Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I – Phẩm Song Đối: Tích Người Sanh Làm Nữ Dạ Xoa

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Song Đối: Tích Người Sanh Làm Nữ Dạ Xoa

“Na hi verena verāni,
Sammantīdha kudācanaṃ;
Averena ca sammanti,
Esa dhammo sanantanoti”.

“Đời nầy hận rửa hận,
Muôn thưở chẳng sạch thù.
Từ bi rửa sạch hận,
Là định luật thiên thu”.

Kệ Pháp Cú số 5 nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại Đại Tự Jetavana, đề cập đến nàng Vañhiṭṭhiṃ (Thạch Nữ). Tương truyền rằng: Thưở ấy có một công tử thiếu niên, khi cha mới qua đời, một tay cậu chăm lo phụng dưỡng từ thân vừa phải đảm đang coi sóc mọi việc trong nhà, ngoài ruộng.

Bà mẹ thấy con đơn chiếc, mới bảo cậu rằng:
– Để má lo bề gia thất cho con, nghe không.
– Má ơi! Má đừng nói chuyện ấy, má còn sống đến ngày nào con nguyện ở vậy nuôi má đến ngày ấy, cho đến trọn đời.
– Con à, một mình con mà gánh vác luôn cả mọi việc ruộng nương nhà cửa, lòng má áy náy không vui, con để má lo đôi bạn cho con.

Thiếu niên từ chối nhiều phen, nhưng bà mẹ cứ thúc giục, dỗ dành mãi, nên cậu làm thinh nhận chịu. Khi ấy, mẹ cậu ra đi, định đến dạm hỏi con gái của một gia đình nọ, thiếu niên muốn biết ý mẹ, bèn nói vói rằng:

– Má định nói con ai vậy?
– Cô con gái nhà ông Mỗ, bà mẹ đáp.

Thiếu niên nghe rồi, cản mẹ lại và ngỏ lời chỉ nhà cô gái mà cậu ưng ý. Chiều lòng con, bà mẹ đi ngay đến nhà ấy, dạm hỏi con gái chủ nhà cho con trai mình, định ngày làm lễ cưới. Và đến ngày ấy rước dâu về, cho con có người nội trợ. Cô vợ hiếm hoi, ở với chồng một thời gian khá lâu mà không sinh nở, thấy vậy bà mẹ bảo người con trai:

– Con à! Con vợ mà con ưng ý, biểu má cưới đem về, bây giờ mới biết là nó hiếm hoi, không sanh nở được. Chẳng lẽ để nhà ta tuyệt tự vì không con nối dòng, con để má kiếm đứa khác cho con.

Thiếu niên không chịu, đáp tắt ngang: “Thôi đi má”, nhưng bà mẹ chẳng nản lòng, cứ theo òn ỉ nói mãi.

Cô Vañhiṭṭhiṃ nghe lõm được chuyện nầy, tự nghĩ: “Áo mặc sao qua khỏi đầu, làm con làm sao cãi được lời cha mẹ. Một mai chồng ta cưới vợ bé đem về, nếu nó có con chắc mọi người trong gia đình sẽ cưng trọng nó mà khinh rẻ ta, xem ta như hạng tôi đòi. Ôi! Hay là ta hãy kiếm vợ bé cho chồng, để ta được trọn quyền chọn lựa người theo ý muốn của ta”.

Thế rồi cô Vañhiṭṭhiṃ lân la đến một gia đình nọ, dạm hỏi một cô thiếu nữ để làm vợ bé cho chồng, nhưng ban đầu cô ta bị cha mẹ cô gái cự tuyệt, hỏi rằng:

– Thím ơi! Sao thím nói gì lạ vậy?
– Dạ! Bởi vì tôi hiếm hoi, không thể sanh con cho chồng tôi khỏi tuyệt tự… nếu dì nó đẻ con trai, dì nó sẽ được trọn quyền cai quản cả gia đình, làm chủ luôn cả tài sản nữa.

Sau cùng, cô Vañhiṭṭhiṃ thuyết phục được gia đình cô gái và dắt cô ta đem về, cho làm vợ bé chồng mình. Nhưng rồi tâm cô Vañhiṭṭhiṃ nảy sanh như vầy: “Nếu con nhỏ này sanh con trai hoặc con gái thì một mình nó sẽ nắm hết quyền hành trong nhà ta. Ta phải mưu tính cách nào, không cho nó sanh con mới được”.

Thế nên, cô đinh ninh dặn dò cô vợ bé rằng:
– Dì nó à! Khi nào dì cấn thai thì báo cho chị biết nghe không.

Cô vợ bé vô tình đáp lại: “Dạ…dạ”.

Y theo lời hứa, khi biết mình có nghén, cô vợ bé bèn báo tin cho cô Thạch Nữ hay.

Cô nầy đã có dụng ý từ trước, nên hằng ngày thường làm ra vẻ yêu thương, tự tay nấu cơm cháo bưng đem cho cô vợ bé ăn.

Khi biết được tin cô vợ bé thọ thai, cô ta bèn trộn lẫn thuốc phá thai vào vật thực cho cô vợ bé và kết quả là cái thai bị xảo.

Cô vợ bé thọ thai lần thứ hai, cũng thiệt tình nói cho cô Thạch Nữ biết, cô nầy lại hạ độc thủ, làm cô vợ bé trụy thai lần thứ hai.

Các phụ nữ lối xóm, có người tò mò hỏi cô vợ bé rằng: “Có phải chị bị bà lớn lập tâm hãm hại chăng?”.

Cô vợ bé bèn tỏ hết tâm sự gia đình, liền bị các cô bạn trách rằng: “Chỉ có chị là mù quáng, dại dột mới tin nghe vợ lớn như vậy. Con mẹ sợ mất chủ quyền trong nhà, nên hốt thuốc phá thai cho chị uống, chị tin lời con mẻ nên mới bị hư thai, từ rày đừng thèm nghe theo con mẻ nữa”.

Mấy lời rỉ tai nói nhỏ của mấy cô bạn láng giềng khiến cho cô vợ bé sinh nghi, nên khi có thai lần thứ ba, cô ta không tiết lộ cho cô vợ lớn biết, nhưng rồi bụng càng ngày càng to cô ta bị vợ lớn hạch hỏi rằng: “Sao dì có thai mà không bảo cho chị biết?”.

Túng nước, cô vợ bé phải đáp thật rằng: “Chị đã báo hại làm cho em hư thai hết hai lần rồi, bây giờ bảo em nói cho chị biết nữa hay sao?”.

Cô Vañhithiṃ nghĩ thầm: “Mưu kế của ta bị bại lộ rồi”. Từ đó, cô ta rình rập, chờ dịp nào cô vợ bé sơ ý ra tay, đến khi cái thai đã lớn, cô ta mới gặp cơ hội, bèn trộn thuốc phá thai vào thang thuốc bổ của cô vợ bé. Cái thai đã già ngày tháng, nên không xảo ra, quay lại nằm ngang cửa tử cung, dựng phụ nghe dạ dưới đau trằn dữ dội, nghi mình sắp thiệt mạng vì tay cô vợ lớn, nên vừa khóc vừa thề nguyền rằng: “Một tay mày sát hại ba đứa con tao. Bây giờ tới tao cũng chết vì tay mày, chết rồi tao sẽ đầu thai làm nữ Dạ Xoa (Yakkhinī) để ăn thịt mấy đứa con mầy lại mà rửa hận”.

Dứt lời, cô ta tắt hơi luôn, thọ sanh làm con mèo cái (majjārī) trong nhà. Còn cô Vañhiṭṭhiṃ bị chồng lôi ra mắng rằng:

– Con ác phụ, mầy đã báo hại làm cho tao phải tuyệt tự.

Chưa đã cơn giận, chồng cô còn thúc cùi chỏ, lên gối, thẳng tay đấm đá một cách tàn nhẫn.

Bị trận đòn chí tử, cô Vañhiṭṭhiṃ đau nặng bỏ mình luôn, chuyển kiếp làm con gà mái trong nhà.

Không bao lâu, con gà mái lớn lên, bắt đầu đẻ trứng, con mèo rình ăn trộm ổ trứng đầu tiên của nó. Lứa trứng thứ hai, thứ ba cùng con gà mái cũng bị ăn luôn. Con gà mái căm thù con mèo mới thề rằng:

– Mày ăn của tao hết ba lứa trứng, bây giờ còn muốn ăn thịt của tao nữa, tao mà chết rồi đầu thai kiếp khác tao thề sẽ ăn thịt lũ con mầy lại báo oán. Thế rồi con gà mái chết, đầu thai làm con beo cái, còn con mèo cái khi chết đầu thai làm con nai cái.

Đến khi con nai cái sinh con, ba lần đều bị con beo cái tìm đến ăn thịt con cả ba lần. Khi biết mình sắp chết, con nai cái thề rằng: “Mầy ăn thịt con tao ba lần, bây giờ còn sắp ăn thịt tao nữa, tao thề kiếp sau sẽ ăn thịt cả mầy lẫn con mầy mới hả dạ tao”.

Nguyện rồi, con nai cái chết hóa thân làm Hắc Nữ Dạ Xoa (bà chằn đen), còn con beo cái sau khi chết, đầu thai làm con gái một gia đình Trưởng giả ở kinh thành Sāvatthī.

Cô con gái lớn lên được gả về làm dâu trong một gia đình ở tận cổng làng, đến khi thiếu phụ sanh đứa con đầu lòng, Dạ Xoa cái hiện đến hóa hình giống như bạn chí thân của thiếu phụ, giả vờ hỏi thăm người nhà của thiếu phụ rằng:

– Chị bạn thân thiết của tôi đâu?

– Nằm ở trong buồng, mới sinh con.

Nghe vậy, nữ Dạ Xoa nói:

– Để tôi vô thăm coi sanh trai hay gái.

Dạ Xoa vô buồng giả vờ ẵm đứa hài nhi sơ sinh, ăn thịt rồi biến mất. Lần thứ hai thiếu phụ sinh con, cũng bị nữ Dạ Xoa hiện đến ăn thịt như thế.

Đến lần thứ ba, khi mang thai gần đến ngày sinh, thiếu phụ bảo chồng rằng:

“Mình ơi! Tại đây có con chằn cái, nó đã ăn thịt con ta hai lần rồi, kỳ nầy em muốn về nhà ba má em để nằm chờ”. Và thiếu phụ sanh đứa con thứ ba tại nhà cha mẹ ruột của mình tại thành Sāvatthī.

Trong khi ấy nữ Dạ Xoa có phận sự phải đi đội chuyền nước. Vì tất cả Dạ Xoa ở quốc độ của vua Vessavana (Tỳ Sa Môn) là vị Đại Thiên Vương trấn thủ phương Bắc, đều bị bắt đi đội chuyền nước từ hồ Anottattā (Thiên Lãnh). Công việc làm sau nầy kéo dài đến bốn năm tháng, khi được phóng thích, các Dạ Xoa khác đều bị bỏ mạng vì quá nhọc xác.

Còn Dạ Xoa Kāḷī (Hắc nữ), khi mãn hạn được thả ra, lật đật trở lại nhà của thiếu phụ và hỏi rằng:

– Cô bạn của tôi đâu?

– Cô ấy lánh mặt đi nơi khác rồi, kiếm không gặp đâu. Vì ở đây có sanh đứa con nào cũng bị bà chằn tinh tới bắt ăn thịt hết, nên kì nầy cô về nhà cha mẹ ruột của cô rồi.

Nghe đáp như vậy, nữ Dạ Xoa lấy làm tức tối, nói thầm một mình: “Dầu cho đi đàng nào, mày cũng không thoát khỏi tay tao”, lòng đang sôi sục hận thù, nó vụt chạy về phía trong thành Sāvatthī. Ngày ấy, nhằm ngày lễ đặt tên cho đứa con mới sinh, thiếu phụ tắm rửa cho con
sạch sẽ, đặt tên cho nó và nói cho chồng:

– Anh ạ! Bây giờ chúng mình trở về nhà.

Nói đoạn, thiếu phụ bồng con theo chồng lên đường trở về chốn cũ. Khi đi ngang qua Tịnh xá Jetavana, tới chỗ ao hồ, thiếu phụ trao con cho chồng ẵm, lội xuống tắm dưới ao, tắm xong nàng lên bờ ẵm con cho chồng xuống tắm. Thiếu phụ đứng trên bờ hồ đang cho con bú, bỗng thấy dáng con Dạ Xoa lù lù chạy tới.

Khi nhận biết đích xác là nó rồi, thiếu phụ lớn tiếng ríu rít kêu chồng: “Anh ơi! Anh ơi! Mau lên, con Dạ Xoa nó tới đây rồi nè”.

Liệu chồng lên không kịp, thiếu phụ ẵm con quày quả cắm đầu chạy ngay vào trong Tịnh xá.

Lúc bấy giờ, Đức Bổn Sư đang ngồi thuyết pháp giữa tứ chúng. Thiếu phụ đặt đứa hài nhi dưới chân Đức Như Lai, rồi bạch rằng: “Con xin cúng dường Đức Ngài đứa con nhỏ nầy, xin Ngài từ bi tế độ cứu sanh mạng con của con”.

Ngoài cổng tam quan, nữ Dạ Xoa bị chư thiên Sumana (Thiện Ý) đứng trấn giữ nơi đó chận lại, không cho vào Tịnh xá. Đức Bổn Sư bèn kêu Đại đức Ānanda và dạy rằng:

– Nầy Ānanda, hãy ra gọi nữ Dạ Xoa vào.

Thiếu phụ la lên:

– Bạch Ngài! “Nó” vào đó.

Đức Bổn Sư bảo:

– Cứ để yên cho nó vô, đừng làm ồn.

Khi nữ Dạ Xoa vào đến nơi, đứng trước Đức Bổn Sư, Ngài khiển trách rằng:

– Tại sao ngươi làm như vậy? Nếu các người không có duyên lành được diện kiến một vị Phật như Ta, thì các ngươi còn buộc oan trái với nhau mãi mãi cho đến hết một kiếp của quả địa cầu nầy (kappa) như con rắn với con mông thử (Nāgamissatha) hễ gặp nhau là run rẩy, sừng sộ, sôi sục hận thù, hay như con quạ với con chim cú vậy.

Tại sao các ngươi lấy hận rửa hận, lấy oán báo oán, thù hận chỉ có thể dập tắt bằng từ bi, chứ không phải bằng hận thù được.

Nói rồi Đức Bổn Sư đọc bài kệ:
“Na hi verena verāni,
Sammantīdha kudācanaṃ;
Averena ca sammanti,
Esa dhammo sanantanoti”.

Khắp cùng trên cõi nhân gian,
Có đâu thù hận dẹp tan hận thù.
Từ bi cởi mở hận thù,
Đó là định luật thiên thu lưu truyền”.

CHÚ GIẢI:

“Đời nầy hận rửa hận” – Muôn thưở chẳng sạch thù (Na hi verena verāni, sammantīdha kudācanaṃ): Chẳng khác nào ta lấy nước dơ như nước bọt, nước mũi chẳng hạn, để rửa chỗ dính phẩn uế, thì không chỗ nào sạch sẽ thơm tho được, trái lại chỗ rửa ấy càng nhơ nhớp hôi thúi lên. Cũng như thế khi bị người mắng, mắng lại người, khi bị người đánh, đánh lại người, để mong trả thù rửa hận thì mối oan trái đó sẽ không giải tỏa, mà còn thắt chặt thêm và hận thù cũng chẳng được trấn an nên ngày càng tăng trưởng.

“Từ bi rửa sạch hận thù” (Averena ca sammanti): Chẳng khác nào lấy nước trong sạch để tẩy rửa vết nước miếng, nước mũi, phẩn uế, thì chỗ rửa ấy mới được sạch sẽ, hết mùi hôi thối. Cũng y như thế vết nhơ hận thù nhờ thứ nước nhẫn nhục, từ bi tẩy sạch được, người biết lưu tâm chiêm nghiệm, thấu triệt được chân lý thì tự khắc bao nhiêu hận lòng cố kết, cũng đều tan rã.

“Là định luật thiên thu” (Esa dhammo sannantanoti): Pháp dùng nước từ bi để tẩy sạch hận thù là một pháp hoàn toàn bất di bất dịch,
đã có từ ngàn xưa mà tất cả chư Phật Độc Giác và Thinh văn Giác đều công nhận.

Bài kệ vừa dứt, nữ Dạ Xoa chứng được quả Tu Đà Hườn, thính chúng câu hội nơi ấy cũng đều hưởng được sự lợi ích. Kế đó, Đức Bổn Sư bảo thiếu phụ:

– Con hãy trao đứa hài nhi qua nữ Dạ Xoa.

– Bạch Ngài, con không dám.

– Chớ nên sợ vô lý, không can gì đâu.

Thiếu phụ bạo gan đưa con mình qua tay nữ Dạ Xoa, nữ Dạ Xoa tiếp ẵm đứa bé vào lòng, hôn hít, nựng nịu rồi trao trả lại cho mẹ nó, rồi phát khóc ấm ức. Đức Bổn Sư liền hỏi:

– Sao ngươi lại khóc?

– Bạch Ngài, lúc trước con dùng đủ phương nầy chước nọ để nuôi mạng sống mà còn đói lên đói xuống, không được no lòng, bây giờ con sẽ sống bằng cách nào đây.

– Ngươi chớ nên quá lo âu.

Sau khi an ủi Dạ Xoa, Đức Bổn Sư quay qua bảo thiếu phụ rằng:

– Con hãy đem nó về nhà, cho nó ở chung và cấp dưỡng cao lương mỹ vị cho nó.

Thiếu phụ dắt nữ Dạ Xoa về nhà, cho ở một chái phía sau và hằng ngày cúng dường cơm cháo bánh trái, toàn thứ ngon lành thượng hạng.
Tới khi trong nhà đập lúa, Dạ Xoa thấy đòn xóc giơ lên cao, sợ giáng xuống trúng đầu mình nên nói với thiếu phụ:

– Tôi không thể nào ở đây lâu hơn nữa, bạn kiếm cho tôi một chỗ khác.

Thiếu phụ đưa Dạ Xoa đi lựa chỗ, lần lượt từ chái nhà kho trữ đòn xóc và nhà tắm vào nhà bếp vào chòi dựa xoài, rồi ra chỗ đống rác, ra tận cổng làng… Đến chỗ nào Dạ Xoa cũng lắc đầu không chịu ở, nói rằng: “Ở đây thấy đòn đập lúa giơ lên xuống, tôi sợ trúng nhằm đầu tôi sẽ bể hai… Ở đây con nít tạt xối nước dơ… Ở đây có chó nằm… Ở đây trẻ con phóng uế… Ở đây người ta đổ rác.. Ở đây, lũ trẻ trong làng làm thầy coi tướng v.v…”.

Cuối cùng, thiếu phụ đưa nữ Dạ Xoa ra tới ngoại ô, chọn một địa điểm an tịnh vắng lặng. Nữ Dạ Xoa bằng lòng ở đó, hằng ngày thiếu phụ vẫn đem món ăn thượng vị cung cấp cho nó.

Nữ Dạ Xoa tự nghĩ: “Cô bạn của ta đối xử với ta rất mực thâm tình, ta phải làm sao đền đáp ân đức trọng hậu của người trong muôn một”.
Rồi nữ Dạ Xoa nói cho cô bạn biết rằng: “Năm nay trời sẽ mưa nhiều, bạn nên gieo trồng trên chỗ đất gò”.

“Năm nay nắng hạn, bạn nên gieo trồng trên chỗ đất bưng”.

Nhờ đó, năm nào thiếu phụ cũng được trúng mùa, cửa nhà sung túc, trong khi mùa màng của những người khác đều bị hư hại vì mưa già hay nắng hạn.

Bạn bè hàng xóm hỏi thăm thiếu phụ: “Nầy chị sao mùa màng của những người khác đều bị hư hoại, mùa màng của chị gặp năm dư nước, thiếu nước chị cũng không bị hư hại như của người khác, hình như là từ khi đầu mùa chị đã tiên đoán biết trước năm nào mưa dầm, năm nào nắng hạn vậy phải không? Hay là chị làm cách nào?”.

Thiếu phụ tỏ thật rằng:

– Tôi có cô bạn nữ Dạ Xoa, cô ta tiên đoán biết trước thời tiết mỗi năm mưa nhiều hay nắng nhiều, đều có nói cho chúng tôi hay, chúng tôi theo lời cô ta chỉ dẫn mà làm mùa, nhờ vậy năm nào chúng tôi cũng trúng. Vậy chứ bà con không thấy ngày ngày chúng tôi đem cơm cháo, bánh trái đi ra hay sao? Đó là những vật thực chúng tôi đem đến cung cấp cho cô ta vậy. Bà con muốn cậy cô ta chỉ biếu giùm cho, thì cứ đem vật thực ngon lành đến biếu cô ta là được chớ gì.

Khi ấy, cư dân trong thành tranh nhau mang lễ vật đến. Từ đó về sau, nữ Dạ Xoa làm bà thầy hướng dẫn nông nghiệp cho mọi người, được cúng dường lợi lộc dồi dào và quy tụ rất đông tín đồ đệ tử.

Sau đó, bà ta có lập ra tám thứ thực phẩm do người bắt thăm dâng cúng (Salākabhattāni) và cái lệ này vẫn còn gìn giữ cho đến ngày nay.

Dịch Giả Cẩn Đề
Tranh chấp tranh quyền nghịch lẫn nhau,
Giết con tình địch họa càng sâu.
Gà beo, lộn kiếp hai đời khổ,
Chằng, thú, bàng sanh mấy đọa sầu.
Có oán nào từng vui đến trước,
Thâm thù chỉ để hận về sau.
Vâng lời Phật dạy: Từ, bi, xả,
Cùng sống nương theo lý đạo mầu.

DỨT TÍCH NGƯỜI SANH LÀM NỮ DẠ XOA
CHÚ GIẢI:

I- Ngài Buddhaghosa, tác giả bộ Chú Giải Pháp Cú Kinh, là một Tỳ khưu ở xứ Thaton, dòng dõi Bà la môn xuất gia theo Phật giáo vào thế kỷ thứ V, Ngài rất thông suốt Tam Tạng và được Phật giáo Nam Tông xem là một vị Thánh Tăng, đã có công chấn chỉnh Phật giáo suy đồi ở Tích Lan, hủy bỏ những kinh điển mà Ngài cho là không đúng đường lối của Đức Phật và có viết lại bằng Pāli những Bộ Chú Giải, nhất là bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) mà chư Tăng ngày nay lấy làm kinh chánh để tu học về GIỚI – ĐỊNH – TUỆ.

Tuy nhiên, gần đây có một số chư Tăng ở Thái Lan bắt đầu ngờ vực những công trình của Ngài. Vì lẽ, dòng dõi Bà la môn của Ngài bao giờ cũng có chủ tâm dẹp bỏ Phật giáo, hay ít nhất cũng hạ bệ Phật và sắp Ngài vào hàng dưới Phạm Thiên của họ, biết đâu chừng những kinh chính thống Phật giáo đã bị thiêu đốt và thay thế bằng những giáo lý lai Bà la môn?

(Lúc Đức Phật còn tại thế, Ngài không cho ghi chép kinh vì sợ tam sao thất bổn. Mấy tổ về sau giỏi chữ nghĩa văn chương nhất là các vị Bà la môn sẽ có thể thêm bớt làm sai lệch nguyên bổn, Ngài chỉ thuyết bằng tiếng Pāli, tiếng bình dân xứ Magadha, không có chữ Nam Phạn, chữ Bắc Phạn (Sanskrit) là của đạo Bà la môn, tuy hơi giống như tiếng Pāli, nhưng không phải là một thứ tiếng như tiếng Việt Nam ở hai miền
Nam, Bắc của xứ ta).

Trong quyển Legénde de Gautama, trang 372, có đoạn nói về Ngài, xin trích dịch ra dưới đây:

Người đầu tiên có công sưu tập một bản sao của Tam Tạng là Ngài Buddhaghosa, tu sĩ xứ Thaton, dòng Bà la môn, người này xuống thuyền ở Thaton, lúc bấy giờ ở ven biển gần đó, địa phương nầy nằm ở trong xứ Ramagnia và dân bổn xứ gọi là người Moun. Ngài đã đáp thuyền buồm đi Tích Lan trong năm 1.043 – 400 năm sau Dương Lịch. Dưới triều đại của vua Mahānāma. Ngài ở lại đảo ba năm viết (chép) Tam Tạng bằng chữ Miến Điện trên lá bối (lá buôn) theo các bản viết chữ Tích Lan. Ở một bản kinh khác, chúng tôi đọc thấy Ngài viết ra tiếng Pāli những bản kinh bằng tiếng Tích Lan. Ngài Buddhaghosa lưu lại xứ Tích Lan ba năm để hoàn thành công trình đã dự định. Trong thời gian Ngài ở đảo nầy, dân chúng rất hâm mộ kính mến Ngài, nên khi Ngài từ giã, họ dâng cúng Ngài rất nhiều vật dụng quý giá, Ngài mang về xứ Suvaṇṇabhūmi (Kim Thành), ở xứ Ramagnia nguyên bộ Tam Tạng.

II- Những phước báu dành cho tín đồ sau khi qua đời, đúng theo tỉ lệ của các việc làm phước thiện của họ lúc còn sống. Các cõi trời tiếp theo cõi người, nhưng ở dưới mười sáu cõi dành cho các Phạm Thiên Hữu sắc, được mở ra tiếp đón các thiền tín tu, các dục lạc ở cõi chư thiên hoàn toàn thuộc loại cảm quan. Tất cả những gì con người có thể tưởng ra để làm thỏa mãn ngũ quan, được dồn trên các nhàn cảnh ấy và
chư thiên ở cõi đó tha hồ mà hưởng thụ một cách tự do, rộng rãi. Thú vui bằng Ngũ trần thì không thể nào tả hết cho được, ta chỉ cần biết là: Ở cõi trời Dục giới phái tính vẫn còn. Trong hai cõi thấp nhất là Tứ Đại Thiên và Đao Lợi, sự hành dâm vẫn có giữa hai phái tính nhưng không có sự chửa đẻ, trong cõi Dạ Ma chư thiên nam và nữ chỉ ôm nhau hôn hít là đủ thỏa mãn tình dục, trong cõi Đâu suất hai bên chỉ nắm tay
nhau, trong cõi Hóa Lạc vợ chồng chỉ nhìn mặt nhau. Và trong cõi Tha Hóa Tự Tại, hai người chỉ cần gặp nhau ở một nơi nào đó. Về phái tính trong Dục giới thiên, chúng ta có thể nhận thấy hai điểm:

A- Là dục lạc càng mất vẻ thô tục và càng trở nên thanh bai, tế nhị khi càng lên cõi cao hơn. Hễ lúc còn sống, thiện tín làm phước càng thanh cao to lớn, thì sau đó sẽ được sanh lên cõi càng thanh cao và hưởng thụ được những cảnh vui tế nhị. Do đó, Đức Phật Gotama của chúng ta, trong tiền kiếp đã tạo nhiều giới đức tối cao nên được sanh lên cõi trời Đâu Suất (Tusita) là cõi trời dục thứ tư.

B- Thời gian thụ hưởng dục lạc cứ tăng gấp đôi từ cõi dưới thấp lên cõi trên kế tiếp. Nghĩa là những thú vui ở cõi Đao Lợi được xem như thọ hưởng lâu hơn gấp đôi cõi Tứ Đại Thiên, cõi Dạ Ma thì gấp đôi cõi Đao Lợi, cứ như thế tăng dần cho đến cõi trời thứ sáu.

Trong các bài pháp mà chư Tỳ khưu thuyết cho quần chúng nghe để khuyến khích họ tinh tấn, nhất là về hạnh bố thí, các Sư hết sức rộng rãi trong các lời hứa hẹn về phước báu ở trên nhàn cảnh, lấy đó làm một phương tiện mạnh mẽ để duy trì sự tinh tấn bố thí cúng dường của chư thiện tín, chư Tăng đã thành công rực rỡ trong các chương trình đã dự định. Đối với đại đa số thính giả, người ta không thể phủ nhận rằng:

“Những Phật giáo đồ là những nạn nhân của sự gạt gẫm nầy”, đã trọn tin những lời thuyết của Pháp sư. Về vấn đề cõi trời Dục giới đó là đức tin chung trong đại chúng Phật giáo đồ, thỉnh thoảng người ta có thể gặp một số ít người phủ nhận các truyện ngụ ngôn ấy. Nhưng số ít nầy không được quan tâm lưu ý vì phần chính thống của Giáo hội xem họ như những người tự do tư tưởng, thuần lí luận (Vie de gandama
trang 281).

Trường hợp cậu Maṭṭhakuṇḍali được vãng sanh lên cung trời Đao Lợi, không phải do làm phước hay giữ giới, mà chỉ giữ tâm trong sạch hướng đến Đức Phật là được như vậy.

Điều nầy mới nghe qua, như phản lại lời các Pháp sư thường ca tụng về pháp Bố thí và Trì giới, nhưng chính Đức Phật đã xác nhận và vị chư thiên Maṭṭhakuṇḍali là một bằng chứng: Chỉ bằng tâm trong sạch, dầu nói hoặc làm, hoặc nghĩ cũng được phước cả. Nguyên nhân tạo nghiệp là ý (mano). Ở nơi khác, Đức Phật còn dạy rằng tâm (tác ý) tức là nghiệp. Như cố Đại đức Hộ Tông đã từng giải bày thứ quả của tài thí đều do tâm cả, xin nhắc lại là:

1- Bố thí với sự mong mỏi phước báu thì sẽ được sinh lên cõi trời thấp nhất (Tứ Đại Thiên).
2- Bố thí và nghĩ đến việc làm thiện thì sanh lên cõi trồ thứ hai (Đao Lợi).
3- Bố thí vì phong tục tập quán sẽ sanh lên cõi trời thứ ba là Dạ Ma.
4- Bố thí theo Phật giáo thì sẽ được sanh lên cõi trời thứ tư là Đâu Suất.
5- Bố thí bằng tâm vui thích thì sẽ sanh lên cõi trời thứ năm là Hóa Lạc.
6- Bố thí bằng tâm giúp cho người được an vui đầy đủ thì được sanh lên cõi trời
thứ sáu là Tha Hóa Tự Tại.
7- Bố thí không cầu mong hưởng quả, chỉ để xả ly tham, sân, si, nhất là lòng bỏn xẻn thì được sanh lên cõi Phạm Thien (vì đã hết dục vọng).

Phần nhiều thiện tín không thích quả phước vô lậu của cách bố thí với tâm xả ly để sớm đạt được đạo quả Niết Bàn, mà chỉ bố thí để hồi hướng cho người đã quá vãng và để dành cho mình kiếp sau được hưởng quả. Ít người hiểu biết rành vì không được chư Tăng giải rành mạch, tận tường, là mình đã bố thí hết cả phần phước của mình trong khi đọc bài Phước căn… không chừa lại chút gì cả, mà còn đọc tiếp lời nguyện xả ly những phiền não tức là những dục vọng ham muốn, hưởng dục lạc ngũ trần trong ngày vị lai. Một lẽ nữa, là chư thiện tín hiểu lầm Niết Bàn là cõi tịch diệt, không không rỗng tuếch, đoạn diệt tất cả nên ngán sợ Niết Bàn.

Trong số chư Tăng có vị chưa nhận thức rằng, một Thánh nhân bậc thấp nhất, tuy nghèo xơ xác về mặt vật chất cũng không phải là người vô sản cùng đinh. Do lẽ đó, Đức Phật đã từng khuyên các hành giả: “Vị Tỳ khưu nên ở chỗ nào pháp dễ phát sanh mặc dù thiếu thốn vật thực” và Ngài cũng nhắc nhở các đệ tử: “Hãy là người thừa tự pháp, chớ đừng làm người thừa tự vật thực của Như Lai”.

Nhiều vị cư sĩ muốn xuất gia mà ngại thiếu thốn vật thực vật chất, không thể tu được nên ráng làm phước để dành làm hậu bị thực. Các vị quá sợ khổ như vậy, không thể nào dám Minh sát Khổ và nếu ráng học nhiều pháp thì chỉ biết cái khổ bằng lí thuyết suông. Vả lại đem hết tài sản bố thí cúng dường lớn lao trọng đại như ông Anāthapiṇḍika hay bà Visākhā, phước báu chẳng hơn gì người thợ hàng hoa Sumana
được Phật thọ ký là Phật Độc Giác sau nầy.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật có giải về phước hữu lậu của Ngài đã làm trong kiếp còn là Bồ Tát Velāma nhiều vô số kể, nhưng so ra chẳng bằng một phần mười sáu của hành giả thấy Pháp Sanh Diệt, tức là Minh sát Khổ cho tới khi hết khổ, không còn tái sanh cái khổ, tức là chứng được pháp Vô Sanh (của cái khổ). Sự tích cậu Maṭṭhakuṇḍali về lý thì giống như pháp niệm Phật A Di Đà của phái Tịnh Độ, nghĩa là nhờ tha lực bằng đức tin mãnh liệt nơi Đức Phật vào lúc lâm chung mà được siêu sanh, tuy nhiên chẳng phải dễ gì niệm tưởng Đức Phật trong khi từ giã cõi đời được, nếu không có sự trợ duyên.

Trong sách Quần Nghi Luận có kể mười trường hợp lâm chung không thể niệm Phật, xin chép ra đây:

1- Không gặp người trí thức nên không đi khuyên niệm Phật.
2- Nghiệp khổ buộc trong thân, không rảnh trí mà niệm Phật.
3- Trúng gió tắt tiếng, không xưng niệm hiệu Phật được.
4- Cuồng tâm loạn trí không thể niệm Phật được.
5- Chết chìm, chết thiêu không thể niệm Phật được.
6- Gặp nạn hùm, gấu mà không có ai nhắc niệm Phật được.
7- Gặp bạn ác khuyên điều tà, không tin Phật nên chẳng niệm được.
8- Ăn no quá độ rồi bị hôn mê mà chết nên không thể niệm Phật được.
9- Chết trong trận giặc không thể niệm Phật được.
10- Té xuống từ núi cao mà chết, không niệm Phật được.
Hành giả Minh sát Khổ thường xuyên giác ngộ lý Tứ Đế không sợ mê muội vào
lúc lâm chung, dù không niệm Phật nhưng vẫn chánh niệm, giác tỉnh thì không bao
giờ sa đọa xuống khổ cảnh. Nhưng hành giả không nên giải đãi dể duôi, mà phải bắt
đầu cho sớm thành thói quen, đừng đợi tuổi già mới Minh sát Khổ.
Mạc đại lão lai phương quán khổ
Cô phần đa thị thiếu niên nhân.

III- Xã hội Ấn Độ trước thời Đức Phật, đã phân ra làm bốn giai cấp. Theo Luật Đức Bàn Cổ (Mano) đã ấn định bốn cách nầy căn cứ vào bốn dòng dõi, tuy sống chung trong một xứ nhưng mỗi dòng chỉ kết hôn với người đồng dòng với mình thôi, chứ không chịu thứ con lai hai dòng. Cấp Bà la môn là cấp tu sĩ, cao nhất vì tự cho mình là quý phái, trong sạch, thánh thiện, được phép làm chủ các việc tế tự. Đức trời Phạm Thiên là đấng tạo hóa ra mọi loài vạn vật. Cấp thứ hai là cấp chiến sĩ hay vua chúa, gọi là Khattiya (Bắc phạn là Ksatrya), Tàu âm là Sát Đế Lỵ. Đức Thích Ca thuộc dòng chiến sĩ, nhưng ngài đã cách mạng, phá bỏ hàng rào giai cấp, nghĩa là lập ra giai cấp A La Hán, hay đúng hơn là định nghĩa lại tiếng Bà la môn, là bậc có giới đức đáng được lãnh đạo, chứ không phải là do cha mẹ Bà la môn sanh ra mà được tôn trọng là Bà la môn (cấp tối cao). Theo Ngài, hai giai cấp sau là Phệ Xá (thương buôn, thợ thuyền) và cấp Thủ Đà La (cùng đinh, du mục), nếu tu hành đúng đắn thì cũng được gọi là Bà la môn.

Theo Phật sử thì Đức Phạm Thiên (mà tu sĩ Bà la môn cho là đấng Tạo hóa tối tôn) còn nhỏ hơn Đức Phật và không đủ khả năng bằng Ngài, nên đã ba lượt yêu cầu Ngài ra đi hoằng pháp độ sanh sau khi Ngài đắc đạo. Do đó, dòng Thích Ca được Đức Phật làm nổi bật lên (chính danh hiệu Thích Ca – Sakya – nghĩa là Thắng nhân) đã kiêu căng càng thêm ngã mạn, như trường hợp Đại Đức Tissa hay Trưởng lão Channa
(Xa Nặc) và Đại Đức Ānanda. Hai Ngài nầy, sau khi Đức Phật Niết Bàn rồi, mới chịu bỏ tánh tự tôn và đắc quả A La Hán.

Để phá bỏ sự chấp ngã mà Phật gọi là một tà kiến, Ngài đã thuyết minh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhaṇasutta) cho năm vị Kiều Trần Như nghe và năm vị đệ tử đầu tiên đã lần lượt đắc quả A La Hán, nhờ giác ngộ rằng Ngũ uẩn không phải là ta, ta không phải là Ngũ uẩn… Tiếng Anatta chính Đức Phật đã giải thích rằng: “N’etaṃ mama nesohamasmivana me so atta” như đã dịch ở trên, nhưng ngày xưa các Ngài Đại đức thông Hán tự nên dịch là Vô Ngã, khiến cho lắm phật tử hiểu lầm là không có cái ngã. Vả lại, các Pháp sư nhất là luật sư dùng thuyết Vô Ngã để chống lại chủ trương Bà la môn giáo: họ cho con người là một tiểu ngã, sau khi hết luân hồi sẽ trở về nhập cái Đại Ngã (Mahā – atmaṃ) tức là đấng tạo hóa, Phạm Thiên, đây chỉ là một phương tiện huyền ảo, một thứ khí giới để thắng phục địch thủ giỏi biện luận, một phương thuốc đặc biệt để trị bệnh ngã chấp của giai cấp Bà la môn và nhiều nhóm ngoại đạo khác chuyên môn lí luận. Đây không phải là môn thuốc trị bá chứng hoặc môn thuốc hay nhất của vị Y vương, nếu uống không nhằm bệnh người Phật tử vô ý sẽ phát khùng, cho rằng Đức Phật khẳng định rằng tất cả các Pháp là Vô Ngã (Anattā), hiểu sai như vậy thì hết muốn tu hành vì có ai đâu nhập Niết Bàn và có ai đâu sa địa ngục.
Quý bạn tinh ý nên đọc qua đoạn đầu Tạng Luật, chỗ Đức Phật đính chánh, những tiếng đồn về Ngài là người chủ trương pháp Vô vi là hiểu đừng làm cái chi cả và thuyết Hư vô (Nevayiko) nghĩa là tất cả đều không. Tinh hoa của Đạo Phật là Tứ Diệu Đế hay bốn chân lý của Bậc Thánh Nhân. Tiếng Phật chỉ định người đã giác ngộ Tứ đế và đem ra dạy lại người khác. Tiếng Vô minh chỉ sự dốt về Tứ đế, nên không biết lối nào để thoát khổ và tiếng Giải thoát tri kiến chỉ sự thấy, biết con đường đi đến sự diệt khổ. Sau khi đã hành qua pháp Minh sát Khổ, nghĩa là với sự ghi nhớ của mình, ngồi quan sát rõ ràng sự diễn tiến của cái khổ từ khi sanh tới khi diệt, hay nói cách khác với trí Bát Nhã (hay tâm không chấp trước) bình tĩnh trải qua bốn giai đoạn Tứ đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo).

Phần đông nhân loại vẫn còn ở trong trạng thái vô minh, nên chỉ nhìn Đức Phật và đạo Phật một cách siêu hình, thần thánh không chút gì thiết thực cả và chưa bỏ được tánh ỷ lại thần quyền như dân tộc cổ sơ, nên đi lạc vào tà kiến ngoại đạo mà không ngờ, cứ tự phụ cho mình là chánh kiến và vẫn còn nơm nớp lo sợ lắm chuyện vu vơ.

Câu chuyện tiền kiếp của Trưởng lão Tissa chỉ là một thứ ngụ ngôn, nhưng Đức Phật đã khéo dùng đúng lúc vui vui, khiến cho ai đọc đến kết cuộc cũng bật cười cho sự bướng bỉnh của đạo sĩ Devila. Đại đức Tissa và tiền kiếp của Ngài có thật hay không? Không thành vấn đề, điều quan trọng là phần giáo lý thực tiễn, chứa đựng trong sự tích làm cho hiểu rõ thêm nghĩa và nhớ dai. Hai câu Pháp Cú 3-4 nếu gặp trường hợp như vậy, ta hãy đem trí tuệ mà thuyết phục cái tánh ngã mạn vô lối của ta thì ta là người thấu triệt chân lý ẩn trong câu chuyện cổ tích nầy.

IV– Yakkha (Dạ Xoa) là một trong Bát bộ được kể dưới đây (theo tài liệu Từ Bi Âm số 28.. năm 1935)

1- Càn Thát Bà (Gandhabba) Tàu dịch là Hương Âm, nghĩa là dùng các thứ mùi hương mà thọ dụng.

2- Tỳ Xá Xà (Pisaca) Tàu dịch là Đạm tinh khí, nghĩa là ăn uống những đồ tinh
khí của người và các giống bắp đậu.
3- Cưu Bàn Trà (Kumbhaṇḍa), Tàu dịch là Ưng hình, nghĩa là nam căn giống
như cái vò vậy.
4- Chư Long (Nāga) nghĩa là các thứ Rồng.
5- Bích Lệ (Peta), Tàu dịch là Ngạ quỷ, nghĩa là thứ quỷ đói khát.
6- Phú Đơn Na (Pūtana) Tàu dịch là Xú ngạ quỷ, nghĩa là thứ ngạ quỷ đói mà
thân thể rất hôi thúi.
7- Dạ Xoa (Yakkha) Tàu dịch là Dòng Kiện quỷ, nghĩa là thứ quỷ rất mạnh bạo.
8- La Sát (Rasasa) Tàu dịch là Bạo ác, nghĩa là thứ quỷ rất dữ tợn, hay ăn thịt
người ta.
Tám bộ quỷ thần trên đây, có phát tâm hộ trì chánh pháp, cho nên Phật thuyết pháp đến đâu thì cũng có các bộ nầy đến hộ vệ và nghe pháp cả. Những chúng sanh nầy, Phật giáo Nam Tông gọi là chư thiên cõi thấp ở bốn cõi trời Tứ Đại Vương.

V– Cõi Tứ Đại Thiên là cõi trời thấp nhất trong sáu cõi trời Dục giới (sáu cõi nầy còn có vợ chồng, có dâm dục, có ăn uống như nhân gian, nên gọi là trời Dục giới như đã giải ở trên).

Theo chú giải kinh Bắc Tông (Từ Bi Âm) thì bắt đầu từ dưới chân núi Sinezu, tính là bốn muôn hai ngàn do tuần, mỗi do tuần là sáu mươi km, đó là chỗ ở của trời Tứ Đại Thiên.

(Theo pāli một do tuần là mười sáu km, ở đây có lẽ dịch lộn mười sáu thành sáu mươi do chữ tánh là Chaddasa).

Bốn cõi Thiên Vương trấn bốn phương trời, một ông là Dhatarattha (Trì Quốc Thiên Vương), đất nơi đó toàn bằng bạc trắng, thành của ông kêu là thành Thượng Hiền. Ông lãnh một bộ thần Càn Thát Bà và một bộ quỷ Tì Xá Xà, ở phía đông núi Sineru, hộ người Đông Thắng Thần Châu. Một ông tên là Viruḷhaka (Tăng Trưởng Thiên Vương), thành của ông ở tên là Sudassana (Thiện kiến), đất nơi đó bằng ngọc lưu ly xanh, ông lãnh coi Cưu Bàn Trà và một bộ quỷ đói, ở phía nam núi Sineru, hộ người Nam Thiện Bộ Châu. Một ông tên Vessavana (Đa Văn Thiên Vương) hay Kuvera, có ba thành là:

Thành Khả Úy, Thành Thiên Kính và Thành Chúng Quy, đất nơi đó bằng vàng, ông lãnh bộ quỷ Dạ Xoa và La Sát, ở phía Bắc núi Tu Di, hộ người Bắc Cưu Lưu Châu. Tên vị Trời nầy Trung Hoa âm dịch là Tỳ Sa Môn, theo trong tích Nữ Dạ Xoa Kāli, mà chúng ta có nói đến.
Bốn vị vua Trời nầy, mỗi ông có ba mươi hai vị Tướng quân và chín mươi mốt vị Thái tử. Vị nào cũng đủ oai lực ủng hộ mười phương, ngày đêm nơi cõi nầy bằng ở cõi người năm mươi năm. Thân của bốn vị Trời ấy đều cao bảy mươi mốt trượng (mỗi trượng dài mười
thước), còn tuổi thọ thì lâu đến năm trăm cõi ấy, bằng chín triệu năm ở cõi người. Tại sao bốn cõi Trời ấy hưởng phước được như vậy? Vì kiếp trước ở cõi người, bốn Trời ấy tu đủ mười nghiệp lành thượng phẩm, hoặc là giữ một giới sát sanh không phạm tới hay giữ Bát quan trai trong một ngày một đêm rất tinh thành, nên hưởng được phước báu như thế. Tại từng trời ấy, mặt trời, mặt trăng đi quanh theo mà soi bốn hướng ở bốn phía núi Sineru.

5

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app