Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Lão: Tích Nàng Xí Rí Ma

“Passa cittakataṃ bimbaṃ,
Arukāyaṃ samussitaṃ;
Āturaṃ bahusaṅkappaṃ,
Yassa natthi dhuvaṃ ṭhiti”.

“Hãy xem bong bóng đẹp,
Chỗ chất chứa vết thương,
Bệnh hoạn nhiều suy tư,
Thật không gì trường cửu”.

Kệ Pháp cú này Đức Thế Tôn đã thuyết khi ngự tại Veḷuvana (Trúc Lâm), đề cập đến nàng kỹ nữ Sirimā (Xí Rí Ma). Tương truyền rằng: Nàng Sirimā là nàng kỹ nữ tuyệt sắc của thành Sāvatthī (Vương Xá). Trong một hạ (Mùa mưa) đã gây thiệt hại đến nàng Uttarā (Út Tá Ra), là con gái của ông Bá hộ Puṇṇaka (Pun Ná Ká), và là dâu của ông bá hộ Sumana (Xú Má Ná), rồi sau ăn năn hối lỗi, muốn cho được trong sạch, nàng đã thỉnh Đức Bổn Sư cùng với Tăng chúng đến tại nhà nàng Uttarā thọ lễ Trai Tăng để cho nàng xin sám hối. Ngày ấy, sau khi thọ thực, Đức Thập Lực đã chúc phúc bằng bài kệ này:

“Akkodhena jine kodhaṃ
Asādhuṃ sādhunā jine
Jine kadariyaṃ dānena
Saccenālikavādinanti”.

“Lấy Từ thắng nóng giận,
Lấy Thiện thắng ác hung,
Lấy Thí thắng xan tham,
Lấy Chơn thắng hư nguỵ”.

Nghe dứt bài kệ, nàng Sirimā đắc quả Nhập Lưu. Trên đây là tóm lược đại ý, câu chuyện được giải rộng rõ ràng hơn trong Chú Giải kệ ngôn số 223, Phẩm Phẫn Nộ (Kodhavagga). Khi chứng đạt Dự Lưu rồi, nàng Sirimā cung thỉnh Đức Thế Tôn cùng chư Tăng vào sáng hôm sau đến thọ đại lễ Trai Tăng và nguyện xin để bát thường xuyên một nhóm Tăng tám vị. Từ đó trở đi, hàng ngày có tám vị Tỳ Kheo đi đến nhà nàng.

– Thỉnh các Ngài hãy nhận sữa chua, thỉnh các Ngài thọ sữa tươi.v.v… – Nói rồi nàng chế sữa chua vào đầy bát Chư Tăng. Mỗi bát có thể đủ cho cả ba, bốn vị dùng. Hàng ngày, nàng sớt ra mười sáu đồng tiền vàng để cúng dường sớt bát.

Ngày nọ, một vị Tỳ khưu sau khi độ cơm bát dâng đến tám vị nơi nhà của nàng Sirimā, đã đi đến một ngôi chùa cách xa độ ba do tuần. Khi ấy chư Tỳ Khưu đang ngồi hầu quanh vị Thượng Tọa của mình, hỏi sư:

– Đạo hữu thọ bát ở đâu mà về đây vậy?

– Tôi độ phần cơm của nàng Sirimā để bát đến Tăng Tám vị.

– Thí chủ có hoan hỷ dâng cúng không, đạo hữu?

– Thưa các Ngài! Việc dâng cúng của nàng, thật không thể nào tán dương cho xiết. Nàng dâng cúng thực phẩm hoàn toàn, mỗi bát cỡ sức ba, bốn Tỳ Khưu độ cũng đủ. Chẳng những thế thôi, nàng còn tuyệt đẹp và biết cách làm phước để bát một cách khéo léo, duyên dáng hết chỗ chê v.v…

Khi ấy, có một vị Tỳ Khưu nghe vị khách Tăng ca tụng ân đức của nàng Sirimā, tuy chưa được thấy mặt nàng mà đã phát tâm luyến ái nàng, nên nói thầm rằng: “Ta Phải đi coi mắt nàng mới được!”. Vị ấy bèn bạch xin phép Sư cả của mình rồi hỏi thăm vị khách Tăng về cách thức phân phối thẻ lấy bát.

– Ngày mai đạo hữu vào nhà phát thẻ trước nhất thì ắt sẽ được ở trong nhóm Tăng Tám vị.

Nghe vậy, vị ấy lập tức mang theo y bát ra đi. Từ sáng sớm, mặt trời vừa mọc, vị ấy đã vào đứng trong phòng phát thẻ trước tất cả Tăng chúng, nên lấy được số thẻ đi thọ bát ở nhà cô Sirimā trong nhóm Tăng tám vị.

Bữa hôm qua, sau lúc vị Tỳ khưu khách thọ bát rồi ra đi thì cô Sirimā phát bịnh trong mình cho nên nàng cởi hết đồ nữ trang mà nằm nghỉ.

Sáng hôm sau, khi nhóm tỳ nữ trông thấy các Tỳ khưu được cấp thẻ trong nhóm Tám vị đi đến thì báo cho cô chủ biết. Nàng không thể tự tay rước bát, thỉnh Tăng an toạ, hoặc thỉnh Tăng vào nhà, nên gọi các tỳ nữ bảo rằng:

– Này các em! Các em hãy rước bát và thỉnh Tăng ngồi rồi dâng cháo sáng và bánh ngọt điểm tâm, rồi tới giờ cơm, hãy để cơm canh đây mà dâng nhé!
Họ thỉnh Tăng vào nhà, dâng cháo và bánh ngọt điểm tâm, đến giờ cơm, họ để cơm canh đầy bát rồi báo tin cho cô chủ biết. Cô bảo:

– Này các em, hãy đỡ ta dậy, dìu ta ra đảnh lễ các Trưởng Lão!

Các nữ tỳ đỡ dìu nàng ra gần chư Tăng, nàng lảo đảo quỳ xuống đảnh lễ các Ngài. Vị Tỳ khưu cố tình nhìn nàng rồi nghĩ thầm: “Đang bịnh mà nàng còn sắc đẹp như vậy, huống chi lúc mạnh khoẻ đeo đủ đồ trang sức thì có ai mà xinh đẹp bằng nàng?”. Khi ấy, trong tâm của vị Tỳ Khưu hằng hà sa số phiền não nổi dậy. Vị ấy đâm ra si tình đến nỗi không thể độ cơm, bèn mang bát vào chùa, đậy nắp lại cất qua một bên, rồi trải y ra nằm chùi lên giường. Một Tỳ khưu bạn thấy, đến yêu cầu, cố ép vị ấy ăn mà không được. Vị ấy tuyệt thực luôn.

Đến chiều ngày ấy thì nàng Sirimā từ trần. Đức vua Bimbisāra (Bình Sa Vương) gửi thông điệp Đức Bổn Sư: “Bạch Thế Tôn! Cháu gái của ngự y Jīvaka là nàng Sirimā đã từ trần”.

Bậc Đạo Sư tiếp được thánh chỉ báo tin liền gởi lời phúc đáp rằng: “Lễ thiêu xác nàng Sirimā sẽ không có, xin Đại Vương ra lịnh cho đem thi hài của nàng đặt trong bãi tha ma nào đó và cho người gìn giữ, đừng để quạ và chó cắn xé, ăn mất xác ấy”.

Đức Vua làm theo chỉ thị của Bậc Đạo Sư. Ba ngày lần lượt trôi qua, đến ngày thứ tư cái tử thi sình lên, nước vàng rịn chảy ra theo chín lỗ (cửu khiếu). Trọn cả thi thể nứt nở ra như chén cơm nếp (Sāli).

Đức Vua truyền cho người đi đánh trống loan tin khắp thành phố rằng: “Trừ trẻ con ở nhà giữ, ai không đi xem tử thi của nàng Sirimā thì phải nộp phạt tám đồng tiền vàng”. Và Đức Vua cũng phái người đến thỉnh chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu, đến khám thi thể của nàng Sirimā.

Bậc Đạo Sư gọi chư Tăng và bảo:

– Này Chư Tỳ khưu! Chúng Ta sẽ đi thăm viếng nàng Sirimā.

Vị Tỳ Khưu trẻ ấy suốt bốn ngày qua, không nghe tin tức chi hết, cứ nằm lỳ tuyệt thực. Phần cơm trong bát của vị ấy đã thiu thúi. Cái bát đã đóng bợn nhơ. Khi ấy, một Tỳ khưu bạn của vị ấy đến báo tin:

– Này đạo hữu! Bậc Đạo Sư cùng Tăng chúng sắp đi viếng thăm nàng Sirimā!

Mặc dù đã nhịn đói lả người vậy, nhưng vừa nghe nhắc đến tên nàng Sirimaā, vị ấy đã vụt dậy hỏi:

– Đạo hữu nói gì?

Khi nghe lặp lại rằng: “Đức Bổn Sư đi thăm nàng Sirimā, chắc đạo hữu cũng đi chớ?”.

– Dạ phải! Tôi sẽ đi chứ!

Sau khi đổ cơm, rửa bát sạch, bỏ vào trong cái túi dèm, vị ấy cùng đi với Chư Tăng. Đến thi lâm, Bậc Đạo Sư có Chư Tăng vây quanh đứng ở một lối, chư Tỳ Khưu Ni, các quan viên, các Cận sự nam và các Cận sự nữ, mỗi nhóm đều đứng riêng một lối phân biệt nhau.

Bậc Đạo Sư hỏi Đức Vua rằng:

– Tâu Đại Vương! Nàng ấy là ai vậy?

– Bạch Thế Tôn, đó là cháu gái của Ngự y Jīvaka tên là Sirimā.

– Nàng đó là Sirimā ư?

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

– Nếu thế xin Đại Vương cho người cổ động truyền rao khắp kinh thành rằng:

“Hãy trả một ngàn đồng vàng mà lấy nàng Sirimā”.

Đức Vua làm y theo lời dạy, nhưng chẳng có ai ứng tiếng lên giành: “Để nàng Sirimā cho tôi!” cả. Đức Vua bèn báo tin cho Bậc Đạo Sư biết.

– Bạch Thế Tôn, không có ai mua cả.

– Nếu thế, xin Đại vương sụt bớt giá!

Đức vua cho người đi cổ động truyền rao rằng: “Hãy trả năm trăm đồng mà lấy nàng đi”. Nhưng vẫn không thấy có ai chịu mua với giá đó cả.

Đức Vua lại cho người cổ động đi rao sụt giá lần lần từ hai trăm năm mươi đồng xuống hai trăm, rồi một trăm, năm chục, hai mươi lăm đồng, xuống đến mười đồng, năm đồng, một đồng, nửa đồng, một bạt, một cắc, một xu. Và cuối cùng Đức vua cho đánh trống truyền rao rằng: “Hãy lấy không nàng Sirimā!”, nhưng tuyệt nhiên không một ai ứng tiếng lên giành, nói: “Để tôi, để tôi” cả. Đức Vua trình cho Đức Bổn Sư biết:

– Bạch Thế Tôn! Dầu cho không cũng chẳng có ai chịu lấy nàng Sirimā cả!

Nhân đó, Đức Bổn Sư dạy Chư Tăng rằng:

– Này các Tỳ khưu! Các thầy hãy coi đó! Người nữ mà quần chúng đã từng yêu mến đang nằm đây, lúc trước ở thành, người ta phải trả một ngàn đồng vàng mới được gần nàng một ngày, còn bây giờ đây, dầu cho không cũng chẳng có ai thèm lấy. Sắc đẹp có tướng sanh diệt như thế ấy, này các Tỳ khưu, hãy suy ngẫm về cái tự ngã (xác thân) uế trược này vậy!

Nói rồi Đức Bổn Sư ngâm bài kệ rằng:
“Passa cittakataṃ bimbaṃ,
Arukāyaṃ samussitaṃ,
Āturaṃ bahusaṅkappaṃ,
Yassa natthi dhuvaṃ ṭhiti”.

Hãy ngắm xác thân tốt đẹp này chỉ là đống xương lở lói, chồng chất tật bịnh, đã được người ta tưởng là êm ái, trong đó tuyệt đối không có gì trường cửu.

CHÚ GIẢI:

Cittakataṃ: Trang sức, trang điểm bằng y phục, vòng hoa, ngọc ngà v.v… để coi cho đẹp mắt.

Bimbaṃ: cái tự ngã được lập thành có đủ mình, đầu và tay chân.

Arukāyaṃ: nhiều sự đau nhức, do nơi cửu khiếu là chín lỗ trong thân như chín vết thương hằng chảy máu mủ ra, chín lỗ là hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, một miệng, một đường đại, một đường tiểu.

Samussitaṃ: Bộ xương người gồm có 300 khúc xương hiệp lại.

Āturaṃ: Luôn luôn lúc nào cũng phải lo chăm sóc, nhất là bốn oai nghi, vì xác thân hằng bịnh hoạn.

Yassa Nathi dhuvaṃ ṭhiti: Sự trường tồn hoặc sự bền vững của thân này không có. Chỉ nên nhìn thấy khía cạnh tan vỡ, rã rời, tiêu hoại mà thôi.

Cuối thời pháp, tám mươi bốn ngàn chúng sanh chứng đắc pháp nhãn (Tu Đà Hườn đạo), vị Tỳ Khưu ấy cũng đắc Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Vương Xá có nàng Xí Rí Ma,
Mặt hoa, da phấn, tợ tiên nga!
Thấy nàng đau yếu, duyên còn thắm,
Một vì Tỳ Khưu mến thiết tha!…
Nàng chết bốn ngày thây đã sình,
Tỳ Khưu nằm liệt bởi si tình,
Chợt nghe tiếng gọi, liền nhổm dậy,
Đi viếng “người yêu” với đệ huynh.
Than ôi, người đẹp biến đâu rồi?
Đây chỉ còn trơ xác thúi thôi!
Cửu khiếu giòi bò ra lúc nhúc,
Còn ai muốn lấy vật tanh hôi?…
DỨT TÍCH NÀNG SIRIMĀ

2

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app