Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iv – Phẩm Bà La Môn: Tích Trưởng Lão Candābha

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển IV

Phẩm Bà La Môn: Tích Trưởng Lão Candābha

“Candaṃ va vimalaṃ suddhaṃ
Vippasannam anāvilaṃ
Nandībhavaparikkhīṇaṃ
Tamahaṃ brūmi brāhmaṇaṃ”.

“Như trăng sạch không uế
Sáng trong và tịnh lặng
Hữu ái được đoạn tận
Ta gọi Bà-la-môn”.

Đức Thế Tôn khi ngự trú tại Jetavana, đề cập đến Trưởng lão Candābha, Ngài tuyên thuyết lên kệ ngôn nầy.

Tương truyền rằng: Thời quá khứ có người thương buôn ở thành Bārāṇasī suy nghĩ rằng:

– Ta sẽ đến biên địa để đem trầm hương về.

Rồi y mang nhiều vải lụa, và đồ trang sức… đi đến biên địa. Thương buôn cho 500 cổ xe bò dừng nghỉ gần cổng làng, hỏi nhóm mục đồng rằng:

– Trong làng nầy có người nào làm việc tại chân núi ấy chăng?

– Có chứ.

– Người đó là ai vậy? Tên là gì?

Mục đồng chỉ rõ người và tên họ cho thương buôn biết, rồi y hỏi.

– Người nầy có vợ con chi chăng?

– Có vợ chứ.

Thương nhân hỏi nhà người đốn gỗ ấy, đi đến nhà anh ta theo sự chỉ dẫn của nhóm mục đồng. Khi anh tìm đến nhà người tiều phu, hỏi thăm đúng tên họ, vợ người thợ rừng suy nghĩ rằng:

– Người nầy hẳn là thân quyến của ta vậy.

– Nàng trải chỗ ngồi, tiếp rước thương nhân ấy. Người thương buôn sau khi đã an vị rồi, y hỏi thăm rằng:

– Nầy nàng, bạn của tôi đâu rồi?

– Thưa ông, đã đi vào rừng rồi.

Thế rồi, người thương buôn theo lời của mục đồng hỏi tên các đứa con của người thợ rừng rằng:

– Con tôi tên ấy, con gái tôi tên nầy… chúng đã đi đâu rồi?

Rồi y bảo với vợ người thợ rừng rằng:

– Cô hãy đưa vải cùng với những trang sức nầy cho các con của tôi đi. Khi bạn của tôi từ rừng về, cô hãy trao cho anh ấy những phần quà của bạn tôi.

Y cho quà tặng đến từng người, vợ người thợ rừng cũng được tặng phẩm có nhiều giá trị. Vợ người thợ rừng tỏ vẻ cung kính thương nhân lắm. Khi thợ rừng về, nàng nói với chồng rằng:

– Nầy anh thân, người nầy khi đến đây đã biết rõ tên từng người trong nhà ta, lại biếu tặng vật cho từng người nữa.

Thế là, người thợ rừng phát sanh sự kính trọng y. Vào buổi chiều, người thương nhân trở lại, hỏi y rằng:

– Nầy bạn thân mến, bạn làm việc tại chân núi ấy, bạn thấy cái chi nhiều nhất?

– Tôi chẳng thấy chi nhiều cả, chỉ có loại cây màu đỏ là nhiều nhất mà thôi.

– Loại ấy có thơm lắm không?

– Thơm lắm.

– Thế thì bạn hãy chỉ cho tôi xem loại ấy đi.

– Nầy bạn, được thôi.

Thương nhân cùng người thợ rừng đi đến rừng trầm hương để đốn trầm hương chất đầy cả 500 cỗ xe bò, khi trở về kinh thành, y nói với người thợ rừng rằng:

– Nầy bạn ơi! Tôi ở kinh thành Bārāṇasī, nếu bạn có đến đó hãy tìm đến thăm tôi. Bạn chỉ cần mang những loại cây như vậy cho tôi là đủ, khỏi cần phải quà cáp chi cho sang trọng.

– Vâng, thưa bạn.

Thế là, mỗi dịp người thợ rừng đi đến thành Bārāṇasī, y mang biếu người thương nhân trầm hương đỏ và thương nhân cũng tặng lại y vải vóc, tiền bạc cùng những trang sức…

Thời gian sau, khi Đấng Thập Lực Kassapa Níp Bàn, ngôi Bảo Tháp Vàng của Ngài đang được kiến tạo, chàng thợ rừng mang trầm hương đến thăm bạn nơi kinh thành Bārāṇasī. Người thương buôn cho tán nhuyễn trầm hương chất đầy mâm và nói rằng:

– Nầy bạn thân! Chúng ta hãy đến ngôi Bảo Tháp, khi cơm chín, chúng ta sẽ trở về dùng.

Người thợ rừng đi đến ngôi Bảo Tháp, dùng trầm hương tạo thành một vòng tròn cúng dường Bảo Tháp như vầng trăng tròn. Đây là tiền nghiệp của Candābha.

Người thợ rừng sau khi mệnh chung, thọ sanh về Thiên giới, hưởng thiên sản trọn một kiếp Phật, đến thời Đức Thế Tôn hiện tại, từ nơi Thiên cung y hạ sanh vào gia tộc Bà la môn đại hào phú (mahāsāla) trong thành Rājagaha. Do quả phước của y, từ nơi rún của đồng tử ấy phát ra ánh sáng như vầng trăng tròn. Do nhân ấy, thân quyến đặt tên y là Candābha.

Các vị Bàn môn thân tộc của Candābha suy nghĩ:

– Chúng ta có thể dùng đồng tử Candābha để sinh sống.

Các Bàn môn ấy cho đồng tử Candābha ngồi trên một cỗ xe nhỏ, kéo đi khắp làng mạc, thị trấn, châu quận, thông báo rằng:

– Người nào sờ vào thân đồng tử Candābha sẽ được giàu sang, hạnh phúc. Vì đồng tử Candābha là bậc đại phước.

Rồi thì, dân chúng đã cho 100 đồng cũng có, ngàn đồng cũng có, trăm ngàn đồng cũng có… để được sờ tay vào người của Candābha.

Đoàn Bà la môn ấy trẩy qua các kinh thành, châu quận, thị trấn, tuần tự đi đến kinh thành Sāvatthī, dừng chân nghỉ tại khoảng giữa kinh thành và Tịnh xá Jetavana.

Vào khi ấy, trong thành Sāvatthī có khoảng 5 Koṭi Thánh đệ tử, vào buổi sáng các vị cúng dường đến Đức Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu, vào buổi chiều tay cầm hương hoa, vật thoa, vật thơm, thuốc trị bịnh đến Tịnh xá để cúng dường và nghe Pháp. Các Bà la môn trông thấy chư Thánh đệ tử mang hương hoa cùng thuốc trị bịnh đến Tịnh xá, đã hỏi rằng:

– Các vị đi đâu thế?

– Chúng tôi đi đến Đức Thế Tôn nghe Pháp.

– Các người đến nơi ấy có lợi ích chi, không ai có thân phước báu như đồng tử Candābha của chúng tôi. Vì khi các người sờ vào thân của Candābha sẽ được giàu sang, do vậy các người hãy đến với Candābha Bà la môn đi.

– Thần lực của Bà la môn Candābha của các ông ra sao. Chỉ có Đức Thế Tôn của chúng tôi mới có Đại thần lực mà thôi.

Thế là, nhóm Bà la môn cùng chư Thánh đệ tử chẳng ai thuyết phục được ai cả, đồng ý cùng nhau rằng:

– Chúng ta hãy đi đến Tịnh xá, khi ấy sẽ biết rõ thần lực của bà la môn Candābha và Bậc Đạo Sư, ai sẽ thắng ai?

Và đại chúng cùng đưa Candābha đến Tịnh xá yết kiến Đức Thế Tôn. Khi vừa đến trú xứ của Đức Thế Tôn, hào quang của Candābha liền tan biến mất, Bà la môn Candābha so với Đức Thế Tôn (về oai lực hào quang) ví như con quạ đen so với lò lửa rực sáng.

Nhóm Bà la môn đưa Candābha ra ngoài Tịnh xá, hào quang của y lại chiếu rực như thường, khi đưa y trở lại vào Tịnh xá thì hào quang của y biến mất. Cả ba lần như thế, Candābha suy nghĩ rằng:

– Có lẽ vị Sa môn nầy biết được chú thuật làm mất hào quang.

Y liền bạch hỏi Đức Thế Tôn:

– Thưa Sa môn, chắc Ngài biết chú thuật làm mất hào quang, phải chăng?

– Đúng vậy, nầy đồng tử.

– Nếu thế, xin Ngài hãy dạy con đi.

– Nầy đồng tử, ta không thể ban cho người chưa xuất gia được.

Candābha liền nói với nhóm Bà la môn rằng:

– Khi tôi được chú thuật nầy rồi, tôi sẽ là người tối thắng trong cõi Diêm Phù nầy. Các vị hãy chờ tôi vài ngày, tôi sẽ xuất gia để học chú thuật.

Và Candābha xin xuất gia với Bậc Đạo Sư. Đức Thế Tôn dạy cho vị ấy quán tưởng đề mục 32 thể trược. Candābha hỏi rằng:

– Bạch Thế Tôn! Đây là chi thế?

– Đây là khởi sự của môn chú thuật ấy, ngươi nên hành trì đi.

Vài ngày sau, nhóm Bà la môn đi đến hỏi rằng:

– Ông đã học xong môn chú thuật chưa?

– Thưa các ông! Tôi còn đang học.

Và chỉ trong hai ba ngày sau, Candābha đã chứng đắc Vô Lậu Quả, khi nhóm Bà la môn đến hỏi rằng:

– Ông đã thông thuộc thần chú chưa?

– Nầy các ông, các ông hãy trở về đi, giờ đây tôi có được Pháp không du hành rồi (tức là không còn đi lại, ám chỉ không còn sanh tử luân hồi).

Chư Tỳ khưu nghe được câu chuyện, trình bạch lên Đức Thế Tôn rằng:

– Bạch Thế Tôn! Vị ấy nói không thật, tuyên bố mình có Pháp Thượng Nhân.

– Nầy chư Tỳ khưu! Bây giờ con của Như Lai là Candābha đã đoạn tận các lậu hoặc rồi, chỉ nói lời chân thật thôi.

Rồi Ngài nói lên kệ ngôn rằng: “Như trăng sạch không uế. Sáng trong và tịnh lặng. Hữu ái được đoạn tận. Ta gọi Bà-la-môn”.

CHÚ GIẢI:
Vimalaṃ: tức là giải thoát khỏi cấu uế, ví như mây che.

Suddhaṃ: là không còn phiền não ngủ ngầm.

Vippasannam: là tâm trong sạch.

Anāvilaṃ: là đoạn trừ cấu uế như phiền não.

Nandībhavaparikkhīṇaṃ: nghĩa là ta gọi người đã đoạn tận ái trong ba cõi là Bà la môn.

Dút Pháp thoại nhiều người chứng đạt quả Thánh.

Dịch Giả Cẩn Đề
Bụng nổi hào quang sáng tợ trăng,
Muốn so sánh với bực toàn năng,
Nguyệt quang tự thấy không bì thật,
Chịu phép vào tu, đắc Thánh Tăng,
Phật dạy: Thấy nên pháp bất lai,
Như trăng tròn chẳng nhuộm trần ai,
Sáng, trong, tịnh lặng, vô hữu ái,
Đáng gọi Bà la môn đức tài.
DỨT TÍCH TRƯỞNG LÃO CANDĀBHA

180

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app