Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Hoa: Tích Đại Tín Nữ Thiện Chi

“Yathā’pi puppharāsimhā,
Kayirā mālāguṇe bahū;
Evaṃ jātena maccena,
Kattabbaṃ kusalaṃ bahuṃ”.

“Như hoa từ một đống,
Kết được nhiều tràng hoa,
Từ thân người tạm sống,
Nhiều thiện sự sanh ra”.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài an ngự tại Đông Phương Tự (Pubbārāma), đề cập đến bà Visākhā (Thiện Chi). Tương truyền rằng: Bà Visākhā là con gái của bà Sumanadevī. Bà nầy là vợ chánh thất của Trưởng giả Dhanañjaya (Hộ Tài Thắng), ông nầy là con của Trưởng giả Meṇḍaka (Miên Dương) ở thành Bhaddiya, trong xứ Aṅgaraṭṭha (Ương Già).

Lúc bà Visākhā mới lên bảy tuổi thì Đức Bổn Sư lãnh đạo đại chúng Tỳ khưu ngự vào thành Bhaddiya, vì Ngài nhận thấy nơi đây có nhiều người hội đủ căn lành, có thể chứng đắc đạo quả như ông Bà la môn Sela (Nhan Thạch) chẳng hạn. Vào thời kỳ ấy, gia chủ Meṇḍaka là người giàu có nhất trong số năm vị đại phúc (Pañcamahāpuñña) ở thành đô, vừa được vua phong chức Trưởng giả (Seṭṭhī). Nhà ngũ đại phúc Meṇḍaka cưới được vợ chánh thất tên là Candapadumā (Nguyệt Liên), sanh được người con trưởng nam tên là Dhanañjaya có nàng dâu là nàng Sumanadevī, có được người nô bộc là Puṇṇa (Viên Mãn). Trên toàn lãnh thổ của vua Bimbisāra không phải chỉ có ông Meṇḍaka là bậc đại phú gia mà còn có bốn người khác nữa, cũng là bậc đại phú gia phú hữu tứ hải (amitabhogā). Đó là ông Joṭika, Jāṭila, Meṇḍako Puṇṇaka và Kākavolliyo (Ô Nha Cát Đằng).

Trong năm nhà đại Trưởng giả nầy, ông Meṇḍaka biết tin là Đức Thập Lực đã ngự đến gần nhà, bèn gọi cô cháu gái là nàng Visākhā con gái của ông Trưởng giả Dhanañjaya, bảo rằng:

– Nầy cháu, hôm nay là ngày hạnh phúc của cháu, và cũng là ngày hạnh phúc của ông nữa, cháu hãy dắt dẫn năm trăm cháu gái khác, ngồi lái năm trăm chiếc xe có năm trăm nữ tỳ theo hầu, đi cung nghinh Đấng Thập Lực.

Cô bé vâng lời đáp: “Lành thay!”.

Hướng đạo đoàn xe một cách thông thạo, đi đến chỗ xe không còn đi được nữa, cô Visākhā xuống xe đi bộ vào gần Đức Bổn Sư, đảnh lễ Ngài rồi đứng qua một bên.

Khi ấy, do duyên lành cô đã gieo từ kiếp quá khứ, Đức Bổn Sư thuyết pháp cho cô nghe. Nghe dứt thời pháp cô Visākhā cùng năm trăm cô bé đều đắc quả Tu Đà Hườn.

Ông Trưởng giả Meṇḍaka đến yết kiến Đức Bổn Sư khi được nghe pháp của Đức Thế Tôn cũng đắc quả Tu Đà Hườn, ông thỉnh cầu được Trai Tăng ngày mai.

Hôm sau, tại tư thất của ông, ông đã khoản đãi Đại đức Tăng có Đức Phật làm chủ tọa bằng những thực phẩm ngon lành, loại cứng và loại mềm. Đại lễ Trai Tăng nầy kéo dài suốt nửa tháng, ngày nào cũng thịnh soạn như vậy cả.

Đức Bổn Sư lưu lại gần thành Bhaddiya cho tới lúc Ngài xét là vừa phải rồi mới rời khỏi nơi đó. Thời bấy giờ, hai quốc vương Bimbisāra và Pasenadikosala có tình á nghị (anh em bạn rễ) với nhau, cho nên một hôm đức vua Pasenadi nghĩ thầm: “Trong nước của Bimbisāra có đến năm nhà đại Trưởng giả phú hữu vô lượng (amitabhogā), còn trong nước quả nhân, một nhà cũng không có. Vậy để quả nhân sang viếng vua Bimbisāra mà xin thỉnh bớt một nhà đại Trưởng giả mới được”.

Thế rồi quốc vương ngự giá sang qua nước bạn, trong khi tương hội với vua Bimbisāra, đức vua Bimbisāra hỏi á hoàng đệ rằng:

– Á hoàng đệ sang viếng quả nhân có việc chi chăng?

– Trong nước của hoàng huynh có đến năm nhà đại phúc phú hữu vô lượng cư trú, hoàng đệ muốn có một nhà như vậy trong nước mình, nên mới sang đây cậy hoàng huynh cho đệ xin thỉnh bớt một vị.

– Những nhà thế gia vọng tộc, quả nhân không thể bắt buộc họ di tản được.

– Nếu không được nhà nào hết thì tiểu đệ sẽ không về nước.

Khi ấy, vua Bimbisāra cho nhóm các đại thần lại thương nghị, rồi phán rằng:

– Việc di chuyển ngũ đại gia, nhất là Trưởng giả Joṭika chẳng khác nào phải di chuyển quả địa cầu. Duy có Trưởng giả Meṇḍaka có người trưởng nam là Trưởng giả Dhanañjaya, may ra có thể di chuyển được. Vậy thì, á hoàng đệ hãy chờ trẫm cho triệu ông ấy vào triều hỏi ý rồi sẽ trả lời dứt khoát.

Nói rồi vua Bimbisāra cho nội thị thỉnh Trưởng giả Dhanañjaya vào triều và phán rằng:

– Nầy hiền khanh! Quốc vương Kosala ngỏ ý muốn thỉnh một đại Trưởng giả đem về nước, vậy hiền khanh khá mau lên đường đi với quốc vương.

– Tâu bệ hạ! Nếu lệnh bệ hạ sai thì thần ắt phải đi.

– Nếu vậy, hiền khanh hãy lo chuẩn bị khởi hành cho sớm.

Trưởng giả Dhanañjaya lo về nhà sắp xếp các việc cần yếu, rồi dắt cả vợ con gia đình theo vua Pasenadikosala.

Quốc vương Bimbisāra ban nhiều tặng phẩm trọng hậu, sai đại thần đưa vua Pasenadi về nước. Đoàn lữ hành đi được một ngày đêm, đến một địa phận nọ, có đầy đủ tiện nghi thì đình bộ nghỉ ngơi.

Khi ấy, Trưởng giả Dhanañjaya hỏi vua Pasenadi rằng:

– Tâu bệ hạ! Đây thuộc quốc độ nào?

– Thuộc quốc độ của trẫm đấy Trưởng giả.

– Từ đây đến Sāvatthī còn bao xa?

– Độ bảy do tuần.

– Tâu bệ hạ! Ở kinh thành thì dân cư trù mật, mà gia nhân quyến thuộc của hạ thần thì đông đảo quá, nếu lịnh bệ hạ chuẩn tấu, thì hạ thần xin lưu ngụ nơi đây.

– Lành thay!

Sau khi phê chuẩn, quốc vương truyền lịnh sửa sang kiến thiết địa phương nầy thành một đô thị, ân tứ cho Trưởng giả Dhanañjaya, xong rồi Ngài mới về triều. Vì đại gia đình di tản đến nơi đây vào lúc chiều tối cho nên thành phố được mệnh danh là Sāketa (Mộ Đáo Thành).

Thời ấy, nơi thành Sāvatthī có cậu công tử là con ông Trưởng giả Migāra (Migāraseṭṭhi), tên là Puṇṇavaḍḍhana (Mãn Hưng), công tử đến tuổi trưởng thành, hai ông bà bảo với công tử:

– Con à! Con liệu coi có chỗ nào ưng ý thì nói, để cha mẹ lo vợ cho con.

– Thưa ba má, con không muốn có vợ chút nào cả.

– Con à! Con đừng ở vậy không nên, trai không lập gia đình thì không có con trai để nối dõi tông đường.

Thấy song thân nhọc lòng nói mãi:

– Thôi thì, chừng nào ba má tìm được một thiếu nữ nào có ngũ mỹ câu hữu (Pañcakaḷyānasāmannāgataṃ) thì con sẽ vâng lời cha mẹ.

– Con à, ngũ mỹ câu hữu là những gì vậy con?

– Tóc tốt, thịt tốt, xương tốt, da tốt, tuổi xuân tốt (lẽ thường tóc của những nữ nhân hữu phúc mảnh và mướt, khi xả ra buông thỏng xuống lai y nội, ngọn tóc lại uốn cong ngược trở lên, giống như đuôi con công, đó là tóc tốt (Kesākaḷyāna).

Môi đỏ như trái Bimba (Tân loa) tươi nhuận, mềm mại, đầy đặn nhưng thanh tú, đó là thịt tốt (Maṃsakaḷyāna).

Hai hàm răng trắng, không có kẽ hở, rất đẹp và đều như chuỗi kim cương do thợ ngọc khéo kết, mỗi khi cười thì long lanh như ốc xà cừ. Đó là xương tốt (Aṭṭhikaḷyāna). Làn da tự nhiên không tô phấn sáp mà mịn màng tươi tắn, không có vết thẹo, bớt đen hoặc nốt ruồi, nếu đen thì như hoa sen xanh, còn trắng thì như hoa Kaṇṇikā, đó là da tốt (Chavikakaḷyāna).

Dầu sanh nở mười lần con cũng như gái một con, không mất nhan sắc tuổi thanh xuân, đó là tuổi xuân tốt (Vayakaḷyāna).

Sau khi công tử đưa ra yêu sách như thế, ông bà Trưởng giả lập tức thỉnh một trăm lẻ tám vị Bà la môn đến nhà, đãi ăn long trọng, xong rồi mới hỏi rằng:

– Thưa các Ngài, mỹ nữ có ngũ mỹ câu hữu có tìm được chăng?

– Thưa có.
– Nếu vậy, xin quý vị vui lòng ra công tìm thiếu nữ có mỹ dung như thế giúp chúng tôi.

Ông bà Trưởng giả giao rất nhiều tiền cho những người đi tìm nàng dâu tương lai và đinh ninh dặn dò rằng:

– Khi nào được việc các vị trở về, chúng tôi xin hậu tạ. Bây giờ cứ xin quý vị hãy ráng sức tìm cho gặp được thiếu nữ ngũ mỹ câu hữu như thế. Khi nào tìm được, quý vị hãy giao vòng nầy cho cô ấy đeo làm lễ vật cầu hôn.

Ông Trưởng giả giao cho họ một cái vòng kim hoa trị giá một trăm ngàn đồng vàng (Kahāpaṇa) và giục họ lên đường.

Các ông mai di chu du khắp tỉnh thành, đô thị lớn nhỏ, không tìm gặp được thiếu nữ nào có ngũ mỹ câu hữu, họ quay trở về đi đến thành Sāketa, nhằm ngày khai sáng thành nầy, họ nghĩ thầm: “Hôm nay chắc công việc tìm người của chúng ta có kết quả”.

Tương truyền rằng trong thành nầy mỗi năm đều có lễ hội kỉ niệm ngày khai sáng thành phố. Vào ngày lễ, tất cả dân chúng, cho đến những nàng tiểu thư khuê các, bất xuất khuê phòng, những gia đình tịnh cư cũng đều ra khỏi nhà, dắt theo đoàn tùy tùng, đầu trần chân không đi bộ xuống bờ sông. Ngày nầy, các thiếu niên dầu là vương tôn công tử thuộc dòng Sát Đế Lỵ, cũng ra đứng nơi ngã ba đường hay ngã tư, chờ gặp các tiểu thư đồng trang lứa hợp ý đi qua, đặng ném hoa kén vợ.

Tám vị Bà la môn cũng vào đứng trong ký túc xá ở gần bờ sông. Lúc ấy, tiểu thư Visākhā tuổi vừa cập kê, mình đeo giắt nhiều loại nữ trang, đang dẫn năm trăm thiếu nữ đi tắm sông, cũng vừa đi đến đó. Thình lình mây đen kéo tới, rồi thì mưa lớn, cả năm trăm thiếu nữ lật đật kéo nhau đi vào ký túc xá tránh mưa. Chỉ riêng tiểu thư Visākhā thong thả bước vào ký túc xá, y phục và các trang sức đều đẫm ướt nước
mưa, các ông Bà la môn nhìn thấy tiểu thư hội đủ bốn mỹ đức, muốn thử xem răng của nàng, nên giả vờ nói chuyện lớn tiếng với nhau rằng:

“Con gái của ta lười quá, chồng nào vô phước mắc phải cô nầy chắc cháo cũng không có mà húp”.

Nghe vậy, tiểu thư Visākhā hỏi mấy ông khách lạ:

– Chẳng hay quý ông muốn ám chỉ ai thế?

– Chúng tôi nói cô đó mà.

Tiểu thư dùng lời ôn tồn, ngọt dịu nói như rót mật, hỏi lại: “Vì lí do nào mà quý ông nói tôi như thế?”.

– Đoàn thiếu nữ tùy tùng của cô không bị ướt y phục, đồ vật, nhờ lanh chân chạy vào ký túc xá, còn cô thì đủng đa đủng đỉnh, không lanh lẹ chạy vào đụt mưa, y phục nữ trang đều ướt mem, cho nên chúng tôi mới nói cô đó.

– Xin quý ông đừng nói như thế, tôi mạnh khỏe hơn các cô ấy. Vả lại, tôi không hối hả chạy vào đây vì những lý do chánh đáng.

– Cô nói sao?

– Thưa quý ông, đối với bốn hạng chúng sanh, dáng đi mau lẹ xem không đẹp, ngoài ra còn có một lí do khác nữa.

– Bốn hạng người nào mà dáng đi lanh lẹ coi không đẹp đâu hở cô?

– Thưa ông, quốc vương trong lễ gia miện, long thể trang sức đầy châu báu, mà xắn vén triều phục, bước đi lanh lẹ giữa sân rồng thì coi không đẹp, thể nào cũng bị thiên hạ chỉ trích rằng: Đại vương gì mà chạy lẹ quá như người gia trưởng vậy. Nếu quốc vương giữ dáng đi chậm rãi coi mới đẹp. Thớt tượng hạnh phúc (Maṅgala) của quốc vương, đã được trang phục chỉnh tề mà chạy đi lanh lẹ coi cũng không đẹp, như thế ắt hẳn bị người chê trách, bảo rằng:

Loài voi có tướng di uyển chuyển coi mới đẹp. Hàng xuất gia mà có tướng đi lanh lẹ coi cũng không được như thế, ắt người chê trách, bảo rằng: Ông Sa môn nầy sao chạy lẹ quá như người cư sĩ vậy, nếu ông ta đi thong thả thì coi mới đẹp.

Hàng phụ nữ có dáng đi lanh lẹ coi cũng không đẹp được, thiên hạ sẽ qưở trách một cách hợp lí là: Phụ nữ nầy làm gì mà chạy quá lẹ như nam nhân vậy. Phụ nữ có dáng đi khoan thai như thường thì coi mới được. Đó là bốn hạng chúng sanh mà dáng đi lanh lẹ coi không được đó quý ông.

– Ngoài ra còn có lý do nào khác nữa vậy cô?

– Thưa quý ông, các bậc phụ mẫu nuôi dưỡng con cái, ráng gìn giữ cho con mình tay chân được lành lặn. Vì chúng tôi là những món hàng để bán, cha mẹ nuôi cho đến lớn, chờ đàng trai đến là gả tống chúng tôi đi. Nếu trong khi hấp tấp vội vàng, chúng tôi vướng vấp lai y phục, té ngã xuống đất mà gãy tay hay gãy chân. Như vậy có pải là trở nên một gánh nặng cho gia đình chăng? Thà là để cho y phục bị ướt cùng với đồ tư trang, rồi sau sẽ giặt phơi khô. Đó là lý do khiến cho tôi suy nghĩ đắn đo, rồi tôi mới không chạy, thưa quý ông.

Trong lúc tiểu thư nói, tám ông Bà la môn thấy được hai hàm răng đều đặn tốt đẹp của tiểu thư, thì nghĩ thầm:

– Thiếu nữ nầy có đủ tư cách như vầy chúng ta chưa từng gặp.

Họ bèn tán dương tiểu thư và nói:

– Tiểu thư biện luận thật là đúng lý.

Thế rồi, các ông mai đeo tặng phẩm là chiếc vòng kim hoa cho tiểu thư. Tiểu thư bèn hỏi:

– Chẳng hay quý ông từ thành phố nào đến đây?

– Từ thành Sāvatthī, thưa tiểu thư.

– Vị Trưởng giả mà quý ông đại diện tên là chi?

– Là ông Trưởng giả Migāra, thưa tiểu thư.

– Trưởng nam của của ông Trưởng giả tên là chi?

– Là Puṇṇavaḍḍhana công tử, thưa tiểu thư.

Tiểu thư nhận lời cầu hôn vì thấy dòng dõi của Puṇṇavaḍḍhana cũng môn đăng hộ đối với dòng dõi nhà mình, tiểu thư nhắn tin về cho phụ thân:

– Xin cho kiệu xa đến rước con.

Lúc trước, tiểu thư đi bộ ra khỏi nhà, nhưng từ khi nhận chiếc vòng kim hoa đeo lên cổ rồi thì không được tự do đi bộ như thế nữa.

Các tiểu thư vọng tộc đi bằng kiệu xa nhỏ nhẹ, còn những thiếu nữ hầu trèo lên thứ xe nhỏ thường hoặc là cầm lọng hoặc là lấy quạt che phía trên đầu, bằng chẳng vậy thì các cô lấy y choàng phủ lên vai.

Ông Trưởng giả Dhanañjaya gởi đến cho tiểu thư năm trăm cỗ xe, tiểu thư cùng với các thị nữ đồng len xe trở về nhà. Tám ông Bà la môn cũng đi theo một lượt.

Khi thấy các ông mai, ông Dhanañjaya hỏi:

– Quý khách từ đâu lại đây?

– Thưa Trưởng giả, từ thành Sāvatthī.

– Trưởng giả thành ấy tên là chi?

– Thưa là Migāraseṭṭhi.

– Con trai ông tên là gì?

– Thưa tên là Puṇṇavaḍḍhana công tử.

– Gia sản của ông ấy được bao nhiêu?

– Thưa Trưởng giả được bốn trăm triệu đồng vàng.

– Bấy nhiêu đó mà so sánh với gia sản nhà ta thì đàng trai còn thua xa lắm. Kể ra cũng chưa đủ tiền phấn sáp cho con gái ta, chớ đừng nói chi đến tiền khác. Tuy nhiên, một khi gặp chỗ xứng đáng cho con gái mình nương tựa thì còn so hơn tính thiệt mà làm gì.

Nói rồi, ông Dhanañjaya nhận lời cầu hôn của các vị Bà la môn, ông cầm các ông mai ở lại khoản đãi trong hai ngày rồi tiễn chân các ông trở về thành Sāvatthī. Khi về đến kinh thành, họ báo tin mừng cho Trưởng giả Migāra: “Chúng tôi đã tìm được nàng dâu có đầy đủ ngũ mỹ đức”.

– Nàng ấy là con nhà ai?

– Là ái nữ của Trưởng giả Dhanañjaya.

Nghe vậy, Trưởng giả Migāra nghĩ thầm: “Ta may mắn được con dâu nhà vọng tộc. Vậy ta nên cưới đem về cho gấp”.

Ông vào trình với quốc vương để đi Sāketa, lo việc hôn nhân cho trưởng tử.

Quốc vương phán rằng:

– Đại gia tộc ấy là do trẫm đã sang viếng vua Bimbisāra, thỉnh được đưa về ngụ nơi Sāketa. Quả nhân cần phải ưu đãi, quý trọng, vậy để quả nhân cùng đi với khanh.

Ông Trưởng giả Migāra vâng lời, đáp: “Lành thay, tâu bệ hạ”. Đoạn ông trở về nhà, thảo ngay một bức thơ gửi cho bá hộ Dhanañjaya, lời lẽ vắn tắt như vầy: “Khi bỉ nhân đến sẽ có đức vua cùng đến và quân gia rầm rộ đông đảo, hằng bấy nhiêu người cần phải thù tiếp, tiên sinh liệu có thể lo kham hay không?”.

Ông Dhanañjaya phúc thư rằng: “Dầu cho có mười vị quốc vương đến cũng tốt vậy”.

Thế là, trọn cả kinh đô rộng lớn như thế, ngoại trừ những người phải trông nom nhà cửa, còn tất cả bao nhiêu cư dân, ông Migāra đều cho đi theo dự lễ hành hôn. Đến một địa điểm cách Sāketa nửa do tuần, ông Migāra lựa chỗ cắm trại, rồi gởi thư báo tin cho đàng gái: “Chúng tôi đến”.

Ông Dhanañjaya cho người mang nhiều lễ vật đến đãi sui gia, rồi gọi con gái đến hỏi ý kiến rằng:

– Nầy con, nghe nói cha chồng của con cùng các vương gia xứ Kosala đến đây.

Vậy con thử nghĩ: Trong các lâu đài của ta, nên tiếp đãi cha chồng con trong tòa lâu đài nào, quốc vương tại lâu đài nào, chư Tiểu vương tại ngôi nào? (Tiểu thư là một bậc hiền minh, có trí tuệ sáng suốt, quyết định mau lẹ chớp nhoáng, nhờ nàng đã phát nguyện từ một trăm ngàn kiếp trái đất về trước). Khi nghe phụ thân hỏi, tiểu thư bèn đáp:

– Cha hãy tiếp đãi cha chồng của con ở ngôi nọ, quốc vương ở ngôi nọ, các tiểu vương thì ở những ngôi kia.

Chỉ dẫn cho phụ thân xong rồi, tiểu thư cho gọi các nô tỳ gia đinh đến phân phát công việc:

– Bao nhiêu đây hãy lo cơm nước đãi đằng quốc vương, bao nhiêu đây hãy lo đãi các tiểu vương… Ngoài ra các người cũng phải lo săn sóc voi, ngựa ăn uống đàng hoàng tử tế, phải lo cho các tượng nô, mã phu theo hầu quốc vương, để họ được rảnh rang mà dự lễ nữa…

– Tại sao vậy?

– Đừng để cho một ai có lời phiền trách, như nói: “Chúng ta đi dự lễ cưới của tiểu thư Visākhā mà chẳng có được chút gì vui thú, vì mắc lo giữ ngựa chăm voi, không đi đâu được hết”.

Trong ngày ấy, thân phụ của tiểu thư Visākhā cho rước năm trăm thợ kim hoàn đến tư thất, đặt khoán cho họ: “Hãy làm cho con gái ta một sợi dây chuyền thật lớn như cái áo dài”. Rồi ông giao cho thợ một trăm ngàn đồng vàng (Nikkha), đủ số lượng bạc và kim cương… trân châu, san hô, ngọc thạch để cẩn theo kiểu mẫu… Quốc vương ở lại vài ba ngày, rồi sai cận thần mang chiếu chỉ cho ông Trưởng giả Dhanañjaya:

– Khanh không thể đảm nhận trọng trách cung cấp cho quả nhân cùng với tất cả binh gia tùy giá lâu dài được. Vậy hiền khanh khá chọn ngày lành tháng tốt làm lễ vu quy đi.

Trưởng giả Dhanañjaya vội vàng gởi sớ phúc đáp quốc vương:

– Bây giờ đang đầu mùa mưa, trọn bốn tháng nầy, sự lưu thông sẽ bị gián đoạn. Tất cả những nhu yếu phẩm của đạo quân tùy giá, bất cứ món chi bệ hạ cần đến, hạ thần xin gánh chịu hết; bao giờ hạ thần tiễn biệt, chừng ấy bệ hạ sẽ ngự giá đăng trình. Từ đó trở đi, thành Sāketa luôn luôn tưng bừng rộn rịp như trong những ngày tết vậy, từ quốc vương cho đến quân dân không sót một ai, tất cả đều được cung cấp đầy đủ vật dụng như tràng hoa, vật thơm, y phục, thuốc men… Ai ai cũng nghĩ rằng:

“Trưởng giả hậu đãi chúng ta thật thạnh tình”.

Ba tháng đã qua như thế, sợi dây chuyền vàng nạm ngọc vẫn chưa làm xong, các nữ giám thị, nữ công nhân đầu bếp thưa với Trưởng giả Dhanañjaya:

– Mọi công việc đều trôi chảy, không chi rắc rối cả, nhưng củi gần hết, không đủ chụm để nấu ăn đãi binh lính trong tháng tới.

– Các người hãy đi khắp thành, xem những chuồng voi, chuồng ngựa, chuồng bò nào mục cũ, và những trại xiêu vẹo tới tuổi rồi thì cứ việc dỡ xuống hết lấy làm củi chụm.

Thứ nhiên liệu nầy chỉ xài được có nửa tháng, các nữ giám thị lại bẩm cho Trưởng giả biết để liệu định.

– Trong mùa nầy không làm cách nào kiếm được củi, thôi thì các ngươi hãy mở kho vải ra, lấy vả thô xấu quấn bó làm đuốc, đem tẩm vào các thùng dầu chai để nấu ăn thế cho củi vậy.

Các nữ giám thị vâng lời chủ làm y như thế trong nửa tháng. Như thế là trọn bốn tháng mùa mưa, món nữ trang của tiểu thư cũng làm xong.
Món trang sức đặc biệt nầy, thợ cẩn đến bốn gáo (Naḷi) kim cương, mười một gáo trân châu, hai mươi hai gáo san hô, ba mươi ba gáo ngọc ma ni bảo châu, như thế là nó chứa hết bao nhiêu thứ bảo châu nầy, bảo châu nọ. Thợ không dùng chỉ thường, mà dùng sợi chỉ làm bằng bạc để kết, nếu thắt nó lại phía trên rồi thả thòng xuống thì đến bàn chân. Ở nhiều nơi thợ kết những nút bằng vàng, khuy thì bằng bạc để gài cho chắc, trên đầu, hai nút ở hai tay, một nút ngay yết hầu, hai nút ở đầu gối, hai nút ở chỗ cánh nhỏ, một nút trước ngực, và một nút chỗ eo lưng.

Trong món nữ trang y như cái áo nầy, thợ có làm một con Khổng Tước (Công) đang múa, cánh phải có năm trăm cái lông cũng toàn là vàng ròng, mỏ công bằng san hô, mắt bằng bảo châu, chỗ cổ và đuôi cũng vậy, đuôi công có năm trăm hình mặt trời, chân công bằng bạc.

Món nữ trang nầy khi tiểu thư đội lên đầu, trong giống hệt như con Khổng Tước đứng trên chót núi đang múa thật vậy.

Tiếng reo của ngàn cái lông có hình mặt trời nghe du dương như tiếng nhạc thiên thai vang rền như tiếng ngũ âm. Khi đến gần trông thật rõ mới biết không phải là chim thật. Vật liệu dùng làm món trang sức nầy trị giá đến chín mươi triệu và tiền công thợ là một trăm ngàn Kahāpaṇa.

(Do phước báu nào mà tiểu thư làm chủ được món nữ trang nầy? Tương truyền rằng: “Trong thời kì Đức Phật Kassapa tiểu thư đã cúng dường y và vải may y đến hai muôn Tỳ khưu, nàng dâng luôn cả kim chỉ màu nhuộm để cho chư Tăng tự ý sử dụng. Do phước cúng dường y phục nầy mà tiểu thư được sợi dây chuyền to lớn quý giá nầy. Phụ nữ dâng y thì được phát sanh nữ trang to quý như thế, còn nam nhân khi xuất gia thì có y bát sẵn, do thần thông phát sanh).

Trưởng giả Dhanañjaya sửa soạn tư trang cho tiểu thư trong bốn tháng như thế, mà còn cho thêm tài sản để làm của hồi môn, đem theo về nhà chồng: năm trăm cỗ xe bò chở đầy tiền vàng, năm trăm cỗ chén quý, dĩa quý bằng vàng, năm trăm cỗ chén dĩa bạc, năm trăm cỗ mâm thau, năm trăm cỗ dầu sữa, năm trăm cỗ đường mía, năm trăm cỗ mâm đồng đen, năm trăm cỗ tơ lụa hàng vải, năm trăm cỗ sanh tô, năm trăm cỗ gạo ngon, năm trăm cỗ nông cụ như lưỡi cày, lưỡi cuốc… Người ta nói rằng: Ông Trưởng giả muốn cho con gái mình về nhà chồng khỏi phải lo thiếu thốn món nầy món nọ, phải đi chạy mượn của nhà khác, nên cho đủ thứ nông cụ như thế! Ông Trưởng giả còn cho một trăm chiếc xe kiệu trên mỗi chiếc xe đều có ba nàng tỳ nữ, trang sức lộng lẫy để theo phục dịch tiểu thư. Ông dặn tất cả nữ tỳ hãy lo
tắm rửa, cho ăn uống và trang điểm cho tiểu thư.

Khi ấy ông còn tính: “Ta sẽ cho con gái ta nhiều bò cái”. Ông cho gọi gia đinh đến và bảo: “Nè mấy đứa bây đi mở cửa chuồng bò nhỏ ra, rồi cách xa ba dặm đường, lấy ba cái trống đứng đó và đứng thành hai hàng hai bên, chừa khoảng trống ở giữa một dặm đường, giữ đừng cho bò cái chạy tản lạc bậy bạ. Đứng xong rồi nổi trống hiệu lên”.

Các gia đinh chăn bò vâng lịnh làm y theo như vậy, đàn bò cái ra khỏi chuồng, đi được một dặm thì họ nổi trống, và khi đàn bò đi được ba dặm, họ lại nổi trống báo hiệu lần thứ ba, và chặn bò trong chuồng lại. Trên khoảng đường dài ba dặm (gāvuta) rộng một trăm bốn mươi hắc (usabha) đàn bò cái đứng chật ních, con nọ đụng vai con kia.

Ông Trưởng giả ra lịnh: “Bấy nhiêu bò cái ngoài nầy cho tiểu thư đủ rồi, thôi bây giờ hãy đóng cửa chuồng lại”.

Trong lúc gia đinh vừa đóng cửa chuồng, do quả phước của tiểu thư, những con bò cái tơ khỏe và nhiều con bò mẹ khác đua nhau nhảy qua cửa cổng thoát ra ngoài, các gia đinh chặn cách nào cũng không được. Nên sẩy chuồng khoảng sáu mươi ngàn con bò đực và sáu mươi ngàn con bò mẹ dẫn theo cùng ngần ấy bò lứa (Do nhân nào cho quả phước khiến cho tiểu thư được thêm bấy nhiêu bò cái đó? Do quả phước cúng dường vật thực mà Tăng đã ngăn cản. Tương truyền rằng: Trong thời giáo pháp của Đức Chánh Biến Tri Kassapa, tiểu thư là công chúa thứ bảy của vua Kikī, mỹ danh Saṅghadāsī (Tăng Tỳ), có cúng dường năm món ngưu vị đến hai mươi ngàn vị Tỳ khưu. Trong khi ấy, có những vị Tỳ khưu và Sa di trẻ tuổi đậy nắp bát lại không nhận nữa, nói rằng: “Thôi, thôi”, nhưng Công chúa vẫn nói ép: “Món nầy ngon lắm, món nầy ngọt lắm”. Và dưng cho bằng được. Do phước báu của việc lành đó, khiến cho mấy muôn con bò cái dầu bị ngăn cản cũng cứ nhảy tràn ra).

Khi Trưởng giả chia gia tài cho tiểu thư bấy nhiêu đó, thì bà Sumanadevī bảo rằng:

– Tất cả mọi thứ ông lo chu đáo rồi, nhưng còn tôi trai tớ gái, kẻ ăn người ở trong nhà sao ông không lo cho nó?

– Bởi vì tôi muốn biết kẻ nào ưa cùng kẻ nào không ưa con gái mình. Tôi không thích cái lối tống cổ đưa đi nếu họ không muốn đi. Vậy đến bữa đưa dâu lên xe hoa, ta sẽ hỏi tất cả gia nhân: “Ai muốn theo tiểu thư thì cứ đi. Ai muốn ở lại thì cứ ở lại chớ ta không cấm cản chi đâu”.

Khi đã định ngày cho con gái xuất giá, ông Trưởng giả ngồi trong thư phòng, cho tiểu thư ngồi gần một bên dặn dò, dạy dỗ rằng:

– Nầy con! Con gái về nhà chồng thì phải biết làm tròn bổn phận dâu con, đối xử với thân quyến bên chồng phải giữ nề nếp con nhà gia giáo…

Ông Migāra ngồi trong gian phòng bên cạnh cũng nghe được những lời của ông Trưởng giả Dhanañjaya dạy con như thế. Ông Dhanañjaya còn ban huấn từ cho tiểu thư như vầy:

– Nầy con! Con ở nhà chồng thì:

1. Không nên đem lửa trong nhà ra ngoài.
2. Không nên đem lửa bên ngoài vào nhà.
3. Không nên cho đến kẻ không đáng cho.
4. Nên cho đến kẻ nào đáng cho.
5. Nên cho đến kẻ cho và cả kẻ không cho.
6. Nên ngồi cách an vui.
7. Nên ăn cách an vui.
8. Nên ngủ cách an vui.
9. Nên coi chừng lửa.
10. Nên lễ bái chư thiên trong nhà.

Sau khi ban thập điều gia huấn cho tiểu thư Visākhā. Ngày hôm sau, Trưởng giả Dhanañjaya triệu thỉnh các tướng lãnh chỉ huy đoàn quân hộ giá đến chứng minh, rồi ông đứng giữa đó, bảo tám vị Trưởng lão gia tộc làm giám hộ rằng:

– Nếu con ta đến nơi, có ai tố cáo nó lỗi lầm chi, các ông hãy nên làm cho ra lẽ. Nói rồi, Trưởng giả Dhanañjaya đeo lên cho tiểu thư món nữ trang là sợi dây chuyền to lớn trị giá chín mươi triệu, cho tiểu thư năm trăm bốn mươi triệu đồng tiền vàng là tiền mua mật ong để tắm gội. Đoạn ông sai người thắng xe đưa ông với tiểu thư đi khắp châu thành Sāteka, đánh trống truyền rao cho dân làm công trong mười
bốn làng của ông: “Ai muốn đi theo con gái ta thì cứ đi”. Dân làng nghe rao, đồng nói: “Nay tiểu chủ của ta ra đi, ta còn ở lại đây mà làm
gì?”. Thế là tất cả dân cư trong làng ra đi hết, không còn một người nào ở lại.

Trưởng giả Dhanañjaya dâng, biếu nhiều tặng phẩm đến quốc vương cùng Trưởng giả Migāra, đi theo đưa tiễn kiệu hoa cùng các tân khách một đoạn đường rồi mới trở lại. Ông Trưởng giả Migāra ngồi trên cỗ xe đi sau cùng, trông thấy đoàn người đi theo đông đảo, bèn hỏi:

– Đám người nầy là ai?

– Họ là những tôi trai tớ gái và người làm công của tiểu thư, dâu của ông đó.

– Họ đông quá, ai mà nuôi cho nổi, hãy đánh đuổi họ chạy bớt đi, còn ai không chịu chạy thì cho họ theo.

Tiểu thư Visākhā liền bảo họ rằng:

– Hãy khoan, đừng ngăn cản họ, đoàn người nầy sẽ lo cơm nước cho binh lính. 

Nghe vậy, Trưởng giả Migāra bảo rằng: “Nầy con, nhà ta không cần dùng những người ấy, ai đâu mà nuôi họ”.

Thế rồi, ông lấy đất cục, gậy gộc liệng họ và đánh đuổi họ chạy đi bớt, chỉ còn giữ lại một số ít, không chạy đi và nói: “Bấy nhiêu đây cũng đủ dùng rồi”. Đoạn tiếp tục lên đường.

Khi đến cổng thành Sāvatthī, tiểu thư Visākhā nghĩ thầm: “Ta sẽ ngồi trong xe bít bùng hay là đứng trên xe nhỏ mà vào thành?”. Rồi tiểu thư nghĩ rằng: “Nếu ta ngồi trong xe bít bùng mà vào thành thì phẩm giá món trang sức quý giá nầy chẳng một ai thấy hết”, tiểu thư bèn đứng trên một cỗ xe nhỏ nhẹ mà đi vào thành để cho toàn dân trong thành đều trông thấy tiểu thư hết. Dân thành Sāvatthī trông thấy tài sản của tiểu thư Visākhā đều nói: “Nghe nói rằng cô dâu là nàng Visākhā, nàng đã đẹp như thế lại giàu quá mức như vậy. Thật là xứng đáng hết sức”.
Ngày về nhà chồng, tiểu thư Visākhā đã biểu dương tài sản to lớn của mình như thế đó. Ngày ấy, toàn dân chúng trong thành đều gửi quà tùy theo sức của mình mà tặng cô dâu mới, vì họ nghĩ rằng: “Lúc đến Sāketa, thành của Trưởng giả Dhanañjaya, chúng ta được Trưởng giả tiếp đãi trọng hậu”.

Nhận được tặng phẩm của các nhà gửi đến, tiểu thư liền hoàn lại bằng cách trao đổi quà tặng với các nhà. Tiểu thư khôn khéo gửi quà biếu cho toàn dân trong thành tùy theo tuổi tác và gia thế của họ với những lời lẽ trìu mến ngọt ngào như những thân nhân: “Đây là quà của thân mẫu tôi, đây là quà của thân phụ tôi, đây là quà của anh tôi, đây là quà của chị tôi…”.

Lúc chạng vạng tối con ngựa cái trắng của nàng đẻ con, tiểu thư sai bọn nữ tỳ đốt đuốc soi đường đi xuống chuồng ngựa, lấy nước ấm tắm rửa sạch sẽ cho nó, thoa dầu khử phong cho nó rồi mới trở về chỗ ngụ.

Mặc dầu ông Trưởng giả Migāra ở gần chùa nhưng lúc cưới vợ cho con trai, ông chẳng hề lưu ý đến Đức Như Lai cùng chư Tăng. Đã từ lâu rồi, ông đặt niềm tin vào nhóm đạo sĩ lõa thể.

Một ngày nọ, ông dự định cúng dường đến các vị Đại đức của ông, ông cho nấu cơm trắng với sữa tươi rặc ròng trong hàng trăm cái nồi mới, rồi thỉnh năm trăm vị đạo sĩ lõa thể đến nhà, khi họ đã vào nhà rồi, ông cho gọi tiểu thư Visākhā:

– Con dâu của ta, hãy đến và đảnh lễ các vị A La Hán.

Nghe tiếng A La Hán, nàng Visākhā rất mừng rỡ vì nàng là nữ Thinh Văn đã đắc Tu Đà Hườn.

Tiểu thư đến ngay phòng các đạo sĩ đang ăn, trông thấy họ, nàng trách cha chồng rằng:

– Những người nầy không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi như thế, họ không phải là những vị A La Hán đâu. Tại sao cha lại gọi con đến đây?
Tiểu thư bỏ trở về tư thất. Nhóm đạo sĩ lõa thể trông thấy tiểu thư có thái độ như thế, đồng loạt qưở trách nặng nề ông Migāra:

– Nầy gia chủ, tại sao ông đưa về nhà con tiện tỳ hèn mạt đệ tử của Sa môn Gotama, là kẻ khác đạo của chúng ta. Ông hãy mau lôi cổ, tống nó ra khỏi nhà cho rồi.

Ông Migāra nghĩ thầm: “Dâu ta là con nhà thế gia vọng tộc không thể lôi kéo đuổi xô theo lời các Ngài đây được”.

Trưởng giả đành nói cho xuôi chuyện:

– Bạch các Ngài! Bọn trẻ tuổi làm chi có ý thức được, chỉ là bọn vô ý thức. Xin các Ngài làm thinh bỏ qua cho.

Sau khi tiễn đưa các tu sĩ lõa thể, ông Migāra ngồi trên một cái ghế rất đắt tiền, ăn cơm trắng nấu bằng mật ong pha ít nước đựng trong một cái chén bằng vàng. Ngay khi ấy, một vị Đại đức hạnh Đầu đà thường đi khất thực, đi vào cổng nhà ông Trưởng giả, đang đứng quạt hầu cha chồng, nàng Visākhā trông thấy vị Đại đức, bèn đứng nép qua bên để cha chồng nhìn thấy vị Đại đức, chớ tiểu thư không muốn chỉ. Nhưng
Trưởng giả là người kém trí, tuy thấy vị Đại đức nhưng làm như không thấy, chỉ cúi đầu xuống ăn như thường.

Tiểu thư biết rằng cha chồng mình trông thấy vị Đại đức nhưng không thấy lộ vẻ gì cả, bèn bạch rằng:

– Bạch Ngài! Xin đi nơi khác, cha tôi đang ăn vật thực cũ (Purārakaṃ).

Lần trước nghe tiểu thư miệt thị nhóm Nigantha (Ni Kiền Tử), ông Migāra còn nhịn được, nhưng lần nầy nghe nói ông ăn đồ cũ, ông dừng tay lại không ăn nữa và bảo:

– Hãy lấy chén cơm nầy đem đổ đi và lôi con nhỏ đó ra khỏi nhà ta ngay lập tức. May mà cưới nó về chưa bao lâu mà nó đã dám bảo cha chồng nó ăn đồ dơ như bây giờ đây.

Lúc bấy giờ, gia nhân trong nhà đều là người của tiểu thư thì có ai dám đến gần nàng nắm tay hoặc nắm chân nàng, cũng không ai dám mở miệng nói lời chi cả. Nghe cha chồng bảo vậy, tiểu thư Visākhā đáp rằng:

– Thưa cha, bấy nhiêu đó chưa đủ cho con ra khỏi nhà đâu, con không phải là hạng nữ tỳ ở bến tắm mà cha đem về đâu, con là con gái có cha mẹ đàng hoàng đều còn sanh tiền cả. Con được cưới hỏi đủ lễ đem về, không thể ra đi vì chuyện không đáng tội. Vì lẽ nầy mà khi xuất giá, cha con đã mời tám vị Trưởng lão đến làm giám hộ cho con và nói: “Nếu con gái tôi có bị tố cáo vì lỗi lầm chi thì các ông hãy làm cho
ra lẽ minh bạch”, cha con đã giao phó con cho mấy vị kỳ lão xét đoán, vậy thì cha hãy cho mời mấy ông ấy đến đây phân xử việc nầy mới được.

Ông Trưởng giả suy nghĩ: “Con nầy nói phải”, ông cho mời tám vị kỳ lão đến, trình bày:

– Con nhỏ nầy, trong khi tôi đang ngồi ăn cơm trong ngày lễ cơm trắng nấu với sữa rặc ròng, đựng trong chén bằng vàng, mà nó dám nói tôi: “Ăn đồ dơ”. Xin các Ngài hãy buộc tội nó, và đuổi nó ra khỏi nhà giùm tôi.

– Có đúng như lời ông nói không, tiểu thư?

– Cháu không bao giờ nói với ý như thế. Trong lúc cha chồng đang ăn, có vị Đại đức trì bình khất thực đến đứng trước cửa nhà, cha chồng cháu đang ăn cơm trắng nấu rặc sữa, không lưu ý đến vị ấy, cháu nghĩ: “Trong kiếp hiện tại cha chồng ta không tạo phước mới, mà chỉ ăn toàn phước cũ không mà thôi”. Cháu nói với ý nghĩa nầy, như thế cháu không có tội chi cả.

– Thưa Trưởng giả, nó nói như thế thì không có lỗi, cháu chúng tôi nói đúng lý.

Tại sao ông lại giận hờn nó mà chi.

– Thưa quý vị, việc ấy tôi cũng cho là vô tội đi, nhưng có việc nầy, một đêm nọ nó dắt tôi trai tớ gái đi vòng ra phía sau nhà…

– Ông nói thế có đúng như vậy không cháu?

– Thưa các bác, cháu ra đi không vì lẽ gì bậy bạ, nguyên vì con ngựa của cháu đẻ con trong chuồng nhà nầy. Cháu nghĩ: “Mình biết tin mà ngồi không chẳng làm gì hết thì không phải cách”. Cháu có bảo đốt đuốc soi đường rồi đi với mấy con tỳ nữ xuống săn sóc cho con ngựa cái mới sanh con. Làm như thế, cháu có tội chi đâu.

– Thưa quý vị, việc nầy kể là vô tội cũng được. Nhưng còn việc này nữa, khi con nầy sắp về đây, cha nó có dạy mười điều bằng thứ tiếng lóng, cho nên tôi không hiểu được ý nghĩa ra sao. Tôi muốn nó giải thích cho tôi nghe rõ rệt, chẳng hạn như cha nó bảo rằng: “Không nên đem lửa trong nhà ra ngoài”. Có thế nào nhà chúng tôi không cho hai nhà bên cạnh mồi lửa được ư?

– Ông nói thế có đúng không cháu?

– Thưa các bác, cha cháu không có ý muốn nói như thế, mà người muốn nói như vầy: Con ơi, dầu cho con có nhìn thấy chỗ xấu của chồng và cha mẹ chồng con, thì giữ kín trong nhà chớ để lọt ra ngoài cho thiên hạ biết. Quả thật không có thứ lửa nào nóng như thế cả.

Thưa quý vị, việc ấy có thể là được đi, nhưng cha nó còn dạy rằng: “Không nên đem lửa bên ngoài vào nhà”, làm sao không có thể lấy lửa từ ngoài đem vào, nếu rủi như nhà tắt hết cả lửa?

– Lời ông nói có đúng không vậy cháu?

– Thưa các bác, cha cháu không có ý nói như thế đâu. Người muốn dạy cháu như vầy: “Nếu như trong những nhà lân cận, người nữ hoặc người nam nói xấu chồng hay vợ hoặc cha mẹ chồng, mình nghe rồi không nên đem về học lại, những người đó đã nói xấu anh chị như thế”. Không có lửa nào bằng thứ lửa ấy cả.

– Như thế trong cái lý nầy, cháu chúng tôi không có lỗi.

– Cũng như mấy câu trên, các câu kế được tiểu thư giảng giải lần lượt như sau:

Khi cha chồng nói: “Nên cho đến người đáng cho”, nghĩa là nên cho đến người nào mà sau nầy khi thọ lãnh được đồ vật còn biết đền đáp, cho trở lại (những người nào mượn đồ đạc, dùng rồi đem trả lại tử tế thì nên cho họ mượn).

Câu: “Không nên cho đến người không cho”, có nghĩa là không nên cho đến những người nào mà sau khi thọ lãnh đồ vật xin được, không biết đền đáp, cho trở lại (những người nào mượn đồ đạc, dùng rồi không đem trả lại thì không nên cho mượn).

Câu: “Nên cho đến người cho và người không cho”, có nghĩa là đối với thân bằng quyến thuộc nghèo khó, dầu cho họ có thể trả được hay không cũng nên cho họ mượn (nên giúp đỡ họ).

Câu: “Ngồi cách an vui”, có nghĩa là khi đang ngồi mà thấy chồng hoặc cha mẹ chồng thì phải đứng dậy chào, không nên ngồi nữa.

Câu: “Ăn cách an vui”, có nghĩa là trước bữa ăn phải lo cơm nước cho chồng và cha mẹ chồng ăn trước, lại phải trông coi tất cả người trong nhà có ai thiếu đủ gì không, rồi mới nên tự mình ăn.

Câu: “Ngủ cách an vui”, có nghĩa là không nên đi ngủ trước chồng và cha mẹ chồng, phải lo kiểm soát trong nhà, trông coi cửa nẻo, đề phòng người ăn kẻ ở có sai sót việc chi không, sau rồi tự mình mới lên giường.

Câu: “Nên giữ chừng lửa”, nghĩa là nên coi chồng và cha mẹ chồng cũng như là lửa, cũng như là rắn chúa trong nhà khi tiếp xúc phải lưu tâm cẩn thận.

Câu: “Nên lễ bái chư thiên trong nhà”, có nghĩa là nên cung kính chồng và cha mẹ chồng như là chư Thiên.

Nghe tiểu thư giải xong nghĩa lý của mười điều gia huấn, ông Magāra cúi xuống làm thinh, không nói lời ào trách cứ được nữa.

Khi ấy, các vị bô lão hỏi: “Thưa Trưởng giả, cháu gái của chúng tôi có còn làm lỗi gì nữa chăng?”.

– Thưa quý vị, không.

– Nó không lầm lỗi thì tại sao Ngài ra lịnh đuổi nó ra khỏi nhà?

Nghe được lời nầy, tiểu thư Visākhā bèn nói:

– Thưa các bác, ban đầu nghe lời cha chồng cháu đuổi cháu đi, nếu cháu bỏ đi liền thì không phải cách, vì khi cháu xuất giá, cha cháu có đặt cách cháu dưới quyền giám hộ của các bác. Nay các bác đã biết rõ là trong việc nầy, cháu không có lầm lỗi chi cả, thì bây giờ cháu ra khỏi nhà nầy là phải cách lắm.

Nói rồi, tiểu thư cho gọi các tôi trai tớ gái bảo họ chuẩn bị đồ đạc xe cộ đặng lên đường.

Khi ấy Trưởng giả liền phân chứng cùng tám vị Kỳ lão và năn nỉ con dâu rằng:

– Con à! Vì cha không biết xét nên đã nói oan cho con, con hãy thứ lỗi cho cha đi.

– Thưa cha, nếu cha có lỗi gì đáng xóa bỏ thì con xóa bỏ hết. Ngược lại, con chỉ xin cha chấp thuận cho con vầy: Vì con là con gái của một gia tộc có đức tin trong sạch với Phật pháp, không muốn sống cách biệt với chư Đại đức Tăng, nếu cha vui lòng cho con được hộ độ chư Tăng thì con sẽ ở lại đây.

– Nầy con cứ tự tiện lo việc hộ độ cho các ông Sa môn đi.

Được lời cha chồng cho quyền tự do, tiểu thư bèn cho người đi thỉnh Đấng Thập Lực ngày hôm sau đến nhà thọ thực ngay tại tư gia của Trưởng giả Migāra. Các đạo sĩ lõa thể được tin Đức Bổn Sư đến thọ lãnh vật thực tại nhà của ông Migāra, bèn ráp nhau đến ngồi xung quanh tư thất của ông. Sau khi xối nước khai mạc lễ Trai Tăng, tiểu thư Visākhā gởi thư cho cha chồng:

“Tất cả lễ vật đều sắp đặt xong, xin thỉnh cha đến sớt bát cúng dường đến Đấng Thập Lực”.

Khi ấy, các du sĩ lõa thể liền ngăn cản ông Trưởng giả, nói rằng: “Nầy gia chủ, ông đừng đi đến chỗ Sa môn Gotama”.

Ông Trưởng giả phải viết thư trả lời rằng: “Dâu của cha cứ việc lo cúng dường sớt bát một mình cũng được”.

Nàng Visākhā đứng trông nom việc sớt bát Đại đức Tăng có Đức Phật là vị Tăng trưởng. Khi các Ngài xong bữa, nàng lại nhắn tin cha chồng đến nghe thuyết pháp. Khi ấy, ông Trưởng giả nói với nhóm lõa thể ngoại đạo rằng: “Bây giờ mà không đến đó thì bất lịch sự lắm”.

Thấy ông Trưởng giả muốn đi nghe pháp và năn nỉ nhiều lượt, nhóm đạo sĩ lõa thể nói:

– Thôi được, nếu ông muốn đi nghe pháp của Sa môn Gotama thì hãy đến ngồi bên ngoài bức rèm mà nghe.

Nhóm đạo sĩ lõa thể liền lấy rèm bao quanh chỗ thuyết pháp, ông Trưởng giả đến ngồi bên ngoài rèm. Đức Bổn Sư nghĩ thầm: “Dầu cho ông có ngồi bên ngoài rèm, hoặc là ngoài tấm vách, hoặc là ngồi bên kia dãy núi hay ngoài địa cầu nầy, hay ngoài thế giới Ta bà đi nữa, Ta là Phật thì Ta vẫn khiến cho ông nghe được Pháp âm của Ta”.

Thế rồi, như một người lực sĩ nắm lấy cây Diêm phù to lớn, lắc mạnh, như trời mưa một đám mưa lớn bất diệt, Đức Bổn Sư bắt đầu thuyết lên tuần tự pháp. Trong lúc Đức Chánh Biến Tri đang thuyết pháp, thì dầu cho người đứng phía trước, đứng phía sau, đứng cách xa cả trăm ngàn do tuần, đứng tận trên tầng trời Sắc cứu cánh, ai cũng cho rằng: “Đức Bổn Sư vì ta mà thuyết pháp, mỗi người đều cảm thấy y như Đức Bổn Sư chiếu cố đến mình và y như mình đang chuyện trò tâm sự vậy, có thể nói: “Chư Phật ví như mặt trăng giữa trời, tất cả chúng sanh ở dưới đất trông lên đều thấy hình như mặt trăng ở trên đầu mình. Cùng như thế ấy, người đứng nơi nào cũng trông thấy như mình đang đứng trước Đức Phật vậy. Đó là do hạnh nguyện Bố thí Ba la mật mà Đức Bổn Sư đã hoàn thành viên mãn, như Ngài đã tự cắt đầu khôi ngô tuấn tú của Ngài, đã móc cặp mắt sáng như sao băng, đã rứt quả tim, đã dứt tình thâm thí Hoàng tử Jāli, Công chúa Kaṇhā, và Hoàng hậu Maddī, để có thể hoàn thành quả vị Phật Toàn Giác, thuyết pháp độ sanh.

Trong lúc Đức Bổn Sư thuyết tuần tự pháp thoại, có lớp có lang, càng nghe càng thấy cởi mở, ông Trưởng giả ngồi bên ngoài bức rèm cảm thông bằng cả ngàn lý lẽ, nên chứng đắc quả vị Dự Lưu đi đôi với đức tin bất thối, có lòng tin trọn vẹn đối với Tam Bảo. Ông liền vén rèm bước vào nhà, kê miệng ngậm vú nàng dâu và tôn nàng nên làm mẹ mình: “Từ giờ trở đi, người là mẹ của tôi”.

Kể từ đó, nàng Visākhā được mệnh danh là Migāramātā, về sau khi nàng có con trai, đặt tên con là Migāratissa.

Ông Trưởng giả nhả vú nàng dâu ra, rồi đến nằm mọp đầu dưới chân Đức Thế Tôn, đôi tay mơn trớn và miệng hun hít đôi bàn chân của Ngài, nói rằng: “Bạch Ngài, con tên là Migāra, bạch Ngài, con tên là Migāra”.

Sau khi tự xưng tên ba lần như thầy thế, Trưởng giả nói tiếp:

– Bạch Thế Tôn, trong kiếp nầy con có được hai lần đại phúc, nhờ nàng dâu mà con thoát khỏi mọi khổ cảnh ác thú đạo. Nàng dâu của con đến nhà nầy mang theo sự lợi ích, sự tấn hóa, sự an vui đến con.

Nói rồi, ông ngâm lên kệ ngôn rằng:

“Sohaṃ ajjā pajānāmi,
Yattha dinnaṃ mahapphalaṃ;
Atthāya vata me bhaddā,
Sunisā gharamāgatāti”.

Lược dịch:
“Hôm nay con biết rành,
Cúng Phật đại quả sanh,
Lợi ích con nhiều thật,
Nhờ cưới được dâu lành”.

Qua ngày sau, tiểu thư Visākhā lại tái thỉnh Đức Bổn Sư. Nhờ vậy mà mẹ chồng của nàng cũng chứng được Sơ quả trong ngày thứ hai ấy. Từ đó trở đi, ngôi nhà của tiểu thư luôn luôn mở rộng đối với Phật giáo. Từ đó, ông Trưởng giả nghĩ thầm: “Ta có nhiều cách để biếu dâu ta những tặng vật. Quả thật vậy, món nữ trang của nó thật nặng nề, không thể mang theo luôn được. Ta sẽ làm cho nó món nữ trang vừa phải, có thể đeo luôn cả ngày lẫn đêm trong mọi oai nghi”.

Ông mướn thợ kim hoàn làm một món nữ trang tên là Ghanamaṭṭhaka (Phủ Đầu), trị giá hàng trăm ngàn đồng vàng, khi món nữ trang vừa xong, ông thỉnh Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm Tăng trưởng, đến nhà ông, ông kính cẩn dâng thực phẩm cúng dường, đoạn cho người tắm gội tiểu thư Visākhā bằng mười sáu nồi nước thơm, rồi để tiểu thư đứng trước mặt Đức Thế Tôn mà đeo cho nàng món nữ trang mới, và
bảo tiểu thư đảnh lễ Đức Bổn Sư. Đức Thế Tôn sau khi phúc chúc xong, Ngài trở về chùa.

Từ ấy trở đi, nàng Visākhā vẫn tiếp tục tạo được nhiều thiện nghiệp, nhứt là năng bố thí, bà đã xin Đức Bổn Sư ban cho bà tám đặc ân:

1. Dâng y đến Tăng suốt đời.
2. Để bát Tăng đến Sāvatthī.
3. Để bát Tăng rời Sāvatthī.
4. Để bát Tỳ khưu bịnh.
5. Để bát Tỳ khưu nuôi bịnh.
6. Dâng thuốc đến Tỳ khưu bịnh.
7. Dâng cháo sáng đến Tăng.
8. Dâng y tắm mưa đến Tỳ khưu Ni.

Thinh danh của bà ngày càng tăng trưởng cũng như số con cháu của bà vậy. Tương truyền rằng: Bà có đến hai mươi người con, mười trai và mười gái, mỗi người con của bà cũng có hai mươi người con như thế, và mỗi đứa cháu của bà cũng có hai mươi người con như thế. Tổng cộng con và cháu của bà là tám ngàn bốn trăm hai mươi người, bà thọ được một trăm hai mươi tuổi. Trên đầu bà chẳng hề có được một sợi tóc bạc, trông bà lúc nào cũng như cô gái mười sáu tuổi, có khi bà đi chùa dắt theo cả đoàn con cháu, nhiều người trông thấy, hỏi nhau rằng: “Trong đám nầy, ai là bà Visākhā?”. Những người đang đi gặp bà đang đi thì nghĩ rằng: “Bây giờ ta hãy đi thong thả, đi như bà của chúng ta đi, như vậy coi mới đẹp”, những người trông thấy bà đứng, nằm hoặc ngồi thì nghĩ rằng: “Bây giờ ta hãy ngồi thong thả như bà ấy, coi
mới đẹp”, chưa có ai thốt lên lời chê bà một oai nghi nào trong bốn oai nghi cả. Bà có sức mạnh gấp năm lần con đại tượng.

Quốc vương nghe đồn bà Visākhā có sức mạnh gấp năm con đại tượng, bèn ngự giá đến chùa của bà để thỉnh pháp, đến khi trở về, quốc vương muốn thử xem sức mạnh của bà, nên khiến quân thả con tượng ra, con tượng giơ vòi lên cao, nhắm ngay bà Visākhā tiến tới. Trong nhóm năm trăm nữ nhân theo hầu bà Visākhā, có một số kinh hoàng bỏ chạy, một số ôm lấy chân bà, bà hỏi: “Cái gì thế?”.

Họ đáp: “Quốc vương muốn thử sức mạnh của bà nên cho thả tượng ra đó”.

Bà Bisākhā thấy con voi thì nghĩ thầm: “Việc gì mà ta phải bỏ chạy, để ta bắt nó lại. Nhưng nếu ta dùng cả sức ra chặn bắt nó, chắc nó phải chết”.

Thế là, bà chỉ dùng hai ngón tay kẹp cứng cái vòi, bắt con tượng đứng lại, con tượng vùng vẫy nhưng rút vòi ra không nổi, rồi nằm xuống nền sân ngự. Đại chúng hoan hô vang dậy.

Bà Visākhā và đoàn phụ nữ theo hầu đều an toàn trở về nhà. Thời bấy giờ, trong thành Sāvatthī chỉ có bà Visākhā là có nhiều con trai và cháu
trai nhất, con cháu của bà đều mạnh khỏe, nên bà được xem là người có hạnh phúc tối thắng, trong số hàng ngàn con cháu ấy, chẳng một ai chết yểu cả.

Dân thành Sāvatthī, trong các đám tiệc lễ cưới bao giờ cũng mời bà Visākhā đến dự trước nhất.

Một hôm nọ, nhân dịp một lễ hội, bà Visākhā mang theo cả món trang sức nổi tiếng đi dự lễ hội, rồi bà lại đi chùa nghe pháp, khi đến chùa bà Visākhā cởi chiếc trang sức lộng lẫy quý giá ấy, giao cho đứa tớ gái mang.

Đoạn nầy có kinh ghi chép rằng: Thời ấy, trong thành Sāvatthī có lễ hội, nhiều người sửa soạn trang điểm lộng lẫy rồi đi chùa, bà Visākhā cũng trang điểm lộng lẫy đi lễ hội, rồi bà đi chùa, khi thấy bà tháo gỡ món trang sức lộng lẫy ấy, bỏ vào chiếc y Uất Đà La Tăng (vai trái), bó cột lại cho đàng hoàng rồi giao cho đứa tớ gái:

– Nầy con ở đây giữ cái nầy cho bà nghe.

Tương truyền rằng, khi đến chùa bà tự nghĩ thầm: “Mình đeo món trang sức quý giá nầy từ trên đầu xuống tới chân, đi vào chùa là không phải cách”, cho nên bà cởi ra, bó lại và trao cho cô tớ gái có sức mạnh gấp năm lần con tượng mà bà là chủ nhân của cô, do theo phước báu của bà. Mạnh như thế nó mới mang nổi món nữ trang như thế, bà dặn nó:

– Nầy con, hãy cầm giữ món nữ trang nầy, bà vào bái yết Đức Bổn Sư rồi đeo vào.

Sau khi giao phó món nữ trang nặng nề quý giá ấy cho cô tớ gái, bà đeo chiếc Phủ Đầu, rồi vào gần Đức Bổn Sư ngồi thính pháp, đến cuối thời pháp bà đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi từ chỗ ngồi đứng lên đi ra, đứa tớ gái bỏ quên món nữ trang quý giá ấy ở trong chùa, đi theo bà mà bà cũng không nhớ để nhắc cô ta, khi thiện tín nghe pháp trở về hết, nếu có vật chi để quên trong chùa thì Đại đức Ānanda có phận sự phải lấy
đem cất, về sau trả lại cho sở hữu chủ. Vì thế, khi nhìn thấy gói trang sức bỏ quên ấy, Đại đức bạch lên cho Đức Bổn Sư biết:

– Bạch Ngài! Bà Visākhā ra về có bỏ quên món trang sức nầy lại đây.

– Ông hãy dẹp nó qua một bên đi, nầy Ānanda.

Đại đức mang món trang sức ấy treo cất tại chỗ lối đi bên cầu thang.

Bà Visākhā nói với bà Suppiyā, hai bà cùng đi rảo trong vòng đất chùa, để tìm xem có chư Tỳ khưu nào mới đến, hoặc sắp đi xa, hoặc đau yếu… ngỏ hầu lo sắp đặt việc hộ độ cho kịp giờ. Thường thường khi thấy hai bà tín nữ đi trong vòng đất chùa, các Tỳ khưu trẻ cùng các Sa di cần dùng thuốc trị bịnh như bơ, sữa, đường, mật, dầu đều đem bát đến để nhận. Hôm ấy, chư Sư cũng làm như thế.

Trông thấy một vị Tỳ khưu bịnh, bà Suppiyā bạch hỏi:

– Đại đức cần dùng món chi?

– Nước cốt thịt.

– Dạ được, để đệ tử dâng cho Đại đức. – Nàng Suppiyā đáp.

Qua ngày sau, không kiếm được thịt tam tịnh, nàng Suppiyā cắt thịt bắp vế mình, gởi đến vị Tỳ khưu bịnh ấy. Rồi nhờ đức tin trong sạch nơi Đức Phật, thân thể bà lành lặn nguyên vẹn lại như cũ.

Bà Visākhā sau khi thăm viếng các Tỳ khưu bịnh, Tỳ khưu trẻ cùng với các Sa di, bà tách ra đi bằng một lối đi cổng khác, đứng sát cánh cửa chùa bảo cô tớ gái:

– Nầy con, hãy mang món trang sức cho ta đeo vào.

Khi ấy, cô tớ gái biết là sắp đi về, mới chợt nhớ mình đã bỏ quên món nữ trang trong chùa, cô bảo rằng:

– Bẩm bà, con bỏ quên rồi.

– Thế thì con hãy vào lấy đem ra đây, nhưng nếu Đại đức Ānanda cất giữ rồi, thì thôi con đừng đòi lại, kể như bà dâng cúng đến đại đức rồi.
Người ta nói là bà Visākhā biết được việc Đại đức Ānanda có phận sự cất giùm đồ đạc của thiện tín bỏ quên, nên bà dặn cô tớ gái như thế.

Thấy cô nữ tỳ đến, Đại đức hỏi: “Con vào có việc chi?”.

– Dạ con bỏ quên món nữ trang của bà chủ, nên con trở vào lấy nó.

– Sư để nó ở lối lên cầu thang kia, con lại đó lấy đi.

– Bạch Đại đức, chủ con có dặn rằng: “Nếu vật ấy đã được đại đức đụng tay vào rồi thì thôi, con không nên lấy lại”.

Nói rồi, cô nữ tỳ trở ra với tay không.

– Thế nào con?

Nghe bà Visākhā hỏi, cô nữ tỳ thuật lại mọi sự.

– Nầy con, món nữ trang mà Đại đức đã đụng tay vào, bà sẽ không đeo để chưng diện nữa, bà sẽ dứt bỏ để cúng dường Đại đức. Nhưng để chư tăng gìn giữ nó thì khó khăn cho các Ngài, để bà bán nó đổi lấy vật dụng hợp với lẽ đạo, đem đến cúng dường chư Tăng. Vậy con hãy trở vào lấy nó đem ra cho bà.

Cô nữ tỳ đi lấy món trang sức đem ra, bà Visākhā không đeo nó nữa, bà cho gọi thợ kim hoàn đến để đánh giá, thợ nói:

– Món trang sức nầy trị giá chín mươi chín triệu, thêm một trăm ngàn đồng vàng tiền công.

Nghe vậy, bà Visākhā bảo để món trang sức ấy trên xe:

– Vậy thì các ông hãy bán nó giùm tôi đi.

Nhưng không ai xuất ra món tiền lớn để mau món nữ trang nầy cho nổi. Thật vậy, phụ nữ có sức mang nổi món nữ trang nầy khó kiếm được lắm. Trên hoàn cầu vào thời ấy chỉ có ba nàng đeo nổi món nữ trang ấy, đó là bà Visākhā, nàng Mallikā vợ của Bandhula và tiểu thư Mạt Lỵ con của Trưởng giả ở thành Bārāṇasī, vì vậy, bà Visākhā phải xuất ra số tiền ấy để mua lại món nữ trang của chính mình là chín mươi
chín triệu và một trăm ngàn đồng vàng. Đoạn bà cho thắng xe bò, cho chở tiền mang đến chùa, vào đảnh lễ Đức Bổn Sư, bạch rằng:
– Bạch Ngài! Đại đức Ānanda đã đụng tay vào món trang sức rồi, thì con không thể đeo được nữa, con định bán nó để mua vật dụng cúng dường cho hợp lẽ đạo, nhưng đem bán ra thì không ai mua nổi, thành ra con mua trở lại. Vậy với số tiền đúng theo giá trị của nó, con nên mua món gì để cúng dường, bạch Ngài?

– Nầy Visākhā, nếu nàng cất được chỗ ngụ của Tăng chúng ở ngoài cửa thành phía Đông thì phải cách lắm.

Nàng Visākhā hoan hỷ đáp: “Bạch Ngài, phải cách lắm”.

Đoạn bà xuất ra chín mươi triệu mua đất, chín mươi triệu để xây cất chùa. Một ngày nọ, lúc trời gần sáng, Đức Thế Tôn quan sát thế gian, thấy công tử Bhaddiya, nguyên là một chư thiên hạ sanh vào gia tộc của Trưởng giả trong thành Bhaddiya, công tử là người có duyên lành đáng được tiếp độ, cho nên sau khi thọ thực nơi nhà Trưởng giả Anāthapiṇḍika, Ngài đi ngay về phía cửa thành đô. Theo lệ thường, khi
Đức Bổn Sư thọ thực nơi nhà của bà Visākhā thì Ngài ra cổng thành phía Nam và ngự về Jetavana, còn nếu Ngài thọ thực tại nhà ông Anāthapiṇḍika thì ngự ra cổng thành phía Đông, ngự về Đông Phương Tự (Pubbārāma). Những người thấy Đức Bổn Sư ngự ra cửa Bắc, thì biết rằng: “Chắc Ngài sắp đi vân du”.

Trong ngày ấy, bà Visākhā nghe tin Đức Bổn Sư ngự ra cửa Bắc, thì vội vàng theo đón Ngài, đảnh lễ xong bạch hỏi rằng:

– Bạch Ngài, có phải Ngài định đi vân du phải chăng?

– Phải đó, nầy Visākhā.

– Bạch Ngài, con đã dứt bỏ bao nhiêu tiền của để cất chùa dâng Ngài. Xin Ngài hãy trở lại chùa, bạch Ngài.

– Nầy Visākhā, chuyến đi nầy ta không trở lại.

Bà Visākhā suy nghĩ rằng: “Hẳn là Đức Thế Tôn thấy điều chi có đủ nhân duyên trong chuyến đi nầy”.

Bà Visākhā liền yêu cầu:

– Bạch Ngài, vậy xin Ngài cho bớt một vị Tỳ khưu rành rẽ Phật sự trở lại chùa con, rồi Ngài hãy đi.

– Nầy Visākhā, nàng ưng thỉnh vị Tỳ khưu nào thì xin thỉnh bát của vị ấy đi.

Mặc dầu yêu mến Đại đức Ānanda hơn vị nào hết, nhưng bà xin thỉnh bát của Đại đức Moggallāna, vì bà nghĩ rằng: “Đại đức Moggallāna có thần thông, nhờ có Ngài công việc của ta sẽ nhẹ nhàng, dễ dãi”.

Đại đức nhìn Đức Bổn Sư, Ngài phán bảo rằng:

– Nầy Moggallāna, ông hãy dắt năm trăm Tỳ khưu quay lại đi.

Đại đức vâng lời, làm theo lịnh Đức Thế Tôn.

Do nhờ thần thông của Đại đức, mặc dầu số cây và đá cần dùng cách xa sáu mươi do tuần, những người đi trong ngày hôm ấy đều mang về thật nhiều đá to và cây lớn mà khỏi phải ra công chất lên xe bò cho cực khổ, tổn thương. Không bao lâu, họ kiến tạo được một tòa nhà lầu hai tầng, tầng dưới có năm trăm căn, tầng trên có năm trăm căn phòng. Thành ra tòa lâu đài có một ngàn căn phòng, tòa lâu đài được xây  cất trên một miếng đất trống, đứng trơ trọi giữa trời, xem không đẹp, thế là bà Visākhā cho cất thêm xung quanh năm trăm cái thiền thất, năm trăm ngôi nhà nhỏ, năm trăm ngôi nhà dài.

Đức Thế Tôn đi vân du hết chín tháng, Ngài mới trở lại thành Sāvatthī, công việc kiến tạo Tịnh thất của bà Visākhā vừa hoàn tất sau chín tháng ấy. Trên nóc lầu, bà Visākhā cho gắn sáu mươi hình nhân đội ghè nước bằng vàng ròng đặc. Khi nghe Đức Bổn Sư ngự về Jetavana, bà ra khỏi thành nghinh tiếp Ngài, rước về chùa của mình và nhận được lời Ngài chuẩn hứa:

– Bạch Ngài! Trong bốn tháng nầy, xin Ngài đem cả Tỳ khưu Tăng về đây ở, con sẽ cất lâu đài.

Đức Phật nhận lời, từ đó về sau bà Visākhā cúng dường Tỳ khưu Tăng có Đức Phật là Tăng trưởng tại ngôi chùa của bà. Khi ấy, có một cô bạn gái của bà ôm tấm vải đáng giá một ngàn đồng vàng, đến hỏi bà: “Bạn à! Tôi muốn trải tấm vải nầy làm thảm trải nho nhỏ trong lâu đài của bạn, vậy bạn chỉ chỗ cho tôi trải”.

– Lành thay, nầy bạn, nếu tôi nói là không có chỗ nào trống thì bạn nghĩ là tôi không muốn cho bạn có dịp làm phước, vậy bạn tự mình đi xem khắp cả ngàn căn phòng trong tòa lâu đài, để kiếm chỗ trải thảm đi”.

Bà bạn Visākhā ôm tấm vải một ngàn đồng vàng đi hết phòng nọ phòng kia, ngó không thấy chỗ nào còn nền trống: “Ta không được hùn phước trong tòa lâu đài nầy”, bà buồn tủi phận mình, đứng khóc một mình tại một chỗ nọ.

Khi ấy, Đại đức Ānanda thấy bà đang khóc, bèn hỏi:

– Cớ sao nàng khóc?

Bà thuật lại hêt sự tình, Đại đức khuyên rằng:

– Bà chớ nên buồn, ta sẽ chỉ chỗ cho nàng trải. Bà hãy trải tấm vải nầy làm thảm chùi chân tại chân cầu thang. Trước khi lên lầu, chư Tăng rửa chân xong, sẽ chùi lên tấm thảm nầy cho ráo nước rồi mới đi lên, như thế bà được quả phước lớn lắm.

Nghe nói rằng, bà Visākhā còn bỏ sót chỗ ấy vì không để ý đến nơi đó. Bà Visākhā để bát hộ độ chư Tăng có Đức Phật là vị Tăng trưởng suốt cả bốn tháng trong ngôi chùa mới, đến ngày cuối cùng, bà cúng dường y vai trái và y nội đến Đại đức Tăng, những y nầy có giá trị là hằng ngàn đồng vàng. Tất cả chư Tăng đều được cúng dường một bát đầy thuốc ngừa bịnh (bhesajjā), tổng cộng số tiền làm phước cúng dường là chín mươi triệu, như thế, nếu tính chín mươi triệu tiền mua đất, chín mươi triệu cất chùa và chín mươi triệu tiền cúng dường đại lễ, thì bà Visākhā đã xuất ra hai trăm bảy mươi triệu để làm phước thí trong Phật giáo. Là một nữ nhân trong một gia đình tà kiến khi trước, mà bà đã khéo chuyển gia đình chồng trở về chánh pháp, làm được đại thí như thế đó, ngoài bà Visākhā ra không có một ai khác nữa.

Ngày mà Đông Phương Đại Tự hoàn tất, khi bóng chiều đã tàn, bà Visākhā đã cầm đầu con cháu đông đúc của bà nhiễu quanh ngôi chùa mới. Bà nghĩ: “Điều nầy, điều nọ, ta đã nguyện ước xưa nguyện kia, ngày nay tất cả đều được thành tựu viên mãn”.

Bằng giọng du dương, bà cảm hứng ngâm lên kệ ngôn rằng:

1. “Kadāhaṃ navapāsādaṃ,
Sudhāmattikalepanaṃ;
Vihāradānaṃ dassāmi,
Saṅkappo mayha pūrito”.

1. “Chừng cất xong lâu đài,
Tô thạch cao trong ngoài,
Ta sẽ dâng chùa mới
Nguyện ta mãn từ nay”.

2. “Kadāhaṃ mañcapīṭhañca,
Bhisibimbohanāni ca;
Senāsanabhaṇḍaṃ dassāmi,
Saṅkappo mayha pūrito”.

2. “Chừng có giường ghế dài,
Gối đủ thứ trong ngoài,
Ta sẽ dâng chỗ ngụ,
Nguyện ta mãn từ nay”.

3. “Kadāhaṃ salākabhattaṃ,
Sucimaṃsūpasecanaṃ;
Bhojanadānaṃ dassāmi,
Saṅkappo mayha pūrito”.

3. “Chừng rút thẻ sớt bát,
Cơm trắng trộn thịt nạc,
Ta sẽ cúng Trai Tăng,
Nguyện ta nay thành đạt”.

4. “Kadāhaṃ kāsikavatthaṃ,
Khomakappāsikāni ca;
Cīvaradānaṃ dassāmi,
Saṅkappo mayha pūrito”.


4. “Chừng có vải Ca Thi,
Vải li nông, vải chỉ,
Ta sẽ cúng dường y,
Nguyện nay ta hoàn mỹ”.

5. “Kadāhaṃ sappinavanītaṃ,
Madhutelañca phāṇitam;
Bhesajjadānaṃ dassāmi,
Saṅkappo mayha pūrito”.

5. “Chừng có sanh tô lạc,
Mật ong với đường dầu,
Ta sẽ dưng giải khát,
Nay ta mãn nguyện cầu”.

Chư Tỳ khưu nghe tiếng ngâm kệ của bà Visākhā liền bạch với Đức Bổn Sư:

– Bạch Ngài, từ bấy lâu nay chúng con chưa hề nghe bà Visākhā ngâm kệ. Hôm nay sao bà dắt cả đoàn con cháu nhiễu vòng quanh tòa lâu đài, vừa đi vừa ca hát như thế, có phải là tâm bà nổi sân hay nổi điên rồi không.

Đức Bổn Sư đáp: “Nầy các Tỳ khưu, không phải con gái ta ca hát đâu, vì thấy bao nhiêu nguyện ước của mình đã thành tựu mỹ mãn, nó hoan hỷ thỏa thích nên vừa đi vừa ngâm kệ ngẫu hứng đó”.

Chư Tăng bạch hỏi: “Bạch Ngài, bà ấy phát nguyện từ bao giờ mà nay được thành tựu?”.

Nghe vậy, Đức Bổn Sư phán: “Nầy các Tỳ khưu, các ông hãy lắng nghe”.

– Chúng con nghe đây, bạch Ngài.

Đức Bổn Sư liền dẫn tích đời quá khứ: “Nầy các Tỳ khưu, cách đây một trăm ngàn kappa, có Đức Phật hồng danh là Padumuttara giáng thế. Tuổi thọ của Ngài là một trăm ngàn năm, Ngài có một trăm ngàn đệ tử Lậu Tận, kinh đô là Haṃsavatī (Nga Thành), phụ vương Ngài là Sunanda, mẫu hậu của Ngài là Sujātādevī. Trong số các đại thí chủ của Ngài, có bà đại thí chủ là một tín nữ xin được tám đặc ân, được nhận làm mẹ nuôi của Ngài, cung phụng cho Ngài bốn món vật dụng, sáng chiều hai lượt đến hầu Ngài, bà luôn luôn đi chùa với một cô bạn, cô nầy thấy bà chuyện trò thân mật với Đức Phật và được Ngài quý mến thì nghĩ thầm: “Không biết bà làm cách nào mà được chư Phật sủng ái, quý mến như vậy?”. Rồi cô hỏi Đức Bổn Sư: “Bạch Ngài, bà đó là chi của Ngài?”.

– Bà là trưởng ban hộ Tăng.

– Bạch Ngài, bà đã làm gì mà được chức vụ trưởng hộ Tăng?

– Bà đã từng phát nguyện được địa vị nầy từ một trăm ngàn đại kiếp trở về trước.

– Bạch Ngài! Bây giờ con phát nguyện thì có được không?

– Có thể được.

– Thế thì con xin thỉnh Ngài cùng với một trăm ngàn Tỳ khưu đến thọ thực tại nhà con liên tiếp bảy ngày.

Đức Bổn Sư im lặng nhận lời.

Sau bảy ngày Trai Tăng, trong ngày chót, bà dâng y vai trái và y nội xong, đảnh lễ Đức Bổn Sư rồi mọp bên chân Ngài mà phát nguyện rằng:

– Bạch Ngài! Do phước của đại lễ Trai Tăng nầy, con không ước nguyện điều chi khác hơn là: Sau nầy, con sẽ được gặp vị Chánh Đẳng Giác thời vị lai, và sau khi yêu cầu sẽ được ban tám đặc ân, được nhận làm mẹ nuôi, cúng dường bốn món vật dụng, có thể trở nên trưởng ban hộ Tăng bên phái nữ trong ngày vị lai.

Đức Bổn Sư tự hỏi: “Lời nguyện của tín nữ nầy sẽ thành tựu hay không?”. Ngài liền quán sát vị lai một trăm ngàn kiếp, thấy rằng sẽ có vị Chánh Đẳng Giác giáng thế, có hồng danh là Gotama. Đến thời ấy, cô sẽ là tín nữ tên là Visākhā, sẽ được Đức Phật ấy ban cho tám đặc ân, được đứng địa vị mẹ nuôi và sẽ trở nên trưởng ban hộ Tăng bên phái nữ để cúng dường tứ vật dụng.

Cũng như tài sản của ai thì người ấy phải được hưởng, cô tín nữ ấy về sau đã được đắc kỳ sở nguyện vậy.

Cô ấy vẫn tiếp tục làm phước cho tới khi hết tuổi thọ, thác xuống và sanh lên cõi trời và luân chuyển lên xuống hai cõi nhân thiên, cho đến thời kỳ Đức Chánh Biến Tri Kassapa, cô thọ sanh là công chúa Saṅghadāsī, là con gái thứ bảy của vua Kikī trong xứ Kāsi. Sau khi xuất gia, Công chúa cùng với mấy chị chồng hằng tạo thêm nhiều phước, nhất là bố thí cúng dường, xong rồi mới quỳ bên chân Đức Chánh Biến Tri
Kassapa, nguyện rằng: “Trong kiếp vị lai, xin cho con gặp Đức Phật như Ngài, sẽ ban cho con tám đặc ân và lập làm mẹ nuôi, đứng đầu tất cả các nữ thí chủ lo việc dâng cúng từ vật dụng”. Từ kiếp ấy Công chúa Saṅghadāsī luân chuyển lên xuống hai cõi nhân thiên, cho đến kiếp hiện tại, thọ sanh làm con gái Trưởng giả Dhanañjaya, là trưởng nam của đại Trưởng giả Meṇḍaka, và đã tạo nhiều phước nghiệp trong Giáo
Pháp của Ta đây”.

Như thế, nầy các Tỳ khưu, không phải con gái của Ta ca hát vì lí do khác, nhưng vì thấy bổn nguyện đã thành tựu, cho nên cao hứng ngân kệ ngẫu hứng đó thôi.

Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết một thời pháp và kết luận rằng:

– Nầy các Tỳ khưu! Một người thợ làm tràng hoa thiện nghệ, sau khi góp các thứ hoa được dồn thành đống lớn, rồi từ đó lấy ra kết làm nhiều tràng hoa kiểu mẫu khác nhau như thế nào thì Visākhā lưu tâm làm các việc lành cũng như thế ấy.

Đoạn Đức Bổn Sư thuyết kệ rằng:
“Yathā’pi puppharāsimhā,
Kayirā mālāguṇe bahū;
Evaṃ jātena maccena,
Kattabbaṃ kusalaṃ bahuṃ”.

“Như từ một đống hoa riêng,
Nhiều tràng hoa được thợ liên kết thành.

Từ thân người được phát sanh,
Biết bao nhiêu việc phước lành cho ta”.

CHÚ GIẢI:
Trong bài kệ Phạn ngữ, tiếng Puppharāsimhā là nói do từ một đống đủ các loại hoa.

Kayirā: Là có thể làm ra.

Mālāguṇe bahū: Là các hoa có cuống dính chung, được tách rời ra để kết lại thành nhiều kiểu tràng hoa.

Maccena: Tất cả chúng sanh đều không thoát khỏi bàn tay tử thần. Ta mong được sanh làm con người khá nên tạo nhiều nghiệp lành như bố thí, dâng y chẳng hạn. Trong bài kệ, Đức Phật dùng tiếng đống hoa (Puppharāsī) cho ta thấy là rất nhiều hoa, chất cả đống, quả nhiên nếu ít hoa thì thợ làm tràng hoa thiện nghệ không kết thành nhiều tràng hoa được. Còn người không thiện nghệ, dầu cho có nhiều hoa hay ít hoa cũng chẳng làm được chi cả, cho nên cần phải có nhiều hoa và người thợ lành nghề mới có thể làm nhiều tràng hoa được. Cũng như thế, một người có ít đức tin mà lại ít của cải thì không thể làm phước được. Người có đức tin dồi dào mà ít của cải cũng khó làm phước. Chỉ có người có đức tin nhiều, của cải dồi dào thì người ấy mới có thể tạo được nhiều phước lành. Và người đầy đủ khả năng như thế chính là bà Visākhā mà Đức Phật đã đề cập đến trong bài kệ.

“Như từ một đống hoa riêng,
Nhiều tràng hoa được thợ liên kết thành.
Từ thân người được phát sanh,
Biết bao nhiêu việc phước lành do ta”.

Bài kệ vừa dứt nhiều vị Tỳ khưu chứng đắc Thánh quả, nhất là Dự Lưu quả. Đại chúng thính pháp cũng hưởng được nhiều lợi ích.


Dịch Giả Cẩn Đề
Tín nữ đứng đầu có Thiện Chi,
Đức tin sản nghiệp mấy ai bì,
Cất chùa hộ Phật nuôi Tăng chúng,
Thính pháp khuyên cha giữ giới quy.
Thưở bé đã thành Sơ thánh quả,
Khi già chưa mất nét xuân thì,
Con đàn cháu lũ đều khương thọ,
Phước lộc ba đời chẳng thể suy.
DỨT TÍCH BÀ VISĀKHĀ

51

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app