.

“Thật quy y an ổn,

Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy,
Mới thoát mọi khổ đau”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết lên khi Ngài ngự trú tại Jetavana, đề cập đến vị Quốc Sư của Đức Vua Pasenadi.

Tương truyền rằng: Aggidatta là vị Quốc Sư của Vua Mahākosala. Khi vua băng hà, ngai vương được trao lại cho Đức Vua Pasenadikosala, Đức Vua Pasenadi suy nghĩ rằng: “Aggidatta là Quốc Sư của Vương Phụ”, nên Ngài vẫn ban cho vị ấy địa vị cũ, khi Quốc Sư Aggidatta đến, Đức Vua đứng dậy tiếp nghinh một cách tôn kính, thỉnh ngồi ngang hàng và phán rằng:

– Thưa Thầy! Xin Thầy hãy ngự vào nơi nầy.

Khi ấy, Quốc Sư Aggidatta suy nghĩ:

– Đức Vua nầy rất tôn kính ta, nhưng ta không thể nào làm hài lòng Đức Vua mãi mãi được. Lại nữa, Đức Vua là người còn trẻ, phải là người đồng trang lứa mới hợp với Ngài, đem lại sự an lạc và thoải mái khi Ngài cùng vị ấy bàn chuyện. Còn ta nay đã già, thôi ta hãy xin Ngài được phép xuất gia đi.

Quốc Sư Aggidatta xin Đức Vua cho mình được xuất gia, mặc cho Đức Vua nài nỉ can ngăn, sau cùng Đức Vua đành chiều theo ý của Aggidatta. Quốc Sư cho người đánh trống truyền rao khắp kinh thành, mang tài sản của mình ra bố thí tất cả trọn bảy ngày, rồi ra đi xuất gia.

Bây giờ, có 10 ngàn tùy tùng của Quốc Sư cũng xuất gia theo hầu hạ Aggidatta. Du sĩ Aggidatta cùng với đại chúng tùy tùng tuần tự du hành đến xứ Anga, Magadha, Kuru, ban lời giáo huấn rằng:

– Nầy các con! Người nào khi có dục tầm… sanh khởi, người ấy đến bờ sông, múc một nồi cát đem lại đây.

– Thưa thầy! Vâng.

Thế là, trong khi dục tầm… sanh khởi, người đệ tử ấy múc nồi cát ở bờ sông mang đến đổ vào một nơi. Thời gian sau, đống cát trở nên to lớn, khi ấy có con Long Vương đến nơi đống cát ấy mà trú ngụ. Dân ba xứ lớn là Anga, Magadhu và Kuru đã hộ độ cúng dường các du sĩ ấy mỗi tháng. Aggidatta đã dạy cho nhóm đệ tử nương nhờ rằng:

– Các người hãy nương vào núi, rừng, chùa miếu, đền vắng, cội cây để được thanh tịnh. Các ngươi sẽ được chấm dứt đau khổ với cách nương nhờ như vậy.

Bấy giờ, Đức Đạo Sư đang ngự trú nơi Jetavana trong thành Sāvatthī. Vào rạng đông, Ngài dùng Phật nhãn quán xét thế gian, thấy được hình ảnh của Aggidatta cùng chúng đệ tử của ông trong võng tuệ của Ngài, Ngài biết được rằng: “Những người nầy có duyên lành đắc A La Hán Quả”. Vào buổi chiều, Ngài phán gọi Trưởng Lão Moggallāna rằng:

– Nầy Moggallāna! Ngươi có thấy Bà la môn Aggidatta dạy đại chúng của mình theo con đường phi pháp, là con đường phi giải thấy, không phải là con đường đưa đến bờ kia chăng? Ngươi hãy đến ban lời giáo huấn bọn họ đi.

– Bạch Thế Tôn! Nhóm đại chúng ấy quá đông, một mình con không thể chinh phục được. Nếu Ngài ngự đến thì sẽ chinh phục được nhóm ấy dễ dàng.

– Nầy Moggallāna! Như Lai sẽ đi cùng với ngươi, ngươi hãy đến nơi ấy trước đi.

Trưởng Lão Moggallāna vừa đi vừa suy nghĩ:

– Hội chúng nầy quá đông, họ có nhiều sức mạnh, nếu ta nói lời chi nghịch ý họ, họ sẽ nổi lên bênh vực nhau. Vậy ta hãy dùng thần lực của mình khiến cho mưa đá rơi xuống, khi những người ấy bị mưa đá sẽ chạy về trú trong Tịnh Xá của mình.

Trưởng Lão đi đến Tịnh thất của Aggidatta nói rằng:

– Nầy Aggidatta.

Nghe tiếng Trưởng Lão, Aggidatta hỏi lại: “Ai đó?”, vì y phát sanh ngã mạn trong tâm rằng: Trong thế gian nầy, không ai dám gọi ta là Aggidatta tục danh như thế. Vậy ai đã dám gọi tên ta như thế chứ?

– Nầy Bà la môn! Là Ta đây.

– Nầy ông! Ông vừa nói chi thế?

– Nầy Bà la môn! Ông hãy soạn nơi nghỉ cho ta đi, ta sẽ nghỉ lại nơi đây một đêm.

– Nầy ông, nơi đây không có chỗ nghỉ, mỗi tịnh thất chỉ vừa cho một người mà thôi.

– Nầy Aggidatta! Lẽ thường! Người đến chỗ người, bò đến chỗ bò, bậc xuất gia thì đến nơi trú của bậc xuất gia. Ông chớ nên xử sự với ta như thế. Ông hãy cho ta chỗ ngụ đi.

– Thế ông là bậc xuất gia hay sao?

– Đúng thế, ta là bậc xuất gia.

– Nếu ông là bậc xuất gia, thì túi Sa môn cụ của ông đâu?

– Ta có thật đấy, nhưng ta thấy rằng túi Sa môn cụ mang theo cồng cềnh, khó đi, do đó ta chỉ mang theo một số ít tư cụ Sa môn mà thôi, để đi du hành. Này bà la môn y cụ Sa môn ta mang theo trong tâm đây.

Nghe vậy, Bà la môn Aggidatta phát khởi sân tâm với Trưởng Lão:

– Ông không có đem theo vật dụng hay sao?

– Nầy Aggidatta! Ngươi chớ có sân hận với ta, hãy cho ta một chỗ trú đêm nay đi.

– Ở đây không có chỗ cho ngươi.

– Vậy thì, nơi đống cát ấy có ai nghỉ chăng?

– Ở đó có con Long Vương Ahichatta hung ác trú đấy.

– Thế thì, ông hãy cho ta chỗ ấy đi.

– Không được, vì Long Vương ấy hung dữ lắm.

– Không sao cả, ông hãy cho ta chỗ ấy đi.

– Nếu ông muốn nơi ấy thì tùy ông.

Trưởng Lão đi đến đống cát, Long Vương Ahichatta trông thấy Trưởng Lão đi đến, nó nổi cơn hung ác, suy nghĩ rằng: Vị Sa Môn nầy không biết có ta nơi nầy, toan chiếm chỗ trú của ta, ta sẽ phun khói làm vị nầy chết ngạt đi.

Long Vương liền phun khói độc ra, toan sát hại Trưởng Lão. Trưởng Lão suy nghĩ: “Long Vương nầy tưởng rằng: Chỉ có ta có thể phun khói được, không ai có thể làm được như nó”. Ta sẽ phun khói ra thu phục nó.

Trưởng Lão vận thần lực phun khói ra đối kháng với luồng hung khói của Long Vương. Cả hai luồng khói bốc cao thấu đến Phạm Thiên Giới, nhưng hai luồng khói ấy chẳng tác hại gì đến ai cả, chỉ tác hại riêng đến Long Vương mà thôi. Long Vương không thể chịu đựng được sức mạnh của Trưởng Lão, liền phun lửa ra, Trưởng Lão liền nhập vào hỏa giới, phun lửa ra đấu với lửa Long Vương, ngọn lửa bốc cao lên Phạm Thiên Giới, rồi đốt vào thân của Long Vương. Long Vương như một thân đuốc rực sáng khổng lồ. Các du sĩ thấy cảnh ấy, suy nghĩ rằng:

– Long Vương hung dữ nầy sẽ thiêu đốt vị Sa môn kia, thật y chết cũng phải, vì chẳng chịu nghe lời chúng ta.

Bây giờ, Đại đức Moggallāna dùng thần lực của mình, chinh phục được Long Vương, Ngài ngồi trên đống cát. Long Vương dùng thân khoanh tròn đống cát, phùng mang ra thật lớn che trên đầu Đại Đức như mái che lớn.

Các du sĩ đi đến đống cát với sự suy nghĩ rằng:

– Chúng ta hãy đến xem ông Sa môn nầy chết chưa?

Khi trông thấy Trưởng Lão ngồi trên đống cát, được Long Vương che chở như thế, phát sanh tâm kính phục, chấp tay đảnh lễ tán dương rằng: “Thưa Ngài Đại Sa Môn! Long Vương không làm hại Ngài được sao?”.

– Các ngươi không thấy Long Vương đang che trên đầu của ta, với mang lớn y bảo vệ ta đó sao?

Các du sĩ đồng thanh tán thán rằng:

– Thật kỳ diệu thay! Bạch Ngài, thần lực của vị Sa môn nầy là như vậy, vị Sa môn đã chinh phục được Hung Long.

Các du sĩ đứng vây quanh Trưởng Lão với lời chúc tụng như thế. Đức Thế Tôn ngự đến, Trưỡng Lão trông thấy Đức Thế Tôn từ xa đang ngự đến, Ngài đứng lên đảnh lễ Đức Thế Tôn. Các du sĩ hỏi Trưởng Lão rằng:

– Bạch Ngài! Vị Sa môn nầy còn cao quý hơn Ngài nữa sao?

– Thật vậy, vì Ngài là Bậc Đạo Sư của Ta! Ta chỉ là đệ tử của Ngài mà thôi.

Đức Thế Tôn ngồi yên trên đống cát, các du sĩ chấp tay đảnh lễ và tán dương Ngài rằng:

– Thần lực của vị đệ tử mà như thế thì còn nói gì đến thần lực của Bậc Đạo Sư như Ngài nữa chứ.

Đức Thế Tôn cho phán gọi Aggidatta đến phán dạy rằng:

– Nầy Aggidatta! Ngươi đã giáo huấn môn đệ và các tín thí hộ độ ngươi như thế nào?

– Bạch Thế Tôn! Con đã giáo giới đại chúng tùy tùng như vầy: “Các ngươi hãy nương vào nơi núi, rừng, đền, miếu… vì rằng: các ngươi nương vào đó sẽ được thanh tịnh, sẽ chấm dứt được đau khổ”.

– Nầy Aggidatta! Ngươi đã đi đến các chỗ như núi rừng… nương tựa vào những nơi ấy không thể thoát khổ được. Còn nương vào Phật, Pháp, Tăng sẽ thoát khỏi khổ trong luân hồi. Rồi Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn rằng:

188. “Bahuṃ ve saraṇaṃ yanti,

Pabbatāni vanāni ca;
Ārāmarukkhacetyāni,
Manussā bhayatajjitā”.
189. “Netaṃ kho saraṇaṃ khemaṃ,
Netaṃ saraṇamuttamaṃ;
Netaṃ saraṇamāgamma,
Sabbadukkhā pamuccati”.

“Loài người sợ hoảng hốt,

Tìm nhiều chỗ quy y,
Hoặc rừng rậm, núi non,
Hoặc vườn cây, đền tháp”.
“Quy y ấy không ổn,
Không quy y tối thượng.
Quy y các chỗ ấy,
Không thoát mọi khổ đau”.


190. “Yo ca buddhañca dhammañca,

Saṅghañca saraṇaṃ gato;
Cattāri ariyasaccāni,
Sammappaññāya passati”.

191. “Dukkhaṃ dukkhasamuppādaṃ,
Dkkhassa ca atikkamaṃ;
Ariyaṃ caṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ,
Dukkhūpasamagāminaṃ”.

“Ai quy y Đức Phật,

Chánh Pháp và chư Tăng,
Ai dùng chánh tri kiến,
Thấy được bốn Thánh đế”.

“Thấy khổ và khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành,
Đưa đến khổ não tận”.

192. “Etaṃ kho saraṇaṃ khemaṃ,
Etaṃ saraṇamuttamaṃ;
Etaṃ saraṇamāgamma,
Sabbadukkhā pamuccati”.

“Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy,
Mới thoát mọi khổ đau”.

188. Con người kinh hãi đi tìm nơi nương tựa ở nhiều nơi núi, rừng, vườn, cây cối và đền miếu.

189. Không, đó không phải là nơi nương tựa an toàn, không phải là nơi nương tựa tối thượng. Ẩn náu như vậy không thể thoát khỏi phiền não.

190-191-192. Người đi tìm nơi nương tựa nơi Đức Phật, Giáo Pháp và Tăng Già, có tri kiến chân chánh để nhận thức Tứ Đế: Khổ, nguồn khổ, vượt khỏi khổ và Bát chánh đạo dẫn đến sự diệt khổ. Đó quả thật là nơi nương tựa an toàn. Đó quả thật là nương tựa tối thượng. Tìm đến các nơi nương tựa ấy ắt thoát ra khỏi mọi phiền não.

CHÚ GIẢI:

Bahuṃ: là bahū nghĩa là nhiều. Câu pabbatāni vanāni ca: nghĩa là những người đó bị nguy hiểm, muốn thoát khổ, hoặc muốn được con, muốn được tài sản, danh vọng… thường đi vào nương nơi những ngọn núi Isigilivepulla và Vebhāra… hay các khu rừng như rừng Mahāvana, Gosingasālavana… hay những cội cây, đền tháp như Udenacetiya, Gotamacetiyā…

Hai câu Netaṃ saraṇamāgamma, sabbadukkhā pamuccati: nghĩa là nương tựa chỗ không an toàn, không cao quý, vì rằng tất cả chúng sanh có sự sanh, già… là lẽ thường, dù một người nương tựa nơi đó thì không thể thoát khỏi khổ được như sanh, già…

Yo ca buddhañca dhammañca: nghĩa là Đức thế Tôn nói chỗ nương tựa không an toàn, không cao quý, Ngài đề cập đến nơi nương tựa an toàn và cao quý. Ý nghĩa của câu Yo ca buddhañca dhammañca… như vậy: Người cư sĩ hay bậc xuất gia cũng thế, nhờ vào Niệm Xứ tức là ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng… rằng: “Nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng… rằng: Đức Thế Tôn là bậc A La Hán Chánh Đẳng Giác, nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng đó là sự nương tựa cao quý. Sự nương nhờ vào rừng, núi… của người vẫn còn tâm phiền não, khiến cho dao động với những điều như sự đảnh lễ của ngoại đạo… Nhưng Đức Thế Tôn tuyên thuyết rằng sự nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng ấy là những đối tượng không còn bị dao động với cung kính, lợi đắc, danh vọng… Ngài tuyên bố rằng hãy nương tựa vào Thánh Quả, Đạo Tuệ, rằng: “Hãy liễu ngộ Tứ Thánh Đế bằng trí tuệ chân chánh”. Vì rằng: Do nương tựa
vào Phật, Pháp, Tăng sẽ liễu ngộ được những điều như thế. Đó là chỗ nương tựa tối thượng và an ổn, nương tựa như thế mới thoát khỏi luân hồi.

Do vậy, Đức Thế Tôn mới phán rằng: “Etaṃ khosaraṇaṃ khemaṃ!”.

Dứt pháp thoại, các du sĩ chứng đắc quả A La Hán cùng với tuệ phân tích, đảnh lễ dưới chân Đức Thế Tôn xin xuất gia sống đời phạm hạnh trong Giáo Pháp của Ngài. Đức Thế Tôn đưa tay phán:

– Hỡi các Tỳ khưu, hãy đến đây, thực hành phạm hạnh đi.

Lập tức, râu tóc các du sĩ rụng mất, các tư cụ sa môn xuất hiện cho các vị ấy, tuy mới xuất gia nhưng các Ngài có Tăng tướng như vị Trưởng Lão trăm tuổi hạ. Hôm ấy, cũng là ngày Uposatha, dân chúng xứ Anga, Magadha và Kura mang lễ vật đến cúng dường các du sĩ, thấy các du sĩ ấy đã xuất gia, có sự suy nghĩ rằng: “Bà la môn Aggidatta của chúng ta cao thượng hơn Sa môn Gotama hay Sa môn Gotama cao thượng hơn Bà la môn của chúng ta nhỉ?”. Và họ lại xác nhận trong tâm:

– Có lẽ Aggidatta lớn hơn, vì Sa môn Gotama phải đến nơi ngụ của Bà la môn Aggidatta.

Với tâm mình, Đức Thế Tôn biết được suy nghĩ của đại chúng, Ngài phán rằng:

– Nầy Aggidatta! Ngươi hãy đoạn nghỉ cho đại chúng đi.

Tôn giả Aggidatta bạch rằng:

– Bạch Thế Tôn! Con cũng đang muốn như thế.

Rồi vị ấy bay lên hư không cao độ 1 cây thốt nốt, hạ xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi lại bay lên cao độ 2 cây thốt nốt, rồi hạ xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn. Vị ấy làm như thế 7 lần đến độ cao khoảng 7 cây thốt nốt, đảnh lễ Đức Thế Tôn, và tuyên bố rằng:

– Bạch Thế Tôn! Ngài là bậc Đạo Sư của con, con là đệ tử của Ngài.

Đại chúng vô cùng hoan hỷ, tiếp theo Đức Thế Tôn thuyết lên Pháp thoại sách tấn, khích lệ làm hoan hỷ đại chúng. Rồi Ngài cùng đại chúng Tỳ Khưu trở về Jetavana.

Dịch Giả Cẩn Đề
Mười ngàn đạo sĩ nhắm theo gương,
Hỏa thí làm nên một đạo trường.
Họ lấy núi, rừng, vườn, thọ tháp,
Làm nơi diệt khổ để mà nương.
Phật sai Đại đức Mục Kiền Liên,
Thâu phục Long Vương tại nhãn tiền,
Để độ mười ngàn tu sĩ ấy,
Quy y Tam Bảo hợp tiền duyên,
Phật kêu Hỏa Thí, dạy ông rằng:
Hãy sớm nương nhờ Phật Pháp Tăng,
Minh sát khổ đau, qua tập, diệt,
Mở đường Bát Chánh, để siêu thăng!
Bấy nhiêu lời pháp đủ cho ông
Với cả mười ngàn đạo sĩ đồng.
Đắc quả Vô sanh, phân tích tuệ,
Tu bằng y bát bởi thần thông…
DỨT TÍCH QUỐC SƯ AGGIDATTA

36

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app