Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm Ngu Nhơn: Tích Trai Nghèo Có Vợ Đẹp

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II

Phẩm Ngu Nhơn: Tích Trai Nghèo Có Vợ Đẹp

“Dīghā jāgarato ratti,
Dīghaṃ santassa yojanaṃ;
Dīgho bālānaṃ saṃsāro,
Saddhammaṃ avijānataṃ”.

“Đêm dài đối kẻ thức,
Dặm dài đối kẻ nhọc,
Đường sanh tử rất dài,
Đối kẻ dốt Chánh pháp”.

Kệ Pháp Cú này Đức Bổ Sư đã thuyết ra khi Ngài ngụ tại Jetavana, đề cập đến một thanh niên nọ và đức vua Pasenadi Kosala. Tương truyền rằng: Nhân một ngày quốc lễ, quốc vương Pasenadikosala vận đại triều phục, ngự lên một thớt bạch tượng thuần sắc, tên là Puṇḍarīkā (Bạch Liên), ngự du một vòng kinh thành với đoàn quân hộ giá tiền hô hậu ủng, đầy đủ vẻ uy nghi tráng lệ của bậc Đế vương.

Quần chúng đi xem lễ đông nghẹt các nẻo đường, tiếng nói cười nhộn nhịp, náo nhiệt. Họ bị quân dọn đường lấy đất, đá và gậy gộc đánh đuổi, tuy bị chạy tán loạn nhưng họ vẫn ngoái cổ lại nhìn. (Người ta nói rằng: Sở dĩ nhà vua được vinh hiển tột bực như thế, là do sự bố thí đầy đủ duyên trong quá khứ).

Ngày ấy, vợ một chàng thanh niên nghèo khổ nọ đang đứng trên tầng thượng của một tòa nhà bảy tầng, nghe tin tiếng có đức vua ngự qua thì mở một cửa sổ nhìn xuống, ngay lúc quốc vương cũng vừa ngước nhìn lên. Thiếu phụ vội thụt vào, đóng cửa sổ lại. Quốc vương nhìn theo ngơ ngẩn, như đang mong đợi mặt trăng rằm vừa khuất sau áng mây đen. Tương tư một đóa hoa hèn, lòng quốc vương cảm thấy nóng
nảy bồn chồn, ngồi chẳng vững trên lưng tượng, Ngài đốc thúc cuộc diễu hành quanh thành phố cho mau chấm dứt.

Về đến cung đình, quốc vương phán hỏi một cận thần thân tín: “Lúc nãy, tại chỗ  đó khanh có trông thấy tòa lâu đài mà trẫm nhìn lên không?”.

– Tâu bệ hạ, có thấy.

– Trong lâu đài ấy, khanh có trông thấy một nữ nhân không?

– Tâu bệ hạ, thần có thấy.

– Vậy khanh hãy đến đó hỏi nàng ấy có chồng chưa?

Viên hầu cận thân tín đi, rồi trở về tâu lại cho đức vua biết rằng: “Nàng ấy đã có chồng”. Quốc vương bèn ra lịnh:

– Vậy khanh hãy triệu chồng nàng ấy vào triều cho ta.

Vị quan vâng lịnh đức vua, gặp chàng thanh niên nghèo khổ, bảo rằng: “Lại đây bạn ơi, đức vua triệu bạn vào triều”.

Thanh niên nghĩ thầm: “Việc này e có liên quan đến vợ ta”. Không dám trái lệnh vua, thanh niên vào triều bái đức vua rồi đứng chờ.
Đức vua phán hỏi thanh niên: “Trẫm phong cho khanh làm thị vệ quân”.

– Muôn tâu bệ hạ, thần không dám nhận lãnh chức đó. Xin cho thần ở ngoài hành nghề, đóng thuế cho bệ hạ, thần chỉ quen với lối sống bình dân.

– Trẫm không cần đến tiền khanh đóng thuế. Kể từ nay về sau khanh hãy theo hầu trẫm.

Quốc vương ban cho thanh niên bộ võ phục, một lưỡi gươm và một cái khiên (mộc). Thanh niên nghĩ: “Nếu mình có điều chi sơ xuất với đức vua thì phạm tội khi quân, chẳng khỏi chết chém. Ta phải lo sợ mới được”.

Vì sợ tội chết, thanh niên siêng năng hầu hạ đức vua. Quốc vương không tìm được lầm lỗi nào của thanh niên, thì lòng mong hưởng
dục lạc lại càng tăng trưởng, nghĩ thầm: “Phải tìm cớ buộc tội hắn thì trẫm ngồi làm vua mới yên”.

Quốc vương liền triệu thanh niên đến và phán rằng:

– Nầy khanh, khanh hãy đi đến một địa điểm ấy, cách đây độ một do tuần, xuống sông hái nhiều hoa sen xanh và trắng, móc lấy đất đỏ như màu mặt trời mình minh, đem về đây vào buổi chiều cho kịp trẫm tắm. Nếu khanh để trì hoãn, không về kịp lúc ấy, trẫm cứ luật mà gia hình.
(Người ta bảo rằng: Thị vệ quân là chức thấp kém nhất trong bốn hàng tôi đòi. Quả nhiên, hạng làm mướn ăn tiền chẳng hạn, có thể lấy cớ đau bịnh, mệt mỏi mà xin nghỉ được. Còn thị vệ thì không được phép nghỉ, hễ lịnh vua sai khiến là phải thi hành chớ không được thoái thác). Thanh niên suy nghĩ: “Nhất định là ta phải đi đến đó. Nhưng hoa sen xanh, trắng cùng đất đỏ như mặt trời bình minh chỉ có cảnh giới Long
Vương, còn trên thế giới nhân gian ta biết tìm lấy ở đâu cho được”.

Càng suy nghĩ, càng sợ tội chết, thanh niên về nhà bảo vợ:

– Mình ơi! Cơm nấu chín chưa?

– Dạ thưa, mới vừa bắt lên nấu mình à!

Thanh niên không chờ cơm chín, liền nhấc xuống bảo vợ lấy vá xúc cơm chưa ráo nước, đổ vào giỏ, chan thêm canh nóng vào, rồi mang theo cất bước lên đường. Trong lúc đi đường cơm cũng vừa chín. Thanh niên sớt riêng ra một phần lớn, không rớ tay đến, chỉ ăn chút ít còn lại.
Khi đang ăn, thấy một lữ khách đi đến, thanh niên nói: “Tôi sớt ra, chỉ ăn có chút ít, phần cơm này tôi không đụng đến, ông hãy lấy dùng đi”.
Khách lấy cơm dùng. Thanh niên độ xong bữa, còn chừa lại một nắm cơm đem bỏ xuống nước, rửa mặt súc miệng, la lớn rằng: “Cầu xin Long vương, Kim sí điểu và chư Thiên ngự nơi thủy quốc này hãy nghe tôi nói đây: Quốc vương ra lịnh khiến tôi  thi hành việc nầy. Là đến đây lấy cho được sen xanh, sen trắng cùng với đất màu đỏ như mặt trời bình minh đem về triều. Tôi đã bố thí cơm cho người lữ hành được ngàn
phần phước, tôi đã bố thí cơm cho cá dưới nước được một trăm phần phước nữa. Tất cả bấy nhiêu phước báu tôi xin chia hết cho các Ngài. Xin các Ngài hãy đem hoa sen xanh, hoa sen trắng và đất màu đỏ mặt trời bình minh đến cho tôi”.

Thanh niên la lớn đủ ba lần như vậy. Long vương là chúa rồng ngự tại nơi đó, nghe tiếng của thanh niên:

– Chú em nói gì thế?

Thanh niên lặp lại y như trước.

– Chú hãy chia phước cho ta với. – Ông lão nói.

– Tôi xin chia phước đến ông, thanh niên đáp.

Sau khi bảo thanh niên chia phước hai ba lần như vậy rồi, Long vương đem hoa sen xanh, trắng và đất mặt trời màu bình mình tặng lại thanh niên. Trong khi ấy, quốc vương tính thầm rằng: “Người đời có nhiều kẻ giỏi chú thuật. Nếu như gã ấy dùng pháp thuật mà kiếm được các món ấy, thì mưu cơ của trẫm không thể thành tựu”. Đức vua liền cho đóng kín tất cả cửa vào thành. Sau khi kiếm được hoa sen xanh, trắng cùng với đất đỏ, thanh niên vội quay về cho kịp giờ đức vua tắm gội, nhưng cửa thành đã bế chặt, không thể vào thành được. Thanh niên yêu cầu tiếp xúc với thủ môn quan và bảo: “Mở cửa ra”.

– Không thể mở cửa được. Đức vua đã xuống chiếu truyền lịnh đóng hết các cửa thành Sāvatthī.

– Ta là Khâm sai (rajadūta) của đức vua. Hãy mở cửa cho ta vào.

Thanh niên nói gì thì nói, các quan giữ cửa thành vẫn không mở cửa.

Không vào được, thanh niên ngẫm nghĩ: “Bây giờ chắc hẳn mạng căn của ta đã tuyệt. Ta phải làm sao đây?”.

Thanh niên đặt cục đất đỏ lên đầu cổng thành, cắm mấy cành hoa lên cục đất, rồi cất tiếng la lớn lê rằng: “Hỡi dân cư ngụ trong kinh thành! Xin các vị hãy biết rằng việc nầy: Đức vua sai tôi đi công cán, tôi đã thi hành xong. Bây giờ đức vua cố ý ngăn trở không cho tôi vào, để có cớ mà giết tôi”. La to ba lần như thế, thanh niên lại nghĩ:

“Ta đi đâu bây giờ? À! Chư Tỳ khưu có tiếng từ tâm, vậy ta hãy vào ngủ nhờ trong chùa”.

Quả thật những chúng sanh như thanh niên nầy, trong thời kỳ an vui không bao giờ nghĩ tưởng đến chư Tỳ khưu đâu, chỉ khi nào lâm vấp cảnh khổ rồi mới có ý muốn đi chùa. Thanh niên tự nghĩ: “Ta không còn chỗ nào khác để nương nhờ” bèn đi vào chùa, kiếm một chỗ tiện nghi để nằm ngủ.

Đêm ấy trong hoàng cung, quốc vương không sao an giấc điệp, vì hình bóng của thiếu phụ vẫn ám ảnh tâm tư. Quốc vương chỉ mong trời mau sáng để xử tử thanh niên, ngõ hầu đoạt vợ của chàng. Cũng trong giờ đêm tối tăm ấy, dưới địa ngục đồng sôi, rộng khoảng sáu mươi
do tuần, có bốn thanh niên bị đọa lạc xuống đó, đang bị nấu trong chảo dầu sôi, nổi lên chìm xuống như những hạt gạo. Từ trên miệng chảo chìm xuống đến tận đáy trải qua một thời gian là ba muôn năm, lại trải qua ba muôn năm khác mới trồi lên tới miệng chảo. Bốn chàng ngóc đầu lên, thấy được nhau, mỗi chàng định nói bài kệ nhưng không nói kịp, mỗi chàng chỉ nói kịp một tiếng rồi lại bị chìm xuống, lộn đầu
rơi xuống đáy chảo.

Đang băn khoăn, thao thức, vào lúc nửa đêm, quốc vương mộng nghe được bốn tiếng la của tội nhân dưới địa ngục ấy, thì giựt mình kinh sợ, lo lắng tự nghĩ: “Đây chắc là điềm báo cho trẫm hoặc hoàng hậu sẽ băng hà, hay là ngai vàng sẽ đổ nát…”. Thế là suốt đêm hôm ấy, quốc vương không sao chợp mắt được. Mặt trời vừa mọc, quốc vương cho triệu vị Quân sư vào triều và phán hỏi:

– Thưa quân sư, vào khoảng giữa đêm hôm nay, trẫm nghe có tiếng la thật lớn, rất đáng kinh sợ. Trẫm không biết đó là điềm báo sự tai hại đến ngai vàng, đến hoàng hậu hay đến chính bản thân trẫm. Cho nên trẫm mới triệu quân sư vào đây.

– Tâu đại vương, đại vương nghe được những tiếng gì?

– Thưa quân sư, trẫm nghe được bốn tiếng rời rạc là Du, Sa, Na, So. Xin quân sư hãy giải rộng nghĩa lý của những chữ nầy.

Vị quân sư Bà la môn như người đi trong đêm tối, chẳng nhận ra đường lối nào cả. Sợ thú thật mình không biết thì chứng tỏ mình là kẻ bất tài, sẽ mất cả uy tín và bổng lộc, ông ta bèn kêu bướng rằng: “Tâu đại vương, điềm nầy hệ trọng lắm”.

– Thưa Quân sư, điềm chi vậy?

– Đó là điềm tại họa có liên quan đến thọ mạng của đại vương.

Quốc vương nghe lời bàn ẩu, tưởng chắc thật, càng thêm lo sợ bội phần, phán hỏi ông Bà la môn:

– Thưa Quân sư, có cách nào ngăn ngừa tai họa ấy được chăng?

– Tâu đại vương, có. Xin đại vương hãy bình tâm đừng có lo sợ. Hạ thần thông suốt Tam Phệ Đà (Veda) mà.

– Cần phải làm gì để tránh tai họa?

– Tâu bệ hạ, phải hi sinh người và vật, mỗi thứ một trăm để cúng tế thì bệ hạ sẽ tăng thêm tuổi thọ.

– Quân sư cần những gì?

– Trăm con voi, trăm con ngựa, trăm bò đực, trăm bò cái, trăm dê đực, trăm dê cái, trăm gà trống, trăm con heo, trăm đồng nam và trăm đồng nữ. Như thế là, cứ mỗi loại chúng sanh, ông Bà la môn xin đức vua cho cắt đủ trăm, vì ông nghĩ rằng: “Nếu ta xin bệ hạ bắt dân chúng nạp thú rừng thì họ nói là ta có ý bắt để ăn thịt”. Nên ông mới xin đức vua cho bắt cả voi, ngựa và người vậy. Quốc vương nghĩ thầm: “Trẫm phải tiên bảo kỳ thân, tự mình lo cho bảo tồn sanh mạng mới được”.

Vua bèn hạ lịnh: “Bắt tất cả chúng sanh cho mau”. Lịnh trên ban xuống, cấp dưới lập tức thừa hành, bắt vật hy sinh nhiều hơn số con đã ấn định. Trong kinh liên quan đến xứ Kosala, có đoạn liên quan đến việc ấy như sau:

“Thời ấy, quốc vương Pasenadikosala dự định cử hành đại lễ bằng sinh vật có năm trăm con bò đực, năm trăm bò cái, năm trăm dê đực, năm trăm dê cái, tất cả đều bị bắt cột chung chỗ xây cột tế, còn những nô lệ nam, nữ, những kẻ phục dịch, công nhân của đức vua bị hăm dọa sợ đòn, mặt đầy nước mắt, vừa khóc vừa lo sắp đặt công việc tế lễ”.

Dân chúng thương tiếc quyến thuộc của mình đã bị bắt, mạnh ai nấy khóc than kể lể, tiếng kêu la ồn ào, hỗn độn, nghe như quả địa cầu có tri giác cũng biết xót xa vậy.

Khi ấy, hoàng hậu Mallikā nghe tiếng dân chúng kêu la, bèn vào triều kiến đức vua và hỏi rằng:

– Tâu đại vương, đại vương vẫn còn nguyên vẹn, đầy đủ lục căn, mà sao thần thiếp trông đại vương lại có vẻ bơ phờ hốc hác như thế?

– Ái hậu Mallikā, hậu không hay biết rằng: “Trẫm muốn điếc con ráy rồi sao?”.

– Tâu bệ hạ, việc chi vậy?

– Ban đêm, trẫm nghe được những tiếng quái gở như vậy, trẫm cho triệu quân sư vào hỏi thì quân sư cho biết đó là điềm tai hại đến tánh mạng của trẫm, phải cúng tế người vật, mỗi thứ là một trăm thì trẫm mới được trường thọ. Trẫm nghe lời quân sư để bảo tồn mạng sống, nên ra lịnh tìm bắt cho đủ tế vật để hy sinh.

Nghe vậy, hoàng hậu Mallikā nói rằng:

– Tâu đại vương! Đại vương thật là mù quáng, si mê. Dầu sao đại vương cũng là bậc ăn trên ngồi trước, là chúa thiên hạ, hưởng lộc nhiều hơn cả mọi người, có lý nào đại vương có trí kém cỏi như thế.

– Sao hậu lại nói vậy?

– Tại sao đại vương nghe chi lời của tên Bà la môn mù quáng, ngu si, tự mình muốn sống lại gây sự chết chóc cho kẻ khác, gieo rắc sự khổ sầu thảm khốc cho dân chúng như vầy? Trong chùa Jetavana gần đây, có Đức Bổn Sư đang ngự, Ngài là bậc Đại hùng, Đại lực, là Thầy của chư Thiên và nhơn loại. Các việc quá khứ, hiện tại, vị lai Ngài thông suốt cả. Đại vương nên đến học hỏi nơi Ngài.

Khi ấy, đức vua liền ngự lên chiếc loan xa nhỏ, cùng đi với hoàng hậu Mallikā đến chùa. Trong tâm còn lo sợ chết, nên chẳng nói năng chi được hết. Quốc vương chỉ đảnh lễ Đức Bổn Sư, rồi ngồi nép một bên.

Đức Bổn Sư mở lời, hỏi rằng:

– Kìa đại vương từ cõi trời hay cõi nào đến đây?

Quốc vương nghe vậy cũng làm thinh, không trả lời. Hoàng hậu Mallikā bèn đem mọi sự trình bạch lên Đức Thế Tôn:

– Bạch Ngài, đức vua nói rằng vào khoảng giữa đêm có nghe những tiếng quái dị, hỏi quân sư thì ông ấy cho biết là có điềm tại họa đến sinh mạng của đức vua. Nếu muốn ngăn ngừa phải bắt vật hy sinh mỗi thứ là một trăm, cắt cổ lấy huyết tế thần thì sẽ được trường thọ. Quốc vương đã sai bắt nhiều chúng sanh, vì vậy con hướng dẫn đức vua đến đây.

– Hoàng hậu nói thế có đúng không hở đại vương?

– Bạch Ngài, đúng thế.

– Đại vương đã nghe thấy những tiếng gì?

Quốc vương bèn nhắc lại những tiếng mà mình đã nghe. Đức Như Lai nghe vừa dứt lời, thì đã hiểu rõ mọi sự như làn chớp xẹt một cách nhanh lẹ. Ngài bèn vỗ an đức vua: “Đại vương chớ có sợ hãi. Chẳng có việc chi tai hại đến đại vương cả, những chúng sanh tạo ác nghiệp muốn tỏ bày nỗi thống khổ của mình nên mới nói lên như thế đó”.

– Bạch Ngài, bọn họ đã làm gì?

Để giải rõ những nghiệp báo của bốn chúng sanh ấy, Đức Thế Tôn phán rằng:

“Thế thì đại vương hãy lắng nghe”.
Nói rồi, Ngài dẫn tích như sau:

Thời quá khứ, lúc tuổi thọ của loài người là hai muôn năm thì Đức Thế Tôn có hồng danh Kassapa giáng thế, Ngài cùng với hai muôn vị A la hán vân du khắp nơi, rồi ngự đến thành Bārāṇasī. Dân chúng trong thành rủ nhau, từ hai ba người hay đông hơn nữa, cùng họp nhau luân phiên để bát cúng dường thực phẩm đến các khách Tăng.

Thời bấy giờ, trong thành Bārāṇasī có bốn vị công tử là con nhà Trưởng giả, nhà nào cũng có tài sản lên đến bốn trăm triệu đồng vàng. Họ giao du với nhau rất thân mật, họ thường hỏi nhau: “Nhà ta giàu có, tiền của ta để làm gì?”.

Trong thời Đức Phật đang tại thế, Ngài đang vân du khắp nơi, “chúng ta hãy bố thí, cúng dường, tôn thờ, lễ bái, hãy thọ trì Tam quy Ngũ giới…”, không có cậu nào đề nghị như thế cả. Một cậu thì nói lên rằng: “Uống rượu nồng, ăn thịt béo rồi chúng ta sẽ thả rong chơi, đời sống chúng ta như thế cũng là thú vị lắm rồi”. Cậu khác nói: “Phải đó, gạo thơm ngon như hoa ngọc lan, với nhiều món sơn hào hải vị, ta ăn rồi thả
đi chơi”.

Cậu thứ ba thì bảo: “Ta bảo đầu bếp nấu món cà ri thập cẩm có đủ thứ gia vị, ăn rồi ta sẽ đi chơi”.

Cậu thứ tư lại có ý kiến: “Nầy các bạn, ta sẽ chẳng nấu cơm nước chi ráo, ta sẽ đem tiền của ra cho thế thường, chẳng có nữ nhân nào lại chẳng ham tiền, hễ ta vãi tiền ra cám dỗ mua chuộc thì vợ con nhà ai mà thoát khỏi tay ta”.

– Hay! Hay!…

Tất cả bốn cậu đều chấp thuận đề nghị nầy, từ đó về sau hễ thấy phụ nữ có sắc đẹp thì họ bỏ tiền ra quyến rũ làm cho phải thất tiết mới thôi. Họ phạm tội gian dâm như thế trong hai muôn năm, đến lúc chết bị sa xuống đại địa ngục A tỳ. Họ bị thiêu đốt trong đó suốt một thời gian không có Phật. Khi mạng chung do quả dư sót, họ lại sanh lên địa ngục đồng sôi, có bề sâu là sáu mươi do tuần, từ trên miệng chảo chìm mãi xuống đáy là ba muôn năm, rồi trải qua ba muôn năm nữa mới trồi đầu lên miệng chảo. Họ muốn nói nguyên một bài kệ mà nói không kịp, chỉ kịp mở miệng la lên có một tiếng rồi lộn chìm xuống đáy chảo. Đại vương hãy nói, đại vương nghe trước được tiếng gì?

– Bạch Ngài, tiếng DU.

Quốc vương chỉ nói ra vỏn vẹn có một tiếng vắn tắt mà Đức Bổn Sư bổ túc thành bài kệ như sau:

tbody>

1. “Dujjīvitamajīvimhā,
Yesanno na dadāmha se;
Vijjamānesu bhogesu,
Dīpaṃ nākamha attanoti”.
“Xưa ta sống nhuốc nhơ,
Chẳng bố thí bao giờ,
Tuy có nhiều tiền của,
Không tạo chỗ nương nhờ”.

Sau khi giải nghĩa bài kệ trên cho quốc vương hiểu, Đức Bổn Sư hỏi tiếp:

– Tâu đại vương, lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ tư đại vương nghe được những tiếng gì?

– Bạch Thế Tôn, nghe được những tiếng nầy…

Cứ mỗi lần đức vua đáp lời, Đức Bổn Sư lại bổ túc thêm ba bài kệ, theo thứ tự như sau:

2. “Saṭṭhivassasahassāni,

Paripuṇṇāni sabbaso;
Niraye paccamānānaṃ,
Kadā anto bhavissati”.

3. “Natthi anto kuto anto,
Na anto paṭidissati;
Tadā hi pakataṃ pāpaṃ,
Mâm tuyhañca mārisā”.

“Ta ở sáu muôn năm,

Tròn đủ, nếu không lầm,
Trong địa ngục thọ khổ,
Chừng nào hết bị cầm”.

“Không hết cũng không cùng,
Không thấy chỗ cáo chung,
Bởi xưa ta tạo ác,
Tôi cùng với các ông”.

4. “Sohaṃ nūna ito gantvā,
Yoniṃ laddhāna mānusiṃ;
Vadaññū sīlasampanno,
Kāhāmi kusalaṃ bahunti”.

“Nếu tôi được thoát thân,
Đầu thai làm thế nhân,
Hiểu biết giữ đủ giới,
Tạo thiện pháp nhiều lần”.

Lần lượt đọc ba bài kệ và giải thích nghĩa lý xong, Đức Bổn Sư tiếp lời rằng:

– Tâu đại vương, bốn chàng đó, mỗi chàng đọc một bài kệ, mà đọc không kịp, chỉ chờ mở miệng nói được một tiếng thôi, rồi chìm trở xuống trong lòng chảo vậy. (Kể từ khi quốc vương Pasenadikosala nghe tiếng của bốn chúng sanh địa ngục ấy, cho đến nay đã hơn hai mươi lăm thế kỷ mà họ cũng vẫn còn đang chìm xuống mãi mãi như thế).

Nghe dứt thời pháp, đức vua phát sanh đại kinh cảm, đức vua nghĩ thầm: “Nghiệp tà dâm quả thật là nặng nề thay! Đức Thế Tôn bảo rằng bọn họ bị thiêu đốt trong lòng địa ngục suốt khoảng thời gian không có Phật, mãn kiếp lại tái sanh vào địa ngục đồng sôi, bị nấu luộc sáu muôn năm như vậy, không biết đến thời gian nào mới được thoát khổ? Trẫm đây cũng có tâm tà vạy, yêu thương vợ kẻ khác, đến nỗi trằn
trọc suốt đêm ngủ không an giấc. Từ bây giờ trở đi, trẫm quyết sẽ không nuôi ý niệm tà dâm nữa”.

Nghĩ rồi, quốc vương bạch Đức Như Lai:

– Bạch Ngài, hôm nay trẫm mới biết là đêm dài.

Thanh niên là cựu thị vệ quân, đang ngồi nơi hội trường nghe thấy mấy lời của đức vua, trong tâm nghĩ: “Ta gặp được cơ hội may mắn rồi”. Thanh niên bèn bạch với Đức Bổn Sư:

– Bạch Ngài, đức vua hôm nay mới thấy đêm dài bấy nhiêu đó, còn con ngày hôm qua chính con đã biết là dặm đường dài.

Đức Bổn Sư so sánh hai câu nói của hai người, rồi bảo rằng:

– Đêm dài đối với một số người, dặm dài đối với một số người, con đường luân hồi dài đối với kẻ ngu si.

Nhân đó, Đức Thế Tôn thuyết lên một thời pháp, rồi Ngài kết luận bằng bài kệ rằng:

60. “Dīhā jāgarato ratti,
Dīghaṃ santassa yojanaṃ;
Dīgho bālānaṃ saṃsāro,
Saddhammaṃ avijānataṃ”.

“Đêm dài vì giấc chẳng an,
Dặm dài chìm nổi, lại càng thấy xa,
Đường đời vạn nẻo quan hà,
Kẻ dốt Chánh pháp, chậm qua luân hồi”.

Tiếng Dīghā trên đây nghĩa là dài. Thường thì một đêm có ba canh (theo bên Ấn Độ thời xưa), nhưng đối với người thao thức cầm canh thì thấy như là đêm dài gấp đôi gấp ba vậy.

Đêm không thấy dài đối với người chỉ biết ăn no ngủ kỹ, mặt trời lên cao mà còn lăn qua trở lại trên giường. Người đại lãn ăn đồ (mahākusito) cao lương mỹ vị, nằm ngủ chỗ sang trọng, người toại hưởng ngũ trần cũng chẳng biết rằng đêm dài. Hành giả tinh cần hành thiền suốt đêm, vị Pháp sư thuyết pháp và thính giả ngồi trong hội trường, người bị bịnh hành như nhức đầu, nhức răng chẳng hạn, hoặc người thọ khổ vì bị thương như đứt tay chân, là lữ khách dạ hành mới biết đêm dài.

Yojanaṃ: Là do tuần, dài bằng bốn dặm (độ mười sáu cây số), nhưng đối với khách lữ hành mệt mỏi thì thấy như là dài gấp đôi, gấp ba lận. Quả nhiên, khách đi đường xa cả ngày mệt nhừ, mà thấy hành trình còn thăm thẳm, gặp ai cũng hỏi:

“Thôn, xã ở phía trước, cách đây còn bao xa?”, nghe đáp: “Một do tuần”, khách ráng đi một lát lại hỏi người khác, người nầy cũng đáp “Một do tuần”, khách hỏi đi hỏi lại, hết người nầy đến người kia, họ đều đáp: “Một do tuần”. Khách thấy chán ngán than rằng: “Cha! Một do tuần! Sao mà dài như thế?”. Và người ấy thấy dài gấp đôi, gấp ba lúc bình thường.

Bālānaṃ: Là những kẻ ngu si, không biết đến sự lợi ích (tức là Níp Bàn) trong đời nầy và kiếp sau, những kẻ ngu si không thể chấm dứt cái vòng luân hồi được. Những người nào thông hiểu Chánh pháp (Sadhamma) nhứt là ba mươi bảy nhân sanh Bồ Đề (Sattatiṃsa Bodhipakkhiya) những người ấy mới tận cùng con đường sanh tử được, còn đối với những kẻ dốt Chánh pháp thì con đường nầy dài vô tận. Vả lại, đặc
tính của nó bao giờ cũng vậy, cho nên mới gọi là dài. Đề cập đến nó, có Phật ngôn rằng: Anamataggoyaṃ bhikkhave saṃsāro pubbā kotiṃ na paññāyatīti”. – “Nầy các Tỳ khưu! Đường luân hồi vốn vô thủy, khởi điểm của nó không thể thấy được”.

Đối với những người ngu si không thể tận cùng con đường sanh tử, thì thấy nó dài hết sức dài.

Thời pháp vừa dứt, thanh niên chứng đắc quả Nhập lưu, ngoài ra nhiều người khác cũng chứng đắc Thánh quả, nhứt là Nhập lưu. Đại chúng thính pháp cũng hưởng được lợi ích.

Quốc vương đảnh lễ Đức Bổn Sư, ngự về nơi cây trụ cột chúng sanh là tế vật, truyền quân mở trói, phóng thích cả người lẫn vật đã bị bắt chuẩn bị hy sinh. Cả bọn nam, nữ được thả tự do ấy, được tắm gội sạch sẽ, rồi ai trở về nhà nấy. Lúc đi đường, họ ca tụng công ơn của hoàng hậu Mallikā, nói rằng:

– Chúng mình còn được sống sót ngày nào, cũng là nhờ ơn cứu tử của hoàng hậu Mallikā.

Chiều hôm ấy, chư Tỳ khưu câu hội nơi giảng pháp đường, khởi lên pháp luận như sau: “Hiền trí thay bà Mallikā nầy. Nhờ có trí tuệ, bà đã cứu tử huờn sanh cho bấy nhiêu người và vật như thế”.

Đức Bổn Sư ngự đến giảng đường, phán hỏi: “Nầy chư Tỳ khưu! Hôm nay các ông thảo luận về việc chi vậy?”.

– Bạch Thế Tôn, việc như vầy…

Đức Bổn Sư bảo rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, chẳng phải chỉ bây giờ nàng Mallikā dùng trí tuệ của mình mà cứu tử cho nhiều người, thuở xưa nàng cũng đã từng như thế, đã cứu mạng nhiều người lắm rồi.

Để minh chúng việc nầy, Đức Bổn Sư thuật lại tiền tích như sau:

Thời quá khứ, có vị hoàng tử xứ Bārāṇasī, đi đến gốc một cây đa, khấn vái thọ thần hóa sanh nơi cây ấy rằng: “Cầu xin Thiên vương chứng giám. Trong cõi Diêm phù nầy có một trăm lẻ một quốc vương và một trăm lẻ một hoàng hậu. Nếu khi phụ hoàng tôi thăng hà mà tôi được kế vị ngai vàng, tôi sẽ lấy huyết cổ của họ mà cúng tế Thiên vương”.

Khi vua cha thăng hà, thái tử ấy được tôn vương, nghĩ rằng: “Do nhờ Thiên vương phù hộ, mà trẫm được lên ngôi cửu ngũ. Vậy trẫm phải lo việc trả lễ hoàn nguyện”.

Tân vương bèn cử đại đội hùng binh, ngự giá thân chinh, đánh chiếm một nước láng giềng, bắt được đức vua và hoàng hậu, rồi mang theo đi đánh chiếm nước khác, lần lượt bắt được tất cả các đức vua và hoàng hậu của một trăm lẻ một nước. Đại vương Bārāṇasī đem tất cả đến gốc cây đa, chỉ trừ một mình bà hoàng hậu của vua Uggasena (Kiêu Binh) tên là Dhammadinnā (Pháp Thí) được miễn vì đang hoàn thai.

Đại vương sai quân lính quét dọn quanh gốc cây đa, tính rằng: “Để cho bấy nhiêu người đây uống thuốc độc dược rồi ta sẽ hành quyết họ”.
Vị Thọ thần nơi gốc cây đa nghĩ rằng: “Quốc vương nầy đã cho rằng nhờ ta phù trợ mà chiến thắng, bắt được bấy nhiêu đức vua cùng hoàng hậu, nên định lấy máu của họ mà cúng tế ta. Nếu để cho quốc vương nầy hành quyết họ thì dòng giống vua chúa trên cõi Diêm Phù phải bị tiêu diệt, mà gốc cây đa cũng bị lem ố. Ta có thể nào ngăn trở được cuộc lưu huyết này chăng?”.

Sau khi quán xét, biết mình không đủ khả năng, vị Thọ thần lại đi tìm vị chư Thiên khác, nhưng khắp thế giới Ta bà, gặp vị chư Thiên nào, vị ấy cũng đều khước từ cả.

Vị Thọ thần đến cầu cứu nơi Tứ Đại Thiên Vương, các vị nầy cũng kinh sợ thối thác rằng: “Chúng tôi không đủ quyền năng, Ngài hãy tìm vị nào mà phước báu cùng trí tuệ cao trội hơn chúng tôi mà sở cậy”.

Thọ thần bèn lên cung trời Đao Lợi vấn kế nơi đức Đế Thích và nói khích rằng: “Tâu Thiên vương, nếu Ngài cứ ngồi khoanh tay không chịu can thiệp thì ắt dòng giống vua chúa phải tận diệt. Xin Ngài tế độ, chở che cho họ”.

Đức Đế Thích đáp: “Chính trẫm cũng không làm sao ngăn trở được việc nầy. Nhưng để trẫm bày cách cho khanh”.

Phán rồi, đức Đế Thích dạy rằng: “Bây giờ khanh hãy trở về vận y phục toàn màu đỏ cho quốc vương dễ ngó thấy, rồi khanh hiện từ trong thân cây bước ra, đứng trước mặt đức vua. Khi đức vua thấy khanh, ắt nghĩ rằng: “Vị chư Thiên của trẫm đến rồi kia. Để trẫm yêu cầu Ngài chậm lại một giây phút”.

Chờ cho đức vua xin điều nầy, điều nọ xong, khanh hãy bảo rằng: “Quốc vương trước có hứa với ta là sẽ bắt đủ một trăm lẻ một đức vua và một trăm lẻ một hoàng hậu đem đến cây nầy lấy máu cổ cúng tế để trả lễ. Hiện nay các vua thì đủ mà thiếu một vị hoàng hậu của vua Uggasena. Ta không nhận lễ của người dối trá như quốc vương đâu”.

Khanh nói như thế, khi đức vua nghe được sẽ cho bắt hoàng hậu Dhammadinnā đến, hoàng hậu sẽ thuyết pháp thức tỉnh quốc vương và cứu thoát cho bấy nhiêu nhân mạng.

Đức Đế Thích chỉ bày cách thức cho vị Thọ thần. Vị này y theo kế ấy mà thi hành. Quả nhiên, đức vua khiến bắt luôn hoàng hậu Dhammadinnā đem đến gốc cây đa. Hoàng hậu Dhammadinnā đến nơi, nàng đi đến đảnh lễ chồng, là vị vua ngồi phía sau cùng của các vua chư hầu.

Đức vua cả giận, bắt lỗi hoàng hậu Dhammadinnā rằng:

– Trẫm là đàn anh lớn nhất nơi đây, sao nàng không đảnh lễ, lại đi đảnh lễ nhà vua đàn em tất cả vậy?

Hoàng hậu bình tĩnh trả lời rằng:

– Thiếp có gì trực thuộc nơi đại vương đâu? Đức vua này là phu quân của thiếp, đã ban cho thiếp danh quyền tước lộc, mà bảo thiếp đừng đảnh lễ để đi đảnh lễ đại vương, thì nghĩa là sao?

Vị Thọ thần hiện ra, tán dương hoàng hậu Dhammadinnā:

– Đúng như thế nàng ạ! Đúng như thế.

Đoạn Thọ thần cúng dường nàng một nắm hoa.

Quốc vương lại hỏi rằng:

– Thế nàng không đảnh lễ trẫm thì thôi. Còn vị ban cho trẫm vương quyền là chư Thiên có đại oai lực như thế, sao nàng không đảnh lễ?
– Tâu đại vương, sở dĩ đại vương bắt được các vua chư hầu đó là do công lao phước đức của đại vương, chớ nào phải vị chư Thiên bắt nạp cho đại vương đâu?

Lần thứ hai, vị Thọ thần lại tán dương: “Phải lắm nàng à”, rồi Thọ thần lại dâng cho hoàng hậu một nắm hoa thứ hai.

Khi ấy, hoàng hậu Dhammadinnā lại nói tiếp:

– Đại vương cho rằng vị chư Thiên nầy đã bắt được các chư hầu mà nạp cho đại vương ư. Hiện giờ đây, tàng cây phía bên trái của vị chư Thiên của đại vương đã bị cháy, tại sao vị chư Thiên không dập tắt lửa được, nếu vị ấy có thần oai đại lực? Lần thứ ba, Thọ thần lại hiện ra khen: “Đúng lắm, nàng à! Phải lắm nàng à”, và lại dâng thêm một nắm hoa như trước.

Đang đứng nói, bỗng nhiên hoàng hậu cất tiếng khóc, rồi lại cười. Khi ấy, quốc vương lấy làm lạ hỏi:

– Bộ nàng điên rồi hay sao?

– Tại sao bệ hạ lại nói như thế? Những người như thiếp không phải là điên đâu!

– Không điên thì tại sao nàng khóc, rồi lại cười khan như thế?

– Tâu đại vương, đại vương hãy nghe đây: Trong quá khứ thiếp sanh làm con gái của một gia đình gia giáo, đến khi xuất giá theo về nhà chồng. Nhận thấy người bạn của chồng đến chơi, muốn làm cơm đãi khách, thiếp đưa tiền bảo tớ gái đi mua thịt, nó đi rồi trở về bảo: “Không có thịt”. Nghe vậy, thiếp bắt con dê cái đem ra phía sau nhà, đè xuống chặt đầu làm cơm đãi khách. Vì tội chặt đầu con dê cái, thiếp bị hình
phạt trong địa ngục, do quả còn dư sót, thiếp bị chặt đầu nhiều lần bằng số lông con dê mà đền tội như vậy. Còn đại vương sát hại bấy nhiêu mạng người nầy thì không biết đời nào mới thoát khỏi tội khổ? Vì nhớ tưởng đến nỗi đau khổ to lớn của đại vương mà thiếp khóc lên như vậy.
Nói rồi hoàng hậu ngâm kệ rằng:

“Ekissā kaṇṭhaṃ chinditvā,
Lomagaṇanāya paccisaṃ;
Bahunnaṃ kaṇṭhe chetvāna,
Kathaṃ kāhasi khattiyāti”.

“Thiếp chặt cổ một con dê cái,
Bằng số lông kiếp phải thọ hình,
Chặt cổ quá nhiều chúng sanh,
Làm sao thoát khổ tội tình, đại vương?”.

– Còn nàng cười là vì sao?

– Tâu đại vương! Thiếp cười vì biết rằng: Chỉ còn đền tội một lần nữa là thiếp được thoát khổ. Lần thứ tư, vị Thọ thần hoan hô: “Phải lắm nàng à”, và Thọ thần lại dâng cho hoàng hậu Dhammadinnā một nắm hoa nữa.

Quốc vương thở dài than rằng: “Ôi nghiệp của trẫm nặng lắm thay. Theo lời nàng nói, nàng chỉ giết một con dê cái mà bị đọa địa ngục thọ khổ rồi, do duyên nghiệp còn dư sót, khi tái sanh trở lại còn phải chịu bị chặt đầu trong số kiếp nhiều bằng số lông dê ấy. Huống chi giờ đây, trẫm sát hại biết bao nhiêu người, thì biết đến bao giờ trẫm mới đạt đến an vui được”.

Quốc vương liền đích thân mở trói, thả các chư hầu rồi đảnh lễ các vị cao niên, chắp tay xá các vị trẻ tuổi, cầu xin tất cả hãy tha lỗi cho mình. Đoạn sắp đặt tiễn đưa mỗi vị trở về nguyên quốc.

Sau khi thuyết dứt tích nầy, Đức Bổn Sư kết luận:

– Như thế, nầy các Tỳ khưu, không phải chỉ bây giờ hoàng hậu Mallikā mới đem trí tuệ của mình ra áp dụng mà cứu tử đại chúng đâu. Xưa kia nàng cũng từng cứu tử như thế rồi.

Đoạn Đức Bổn Sư dẫn giải thêm rằng: Quốc vương Bārāṇasī, nay là đức vua Pasenadikosala, hoàng hậu Dhammadinnā nay chính là nàng Mallikā, vị Thọ thần nay chính là Như Lai vậy. Dẫn giải xong, Đức Bổn Sư lại thuyết pháp thoại, rồi nhắc nhở chư Tăng rằng: “Nầy các Tỳ khưu! Tội sát sanh quả là điều chẳng nên làm, thật vậy, những kẻ sát sanh hằng khóc lóc, thở than vĩnh kiếp”.

Rồi Đức Bổn Sư ngâm lên kệ ngôn sau đây:

“Evañce sattā jāneyyuṃ,
Dukkhāyaṃ jātisambhavo;
Na pāṇo pāṇinaṃ haññe,
Pāṇaghātī hi socatīti”.

“Chúng sanh nên biết rành như thế,
Sanh mạng nầy chẳng dễ được đâu,
Đừng ham sát hại lẫn nhau,
Vì kẻ háo sát hằng đau khổ hoài”.

Dịch Giả Cẩn Đề
Thân nghèo có vợ sắc tươi xinh,
Báo hại chàng trai suýt lụy mình,
Trướng gấm hầu vua, e vạn tử,
Dặm đường kiếm vật, khó toàn sanh.
Vào chùa tạm lánh cơn tai biến,
Gặp Phật liền tan mối hận tình,
Cố sát, tà dâm nghe đã rõ,
Ngàn đau, muôn khổ, tội nên kinh.
DỨT TÍCH CHÀNG THANH NIÊN CÓ VỢ ĐẸP

56

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app