Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển Iii – Phẩm Lão: Tích Tỳ Kheo Ni Sắc Nan Đà

Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển III

Phẩm Lão: Tích Tỳ Kheo Ni Sắc Nan Đà

“Aṭṭhīnaṃ nagaraṃ kataṃ,
Maṃsalohitalepanaṃ;
Yattha jarā ca maccu ca,
Māno makkho ca ohito”.

“Thành này làm bằng xương.
Quét tô bằng thịt máu,
Ở đây già và chết,
Mạn, lừa đảo chất chứa”.

Kệ Pháp Cú này, Đức Bổn Sư thuyết lên khi ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Tỳ Kheo Ni Rūpanandā (Sắc Nan Đà), nguyên là một hoa hậu ở Ấn Độ.

Tương truyền rằng: Ngày nọ, cô ấy nghĩ rằng:

– Anh cả ta đã từ khước vương vị mà đi xuất gia rồi, thành một vị Phật, là bậc Tối Thượng Nhân trong cõi thế, con trai Ngài là Thái tử Rāhula (Ra Hầu La) cũng là bậc xuất gia trong Giáo Pháp của Đức Thế Tôn. Ở trong một gia đình có bấy nhiêu quyến thuộc đã xuất gia như thế, ta sẽ làm gì bây giờ? Ta sẽ xuất gia cho rồi!

Cô bèn đi đến tịnh xá Tỳ khưu Ni mà xuất gia, vì tình yêu thương quyến thuộc, chứ không phải do đức tin. Cô là người có nhan sắc tuyệt đẹp, do đó được mệnh danh là Sắc Nan Đà, nghĩa là phụ nữ ưa thích sắc đẹp (Sắc Khánh Hỷ – Rūpanandā).

Cô nghe đồn Đức Bổn Sư thuyết pháp dạy rằng: “Sắc là Vô thường, là Khổ não, là Vô ngã. Thọ… Tưởng… Hành… Thức… là Vô thường, là Khổ não, là Vô ngã”, nên tự nghĩ: “Các sắc đáng mến yêu, đáng vui thích, đáng hoan hỷ như thế mà Ngài lại khinh chê, bài bác!”. Do đó, cô không bao giờ đến giáp mặt Đức Bổn Sư.

Bấy giờ, thị dân ở thành Sāvatthī (Xá Vệ), vào ngày Uposatha (Bố Tát), từ sáng sớm đã cúng dường Trai Tăng và Thọ Giới Bát Quan, buổi chiều họ khoác y sạch sẽ, tay mang lễ vật, nhất là hương và tràng hoa, tập họp tại Kỳ Viên nghe Pháp. Nghe Pháp rồi, họ trở vào thành, vừa đi vừa đàm luận về Ân đức của Bậc Đạo Sư. Quả thật trong bốn hạng chúng sanh sống chung trên thế gian này, ít ai tiếp xúc với Đức Bổn Sư mà không phát sanh đức tin trong sạch. Bốn hạng chúng sanh ấy là:

1- Những người thích sắc tướng (Rūpappamāṇikā) phát tâm trong sạch khi thấy kim thân có màu vàng ròng tinh anh thanh tịnh cùng với 32 tướng tốt và 80 tướng phụ của Ngài.

2- Những người thích âm thinh (Ghosappamāṇikā) phát tâm trong sạch khi nghe âm thanh điêu luyện của tiếng Ngài thuyết Pháp. Đây là hạng chúng sanh đã từng nghe Pháp từ các vị Phật quá khứ hoặc các Bậc Đại nhân Bồ Tát thuyết giảng trong quá khứ và trong hiện tại, lời giảng Pháp của Đấng Như Lai hội đủ tám chi phần Thánh Đạo.

3- Những người thích sự khổ hạnh (Lūkhappamāṇikā), thì phát tâm trong sạch vì thấy Ngài hành Đầu Đà, nhất là đắp y phấn tảo (Cīvarādilūkhataṃ).

4- Những người thích Pháp (Dhammappamāṇikā), thì phát tâm trong sạch khi so sánh thấy Đức Thế Tôn là bậc trác tuyệt, xuất chúng, ưu việt, không ai bì kịp về mặt ân đức Tam Học, đáng làm gương mẫu: “Giới của Đức Thập Lực là như thế, Định là như thế, Tuệ là như thế…”. Những lời của họ ca tụng ân đức của Đức Thế Tôn, không miệng nào kể lại cho hết được.

Ni cô Rūpanandā lúc gần gũi các Tỳ khưu Ni và các Tín nữ nghe họ thường tán dương ân đức của Đức Thế Tôn thì tự nghĩ: “Thiên hạ họ ca tụng anh ta thái quá như vậy, thế mà một bữa nọ, anh ấy lại nói với ta về tội của sắc đẹp, có lẽ rồi anh sẽ đề cao sắc đẹp! Chi bằng ta cùng đi chung với các Tỳ khưu Ni, nhưng ẩn núp đừng cho Đức Thế Tôn thấy ta, để nghe Ngài thuyết Pháp”.

Khi ấy, Ni cô thổ lộ với các Tỳ khưu Ni rằng:

– Hôm nay tôi sẽ đi nghe thuyết Pháp.

Các Tỳ khưu Ni rất hoan hỷ dắt Ni cô ra đi, vì nghĩ rằng: “Quả thật lâu rồi Rūpanandā không chịu đi yết kiến, hầu hạ Đức Thế Tôn, hôm nay lại đổi ý muốn
được nghe Ngài vì mình mà thuyết Pháp”. Còn Ni Cô Rūpanandā, từ lúc khởi hành trở về sau, cứ nghĩ thầm rằng: “Ta sẽ không bao giờ xuất đầu lộ diện!”.

Đức Bổn Sư biết trước rằng: “Hôm nay, Rūpanandā sẽ đến yết kiến Ta. Vậy Ta nên thuyết Pháp nào thích hợp với cô ấy đây?”.

Sau khi quán xét, Ngài thấy: “Cô này chú trọng về sắc đẹp, quá ái luyến về thân xác của mình, như lấy gai lể gai, Ta cần phải dùng đến một sắc đẹp để đè bẹp sự say mê sắc đẹp của cô mới được”. Quyết định rồi, Bậc Đạo Sư dùng thần thông hoá hiện ra một giai nhân tuyệt sắc, khoảng mười sáu tuổi xuân, mặc xiêm y màu đỏ thắm, toàn thân đeo đầy nữ trang rực rỡ, một tay đang cầm quạt đứng hầu Ngài ngay khi Ni cô Rūpanandā vừa vào chùa.

Mỹ nữ ấy, chỉ có Bậc Đạo Sư và nàng Rūpanandā trông thấy mà thôi. Ni cô này cùng các Tỳ khưu Ni vào chùa rồi thì đứng núp sau lưng các Tỳ khưu
Ni. Sau khi gieo năm vóc xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn, cô ngồi xen giữa các Tỳ khưu Ni mà nhìn Ngài từ dưới chân trở lên, thấy đầy đủ những tướng tốt và tướng phụ với kim thân có hào quang toả rộng ra cả sải tay. Kế đến, Ni cô nhìn lên gương mặt tròn đầy như trăng rằm của Ngài thì ngó thấy mỹ nữ đang đứng trong cái rạp.

Nhìn mỹ nữ rồi quay lại ngắm mình, Ni cô tự hạ ví mình như con quạ đen đứng trước con Hạc chúa màu vàng ròng vậy. Từ lúc nhìn thấy mỹ nữ là người đẹp do thần thông hoá hiện, hai mắt của Ni cô không rời đối tượng đó. Ni cô nghĩ thầm: “Chao ôi, tóc cô này đẹp quá! Ôi, các tướng cô hảo quang minh! Khắp mình cô chỗ nào cũng sang quý, hấp dẫn cả”. Ni cô sanh lòng yêu mãnh liệt nhan sắc đó.

Khi biết cô rất thích thú với đối tượng đó, Bậc Đạo Sư vừa thuyết pháp vừa khiến cho cái sắc ấy vượt qua trạng thái mười sáu tuổi xuân lên đến hai mươi tuổi.

Ni cô Rūpanandā nhìn thấy sự thay đổi: “Quả thật, sắc đẹp này không bằng lúc nãy!”. Từ từ, Ni cô bớt mê luyến sắc ấy.

Bậc Đạo Sư khiến cho cô mỹ nữ quạt hầu Ngài từ từ biến dạng, trở thành một phụ nữ trung niên, rồi một bà lão và sau cùng thành một bà cụ già nua lụm cụm, gần đất xa trời.

Ni cô cũng để ý, tuần tự nhìn thấy sắc đẹp xuân thời đã mất, sắc đẹp khi đứng tuổi cũng đã mất, còn trơ lại cái hình hài trong tuổi già nua đáng chán, nào là răng rụng, đầu bạc, lưng còm như cái sừng bò, tay chân run rẩy. Thấy thế Ni cô chán ngán quá chừng!

Kế đó, Bậc Đạo Sư khiến cho bà cụ hiện ra cái tướng người bị bịnh nặng thắng phục. Bỗng nhiên, bà cụ bỏ cả cây gậy và quạt, hét lên rồi ngã nhào xuống đất, nằm lăn qua trở lại, lăn xuống đống phân và nước tiểu của bà ta. Ni cô thấy vậy sanh chán ngán vô cùng. Đức Bổn Sư lại khiến cho bà cụ hiện lên cái tướng chết.

Ngay khi ấy, cái xác bà bắt đầu sình chướng. Theo chín lỗ, mủ và nước vàng rịn chảy ra, có giòi bọ lúc nhúc, kên kên và quạ xúm lại rắt rỉa cái xác thúi!
Ni cô Rūpanandā vẫn theo dõi từng biến chuyển của đối tượng: “Phụ nữ này, ở nơi đây, bây giờ đã già, bây giờ đang lâm bịnh, bây giờ đã chết. Cái tự ngã (xác thân) của ta cũng sẽ phải già, bịnh và chết như thế chẳng sai!”. Nhờ vậy, Ni cô thấy được Vô thường của Tự ngã (Attabhāva). Một khi đã thấy sự Vô thường như thế thì tự nhiên cũng thấy luôn cả sự Khổ não và sự Vô ngã. Lúc bấy giờ, đối với Ni cô, Tam giới ví như lửa nóng và giống như xác chết treo vậy. Tự nhiên, tâm Ni cô bám sát vào đề mục bất tịnh hiện tiền ấy.

Đức Bổn Sư biết Ni cô đã thấy tướng Vô thường rồi, Ngài quán xem: “Cô có thể tự mình cứu độ lấy mình chăng?”, Ngài thấy cô sẽ không thể tự độ mà phải cần có trợ duyên từ bên ngoài. Do đó, Ngài thuyết pháp thích hợp với căn cơ của Ni cô và ngâm những bài kệ này:

“Āturaṃ asuciṃ pūtiṃ,
Passa nande samussayaṃ.
Uggharantaṃ paggharantaṃ,
Bālānaṃ abbipaṭṭhiṭaṃ,
Yathā idaṃ tathā etaṃ,
Yathā etaṃ tathā idaṃ.
Dhātuye suññato passa,
Mā lokaṃ punarāgami.
Bhave chandaṃ virājetvā,
Upasantā carissatīti”.

Này Rūpanandā! Hãy quán vật phối hợp nên bởi các yếu tố, gọi là xác thân! Nó chỉ là bịnh hoạn, bất tịnh, hôi thúi, có nước dơ hằng rịn chảy, bài tiết ra luôn. Thế mà những kẻ ngu mơ ước! Hễ thân này ra sao thì xác ấy cũng sẽ vậy, xác ấy ra sao thì thân này cũng sẽ vậy! Hãy quán Tứ đại, quán Không tánh, đừng trở lại Thế gian. Sau khi xa lánh Hữu dục (sự muốn tái sanh vào Tam giới), cô sẽ bước đi bình yên. Những bài kệ này đã được Đức Thế Tôn thuyết ra để chỉ cho Tỳ khưu Ni Rūpanandā thấy rõ xác thân là phần tử rườm rà vô ích. Nhờ theo dõi thời Pháp của Đức Đạo Sư, Ni cô phát sanh trí tuệ và đắc Dự Lưu quả.

Lúc bấy giờ Đức Bổn Sư thuyết tiếp theo về đề mục Không tánh (Suññatā) để đưa tâm Ni cô đến ba đạo quả tối cao bằng pháp Minh Sát:

– Này Rūpanandā, đừng tưởng rằng trong xác thân này có lõi chắc thật. Đối với người không dễ duôi thì trong đó không có lõi. Đó chỉ là một thành trì bằng xương cấu tạo nên bởi ba trăm khúc xương mà thôi.

Nói rồi, Ngài ngâm kệ rằng:

“Aṭṭhīnaṃ nagaraṃ kataṃ,
Maṃsalohitalepanaṃ;
Yattha jarā ca maccu ca,
Māno makkho ca ohito”.

Thân này là cái thành xây bằng xương cốt và tô quét bằng máu thịt, để cất chứa sự già, sự chết, ngã mạn và dối gian(1).

CHÚ GIẢI:

Ý nghĩa của kệ ngôn này là:

“Thật vậy, cũng như người triệt hạ hết mễ cốc, đậu mè đang mọc để dọn cho trống đất, rồi mới làm sườn gỗ dựng lên, lấy dây ràng buộc chặt chẽ và trét đất đắp nên gọi là cái thành, bên ngoài người ta cất nhà để ở. Xác thân này cũng thế, bên trong có cái sườn là bộ xương gồm có ba trăm khúc xương, có dây gân buộc xoắn dính liền nhau, có máu và thịt tô đắp lên trên, có da bọc kín bên ngoài. Để triệt hạ cái thành trì đã xây cất là cái tự ngã này, sự già với cái tướng lão, sự chết với cái tướng tử hằng phát khởi lên, liên hệ với sự ngã mạn với cái tướng say mê và sự dèm pha với cái tướng phỉ báng những hành vi đạo đức tốt đẹp. Một tự ngã như thế, quả nhiên gồm chứa cả thân và tâm bịnh hoạn, sa đoạ xuống thấp chớ không hy vọng tiến lên chỗ cao được”.

Cuối thời pháp, Trưởng Lão Ni Rūpanandā chứng đắc A La Hán. Kỳ dư đại chúng thính pháp đều được hưởng lợi ích.

Dịch Giả Cẩn Đề
Em Phật, Hoa Khôi đã xuất gia,
Tỳ khưu Ni gọi Sắc Nan Đà,
Nghĩ mình ưa đẹp, còn Phật ghét,
Nên chẳng đi nghe Pháp Phật Đà.
Sau thấy nhiều người cứ tặng khen,
Tò mò, muốn thính Pháp một phen,
Phật cho nàng thấy con người đẹp,
Phút chốc già nua, chết thúi liền.
Phật dạy: “Thân này chỉ có xương,
Kết làm thành quách, thịt làm tường,
Bên trong chứa lão tử, kiêu mạn”.
Nàng đắc Vô sanh giữa hội trường.
DỨT TÍCH TỲ KHEO NI SẮC NAN ĐÀ

5

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app