Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Ii – Phẩm A La Hán: Tích Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp Bị Chê

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển II 

Phẩm A La Hán: Tích Trưởng Lão Ma Ha Ca Diếp Bị Chê

“Uyyuñjanti satīmanto,
Na nikete ramanti te;
Haṃsā’va pallalaṃ hitvā,
Okamokaṃ jahanti te”.

“Tự sách tấn, Chánh niệm.
Không thích cư xá nào;
Như ngỗng trời rời ao,
Bỏ sau mọi trú ẩn”.

Kệ Pháp cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết khi Ngài ngự tại Veḷuvana (Trúc Lâm), đề cập đến Trưởng lão Mahākassapa (Ma Ha Ca Diếp).

Thuở nọ, Đức Bổn Sư nhập hạ gần thành Rājagaha (Vương Xá), đến khi mãn an cư, Ngài tuyên bố với chư Tỳ khưu: “Nửa tháng nữa Ta sẽ đi vân du”. Theo truyền ngôn: Chư Phật có phận sự đi vân du hành đạo với các Tỳ khưu, khi các Ngài muốn đi, chư Tỳ khưu được thông báo trước như thế, để có thì giờ chuẩn bị những vật dụng mang theo mình, nhất là đốt bát và nhuộm y để khi đi được an vui. Do đó, Đức Bổn Sư mới thông báo cho các Tỳ
khưu: “Từ nay đến nửa tháng nữa, Ta sẽ đi vân du”.

Chư Tăng mạnh ai nấy lo phận sự của mình, nhất là đốt bát. Chính Trưởng lão Mahākassapa cũng giặt những chiếc y của mình, nhiều vị Tỳ khưu than phiền: “Tại sao Trưởng lão lại giặt y? Nơi thành nầy cả bên trong lẫn ngoài, số dân cư là một trăm tám mươi triệu, những người không phải là quyến thuộc của Trưởng lão đều là những thiện tín của Trưởng lão, còn những ai không phải là Thiện tín đều là quyến thuộc của Trưởng lão cả. Ai ai cũng đều tôn kính, trọng đãi, dâng cúng tứ vật dụng đến Trưởng lão, thế mà Trưởng lão từ bỏ bấy nhiêu sự hộ độ đó, để rồi đi đâu? Vả lại, nếu có đi thì chỉ lên hang đá Đừng Dễ Duôi (Māpamāda) không đi qua nơi khác”.

Theo truyền thuyết, sau khi Đức Thế Tôn đến một hang đá nào, Ngài thường bảo chư Tỳ Khưu có phận sự phải trở về chùa.

“Từ bây giờ, các Thầy hãy quay trở lại, đừng dễ duôi”. Do đó mới có tên hang đá Đừng Dễ Duôi mà Chư Tăng nói đến ở trên. Trong khi sắp đi vân du, Đức Thế Tôn nghĩ rằng: “Nơi thành nầy, bên trong lẫn bên ngoài có đến một trăm tám mươi triệu dân cư, các Tỳ khưu còn phải đi đến những nơi hạnh phúc hoặc bất hạnh của nhiều người. Ta không thể bỏ tịnh xá trống không, vậy ta sẽ cho vị Tỳ khưu nào quay trở lại?”.

Rồi Đức Bổn Sư quyết định: “Dân chúng ở thành nầy đều là quyến thuộc và thiện tín của Kassapa (Ca diếp). Vậy Kassapa nên quay trở lại”.

– Lành thay! Bạch Ngài.

Trưởng lão bèn dắt đoàn đệ tử của mình quay trở lại. Các Tỳ khưu than phiền:

“Các đạo hữu thấy chưa? Chúng tôi há chẳng nói trước rồi sao, Trưởng lão Mahākassapa giặt y làm gì? Trưởng lão sẽ không đi chung với Đức Bổn Sư đâu?

Chúng tôi đã nói điều gì thì bây giờ quả đúng y như vậy”.

Đức Bổn Sư nghe các Tỳ khưu nói chuyện, bèn đứng quay mặt lại và hỏi rằng:

– Nầy các Tỳ khưu, các Thầy nói đến chuyện gì đó.

Các Tỳ khưu đáp : “Bạch Ngài ! Chúng con nói đến Trưởng lão Mahākassapa”.

Rồi các Tỳ khưu đem hết mọi lời đàm luận của mình trình lên Đức Bổn sư. Nghe xong, Đức Bổn Sư bảo:

– Nầy các Tỳ khưu ! Các Thầy nói rằng: “Kassapa lưu luyến quyến thuộc, họ hàng, tứ vật dụng”. Nhưng Kassapa chỉ vâng lời Ta mà quay trở lại thôi. Quả vậy, trong tiền kiếp Mahākassapa đã từng phát nguyện không quyến luyến tứ vật dụng, ví như mặt trăng có thể đến gần họ hàng quyến thuộc mà không bị vướng bận bởi những họ hàng và tứ vật dụng đó”. Đức Bổn Sư nhắc lại lời nguyện đó của Trưởng lão Mahākassapa là: “Tôi nguyện hành đạo của Bậc Thánh Nhân, ví như mặt trăng noi theo lộ trình (quĩ đạo) của nó, chớ không bám víu vào những họ hàng và tứ vật dụng ấy”.

Các Tỳ khưu lại hỏi Đức Bổn Sư: “Bạch Ngài, Trưởng lão đã nguyện vào lúc nào?”.

– Nầy các Tỳ khưu, các Thầy có muốn nghe không?

– Thưa vâng, bạch Ngài.

Đức Bổn Sư thuyết lại Bổn sanh:

– Nầy các Tỳ khưu, cách đây khoảng trăm ngàn đại kiếp, có vị Phật Chánh Đẳng Giác Hồng danh là Padumuttara (Thượng Liên Hoa) giáng sanh… Kế đó, Đức Bổn sư thuật luôn sự hành đạo phát nguyện đầu tiên của Trưởng lão Mahākassapa trong tiền kiếp ấy.

Sự tích nầy trong kinh tạng Pāḷi có giải rành. Sau khi nhắc lại đầy đủ hạnh nguyện của Trưởng lão, Đức Bổn Sư nói: “Nầy các Tỳ khưu! Con trai ta là Mahākassapa đã từng phát nguyện lần đầu tiên: “Ta nguyện hành đạo của Bậc Thánh nhân, ví như mặt trăng tuân theo quỹ đạo của nó”, cho nên đối với con trai Ta, sự quyến luyến trong tứ vật dụng, họ hàng, hoặc chùa, am, tịnh thất, nhất thiết đều không có nơi con trai Ta. Ví như con hạc chúa, sau khi đáo xuống một cái hồ, đi vơ vẩn đó đây rồi bay đi nơi khác, không có một chút gì luyến tiếc”.

Đức Bổn sư tóm tắt ý nghĩa của sự tích, thuyết lên thời pháp và ngâm kệ rằng :

“Uyyuñjanti satīmanto,
Na nikete ramanti te;
Haṃsā’va pallalaṃ hitvā,
Okamokaṃ jahanti te”.

“Đại Hùng, Chánh niệm viên thành,
Tâm không ưa thích đắm chìm tại gia,
Ví như lìa bỏ ao nhà,
Thiên nga chẳng chút thiết tha bận lòng”.

CHÚ GIẢI:
Uyyuñjanti satīmanto: các bậc Lậu tận đã đạt đến mức Chánh niệm tròn đủ, luôn luôn dũng mãnh Tinh tấn hành đạo, nhất là phát triển các ân đức của mình bằng pháp hành Thiền định và Minh sát. Sau khi nhập thiền và xuất thiền thì cố gắng suy xét quán tưởng.

Na nikete ramanti te: đối với các bậc ấy thì không có sự vui thích, quyến luyến chỗ ngụ.

Haṃsā’va: như con chim hạc, có nơi dịch là chim thiên nga. Sở dĩ chim này được nêu ra làm thí dụ sánh với bậc Lậu tận, là vì giống chim trời, sau khi đáp xuống một ao hồ, kiếm ăn no đủ rồi, ra đi không mang theo vật thực của mình. Nó không nghĩ nước của ta, hoa sen xanh của ta, hoa sen hồng của ta, cỏ của ta,… Nó không thèm muốn, không chấp nắm chút gì trong ao hồ ấy cả. Nó bỏ lại tất cả xứ ấy mà bay lên không trung ra đi thảnh thơi vui thú. Các bậc Lậu tận cũng thế, dầu một chút chi của chùa, quyến thuộc… các Ngài cũng không luyến tiếc. Sau khi an cư, đến giờ lên đường, các Ngài từ bỏ chỗ ngụ mà đi như không, không bao giờ thèm muốn nhớ tiếc: Chùa của ta, đạo trường của ta, người hộ pháp của ta…

Okamokaṃ: ao nước, chỗ trú ẩn, tất cả đều bỏ lại hết. Cuối thời Pháp nhiều vị tỳ khưu chứng đắc Thánh Quả, nhất là Dự Lưu Quả.

Dịch Giả Cẩn Đề
“Ra đi hành đạo lại quay về!”.
Tăng chúng phàm phu giở giọng chê:
“Trưởng lão Ma Ha ham vật dụng!”.
Ngờ đâu, Ngài đã hết si mê!
Phật ví Ngài giống như thiên nga,
Ra đi nào tiếc nước ao nhà!
Trời cao, gió lộng, chim bay mãi,
La Hán không còn chấp “Của ta!”.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO MA HA CA DIẾP BỊ CHÊ

83

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app