Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Ác: Tích Trưởng Lão Đề Xá Và Anh Thợ Ngọc

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ác: Tích Trưởng Lão Đề Xá Và Anh Thợ Ngọc

“Gabbhameke uppajjanti,
Nirayaṃ pāpakammino;
Saggaṃ sugatino yanti,
Parinibbanti anāsavā”.

“Một số sinh bào thai,
Kẻ ác sinh Địa ngục,
Người thiện lên cõi trời,
Vô lậu chứng Níp Bàn”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Trưởng lão Tissa (Đề Xá) và anh thợ ngọc là người hộ độ Trưởng lão.

Tương truyền rằng: Vị Trưởng lão này thường xuyên đến thọ thực suốt mười hai năm trong gia đình của một anh thợ ngọc. Trong gia đình nầy, cả hai vợ chồng đều chăm lo phụng sự Trưởng lão như cha mẹ ruột của Trưởng lão vậy. Thế nhưng, một hôm anh thợ ngọc nầy đang ngồi xắt thịt trước mặt vị Trưởng lão Tissa, bỗng nhiên có sứ giả Đức vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) phái đến, trao cho anh ta một viên bảo châu và nói: “Anh hãy trau dồi và xoi lỗ hòn ngọc nầy rồi dâng lại Đức vua”.

Anh thợ ngọc tay đang dính máu, thọ lãnh viên ngọc, đặt tạm lên nắp hộp, rồi vào trong nhà rửa tay. Trong nhà anh thợ ngọc có nuôi một con thiên nga (ngỗng trời) trông thấy viên ngọc dính máu, tưởng là cục thịt, nên mổ nuốt vào bụng trước mặt vị Trưởng lão.

Anh thợ ngọc trở ra không thấy viên ngọc Ma ni, bèn đi hỏi khắp trong nhà từ vợ đến con trai, con gái:

– Có ai lấy viên ngọc không?

Tất cả đều trả lời:

– Chúng tôi không có lấy!

Nghe vậy, anh thợ ngọc nghĩ: “Chắc là Trưởng lão lấy viên ngọc!”, bèn ngỏ ý với vợ rằng:

– Chắc Trưởng lão lấy chớ không ai khác.

Người vợ khuyên can rằng:

– Anh ơi, anh đừng nói vậy. Từ bấy lâu nay chúng ta chưa hề thấy Trưởng lão phạm lỗi gì! Không lẽ Trưởng lão lấy cắp viên ngọc?

Anh thợ ngọc trai hỏi ngay Trưởng lão:

– Bạch Ngài, viên ngọc con để trong chỗ nầy, Ngài đã lấy cất phải không?

– Nầy ông Thiện nam, ta không có lấy cất.

– Bạch Ngài, ở đây không có ai khác, vậy ngoài Ngài ra thì ai lấy? Xin Ngài hãy trao trả lại viên bảo châu lại cho con!

Anh thợ ngọc lại vào bàn với vợ một lần nữa rằng:

– Vị Trưởng lão đã ăn cắp viên bảo châu của anh, để anh tra khảo ông ta mới được!

– Anh ơi! Anh đừng báo hại chúng ta. Thà là chúng ta chịu làm nô lệ còn hơn. Ta đừng nói lời như thế với Trưởng lão.

Anh thợ ngọc nói:

– Dầu tất cả chúng ta đi làm nô lệ cũng không đủ đền tiền viên ngọc Ma ni.

Thế rồi, anh ta lấy dây luộc quấn, niền đầu Trưởng lão và lấy gậy gõ mạnh vào. Từ đầu Trưởng lão máu chảy ra như xối, hai mắt Trưởng lão gần lòi ra ngoài. Thọ khổ khốc liệt, Trưởng lão ngã nằm xuống đất. Con thiên nga đánh hơi mùi máu, chạy đến uống máu của Trưởng lão. Sẵn trớn giận Trưởng lão, anh thợ ngọc hét: “Còn mầy nữa, mầy đã làm gì?”, và lấy chân đá hất con Thiên Nga đi. Bị một đá của anh ta, con thiên nga chết ngay, nằm lăn trên đất.
Trưởng lão nhìn thấy vậy mới nói:

– Ông Thiện nam, ông hoan hỷ cởi lỏng bớt vòng dây xiết chặt đầu ta, để ta nhìn cho rõ xem con thiên nga đã chết rồi hay chưa?

Khi ấy, người thợ ngọc nói:

– Rồi ông cũng sẽ chết như nó vậy đó!

– Nầy ông Thiện nam, con thiên nga nầy đã nuốt viên ngọc Ma ni, nếu nó chưa chết thà ta chịu chết chớ không nói cho ông biết chuyện nầy.
Người thợ ngọc mổ bụng con thiên nga, thấy được viên bảo châu rồi, liền phát run lên, tâm thần hoảng hốt, quỳ mọp dưới chân Trưởng lão xin sám hối.

– Bạch Ngài, xin Ngài xá tội cho con. Vì con mù quáng mà lỡ xúc phạm đến Ngài!

– Nầy ông Thiện nam, ông không có tội chi mà ta cũng không có tội. Đây chẳng qua là nghiệp quả trong vòng luân hồi, ta tha thứ cho ông rồi đó.

– Bạch Ngài, nếu Ngài tha thứ tội cho con thì con xin thỉnh Ngài vẫn đến ngồi ở nhà con mà thọ bát!

– Nầy ông Thiện nam, từ rày về sau, ta sẽ không bao giờ đi vào trong mái nhà của những người khác. Quả thật, vì sự xâm nhập vào nhà người mới có phát sanh tội khổ nầy đây. Từ rày về sau, nếu ta còn khỏe, chân đi được, thì ta chỉ sẽ đến đứng trước cửa nhà mà thọ bát mà thôi!

Nói rồi, Trưởng lão nguyện giữ Hạnh Đầu đà bằng bài kệ nầy:

“Paccati munino bhattaṃ,
Thokaṃ thokaṃ kule kule;
Piṇḍikāya carissāmi,
Atthi jaṅghabalaṃ mamā’ti”.


“Cơm đã nấu để cho người tịnh sĩ, mỗi nhà một ít, nhà nầy nhà kia; ta sẽ đi trì bình khất thực, vì chân ta có sức khỏe!”.

Sau khi nguyện Đầu đà thường khất thực, Trưởng lão vì bị đánh đến mang bịnh, nên không bao lâu Ngài Níp Bàn. Con thiên nga chết, tái sanh vào thai bào của vợ người thợ ngọc. Còn anh ta, sau khi chết bị đọa vào Địa ngục. Vợ anh sau khi chết được thọ sanh về Thiên giới, nhờ lúc trước có tâm dịu hiền đối với Trưởng lão. Tỳ khưu bạch hỏi Đức Bổn Sư về cảnh giới tái sanh của những nhân vật trên đây, Đức Bổn Sư đáp:

– Nầy các Tỳ khưu, một số đi đầu thai vào cõi nhân giới, một số kẻ ác bị đọa xuống địa ngục, một số thiện nhân vãng sanh lên thiên đàng, các bậc vô lậu thì Níp Bàn Vô Dư.

Nói rồi, Ngài thuyết pháp và kết luận bằng kệ ngôn rằng:

Gabbhameke uppajjanti,
Nirayaṃ pāpakammino;
Saggaṃ sugatino yanti,
Parinibbanti anāsavā”.

Một số sinh ra từ bào thai, kẻ ác thì đọa vào địa ngục, người chính trực thì sinh lên chư thiên, nhưng cõi Níp Bàn chỉ dành riêng cho những ai đã diệt sạch nghiệp sanh tử.

CHÚ GIẢI:
Gabbhaṃ: Ở đây chỉ bào thai người. Ba câu kệ sau nghĩa lý đã rõ rệt. Cuối thời Pháp, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Nói thật thì e phạm sát sanh,
Nhẫn từ, Trưởng lão cứ làm thinh,
Chủ nhà sợ mất kim cương quý,
Tra khảo nhà sư, chẳng niệm tình.
Chim chết, sư liền được giải oan,
Nhưng Tâm nhàm chán việc trần gian,
Từ nay nhất nguyện xa gia chủ,
Thọ Pháp Đầu Đà, đến Níp Bàn.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO ĐỀ XÁ VÀ ANH THỢ NGỌC

115

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app