Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Ngu Nhơn: Tích Đại Đức Thiện Pháp

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngu Nhơn: Tích Đại Đức Thiện Pháp

“Asataṁ bhāvanamiccheya,
Purekkhārañ ca bhikkhusu;
Āvāsesu ca issariyaṃ,
Pūjā parakulesu ca”
.

“Mam’eva kata maññantu,
Gihī pabbajitā ubho;
Mam’eva ativasā assu,
Kiccākiccesu kismici;
Iti bālassa saṅkappo,
Icchā māno ca vaḍḍhati”.

“Ham danh không tương xứng,
Chức vị Tỳ khưu trưởng,
Quyền hành tại chùa chiền,
Lễ vật ngoại nhân chúng ”.
Mỗi việc chính ta làm,
Tăng tục cả hai ban,
Phải tùy ta sắp đặt,
Từng chi tiết nhỏ nhặt,
Người ngu chỉ bao hàm,
Càng ngã mạn tham lam”.

Kệ Pháp Cú này, Đức Bổn sư đã thuyết ra khi Ngài an cư tại Jetavana, đề cập đến Đại Đức Thiện Pháp (Suddhamma) và một cận sự nam. Chuyện ấy phát khởi từ thành Macchikāsaṇḍa (Mạc Thi Ca), về sau chấm dứt tại thành Savatthī (Xá Vệ).

Quả thật trong thành Machikāsaṇḍa (Mạc Thi Ca), có vị cư sĩ tên Citta (Hữu Tâm). Khi trông thấy Đại Đức Mahānāma thuộc nhóm năm vị Kiều Trần Như đang trì bình khất thực, tướng mạo trang nghiêm thì sanh lòng tín ngưỡng, bèn ra rước bát và thỉnh Đại Đức vào nhà để cúng dường thực phẩm.

Sau khi Đại Đại Đức thọ thực xong, ông được Đại Đức thuyết pháp cho nghe, khiến ông đắc quả Tu Đà Hườn. Với đức tin kiên cố, ông muốn kiến tạo một ngôi vườn du ngoạn của mình, mệnh danh là Ambāṇakavana thành một cảnh Già Lam của Đại đức Tăng, nên ông làm lễ dâng cúng ngôi vườn bằng cách xối nước lên tay của Đại đức Mahānāma và nguyện rằng: “Ngay trong sát na nầy, xin cho Phật Pháp được thành tựu”. Nước xối vừa hết thì khắp mặt địa cầu đều chuyển động.

Tiếp theo đó, nhà đại gia sản lo sửa sang ngôi vườn, lập nên ngôi đạo tràng đại tự, là nơi lúc nào cũng mở rộng cửa ngõ mà đón tiếp khách Tăng tứ phương. Đại Đức Sudhamma được cử làm vị trụ trì ở xứ Macchikāsaṇḍa.

Khi hay tin hai vị Thượng Thinh Văn của Đức Thế Tôn đi gần đến, ông Citta ra đi một quảng đường xa nửa do tuần để nghinh tiếp và đưa Ngài về chùa mình. Lo phục dịch cho hai vị khách Tăng, tẩy trần và dâng nước giải lao xong, ông ngỏ lời xin Đức Pháp chủ (Dhammasenāpati):

– Bạch Ngài, con ao ước được nghe thuyết pháp đã lâu, xin Ngài từ bi hoan hỷ ban bố cho con một vài lời.

Khi ấy, Đại Đức Sāriputta đáp:

– Nầy ông thiện nam, chư Tăng chúng tôi còn mệt mỏi vì đi đường xa, nên chỉ thuyết chút ít thôi. Vậy ông hãy ráng nghe.

Trong lúc vị Pháp Chủ thuyết pháp, ông Citta chú ý lắng nghe và đắc quả A Na Hàm.

Đến cuối thời pháp ông đảnh lễ hai vị Thượng Thinh Văn:

– Bạch hai Ngài, con xin cung thỉnh hai Ngài cùng với một ngàn vị Tỳ khưu, ngày mai đến thọ thực nơi nhà con.

Thỉnh những khách Tăng trước rồi, sau đó ông Citta mới thỉnh đến vị trụ trì là Đại Đức Sudhamma: “Bạch Ngài, con cũng xin thỉnh Ngài, ngày mai đi chung với hai Ngài Đại Đức”.

Cho rằng mình bị mất mặt vì được thỉnh sau các vị khách Tăng, vị trụ trì nổi giận từ khước ngay. Mặc dù thí chủ van nài khẩn khoản, Đại Đức cũng không đổi ý. Thấy vậy ông thiện nam Citta ra về với lời từ giã:

– Bạch Ngài, xin Ngài thông cảm dùm con.

Ngày hôm sau ông Citta ở nhà lo sắp đặt cuộc lễ Trai Tăng rất long trọng.

Từ mờ mờ đất, vị trụ trì ở chùa cũng ngồi không yên, nghĩ thầm rằng: “Để sáng mai ta đến nhà thí chủ xem ông ta cúng dường hai vị Thượng Thinh Văn những lễ vật thế nào cho biết”.

Chờ khi trời sáng tỏ, Đại Đức Suddhamma đắp y mang bát đi đến nhà ông Citta,
nhưng không chịu ngồi. Mặc dầu gia chủ có lời cầu thỉnh, Đại Đức nói rằng: “Ta không ngồi đâu, ta sẽ đi trì bình khất thực”.

Nói rồi, Đại Đức đưa mắt nhìn xem những lễ vật sắp đem cúng dường đến hai vị Thượng Thinh Văn, cố ý muốn xúc phạm đến dòng dõi gia chủ, mới bảo rằng:

– Này gia chủ, những lễ vật cúng dường của ông trọng thể quá, nhưng hiềm vì còn thiếu một món.

– Bạch Ngài, còn thiếu món chi.

– Bánh mè (Tilasaṅkulikā), gia chủ ạ.

Nghe lời châm chích khiếm nhã, ông Citta thuật chuyện ngụ ngôn “Con quạ và con gà mái”, có ý khuyên vị trụ trì thốt ra những lời đạo đức như Phật ngôn chẳng hạn, chớ đừng dùng những tiếng lóng như tiếng “bánh mè”.

Đại Đức Sudhamma bất mãn còn nóng nảy thêm, vì đổ lỗi cho ông cư sĩ, dám so sánh mình với con quạ: “Nầy gia chủ, ta sẽ ra khỏi đất chùa của ông liền bây giờ đây”.

Mặc dầu ông Citta hết sức phân trần là mình không dám nói phạm thượng và yêu cầu Đại Đức Sudhamma đến ba lần, Đại Đức cũng bỏ chùa, đi về Sāvatthī đảnh lễ Đức Bổn Sư và tường trình cuộc đấu khẩu giữa Đại đức và ông Citta.

Đức Bổn Sư phán rằng: “Cận sự nam của ông là người có đức tin trong sạch, mà ông lại thô lỗ, cọc cằn miệt thị người ta”. Phán rồi, Đức Bổn Sư triệu tập Tăng chúng, dạy tụng tuyên ngôn khuyến cáo, nhắc nhở (paṭisāranīyakammaṃ) Đại Đức Suddhamma (bài tuyên ngôn bằng Pāḷi có ghi trong Tạng Luật, quyển thứ 9, chương 134).

Sau khi sám hối giữa chư Tăng, Đại đức còn phải vâng lời Đức Bổn Sư trở về chùa chịu lỗi với ông Citta nữa. Về chỗ cũ, đến giáp mặt với ông Cittta, Đại đức nói:

– Nầy gia chủ, ta đã biết lỗi, người hãy miễn lỗi cho ta.

Nhưng gia chủ Citta từ chối không chịu tha thứ, nói rằng:

– Con không thể tha thứ.

Đại Đức Sudhamma ngỡ ngàng quá, không mở miệng được, vì nhớ lại chuyện mình đã cương quyết bác bỏ lời thỉnh cầu của ông ta. Đại đức làm thinh quay về Sāvatthī một lần nữa.

Vẫn biết là vị Tỳ khưu này cống cao ngã mạn, nhứt định không chịu lỗi với thiện nam, thà là đi suốt quãng đường xa ba mươi do tuần rồi trở về không, nên Đức Bổn Sư để cho đi mà không chỉ dạy cách thức xin lỗi làm sao cả.

Khi Đại đức trở về Jetavana, Đức Bổn Sư phái một vị Tỳ khưu khác cùng đi với Đại đức để giúp cho Đại đức tự thắng được tính ngã mạn và dạy rằng:

– Ông hãy đi chung với ông này để xin lỗi ông thiện nam.

Đức Bổn Sư còn nhấn mạnh thêm rằng:

– Hễ là Sa môn thì không nên nghĩ quấy như vậy: Chùa của ta, đạo tràng của ta, thiện nam của ta, tín nữ của ta hoặc lộ vẻ kiêu căng, tật đố. Vì làm như thế thì các thứ phiền não nhất là tật đố và ngã mạn tự nhiên tăng trưởng thêm lên.

Kết luận xong, Đức Bổn Sư thuyết pháp, đoạn Ngài chấm dứt bài kệ ngôn rằng:

“Asataṁ bhāvanamiccheya,
Purekkhārañ ca bhikkhusu;
Āvāsesu ca issariyaṃ,
Pūjā parakulesu ca”
.

“Mam’eva kata maññantu,
Gihī pabbajitā ubho;
Mam’eva ativasā assu,
Kiccākiccesu kismici;
Iti bālassa saṅkappo,
Icchā māno ca vaḍḍhati”.

“Ham danh không tương xứng,
Chức vị Tỳ khưu trưởng,
Quyền hành tại chùa chiền,
Lễ vật ngoại nhân chúng”.

Mỗi việc chính ta làm,
Tăng tục cả hai ban,
Phải tùy ta sắp đặt,
Từng chi tiết nhỏ nhặt,
Người ngu chỉ bao hàm,
Càng ngã mạn tham lam”.

CHÚ GIẢI:
Asantaṃ…: (Là danh không xứng): nghĩa là Tỳ khưu ngu dốt lại ham muốn danh vọng mà mình không xứng đáng vì mình không có tài đức, ví dụ mình không có chánh tín mà tuyên bố: Tôi là người có chánh tín và muốn cho ai nấy cũng nhìn nhận mình là người có chánh tín. Do tà dục người ngu nói ra những lời như vậy, chẳng hạn mình là người tà tín, phá giới ít kiến văn, không thích độc cư, biếng nhác, tâm bất định, trí tuệ kém, chưa dứt trừ lậu hoặc mà vẫn tuyên bố: “Hãy biết rằng tôi là người ai cũng tán dương: Đây là bậc chánh tín, bậc giới đức, bậc đa văn, bậc độc cư, bậc
tinh tấn, bậc có tâm thanh tịnh, có đầy đủ trí tuệ, là bậc Lậu Tận”. Như vậy gọi là ham danh không xứng đáng.

Purekkhāraṃ: chức vị Tỳ khưu trưởng (dẫn đầu cả nhóm), nghĩa là ham muốn chỗ ngồi trên trước cả đoàn Tỳ khưu trong chùa, để Tăng chúng hộ tống mình và bẩm
bạch hỏi hang mọi công việc.

Āvāsesu: (Quyền hành tại chùa, nơi đạo tràng): Là chỗ ngụ của Tăng chúng, như ở giữa vườn chùa có chỗ ngồi cao sang thì mình dành riêng cho các Tỳ khưu bạn mới bạn cũ của mình. Chính mình chiếm địa điểm quý báu nhất. Còn đối với các khách Tăng thì chỉ định chỗ ngụ dơ bẩn, bất tiện, ở bên ranh vườn chùa và chỗ có phi nhơn
giữ gìn. Như vậy là muốn chiếm độc quyền về chỗ ngụ trong chùa.

Pūjā parakulesu ca: (Lễ vật ngoại dâng cúng): Tỳ khưu có tâm tham tứ vật dụng của tín thí cúng dường, muốn rằng: “Chà, phải chi họ dâng lên một mình ta, chớ dâng cho ai khác hết”.

Mam’eva kata maññantu, gihī pabbajitā ubho: (Mọi việc chính ta làm, Tăng tục cả hai ban): Người ngu hằng tư duy tự lập công trạng như vầy: Tất cả hai bên cư sĩ và xuất gia phải biết rằng: Bất cứ việc chi lớn nhỏ trong chùa từ việc quét tước, sắp đặt trong chỗ Tăng phát lộ cho đến việc kiến thiết những cơ sở mới đều do Đại đức của ta đứng ra chỉ huy mới thành tựu, mới kết quả mỹ mãn.

Mam’eva ativasā assu, kiccākiccesu kismici: (Phải tùy theo sắp đặt, từng chi tiết nhỏ nhặt). Người ngu tư duy như vậy: Tất cả hai hàng cư sĩ và xuất gia đều nhờ quyền lực ảnh hưởng của ta mới có được nào là xe cộ, bò bê, dao mác, búa rìu. Dầu là việc nhỏ nhen như nấu cháo ăn sáng, tất cả mọi công việc lớn nhỏ phải làm cách nào đều phải hỏi lại ta để ta định đoạt.

Iti bālassa saṅkappo, icchā māno ca vaḍḍhati (Người ngu nghĩ như vậy, càng ngã mạn tham lam): Khi tà tư duy đã phát sanh lên như vậy thì không bao giờ có được Tuệ minh sát hay là Đạo quả tăng tiến được nữa. Trái lại, ái dục (taṇhā) sẽ dấy lên theo sáu cửa và đồng tăng trưởng với tâm ngã mạn như toàn thể nước thủy triều dâng lên trong dục hải.

Khi thời pháp chấm dứt, nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả, nhất là Dự Lưu.

Đại Đức Sudhamma nghe Đức Thế Tôn ban huấn từ xong, đảnh lễ Ngài, rời khỏi chỗ ngồi đứng lên nhiễu quanh Ngài ba vòng, đoạn cùng vị Tỳ khưu bạn lên đường đi Macchikāsaṇḍa.

Vừa trông thấy ông thiện nam Citta, Đại đức đã chịu lỗi và xin ông miễn thứ.

Ông Citta đáp:

– Bạch Ngài, con xin miễn lỗi cho Ngài. Nếu con có lỗi chi xin Ngài tha thứ cho con.

Sau khi sám hối với ông thiện nam, Đại đức Sudhamma lấy huấn từ Đức Bổn Sư làm đề tài suy niệm và ngay sau đó Đại đức đã giác ngộ đắc ngay quả A La Hán với Tuệ phân tích.

Còn ông thiện nam nghĩ thầm: “Từ lúc đắc quả Tu Đà Hườn ta chưa gặp Đức Bổn Sư, kế đến đắc quả A Na Hàm ta cũng chưa gặp được Ngài. Vậy ta phải đến bái yết Ngài mới được”.

Thế rồi ông Citta chuẩn bị lễ vật cúng dường như gạo, mè, đường, sữa, khăn… chất đầy năm trăm cỗ xe bò. Ông thỉnh chư Tăng vị nào muốn đến bái yết Đức Bổn Sư thì đi chung đoàn, khỏi lo đi bát cực nhọc. Ông thỉnh Tỳ khưu Tăng, Ni và luôn cả cận sự nam, cận sự nữ nữa.

Thành ra tất cả năm trăm Tỳ khưu, năm trăm Tỳ khưu Ni, năm trăm Thiện nam và năm trăm Tín nữa, vậy đoàn cùng đi với ông Citta cùng với ba ngàn tùy tùng của ông. Với con số của đoàn lữ hành cùng với con đường dài ba mươi do tuần đông đảo như thế, mà ông lo lắng sắp đặt mọi việc rất chu đáo, không để cho ai phải thiếu cơm vật thực chi hết.

Khi hay đoàn hành hương đã lên đường, chư thiên lập trại cách khoảng đường từng mỗi do tuần một, để khoảng đãi đại chúng bằng những vật thực như cháo, cơm, bánh, nước… của cõi trời. Do đó, không ai thiếu thốn món chi cả.

Được chư thiên đón đưa như thế, đoàn hành hương đi mỗi ngày được một do tuần. Đúng một tháng họ mới đến kinh thành Sāvatthī. Số đồ vật đem theo còn đầy nguyên trên năm trăm cỗ xe bò, chư thiên và nhân loại đồng dốc tay cho hết tặng phẩm rồi mới từ biệt.

Hôm ấy Đức Bổn Sư bảo Đại đức Ānanda: “Nầy Ānanda, chiều nay khi bóng xế tà gia chủ Citta dắt theo năm trăm thiện nam sẽ đến đảnh lễ Như Lai”.

– Bạch Ngài, trong lúc ông đảnh lễ Ngài, sẽ có hiện tượng huyền diệu chi chăng?

– Này Ānanda, sẽ có.

– Bạch Ngài, sẽ có việc chi?

– Lúc đảnh lễ Như Lai, thì khắp một vùng vương thổ rộng độ tám sào, sẽ có chư thiên làm mưa hoa dày đặc rơi xuống, bề cao ngập lút đầu gối. Kim ngôn này được dân chúng trong thành nghe được, họ truyền tin cho nhau rằng: “Nghe nói có một gia trưởng tên là Citta, là bậc đại phước sẽ đến đây hôm nay để đảnh lễ Đức Bổn Sư. Nghe nói sẽ có hiện tượng huyền diệu như vậy. Chúng ta cũng nên đi xem cho biết mặt nhà đại phúc ấy”, thiên hạ mang theo quà biếu, ra đứng chờ hai bên lề đường.

Khi đến gần chùa Jetavana, năm trăm vị Tỳ khưu vào trước nhất. Gia chủ Citta dặn đoàn tín nữ: “Quý bà, quý cô hãy rán chờ vào sau”. Rồi tự mình dắt cả đoàn thiện nam đi đến chỗ Đức Bổn Sư đang ngự.

(Theo lệ thường, ngay trước mặt Đức Thế Tôn không có ai dám đứng hoặc ngồi hay làm cái chi khác. Luôn luôn chừa trống con đường trước mặt Đức Thế Tôn và chỉ đứng thành hàng ở hai bên).

Thấy chỗ trống rộng rãi, gia chủ Citta đi ngay vào đó. Những Thánh Thinh Văn đắc từ Tam quả trở xuống, lấy mắt nhìn nhau, hồi hộp, đại chúng cũng chăm chú nhìn, họ kháo nhau: “Ông ta là gia chủ Citta phải không?”. Đến chỗ Đức Thế tôn đang ngự, ông Citta đi vào trong vòng hào quang sáu màu của Ngài, rồi sụp xuống đảnh lễ và ôm chân của Ngài.

Ngay trong giây phút ấy, hoa trời rơi xuống như mưa. Muôn ngàn tiếng chúc:

“Lành thay! Lành thay!” vang dậy.

Ông Citta lưu lại bên Đức Thế Tôn trong thời gian một tháng. Lúc ấy, mỗi ngày đều có lễ Trai Tăng trong chùa Jetavana, do thiện tín cúng dường cho toàn thể chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm tọa chủ. Ông Citta và đoàn tùy tùng của ông cũng được thiết đãi tại chùa. Không có ngày nào mà ông phải đi lấy vật dụng chi để trên xe bò của ông cả. Chư thiên trong nhân loại mang tặng phẩm đến Trai Tăng và đảm đang tất
cả mọi việc cúng dường.

Đến giáp tháng, ông Citta vào đảnh lễ Đức Bổn Sư và bạch rằng:

– Bạch Ngài, con đến đây với mục đích cúng dường, nhưng con không lấy được món gì trên xe con đem theo để cúng dường đến Ngài được cả, vì đã có chư thiên và nhân loại mang lễ vật đến cúng dường suốt một tháng qua. Dù cho con có nán ở lại đây một năm nữa, nhắm con không thể dâng cúng lễ vật của con được bao giờ. Nay con định về xứ, xin Ngài chỉ định chỗ nào cho con chất hết đồ đạt trên xe bò xuống, để trở về xe không.

Đức Bổn Sư dạy Đại đức Ānanda: “Này Ānanda! Ông hãy chỉ cho ông thiện nam này địa điểm để ông ấy chất đồ trên xe bò xuống, để trở về xe không”.

Đức Bổn Sư bảo Đại đức Ānanda, Đại đức vâng lịnh, chọn một địa điểm thích nghi, rồi họp Tăng tụng tuyên ngôn, nhìn nhận địa điểm đúng heo Luật (Kappiyabhūmi). Tương truyền rằng : Đức Bổn Sư cho phép chỉ định địa điểm thích hợp là do nơi lời yêu cầu của gia trưởng Citta vậy.

Sau khi dốc hết đồ vật trên xe bò xuống, ông thiện nam Citta cùng với ba ngàn tùy tùng lên đường trở về xứ. Nhưng chư thiên và nhân loại đồng nói: “Thưa Ngài, chẳng lẽ Ngài đi xe không mà về hay sao?”. Nói rồi đồng đem đồ thất bảo làm quà tặng chất đầy cỗ xe bò.

Ông Citta đích thân đứng ra phân phát bố thí các tặng phẩm cho quần chúng, hết rồi mới đi. Thấy vậy, Đại đức Ānanda đảnh lễ Đức Bổn Sư và bạch rằng:

– Bạch Ngài, trong lúc gia chủ Citta từ nhà đến yết kiến Ngài, ông đã đi suốt một tháng, và ở đây mãn một tháng ông lại trở về, suốt cả thời gian ấy, ông không ngớt nhận tặng phẩm mỗi ngày.

Hôm nay biết tin ông cúng dường hết tặng phẩm trên xe bò để trở về với xe không, chư thiên và nhân loại lại nói rằng: “Thưa Ngài, chẳng lẽ Ngài đi về xe không?”. Rồi đem đồ thất bảo làm quà tặng chất đầy các cỗ xe bò cho ông và nghe nói đích thân ông đứng ra bố thí hết tặng phẩm đến đại chúng rồi mới đi. Bạch Ngài, có phải là ông chỉ được danh dự như thế trong khi đến hầu Ngài mà thôi, hay là khi đến hầu vị nào khác, ông cũng được như vậy?

– Này Ānanda ! Dầu là đến với Như Lai hay đến với vị nào khác, danh dự cũng phát sanh lên cho ông thiện nam này. Quả thật vậy, vì ông là người có đức tin trong sạch, có đầy đủ giới hạnh. Người như thế đi đến xứ nào cũng được sự tôn kính của mọi người.

Thuyết đến đây, Đức Bổn Sư đọc bài kệ, về sau được xếp vào phẩm Tạp Lục (Pakiṇṇaka vagga).

“Saddho sīlena sampanno,
Yaso bhogasamappito;
Yaṃ yaṃ padesaṃ bhajati
Tattha tattheva pūjitoti”.

“Bậc chánh tín, giới hạnh,
Hữu danh, tài sản Thánh,
Dầu đến ở xứ nào,
Cũng được người tôn kính”.

Nghĩa lý bài kệ này sẽ được giải thích rõ ràng nơi phẩm Tạp Lục. Nghe vậy Đại đức Ānanda bạch xin Đức Thế Tôn thuật tiền kiếp của gia chủ Citta.

Đức Bổn Sư bèn nhắc tích rằng:

“Này Ānanda! Citta đã từng phát nguyện dưới chân Đức Phật Padumuttara. Sau khi luân hồi lên xuống trong các cõi trời và người hết một trăm ngàn đại kiếp (kappa), đến thời Đức Phật Kassapa ông thọ sanh vào dòng thợ săn nai (Migaluddaka). Đến tuổi trưởng thành, ông cũng sống về nghề săn bắn. Một hôm nhằm lúc trời mưa, ông cầm lao đi vào rừng để săn thịt. Đang nhìn kiếm nai, ông trông thấy vị Tỳ khưu đầu trùm y đang ngồi sườn núi, ông nghĩ thầm:

“Đây chắc là vị Sa môn đang hành Sa môn pháp, ta hãy đem cơm đến dâng cúng Ngài”.

Ông thợ săn nai hối hả trở về nhà bảo vợ nhóm lò lửa, một lò nấu thịt săn được hôm qua, một lò nấu cơm. Khi ấy vật thực đã sẵn sàng, ông thấy những vị Tỳ khưu khác đang đi trì bình khất thực, ông cũng ra thỉnh bát dọn chỗ mời các vị ngồi, rồi dặn người nhà lo hộ độ các Đại đức trì bình khất thực, còn mình thì lấy giỏ đựng cơm bát đem đi dọc đường, ông hái nhiều thứ hoa đậy trên nắp bát rồi đi ngay đến chỗ vị Đại đức đang tịnh tọa.

– Bạch Ngài, xin Ngài từ bi tế độ cho con.

Nói rồi ông rước lấy bát, sớt cơm canh xong, dâng hai tay đến Đại đức và cúng dường luôn những hoa tươi mới hái.

Khi ấy ông phát nguyện rằng: “Do tâm con thỏa thích trong khi cúng dường bát cơm ngon lành cùng với những bó hoa tươi đẹp như vậy như thế nào, xin cho con tái sanh lên cõi nào, bất cứ nơi đâu cũng được hàng ngàn quà tặng đem đến cho con và có 
mưa hoa ngũ sắc trên trời rơi xuống, làm cho tâm con thỏa thích cũng như thế ấy”.

Nhờ tạo thiện nghiệp suốt đời, đến lúc hết tuổi thọ ông được tái sanh lên Thiên giới. Nơi ông sanh ra, có hoa trời rơi xuống, cao tới đầu gối. Bây giờ cũng như ngày ông chào đời, lúc ông đến nơi đây ông được hoa trời rơi xuống đón mừng, được vô số tặng
phẩm đem đến biếu và được bảy vật báu chất đầy xe bò như thế, là do nơi quả phước
cúng dường của tiền nghiệp ấy vậy.

Dịch Giả Cẩn Đề
Vì chút si mê muốn đứng đầu,
Trụ trì Thiện Pháp nặng lo âu,
Danh cao chẳng trọn, công đành bỏ,
Chức lớn không toàn lại miễn thâu.
Trách kẻ hữu tâm lời nhã nhặn,
Quên mình vô ý tánh câu mâu,
Nhờ kinh Pháp Cú, thầy khuyên dứt,
Diệt ngã hành thâm đắc đạo mầu.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC THIỆN PHÁP

69

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app