Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Tự Ngã: Tích Thiện Nam Má Ha Ka Lá

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III 

Phẩm Tự Ngã: Tích Thiện Nam Má Ha Ka Lá

Attanā hi kataṃ pāpaṃ,
Atrajaṃ
(1) attasambhavaṃ ;
Abhimatthati dummedhaṃ,
Vajiraṃva’mhayaṃ maṇiṃ”.

“Điều ác tự mình làm,
Tự mình sanh, mình tạo,
Nghiền nát kẻ ngu si,
Như kim cương, ngọc báu”.

Kệ Pháp Cú này, Đức Thế Tôn thuyết khi ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Cận sự nam Mahākāḷa (Má Ha Ka Lá) đã đắc quả Tu Đà Hườn.
Tương truyền rằng: Cận sự nam Mahākāḷa đã thọ trì giới Bát quan trai đủ tám ngày trong tháng, mới thức nghe Pháp suốt đêm trong chùa. Một hôm cũng vào ngày Trai giới, có bọn trộm đạo đã đánh cắp tài sản của một gia tộc nọ, ở gần tịnh xá Kỳ Viên vào lúc ban đêm. Trong khi chúng di chuyển vật trộm đi, gia chủ phát giác được liền báo động, cùng nhau rượt đuổi theo bọn trộm cướp. Chúng quăng bỏ những tang vật rồi bỏ chạy thoát thân. Riêng vị gia chủ vẫn theo truy lùng bọn trộm, chúng chạy tán loạn khắp bốn hướng, có một tên chạy về hướng Tịnh xá Kỳ Viên.

Bấy giờ, đêm gần mãn, Cận sự nam Mahākāḷa sau khi nghe Pháp trọn đêm, đã ra bờ hồ súc miệng rửa mặt, tên trộm ấy chạy đến hồ, quăng bỏ túi đồ trước mặt ông Thiện nam rồi bỏ chạy luôn. Những người đuổi theo bọn ăn trộm, chạy trờ tới, thấy tang vật bị lấy cắp, đổ tội cho ông Thiện nam: “Mày đã khoét vách đột nhập vào nhà chúng ta mà trộm cắp đồ đạc, lại làm bộ đi nghe thuyết pháp”. Họ túm lấy ông Thiện nam đánh đập ông đến chết rồi vứt xác ông một bên mà trở về nhà.

Sáng sớm, các Tỳ khưu trẻ cùng các Sadi đi ra hồ múc nước, thấy xác ông Thiện nam như thế, bảo nhau rằng:

– Cận sự nam Mahākāḷa nghe Pháp trong Tịnh xá suốt cả đêm, nay chết như thế thật là bất ngờ, oan uổng quá!

Các Tỳ khưu trình lên Đức Thế Tôn về sụ việc nầy. Bậc Đạo Sư đáp rằng:

– Đúng như vậy, này các Tỳ khưu! Ông ta chết bất xứng trong kiếp này, nhưng lại tương xứng với nghiệp ác đã tạo trong quá khứ.

Chư Tăng cung thỉnh Bậc Đạo Sư thuyết giảng Bổn Sự về tiền nghiệp của Mahākāḷa.

Thưở quá khứ, có một bọn cướp gần bìa rừng, thuộc vùng biên địa của Quốc vương Bārāṇasī, để giữ an toàn cho sơn dân nơi ấy, Đức vua đặt một viên quan trấn giữ nơi bìa rứng, có phận sự đưa người từ bên này rừng sang bên kia rừng, hay từ bên kia rừng sang bên này rừng.

Một hôm, có chàng thanh niên cùng cô vợ xinh đẹp, khả ái của mình, đánh xe đến nơi bìa rừng ấy. Quan Tổng trấn nhìn thấy giai nhân, bỗng sanh lòng luyến ái, khi người chồng ngỏ ý rằng:

– Xin tướng quân hộ tống chúng tôi qua truông.

– Bây giờ là phi thời rồi, thôi để sáng mai, bản chức sẽ hộ tống ông bà đi sớm!

– Bẩm quan! Bây giờ vẫn còn sớm, xin Ngài hộ tống chúng tôi đi ngay.

– Thôi bạn ạ! Mời hai ông bà trở lại tư dinh của bản chức dùng cơm và nghỉ lại qua đêm.

Tuy không muốn ở lại, nhưng chàng thanh niên cũng đành chịu. Quan Trấn thủ hướng dẫn chàng đánh xe trở lại đồn trấn của mình, ông sắp xếp vật thực cho chàng thanh niên dùng.

Quan Trấn thủ có một viên ngọc quý, ông sai gia nhân lén bỏ vào nơi kín đáo trong xe của khách, rồi đến rạng đông hôm sau, quan cho hô hoán lên rằng: “Hồi hôm, có bọn ăn trộm đã lẻn vào tư dinh”. Nhưng người nhà của quan lại báo cáo:

– Bẩm quan, bọn ăn trộm đã lấy mất viên bảo ngọc rồi.

Sau khi bố trí binh lính phòng thủ các cổng làng, quan ra lịnh rằng:

– Hãy lục soát những người từ trong làng đi ra.

Chàng thanh niên cùng vợ đã chuẩn bị đi từ sáng sớm, khi gia nhân của quan Trấn thủ khám xét xe chàng, tìm thấy viên Bảo Ngọc trong xe ấy, ghép tội chàng rằng:

– Ngươi đã đánh cắp viên ngọc này rồi toan trốn đi phải chăng?

Chúng liền bắt trói và đánh đập chàng thanh niên, đem trình lên quan Trấn thủ:

– Thưa chủ! Tôi đã bắt được kẻ trộm bảo ngọc, chính là gã thanh niên này.

– Bản chức là quan Trấn thủ nơi này. Bản chức đã tiếp đãi nó trọng hậu, cho nghỉ lại qua đêm trong đồn. Thế mà nó lại liên hệ với bọn cướp, đánh cắp bảo ngọc của bản chức như thế. Các ngươi hãy đánh chết nó đi.

Thế là gia nhân của quan Trấn thủ đánh chàng thanh niên cho đến chết, ném xác chàng vào rừng. Quan Trấn thủ chiếm đoạt vợ chàng thanh niên bằng cách như thế. Do ác nghiệp ấy, khi mệnh chung, y bị đoạ vào Địa ngục A Tỳ, bị lửa thiêu đốt trong thời gian dài đếm năm không kể xiết, khi thoát khỏi Địa Ngục, quả còn dư sót của ác nghiệp ấy, khiến cho y bị đánh chết vô cớ đã một trăm kiếp rồi. Sau khi thuyết xong tiền tích của Mahākāḷa, Ngài kết luận rằng:

– Này các Tỳ khưu, những chúng sanh này tự mình đã tạo ác nghiệp như thế, mới bị ác nghiệp nghiền nát trong bốn ác đạo như thế.

Nói rồi, Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

“Attanā hi kataṃ pāpaṃ,
Atrajaṃ attasambhavaṃ ;
Abhimatthati dummedhaṃ,

Vajiraṃva’mhayaṃ maṇiṃ”.

Ác nghiệp do tự mình tạo, tự mình sinh ra, ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cang phá hoại bảo thạch.

CHÚ GIẢI
Vajiraṃva’mhayaṃ maṇinti = Vajiraṃva ahamayaṃ maṇiṃ: Bản kinh lời vàng chép là (Vajiraṃ vasmamayaṃ): như kim cang nghiền bảo thạch. Như trên đã nói, cũng như kim cang nguyên chất đá, do đá sản xuất ra, mà trở lại nghiền nát bảo thạch Ma ni là chỗ gọi là nguồn gốc sanh ra nó thành những mảnh vụn vằn manh mún, hết dùng xài được như thế nào, thì cũng như thế ấy, nghiệp ác tự mình làm, tự mình sanh ra, tự mình sản xuất, nghiền nát, phá hoại kẻ ngu si, vô trí trong bốn đường ác đạo.
Cuối thời Pháp, các Tỳ khưu hiện diện đều đắc Thánh quả, nhất là Tu Đà Hườn quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
Suốt đêm nghe Pháp ở Kỳ Viên,
Vừa sáng tinh sương bị giết liền,
Xác vứt bên hồ sen trước cổng,
Tăng vào hỏi Phật nghiệp tiền khiên.
Phật bảo: Thiện nam chết chẳng oan,
Đời xưa trấn ải, ý quyền quan,
Phao vu, giết hiếp người vô tội,
Để chiếm vợ người mượn đưa đàng!”.
Kẻ ác tự mình gieo ác nhân,
Tự nhiên ác quả đến ngay thân.
Người ngu ác nghiệp nghiền tan nát,
Như ngọc Kim cương nát bảo trân.
DỨT TÍCH THIỆN NAM MAHĀKĀḶA

14

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app