Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Đao Trượng: Tích Trưởng Lão Khố Rách

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Đao Trượng: Tích Trưởng Lão Khố Rách

143. “Hirinisedho puriso,

Koci lokasmi vijjati;
Yo niddaṃ apabodheti,
Asso bhadro kasāmiva”.

144. “Asso yathā bhadro kasāniviṭṭho,
Ātāpino saṃvegino bhavātha;
Saddhāya sīlena ca vīriyena ca,
Samādhinā dhammavinicchayena ca;
Sampannavijjācaraṇā patissatā,
Pahassatha dukkhamidaṃ anappakaṃ”.

“Thật khó tìm ở đời,

Người biết thẹn, tự chế,
Biết tránh né chỉ trích,
Như ngựa hiền tránh roi”.

“Như ngựa hiền chạm roi,
Với Tín, Giới, Tinh tấn,
Thiền định cùng Trạch pháp.
Minh hạnh đủ,Chánh niệm,
Đoạn khổ này vô lượng”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên tự) đề cập đến Trưởng lão Pilotika (Khố Rách). Một ngày nọ, Trưởng lão Ānanda gặp một cậu bé mặc y phục rách rưới, tay cầm cái chén đi xin ăn, bèn hỏi nó:

– Sao con sống lang thang như thế làm gì? Xuất gia chẳng là cao thượng hơn chăng?

– Bạch Ngài, ai sẽ cho con xuất gia?

Nghe vậy, Trưởng lão nói: “Ta sẽ cho con xuất gia”. Rồi Trưởng lão dắt cậu bé về chùa, bảo cậu ta tắm rửa sạch sẽ, cho nó thọ đề mục và cho cậu ta đắp y xuất gia.

Khi trải quần áo cũ vá ra xem, thấy không có chút nào mót làm vải lọc nước được, ông tân Sadi liền máng chúng nó trên nhánh cây chung với cái chén xin ăn.

Về sau, Sadi ấy tu lên Tỳ khưu, gặp thời Phật giáo đang hưng thịnh, lợi lộc phát sanh rất nhiều, ông thọ hưởng quá đầy đủ, đắp toàn những lá y quý giá, thân thể phì nộn, ông lấy làm bất mãn, tự trách: “Ta cần gì đắp y để cho người đời phát sanh đức tin? Ta sẽ mặc lại y phục cũ vá của ta”.

Đến chổ nhánh cây, ông cầm lấy quần áo cũ và tự mắng rằng: “Nầy kẻ vô sĩ, không biết hổ thẹn, ngươi muốn xả bỏ những y lành lặn như thế nầy, để mặc lại bộ đồ giẻ rách, cầm cái chén đi xin ăn hay sao?

Đây là ông mượn cách nầy làm đối tượng để tự mình khuyến giáo lấy mình, nhờ sự huấn dụ cảnh giác như thế, tâm ông sư lắng dịu. Sau khi ra khỏi chỗ treo quần áo cũ vá, tẩy sạch phiền não trong tâm rồi, ông trở về chùa. Vài ngày sau, tâm ông lại bất mãn, ông lại trở ra chỗ đó và tự giáo hóa tâm như trước, khi tâm lắng dịu, ông lại trở về chùa. Ông cứ đi đi lại lại như thế mãi, khiến Chư Tăng thấy lạ, hỏi ông:

– Đạo hữu đi đâu vậy?

Trưởng lão đáp:

– Bạch các Ngài, tôi đến viếng thầy A Xà Lê!

Nhờ lấy quần áo vá cũ của mình lúc trước để làm đề mục quán tưởng. Trưởng lão ngăn được tâm bất mãn, tự chế được mình, nên mấy hôm sau đắc quả A La Hán. Các Tỳ khưu hỏi:

– Nầy đạo hữu, sao bây giờ đạo hữu không đi viếng thầy A Xà Lê nữa? Đây há không phải là con đường hành đạo của đạo hữu ư?

– Bạch các Ngài, tôi đến tiếp xúc với thầy A Xà Lê để nhờ thầy nhắc nhở, bây giờ, tôi đoạn giao với thầy rồi, nên tôi không viếng Thầy nữa(1).

Chư Tăng bèn mách với Đức Như Lai:

– Bạch Ngài! Tỳ khưu Vải Rách phạm đại vọng ngữ!

– Nầy các Tỳ khưu! Thầy ấy đã nói những gì?

– Bạch Ngài, thầy ấy đã nói như vầy…

Nghe rõ câu chuyện, Đức Bổn Sư xác nhận rằng: “Đúng vậy, nầy các Tỳ khưu, con trai Ta lúc cần tiếp xúc để được nhắc nhở thì đến viếng thầy A Xà Lê, bây giờ đã đoạn giao với thầy, tự mình cấm ngăn lấy mình để đắc quả A La Hán rồi!”.

Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

143. “Hirinisedho puriso,
Koci lokasmi vijjati;
Yo niddaṃ apabodheti,
Asso bhadro kasāmiva”.

144. “Asso yathā bhadro kasāniviṭṭho,
Ātāpino saṃvegino bhavātha;
Saddhāya sīlena ca vīriyena ca,
Samādhinā dhammavinicchayena ca;
Sampannavijjācaraṇā patissatā,
Pahassatha dukkhamidaṃ anappakaṃ”.

143-144. Biết lấy điều hổ thẹn để tự cấm ngăn mình, thế gian ít người làm được. Nhưng người đã làm được, họ đã khéo tránh hổ nhục như ngựa hay khéo tránh roi da. Các người hãy nổ lực sám hối như ngựa đã hay còn thêm roi. Hãy ghi nhớ lấy Chánh tín, Tịnh Giới, Tinh tiến,Tam Ma Địa (Thiền định), Trí phân biệt Chánh Pháp và Minh hạnh túc, để tiêu diệt vô lượng thống khổ.

CHÚ GIẢI:
Hirinisedho: người biết hổ thẹn, tự ngăn cấm những ý tưởng bất thiện, không cho sanh lên trong tâm mình.

Koci lokasmiṃ: những người như vậy thật khó tìm gặp tron đời, khó có được trong thế gian.

Yo niddaṃ: người nào không dễ duôi hành Sa môn Pháp, biết tránh lời chê trách, không để sanh lên đến mình, nên không biết (Apabodheti) đến sự hổ nhục.

Kasāmiva: như ngựa hay khéo tránh roi da, không để phạm đến mình, người khéo tránh sự chê trách, thật khó gặp gỡ vậy.

Bài kệ thứ hai giảng vắn tắt như vầy: “Nầy các Tỳ khưu, như ngựa hay mà sanh chứng phóng dật, người ta phải dùng đến roi da. Ta đây cũng đánh bằng một thứ roi da khác để phấn khích các thầy. Như vậy các thầy hãy có nhiệt tâm, hãy có kinh cảm, có đủ cả hai loại: Đức tin phàm và Thánh, tứ thanh tịnh Giới, Thân ý Tinh cần, Tám bậc Thiền, Thiền diệt, do có Trí phân biệt lý và phi lý, và do có Trạch pháp rồi đắc Tam Minh hoặc Bát Minh với Mười lăm cái Hạnh, gọi là Minh Hạnh Túc, với Chánh Niệm hiện tại, hãy tiêu trừ cái khổ vô lượng trong vòng luân hồi nầy đi!”. Cuối thời Pháp, nhiều Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch giả Cẩn Đề
Tỳ khưu biết thẹn, tự chế mình,
Mỗi lúc tâm phiền não phát sinh,
Ra chỗ cây treo đồ cũ rách,
Quán về thống khổ kẻ cùng đinh.
Lần lần, tâm chứng cảnh an vui,
Nẻo đến cây rừng vắng tới lui,
Tăng thấy khác thường, kêu hỏi thử,
Sư rằng: “Thầy hết nhắc thời thôi!”
Tăng trách Sư khoe Đạo quả linh,
Phật rằng: “Ai khéo biết cảm kinh,
Ngựa hay, chẳng đợi gì roi đánh,
Tín, Tấn, Niệm thường, Định, Huệ sinh”.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO KHỐ RÁCH

126

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app