Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Tâm: Tích Đại Đức Tissa Thúi Thây

“Aciraṃ vatayaṃ kāyo,
Paṭhaviṃ adhisessati;
Chuddho apetaviññāṇo,
Niratthaṃ’va kaliṅgaranti”.

“Không lâu đâu xác nầy,
Trên đất sẽ nằm ngay,
Với thức bị vứt bỏ,
Như gỗ mục hết xài”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), đề cập đến Đại đức Tissa thúi thây. Tương truyền rằng: Thưở ấy có một công tử ở thành Sāvatthī (Xá Vệ), sau khi nghe thời pháp của Đức Bổn Sư, bèn ly tục, xuất gia nhập đạo, tu lên Tỳ khưu với
pháp danh là Đại đức Tissa. Trong thời gian đi hành đạo, rày đây mai đó, Đại đức bị nổi đinh sang đầy mình, ban đầu các mụt ngứa chỉ như hột cải, nhưng càng ngày càng lớn thêm ra to bằng hột đậu xanh, hột đậu đen, bằng trái táo lớn, rồi bằng trái a ma lặc (Āmalaka), bằng trái
Beluva.

Khắp châu thân Đại đức đầy những ghẻ, lở loét, hôi hám, do đó Đại đức mới có biệt hiệu là Tissa thúi thây.

Về sau, xương cũng mục gãy, Đại đức không còn đi đứng tự mình được nữa, các y nội ngoại của Đại đức dính đầy máu mủ, có đóm giống như ổ tàng ong. Các Tỳ khưu, Sa di đệ tử không thể chịu đựng được mùi hôi thúi, nên không đến gần săn sóc Đại đức, bỏ Đại đức nằm chèo queo một mình.

Chư Phật thì không bao giờ bỏ qua thông lệ quan sát thế gian, mỗi ngày hai lần: Buổi sáng tinh sương, các Ngài bủa lưới trí quán sát từ ngoài thế giới Ta bà vào tới hương thất và buổi chiều chạng vạng tối, các Ngài quan sát từ hương thất trở ra đến ngoại biên. Trong khi ấy, hình ảnh của Đại đức Tissa thúi thây lọt trong giác võng của Đức Như Lai. Đức Bổn Sư nhìn thấy căn lành của Đại đức Tissa nầy, đắc được quả A La
Hán. Ngài nói thầm: “Tỳ khưu nầy bị các bạn đồng tu và các đệ tử bỏ rơi, ngoài Ta ra thì ông không còn ai là nơi nương tựa khác”.

Đức Bổn Sư ngự ra ngoài hương thất, du hành vòng quanh Tịnh xá như kinh hành, rồi ngự đến phòng nấu nước (Aggisāla), lấy bình rửa sạch, châm đầy nước, bắt lên lò lửa, rồi đứng chờ cho nước nóng. Khi biết nước đã nóng, Ngài đến nắm đầu giường chỗ Tỳ khưu Tissa đang nằm.
Chư Tăng thấy vậy, liền tranh nhau: “Bạch Thế Tôn! Xin dang ra, để chúng con khiêng cho”. Rồi chư Tăng xúm nhau nhấc luôn chiếc giường cùng người, đem vào phòng nấu nước.

Đức Bổn Sư khiến chư Tăng lấy chậu chế nước nóng, cởi y vai trái (uttarasaṅga) của Đại đức, vò sạch sẽ rồi đem phơi nắng. Kế đó, Ngài đến gần Đại đức, bảo Tăng chúng lấy nước nóng thấm ướt mình Đại đức, rồi tắm rửa, kỳ cọ cho sạch sẽ. Khi đại đức tắm xong thì y được phơi cũng vừa khô. Đức Bổn Sư dạy chư Tăng lấy y nầy vận đỡ cho Đại đức, cởi y nội ra đem đi giặt sạch sẽ rồi phơi ngoài nắng.  Khi y nội của Đại đức khô thì mình của Đại đức cũng vừa ráo nước. Được vận một lá y bên dưới, một lá y bên trên xong. Đại đức cảm thấy thân thể nhẹ nhàng, nằm định tâm trên giường.

Đức Bổn Sư đứng trên đầu nằm của Đại đức phán rằng:

– Nầy Tỳ khưu! Thân của ông đây, một khi tâm thức lìa bỏ nó rồi, thì nó không còn có chỗ sở cậy, nó sẽ nằm ngay trên mặt đất như khúc gỗ mục mà thôi.

Nói rồi Đức Bổn Sư thuyết lên kệ ngôn:
“Aciraṃ vatayaṃ kāyo,
Paṭhaviṃ adhisessati;
Chuddho apetaviññāṇo,
Niratthaṃ’va kaliṅgaranti”.

“Thân nầy hẳn thật không bền,
Rồi đây nó sẽ nằm trên đất mồ.
Không hồn như gỗ mục khô,
Bị đem vứt bỏ vì vô dụng mà”.

CHÚ GIẢI:

Paṭhaviṃ adhisessati: Trong lúc bình sanh, thân nầy chỉ nằm trên giường, nhưng rồi đây nó sẽ nằm trên đất trong bãi tha ma.

Chuddho: Bị vứt bỏ, ném quăng đi.

Apetaviññāṇo: Khi tâm thức xuất đi rồi thì cái thân trống rỗng, không có hồn nằm trơ như khúc gỗ.

Niratthaṃ’va kaliṅgaranti: “Như khúc gỗ mục, vô dụng hết xài”. Thật thế, những người thợ giàn trò, đi vào rừng, nếu cần cây ngay thì đốn cây ngay, cần cây cong thì đốn cây cong, xong rồi róc sạch vỏ, chỉ lấy gỗ tốt còn gỗ xấu, mục, lùng lỗ, bị bọng, không có lõi thì vứt bỏ lại.  Những thợ giàn trò khác, vào thấy những khúc gỗ vứt bỏ nầy, không ai thèm lấy dùng xài. Tuy nhiên, nếu muốn thì họ cũng lấy làm thanh giường, gỗ chùi chân hoặc băng ngồi ngoài vườn chẳng hạn. Chớ ba mươi hai thể trược trong thân nầy không thể dùng làm được chân giường hay làm được vật chi khác được. Khi tâm thức mất rồi, thân xác nầy trở nên hoàn toàn vô dụng, y như cây mục nát, chỉ chờ ngày bị dẹp bỏ
nằm trong bãi tha ma.
Khi bài pháp vừa dứt, Đại đức Tissa thúi thân đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích. Trong số đó các Tỳ khưu khác cũng có nhiều vị đắc Thánh quả, nhất là quả Dự lưu. Đại đức Tissa đắc quả A La Hán rồi thì nhập Vô Dư Níp Bàn. Đức Bổn Sư dạy các Tỳ khưu hỏa táng Đại đức, lấy xá lợi để vào Bảo tháp mà thờ.

Chư Tăng bạch hỏi Đức Bổn Sư:

– Bạch Ngài! Đại đức Tissa thúi thây sanh về cõi nào?

– Nầy các Tỳ khưu! Tissa đã nhập Vô Dư Níp Bàn.

– Bạch Ngài! Một vị có đầy đủ duyên lành đắc A La Hán quả như thế, tại sao mà thân xác lại lở lói thúi hôi? Tại lý do nào mà bị gãy xương? Nhờ đâu mà đắc A La Hán quả?

– Nầy các Tỳ khưu! Tất cả những sự kiện nầy đều do tiền nghiệp của ông ta.

– Bạch Ngài! Ông ấy đã tạo những nghiệp gì?

– Nầy các Tỳ khưu! Nếu muốn biết thì các ông hãy lắng nghe.

Đức Bổn Sư dẫn tích rằng:
“Trong thời kỳ của Đức Chánh Biến Tri Kassapa, Tỳ khưu nầy là một người săn chim, sau khi bắt được chim, y đem dâng cho các vị lãnh chúa, còn dư ra thì đem bán.

Khi bán không hết, y sợ làm thịt để dành thì thịt chim không còn tươi, nên bẻ lọi giò, lọi cánh chim để chim còn sống mà không thể thoát được, y để chim nằm chung một đống.

Qua ngày sau, y lại đem đống chim ấy ra bán, khi nào săn được nhiều chim thì y cho người nấu nướng chim ấy, tự mình dùng lấy. Một hôm khi phần cơm ngon của y vừa chín thì có vị Đại đức Lậu Tận đang trì bình, đến đứng trước cửa nhà y, thấy Đại đức, y phát tâm tịnh tín nghĩ rằng: “Mình sát hại chúng sanh, ăn thịt cũng nhiều quá rồi. Hôm nay có Đại đức đến đứng ngay trước cửa nhà mình, vậy ta lấy thức ăn ngon
lành để dâng cúng Ngài”.

Sau khi thỉnh bát không của Đại đức, y đơm đầy bát ngon với thức ăn thượng vị, đem dâng Đại đức và gieo năm vóc xuống đảnh lễ: “Bạch Ngài! Xin cho con được chứng ngộ quả tối cao của Ngài”.

Đại đức phúc chúc: “Xin cho người được như ý”. Nầy các Tỳ khưu! Do tiền nghiệp ấy mà ngày nay Tissa trả quả. Mình mẩy thúi lở, xương gẫy, cũng vì xưa kia đã sát hại và bẻ gẫy chân, cánh chim. Còn quả A La Hán là nhờ để bát cúng dường cơm ngon đến vị Lậu Tận.

Dịch Giả Cẩn Đề
Nghiệp ác ngày xưa đã tạo gây,
Báo Ngài Đề Xá khổ thân nầy.
Săn chim bẻ lọi chân cùng cánh,
Gãi ghẻ càu banh mủ lộn mày.
Thịt thúi xương giòn nằm bại liệt,
Trò xa bạn lánh sợ truyền lây.
Định tâm thính pháp rồi viên tịch,
Sớt bát tròn nhân quả cũng đầy.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC TISSA THÚI THÂY

41

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app