Chú Giải Kinh Pháp Cú Quyển I

Phẩm Tâm: Tích Trưởng Lão Mê Kỳ Dạ

“Phandanaṃ capalaṃ cittaṃ,
Durakkhaṃ dunnivārayaṃ;
Ujuṃ karoti medhāvī,
Usukāro’va tejanaṃ”.
“Vārijo’va thale khitto,
Okamokata ubbhato;
Pariphandati’daṃ cittaṃ,
Māradheyyaṃ pahātaveti”.

“Tâm xao động không yêu,
Khó giữ, khó kiểm định.
Người trí điều tâm chỉnh,
Như thợ khéo uốn tên”.

“Như thủy tộc bị vớt,
Bỏ lên bờ xa nước.
Tâm nầy run lạ thường,
Hãy thoát cảnh Ma vương”.

Hai bài kệ Pháp Cú nầy (33 – 34) Đức Bổn Sư thuyết ra khi Ngài ngự tại núi Cālika (Trà Lý Ca), đề cập đến Đại đức Meghiya (Mê Kỳ Dạ).
(Sự tích Đại đức Meghiya có giải rộng trong kinh Meghiya. Nơi đây chỉ tóm tắt sơ lược.)

Trong thời kỳ Đại đức Ānanda chưa xuất gia, đại đức Meghiya là vị Sa môn tùy tùng của Đức Bổn Sư, một hôm trông thấy một vườn xoài, cảnh trí u nhã. Đại đức phát tâm mãnh liệt, muốn vào đó để tu tập, mong sớm đắc đạo quả. Đại đức bèn ngỏ lời xin phép Đức Thế Tôn, nhưng Ngài đã ngăn cản Đại đức ba lần mà Đại đức vẫn quyết tâm bỏ Ngài ra đi. Vào đến vườn xoài, Đại đức cố gắng hành Sa môn pháp, nhưng vì tâm còn dục vọng chưa tự chủ được, nên phiền não dấy lên. Đại đức thối chuyển bèn quay về tạ tội với Đức Bổn Sư.

Khi ấy Đức Bổn Sư qưở trách rằng:

– Nầy Meghiya! Tội của ông làm thật nặng nề lắm, Ta đã can ngăn, bảo ông rằng: “Nầy Meghiya, hãy khoan. Hiện giờ Ta chỉ có một mình, chừng nào ta kiếm thấy vị Tỳ khưu khác thay thế cho ông, rồi ông hãy đi”. Ông đã chẳng kể gì đến lời yêu cầu của Ta, bỏ Như Lai một mình ra ra đi. Mang danh Tỳ khưu mà có tâm nông nổi, không vâng lời Như Lai, thì thật là không nên vậy. Trái lại, ông nên sửa đổi tâm mình sao cho nhẹ nhàng uyển chuyển, mềm mại dễ uốn nắn.

Nói rồi Đức Bổn Sư ngâm kệ rằng:

“Phandanaṃ capalaṃ cittaṃ,
Durakkhaṃ dunnivārayaṃ;
Ujuṃ karoti medhāvī,
Usukāro’va tejanaṃ”.

“Tâm phàm xao xuyến rộn ràng,
Rất khó kiểm soát, khó hàng phục thay!
Người trí uốn nắn tâm ngay,
Dễ dàng như thợ có tài uốn tên”.

“Vārijo’va thale khitto,
Okamokata ubbhato;
Pariphandati’daṃ cittaṃ,
Māradheyyaṃ pahātaveti”.

“Như thủy tộc nằm vứt trên,
Xa bờ cách nước, vẫy lên hãi hùng.
Tâm nầy run rẩy hãi hùng,
Hãy mau chóng thoát khỏi vùng ác ma”.

CHÚ GIẢI:
Trong bài kệ Phạn ngữ, tiếng Phandanaṃ nghĩa là xao xuyến, rung động khi tiếp xúc với cảnh (đối tượng) là Ngũ trần (Sắc, Thinh, Khí, Vị, Xúc).

Capalaṃ: Rộn ràng, không trú vững trong một đối tượng, giống như trẻ con ở miền quê, không giữ được một oai nghi.

Cittaṃ: Tâm là thức (viññāṇa) đây nói về tứ đại tâm, là tâm nương theo đối tượng ở bốn cõi: Dục, Sắc, Vô sắc và Siêu thế.

Durakkhaṃ: Khó gìn giữ tâm không cho nó đeo níu theo Ngũ trần là đối tượng mà nó ưa thích mỗi khi có sự tiếp xúc. Cũng như khó giữ gìn một con bò không cho nó ăn lúa, khi thả nó tự do đi trong đồng lúa chín.

Dunnivārayaṃ: Khó kiểm soát, khó giữ gìn, khó ngăn chận không cho tâm chạy theo đối tượng khác với đề mục đã chọn.

Usukāro’va tejanaṃ: Cũng như người thợ chuốt tên khi vô rừng chọn một khúc cây rễ chắc đem về, đẽo vót thành mũi tên, cho nó trở nên mềm dịu, dễ uốn nắn, đoạn buộc ép nó vào một cây cột thật chặt ngay thẳng, hoàn thành một mũi tên không lệch lạc, mà người ấy dùng bắn một sợi tóc ở đàng xa, với mũi tên ấy, người thợ vào triều biểu diễn tài nghệ bắn cung cho đức vua và bá quán xem, ắt được ban thưởng trọng hậu như thế nào, thì cũng như thế ấy, một nam tử hiền minh có đủ trí tuệ trước hết trọ trì hạnh Đầu đà ngụ nơi rừng vắng để cho phàm tâm của mình bớt xao xuyến rộn ràng. Như người thợ chuốt tên đẽo vót các phiền não thô sơ bên ngoài cái phàm tâm, tẩm nó bằng thứ dầu yêu mến đức tin nơi Chánh Pháp. Hơ nó lên ngọn lửa nóng là sự nhiệt thành tinh tấn cả thân tâm, đem nó lên buộc ép trên cây cột Chỉ, Quán (Samathavipassanā) làm cho nó trở nên ngay thẳng, phẳng phiêu, rồi ắt sẽ thấu triệt các pháp hữu vi, phá vỡ cái khối vô minh vĩ đại, chứng đắc Tam minh, Lục thông, Cửu Chánh Pháp. Khi làm chủ được các pháp siêu nhân ấy rồi, người trở nên là bậc Ứng Cúng tối thượng rất đáng thọ dụng các vật dâng cúng của tín thí vậy.

Vārijo’va: Như là loài thủy tộc, giống vật sống dưới nước như cá.

Thale khitto (bị vứt lên bờ): Là bị người ta dùng tay chân, lưới, chài, hoặc phương tiện nào khác bắt được bỏ nằm trên bờ.

Okamokata ubbhato: Trong thành ngữ nầy, chữ Oka có đủ cả hai nghĩa: một là nước, như nói okapuṇṇehicīvarehi (với những li đầy nước); hai là chỗ ở như đã nói:

Okaṃ pahāya aniketasārī (bỏ nhà làm kẻ lang thang không nhà). Loài thủy tộc sanh trưởng dưới nước, thì nước là chỗ trú của nó vậy. Ubbhato là bị vớt lên, bị kéo lên khỏi chỗ ở.

Pariphandatidaṃ cittaṃ: Cũng như con cá bị vớt lên khỏi nước là chỗ ở thường xuyên của nó, bị bỏ nằm trên khô, nó hằng vùng vẫy như thế nào, thì cái phàm tâm này cũng thế; khi nó bị kéo lôi ra khỏi gian nhà ngũ dục mà nó hằng vui say thỏa thích, bị đặt lên đề mục niệm Minh Sát, lúc mà hành giả thân tâm tinh tấn, cần tu nhiệt tâm tinh cần để mau thoát khỏi cái vòng luân hồi, gọi là cảnh giới của ác ma thì nó
cũng run rẩy, vẫy vùng không chịu yên lặng. Tuy nhiên là kẻ nam tử, là bậc trí tuệ cũng không vì thấy khó mà bỏ qua hay là xao lãng phận sự rèn luyện tâm mình, uốn nắn nó trở nên chân chánh và dễ sử dụng. Hoặc là: Cái phàm tâm nầy, vì còn bị trói buộc trong vòng luân hồi khổ não, còn ở dưới quyền thao túng của Ma vương cho nên nó run rẩy hãi hùng như loài thủy tộc bị vớt lên khỏi nước vậy. Hãy mau thoát khỏi
cảnh giới của ác ma, thoát ra cái gọi là vòng luân hồi khổ não hằng làm cho tâm phàm run rẩy hãi hùng.

Bài kệ vừa dứt, Đại đức Meghiya chứng đắc Tu Đà Hườn quả, trong số các Tỳ khưu khác cũng chứng đạt Thánh quả như Tù Đà Hườn.

Dịch Giả Cẩn Đề
Ngài Mê Kỳ Dạ quyết tu thiền,
Ngặt nỗi tâm phàm khó định yên!
Thầy dạy: Hãy khoan chờ thị giả!
Trò xin: Cho gấp đến lâm tuyền!
Rừng sâu tưởng chứa nhiều pháp tịnh,
Cảnh vắng càng sanh lắm sự phiền!
Rốt cuộc lui về nương bóng Phật,
Buổi nầy, chưa hiệp đủ nhân duyên.
DỨT TÍCH ĐẠI ĐỨC MEGHIYA

34 33

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app