Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II 

Phẩm Ngàn: Tích Tỳ Khưu Ni Tóc Quăn

102. “Yo ca gāthāsataṃ bhāse,

Anatthapadasañhitā(1);
Ekaṃ dhammapadaṃ seyyo,
Yaṃ sutvā upasammati”.
103. “Yo sahassaṃ sahassena,
Saṅgāme manuse jine;
Ekañca jeyyamattānaṃ,
Sa ve saṅgāmajuttamo”.

“Dầu nói trăm câu kệ

Nhưng không gì lời ích,
Tốt hơn một câu Pháp,
Nghe xong, được tịnh lạc”.
“Dầu tại bãi chiến trường,
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Sư Cô Tóc Quăn (Kuṇḍalakesī).

Tương truyền: Trong thành Rājagaha (Vương Xá) có một nàng tiểu thư con nhà Bá hộ, tuổi vừa hai tám, nhan sắc tuyệt đẹp, khi con gái đến tuổi dậy thì, tình xuân lai láng chớm mộng, thường có ý kiếm chồng. Ông bà Bá hộ cắt một cô tỳ nữ theo giữ gìn, vừa hầu hạ phục vụ tiểu thư và cho hai chủ tớ ở trong một căn phòng sang trọng trên tầng chót của tòa lâu đài bảy tầng.

Khi ấy có một chàng thanh niên con nhà tử tế (Kulaputta) lại hành nghề trộm cướp, bị dân chúng bắt trói thúc ké hai tay sau lưng, dẫn đến pháp trường hành quyết. Đến mỗi ngã tư đường, cậu ta bị dân chúng dùng roi đánh đập.

Tiểu thư nghe tiếng ồn ào của dân chúng tự hỏi: “Cái gì vậy?”. Đứng trên lầu nhìn xuống thấy chàng trai, tiểu thư phát tâm ái luyến, bỏ cả cơm nước nằm liệt giường.

Bà Bá hộ hỏi tiểu thư: “Con ơi! Con đau làm sao vậy?”.

– Nếu con được lấy chồng là chàng thanh niên bị buộc tội trộm cướp và bị dẫn đi đó, thì con sẽ còn sống. Bằng không chắc mạng căn của con sẽ tuyệt, con sẽ chết tại đây cho mẹ coi.

– Con chớ làm như thế. Con muốn có chồng thì để cha mẹ định đôi gả lứa, kiếm nơi môn đăng hộ đối với nhà ta mà kết sui gia. Con sẽ lấy được người khác làm chồng.

– Con không ưng chồng nào khác cả. Nếu không được chàng trai nầy thì nhất định con sẽ chết.

Thuyết phục con gái mình không được, bà Bá hộ báo tin cho chồng biết, ông cũng khuyên nàng không được. Cuối cùng, ông tự nghĩ: “Phải làm gì mới được đây?”.

1 Anatthapadasaṃhitā (theo bản Pāḷi của CSCD/Dhammagiri. India).

Ông sai người nhà cầm ngàn đồng vàng, ra đón đường người lính giải tội, để hối lộ và xin phóng thích tội nhân. Người lính chấp nhận, nhận tiền rồi thả chánh phạm ra và giết chết một tội nhân khác để thế mạng, rồi gởi sớ tâu với Đức vua là tên cướp đã bị hành quyết rồi.

Ông Bá hộ lãnh tên cướp về giao cho tiểu thư.

Muốn làm đẹp lòng chồng, tiểu thư tự mình trang điểm với tất cả nữ trang và lo việc cơm nước cho chồng hết sức chu đáo. Nhưng qua mấy ngày sau, tên cướp khởi manh tâm: “Phải giết con này ở đâu để lấy những nữ trang này đem bán ở quán rượu rồi ăn nhậu cho thỏa thích”. Anh ta lập mưu, từ chối cơm, cháo, nằm liệt giường. Tiểu thư ân cần hỏi chồng: “Anh bị bệnh gì chăng?”.

– Không có bệnh chi cả em à!

– Hay là anh buồn giận cha mẹ em?

– Anh cũng không có buồn giận, em à!

– Nếu vậy anh có tâm sự gì thế?

– Em ơi, trong khi bị bắt dẫn đi, anh có van vái chư thiên ngự nơi vực thẳm, chỗ tử hình (Corappapāte) nên mới được toàn mạng sống. Vả lại, anh được lấy em làm vợ đây, cũng nhờ oai lực của chư thiên. Cho nên anh suy nghĩ: “Phải làm sao trả lễ cúng tế chư thiên đó em à!”.

– Anh ơi! Anh đừng quá lo âu. Để rồi chúng ta sẽ cúng tế trả lễ chư thiên. Anh cho em biết mình cần những thứ gì?

– Cơm sữa nấu với mật ong và ít nước, cùng với ngũ cốc và hương hoa, có vậy
thôi.

– Lành thay! Anh ơi, để em lo sắm sửa đủ lễ vật rồi chúng mình sẽ cùng đi cúng tế.

– Vậy thì, em ơi, em hãy bảo thân quyến lui về hết đi. Còn em hãy mặt y phục và đeo những món trang sức quý giá, rồi cười giỡn và chúng mình sẽ lên đường.

Tiểu thư làm y theo lời chồng bảo.

Khi tới chân núi, tên cướp bảo tiểu thư:

– Em ơi! Từ đây trở đi chúng mình chỉ nên đi hai người thôi. Còn những người khác em hãy cho họ ngồi xe trở về, một mình em tự đội lấy mâm lễ vật.

Tiểu thư làm theo lời chồng dặn, đội mâm lễ vật trèo lên núi, chỗ xử tử bọn cướp (Corappapāta). Núi nầy có hai mặt: một mặt có lối đi, người ta theo đó mà lên núi, còn một mặt đứt chân (Chinnatalaṃ), người ta đứng trên chót núi xô kẻ cướp bị tử hình xuống mặt đó, rơi tới đất là tan xương nát thịt, cho nên nó có tên gọi là vực thẳm xử tử bọn cướp.

Tiểu thư lên đến chót núi rồi, đứng lại bảo chồng:

– Anh hãy cúng tế lễ vật đi!

Tên cướp làm thinh, tiểu thư lại hỏi: “Sao anh lại làm thinh vậy?”.

Nghe giục, tên cướp đáp: “Ta cóc cần cúng tế, ta chỉ nói gạt dụ nàng đến đây mà thôi”.

– Để làm chi thế anh?

– Để giết nàng cướp đoạt trang sức của nàng mà tẩu thoát.

Bấy giờ tiểu thư, bị hăm dọa sợ chết, năn nỉ tên cướp:

– Anh ơi! Cả thân em và những đồ trang sức nầy đều thuộc quyền sở hữu của anh, sao anh lại nói như thế?

Mặc dù tiểu thư nhiều lượt van xin tên cướp: “Anh đừng làm vậy”. Hắn ta cũng nằng nặc quyết một: “Ta phải giết nàng”.

Tiểu thư lại đề nghị: “Thôi anh à, anh khỏi cần giết em làm chi, anh hãy lấy những nữ trang nầy và dung tha mạng sống cho em. Từ giờ trở đi, anh hãy xem như em đã chết rồi. Em nguyện làm nô lệ cho anh”. Nói rồi tiểu thư ngâm kệ rằng:

“Ime suvaṇṇakeyūrā,
Sabbe veḷuriyā mayā
Sabbañca gaṇha bhaddante,
Mamaṃ dāsiñca sāvayāti”.

“Những xuyến vàng nầy, tất cả đều cẩn bằng ngọc bích, anh hãy lấy hết đi. Anh ơi, anh hãy gọi em là nữ nô lệ của anh”.

Nghe vậy tên cướp nói: “Nếu để nàng sống, nàng ta sẽ đi thông tin với cha mẹ nàng, ta phải giết nàng mới được. Nàng đừng khóc than cho lắm vô ích”.

Nói rồi, hắn ngâm kệ ngôn:

“Mā bāḷhaṃ paridevesi,
Khippaṃ bhaṇḍakaṃ bandhāhi;
Na tuyhaṃ jītvitaṃ atthi,
Sabbaṃ gaṇhāmi bhaṇḍakanti”.

“Nàng đừng khóc than chi nhiều, hãy mau mau bó buộc các đồ tư trang. Tuổi thọ của nàng đã hết, ta sẽ lấy tất cả tư trang của nàng”.

Tiểu thư tự nghĩ: “Than ôi, nghiệp của anh nầy quá nặng. Lẽ thường bậc trí tuệ không muốn dùng vật thực chưa được nấu chín. Ta phải dục hoãn cầu mưu, suy tư cho ra phương kế đối phó với anh ta mới được”.

Thế rồi, tiểu thư nói với tên cướp:

– Anh ơi! Khi anh bị bắt vì tội trộm cướp và bị giải đi, em bày biểu cha mẹ xuất ra ngàn đồng vàng để lo cho anh được thả ra và dắt anh về nhà tạo lập gia thất cho anh. Từ đó về sau, em là người nội trợ của anh. Hôm nay anh hãy niệm tình cho em được phép nhìn rõ mặt anh một lần cuối cùng và bái biệt anh.

Tên cướp đồng ý: “Lành thay, em hãy nhìn kỹ và đảnh lễ đi”. Nói rồi, hắn đứng ngay bên bờ vực thẳm trên chóp núi. Tiểu thư nhiễu quanh người chồng bất nghĩa ba vòng, đến vòng thứ tư, nàng quỳ xuống đảnh lễ và nói:

– Anh ơi, đây là lần cuối cùng anh còn thấy em. Bây giờ em không còn dịp gặp anh cũng như anh không còn dịp gặp em nữa.

Sau khi giả vờ ôm chồng hôn từ phía trước mặt rồi tới sau lưng. Tiểu thư đứng tại mép núi phía sau tên cướp, một tay nắm mình, một tay nắm dây lưng hắn ta, kéo ngược hắn ngã nhào xuống vực thẳm. Xác của hắn bị va vào sườn núi, nát ra manh mún mới tới đất.

Vị chư thiên trấn trên đỉnh núi, chỗ xử tử bọn cướp, thấy rõ hành động của cặp vợ chồng này, bèn ngâm kệ ngôn tán dương phụ nữ ấy rằng:

“Na so sabbesu ṭhānesu,
Puriso hoti paṇḍito;
Itthīpi paṇḍitā hoti,
Tattha tattha vicakhaṇāti”.

“Không phải đàn ông luôn luôn là bậc hiền trí ở khắp mọi nơi, phụ nữ đôi khi ở đây đó cũng tỏ ra là bậc hiền trí nữa”.

Sau khi xô tên cướp rơi xuống vực thẳm rồi, tiểu thư tự nghĩ: “Nếu ta về nhà, cha mẹ ta sẽ hỏi: “Còn chồng con đâu?”. Nếu ta trả lời: “Con đã giết anh ấy chết rồi!” ắt cha mẹ ta sẽ mắng xối xả vào mặt ta: “Đồ cứng đầu, đã cho ngàn đồng vàng rước chồng về cho mi, bây giờ mi lại giết hắn đi à?”. Dầu cho ta có nói thật: “Anh ấy muốn giết con để cướp lấy nữ trang”, chắc cha mẹ ta cũng không tin lời ta. Thôi, ta đành vĩnh biệt quê nhà”.

Tiểu thư vứt bỏ hết nữ trang có mặt tại đó, rồi đi lang thang vào rừng, lần hồi đến chỗ trú ẩn của nhóm du sĩ Ta bà (Paribbajakānaṃ). Nàng đảnh lễ các vị nầy, xin cho nàng xuất gia nhập đạo của họ. Họ cho nàng xuất gia, sau đó nàng hỏi: “Bạch các Ngài, người xuất gia trong đạo của Ngài có pháp nào cao thượng nhất?”.

– Nầy hiền hữu! Người xuất gia trong nhóm chúng tôi cần tu hai pháp nầy là tối thượng nhất: Một là đề mục Biến xứ (Kasiṇa) cốt để nhập Định, hai là phải học Thiên ngôn luận (Vādasahassa) cho thật nằm lòng.

– Chắc con không có khả năng tham Thiền nhập Định, vậy con xin học Thiên
ngôn luận, bạch các Ngài!

Các tu sĩ Ta bà liền bắt đầu dạy cho cô tu nữ mới học Thiên ngôn luận, cho đến khi nàng đã thuần thục rồi, họ bảo nàng:

– Bây giờ con đã học được nghề hay rồi, con hãy đi chu du khắp cõi Diêm Phù Đề để tìm người có khả năng tranh luận biện thuyết với mình.

Sư phụ cô trao cho cô một cành cây Diêm Phù (Jambū: Anh Đào) rồi giục cô ra đi.

– Hãy đi, hỡi đệ tử! Nếu con gặp người cư sĩ nào có thể tranh luận với con thì hãy theo hầu hạ người ấy, còn nếu con gặp được bậc xuất gia có khả năng biện thuyết thì con hãy xuất gia với người ấy.

Cô nữ du sĩ từ đây có danh hiệu là nữ du sĩ Diêm Phù (Jambūparibbajikā). Sau khi rời khỏi chỗ ẩn tu, cô đi khắp nơi để tìm cho gặp tay đối thủ biện thuyết.

Nhưng không có ai đủ tài tranh biện cùng nàng. Thế rồi, chỉ cần nghe nói:

“Nữ du sĩ Anh Đào đến kìa!”, mọi người đều bỏ chạy lánh mặt cả.

Nữ du sĩ đi khất thực ở thôn quê lần đến thị thành, mỗi khi vào đến cửa cổng ở đầu làng thì cô vun lên một đống cát cắm cành Anh Đào xuống đó, xong tuyên bố: “Người nào đủ sức tranh luận cùng ta thì hãy chà đạp cành Anh Đào nầy!”. Rồi cô mới đi vào làng.

Chỗ ở của nữ du sĩ ấy không có một người nào có đủ tài lực để bén mảng đến gần cả. Khi rời chỗ đó đi nơi khác, cô ta cũng làm như vậy, cành Anh Đào cũ có héo thì cô thay cành khác tươi hơn. Đến thành Sāvatthī (Xá Vệ), nàng cũng cắm cành Anh Đào tại cổng thành và tuyên bố như trước, rồi vào thành khất thực.

Lúc bấy giờ, Trưởng lão Sāriputta (Xá Lợi Phất) đi trì bình khất thực, độ xong
bữa rồi trở ra ngoài thành, thấy lũ trẻ đứng vây quanh cành Anh Đào. Trưởng lão hỏi: “Cái chi thế?”.

Lũ trẻ tường thuật rành tự sự cho Trưởng lão biết. Trưởng lão bảo chúng:

– Vậy thì, các em hãy chà đạp cành Anh Đào nầy đi.

– Chúng con không dám, bạch Ngài.

– Các em cứ chà đạp đi! Để ta đối đáp với cô ấy!

Nghe Trưởng lão khuyến khích, lũ trẻ hăng hái chà đạp cành Anh Đào, vừa la hét vừa làm cho cát bụi tung lên.

Nữ du sĩ trở về trách mắng lũ trẻ và hỏi chúng rằng:

– Ta với các em không có vấn đề gì để tranh luận. Tại sao các em chà đạp cành Anh Đào của ta?

Lũ trẻ đáp:

– Trưởng lão bảo chúng tôi chà đạp!

– Bạch Trưởng lão! Ngài đã bảo lũ trẻ chà đạp cành Anh Đào của tôi phải chăng?

– Phải đó, này nữ du sĩ!

– Nếu vậy, Ngài hãy tranh luận với tôi.

– Lành thay, ta sẽ tranh luận.

Nữ du sĩ nới rộng áo ở thắt lưng, đến gần Trưởng lão để cật vấn Ngài. Khắp cả kinh thành đều xôn xao vì cái tin hai bậc Đại trí sắp so tài biện bác với nhau. Dân chúng rủ nhau lũ lượt đến đảnh lễ Trưởng lão rồi ngồi nép qua một bên. Nữ du sĩ mở đầu cuộc tranh luận.

– Bạch Ngài, tôi mạn phép được hỏi Ngài một câu.

– Này nữ du sĩ, hãy hỏi đi.

Nữ du sĩ mang “Thiên ngôn luận” của mình ra hỏi, hỏi câu nào cũng đều được Trưởng lão giảng giải rành mạch. Sau cùng, Trưởng lão hỏi lại một câu:

– Ngoài những câu hỏi vừa rồi nàng còn câu hỏi nào nữa chăng?

– Bạch Ngài, chỉ có bấy nhiêu thôi ạ!

– Nãy giờ nàng hỏi ta rất nhiều, ta cũng có một câu muốn hỏi, nàng có hứng giải đáp chăng?

– Bạch Ngài, xin Ngài cứ hỏi, nếu tôi biết thì tôi sẽ giải đáp.

Trưởng lão liền đưa ra một câu hỏi về Danh Pháp, nữ du sĩ không biết lối nào mà giải đáp, phải hỏi lại Trưởng lão rằng:

– Bạch Ngài, câu Ngài hỏi có tên là gì?

– Là Phật Chú (Buddhamanto).

– Bạch Ngài, xin Ngài cho tôi câu Phật Chú đó được chăng?

– Chừng nào nàng cùng một đạo với ta, thì ta sẽ cho nàng.

– Nếu vậy, xin Ngài cho tôi xuất gia đi.

Trưởng lão chỉ dẫn cho nữ du sĩ đến Ni viện và giới thiệu cho cô được xuất gia. Sau khi thọ Cụ túc giới, cô được mệnh danh là Tỳ khưu Ni Tóc Quăn và mấy hôm sau đắc quả A La Hán với Tuệ Phân Tích. Các Tỳ khưu câu hội nơi giảng đường, nêu lên vấn đề này: “Tỳ khưu Ni Tóc Quăn không từng nghe thuyết pháp nhiều, thế mà cũng đắc quả tối thượng của bậc xuất gia. Nghe nói, cô đã một mình đại chiến với tên cướp, thắng được nó mới đến đây xuất gia…”.

Đức Bổn Sư đến hỏi:

– Nầy các Tỳ khưu, hôm nay các thầy ngồi đây thảo luận chuyện chi?

– Bạch Ngài, chuyện nầy…

Nghe vậy, Đức Bổn Sư giải thích:

– Nầy các Tỳ khưu, Pháp của ta thuyết, chớ có trắc lượng bằng số ít hay số nhiều, thà thuyết một câu Pháp Cú còn hơn nói cả trăm câu vô ích. Vả lại, người thắng được tất cả kẻ cướp không đáng gọi là anh hùng vô địch, chỉ có người thắng được những kẻ cướp là phiền não ở nội tâm mới thật xứng danh vô địch.

Nói xong, Đức Bổn Sư thuyết pháp giải thêm và tóm tắt bằng hai bài kệ như sau:

102. “Yo ca gāthāsataṃ bhāse,
Anatthapadasañhitā;
Ekaṃ dhammapadaṃ seyyo,
Yaṃ sutvā upasammati”.
103. “Yo sahassaṃ sahassena,
Saṅgāme manuse jine;
Ekañca jeyyamattānaṃ,
Sa ve saṅgāmajuttamo”.

“Dầu cho tụng đến trăm câu,

Toàn kệ vô nghĩa thì đâu ích gì?
Thà kệ Pháp Cú thích nghi,
Một câu nghe cũng đoạn ly khổ sầu”.
“Chiến trường quyết liệt hơn thua,
Thắng người ngàn trận cũng chưa thật tài,
Thắng mình mới đáng gọi hay,
Chiến công oanh liệ

CHÚ GIẢI:
Gāthāsataṃ: người tụng kệ cho nhiều đếm cho đủ số một trăm câu.

Anatthapadasaṃhitā: nhưng toàn là những câu vô ích, chẳng hạn như giải về
màu sắc bầu trời.

Dhammapadaṃ: Pháp cú là câu nào có đầy đủ nghĩa lý, có lợi ích thiết thực. Ngoại đạo du sĩ cũng có bốn câu Pháp Cú, thế nào là bốn? Du sĩ là người không tham. Du sĩ là người không tác hại. Du sĩ là người có sự ghi nhớ (có Chánh niệm). Du sĩ là người có Chánh Định. So với Pháp Cú của ngoại đạo như vậy thì một câu kệ Pháp Cú còn quý hơn!

Yo sahassaṃ sahassena: người nào một mình cầm binh khí ra chiến đấu với một ngàn ngàn (một triệu) người, chỉ trong một trận giao phong mà thắng được cả triệu người, dầu có đem sự thắng lợi về, cũng chưa đáng gọi là người thắng trận tối thượng.

Ekañca jeyya m’attānaṃ: trái lại, người nào luôn cả ngày đêm, ở mọi chỗ, lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm, ghi nhớ đề mục Chỉ Quán, tự mình thắng được những phiền não tham, sân, si trong nội tâm.

Sa ve saṅgāmajuttamo: người này quả thật là người chiến thắng tối thượng, quý báu, lập được chiến công oanh liệt nhất. Cuối thời Pháp, nhiều Tỳ khưu đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Thiếu nữ làm eo để cưới chồng,
Vì thương kẻ cướp bị lao lung,
Ngờ đâu, ngựa vẫn quen đường cũ,
Hắn chẳng mang ơn, lại trở lòng.
Dụ được nàng lên đỉnh núi cao,
Hắn toan giết, đoạt của, bôn đào,
Nàng khôn, giả cách xin tha mạng,
Lừa thế, xô tên phản bội nhào!…
Giết chồng đâu lẽ trở về nhà?
Sương phụ băng rừng đi xuất gia,
Học được một ngàn câu hỏi đố,
“Diêm Phù” nổi tiếng khắp Ta bà.
Pháp chủ hỏi nàng: “Một là gì?”.
Nàng thưa, xin nhập đạo bên Ni,
Về sau đắc quả A La Hán,
Tăng chúng phàm phu có chỗ nghi,
Phật dạy: Kệ vô nghĩa tụng nhiều,
Trăm câu lợi ích chẳng bao nhiêu!
Sao bằng một kệ nghe vừa dứt,
Tâm được an bình, Khổ não tiêu…
Thắng ngàn quân địch giữa sa trường,
Chẳng phải anh hùng Phật tán dương,
Chỉ có thắng mình là đại thắng,
Chiến công oanh liệt ấy ai đương?…
DỨT TÍCH TỲ KHƯU NI TÓC QUĂN

94

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app